Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Sunday, October 28, 2018

HỘI NGỘ LIÊN KHÓA CỰU SINH VIÊN QGHC THẾ GIỚI KỲ 4 THÀNH CÔNG RỰC RỠ








HỘI NGỘ LIÊN KHÓA CỰU SINH VIÊN QGHC THẾ GIỚI KỲ 4

TỔ CHỨC TẠI THÀNH PHỐ SYDNEY, TIỂU BANG NEW SOUTH WALES, ÚC CHÂU THÁNG 10 NĂM 2018 THÀNH CÔNG RỰC RỠ

Toan Hoi Ngo
Hình Lưu Niệm các Đồng Môn tham dự Hội Ngộ Liên Khoá Kỳ 4 tại Sydney
Đại Hội Cựu Sinh Viên QGHC Thế Giới năm 2018, tiếp nối truyền thống với danh xưng “Hội Ngộ Liên Khoá CSV/QGHC Kỳ 4/2018 tại Sydney, Úc Châu”, đã diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt cần được ghi lại như sau :
– Ngày 21/10/ 2017, tại Hoa Kỳ : Anh Trần Văn Phan, lúc đó là Hội Trưởng Hội CSV/QGHC Liên Bang Úc Châu kiêm Tiểu Bang New South Wales vượt nửa vòng trái đất sang Hoa Kỳ dự Đại Hội CSV/QGHC/TG và nhận Cờ Luân Lưu về Úc để nhận trách nhiệm tổ chức Đại Hội vào năm 2018 như thường lệ;
– Ngày 16/12/2017 : Anh Trần Văn Phan, với tư cách là Hội Trưởng Hội Cựu SV – QGHC LBUC soạn một thư ” Thông Báo Đại Hội QGHC Liên Khoá 2019” để gởi cho Chủ Tịch Hội CSV/QGHC/Nam California/Hoa Kỳ, cho biết đã triệu tập một buổi họp tại tư gia của Anh đi đến quyết định không tổ chức Đại Hội năm 2018 mà sẽ dời lại năm sau, 2019. Trích : “Tuy nhiên, nếu năm 2018 có Quý Hội nào muốn tổ chức Đại Hội thì tôi xin trao lại Cờ Luân Lưu cho Hội đó. (Riêng tôi vì lý do sức khỏe và thời gian quá ngắn để chuẩn bị cho một Đại Hội được mở rộng tại hải ngoại nếu được tổ chức vào năm 2018);
– Các ngày 23/12/2017 và ngày 10/01/2018 : Anh Trần Văn Phan gởi bức thư dài đến các hội viên Úc Châu tựa đề “ Thư Mời Họp để Chủ Tịch Liên Bang và Tiểu Bang NSW có quyết định quan trọng và các hội viên chính thức đề cử Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội QGHC Thế Giới 2018” , trong đó nêu ra hai điều quan trọng là xác nhận Anh Lê Văn Thái đã được các Hội Melbourne va Queensland đề cử làm Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội, nay họp lại để Hội NSW chính thức mời Anh Thái làm Trưởng BTC/ĐH và xác định sẽ chính thức từ chức Hội Trưởng Liên Bang và NSW “để các anh chị em không mất thì giờ về việc tổ chức Đại Hội”
-Ngày 13/01/2018 : Anh Lê Văn Thái, với tư cách là Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội, gởi đến các hội viên NSW “Thư Mời Họp Tổ Chức Hội Ngộ Liên Khoá Kỳ 4 Tại Sydney, Australia”
– Ngày 23/01/2018 : Anh Nhan Tử Hà, Hội Trưởng Hội CSV/QGHC/VIC kiêm Hội Phó LBUC, với tư cách Đại Diện Hội CSV/QGHC/LBUC, gởi thư đến Quý Vị Giáo sư, Quý Đồng Môn xác định nguyên Hội Trưởng LB và TB/NSW Trần Văn Phan đã từ chức, đồng thời xác định quyết tâm tổ chức Đại Hội Liên Khoá tại Sydney vào năm 2018.
Từ sau ngày 23/01/2018, tinh thần và quyết tâm của mọi người trong Hội lên rất cao ! Trong khi Anh Nhan Tử Hà khiêm tốn nhận là “Xử Lý Thường Vụ Hội Trưởng LBUC”, Anh Bùi Đức Hùng từ Hội NSW nhất thiết nêu ý kiến, sau đó đã được các Anh Chị tại NSW ủng hộ, Anh Hà phải là “Quyền Chủ Tịch Hội LBUC” vì Cựu Hội Trưởng Trần Văn Phan đã từ chức rồi và trong hoàn cảnh đặc biệt này, Anh Hà cần hành xử mọi việc trong nước Úc và trên toàn thế giới với tư cách Quyền Chủ Tịch Hội LBUC, và sẽ có Đại Hội LBUC bầu cử sau !

  • Riêng với Hội CSV/QGHC/NSW, Huynh Trưởng Nguyễn Khoa Huân được bầu làm Hội Trưởng, dù tuổi cao, sức yếu vẫn hăng hái, quyết tâm lãnh đạo Hội và giúp hết sức cho Đại Hội !
–  Ngày 28/01/2018 : Quyền Chủ Tịch Hội CSV/QGHC/LBUC chính thức mời các Giáo Sư, các Chủ Tịch Hội CSV/QGHC, các Đồng Môn cùng Gia Đình và Thân Hữu trên toàn thế giới về dự Hội Ngộ Liên Khoá CVS/QGH Kỳ 4 tại Sydney, Úc Châu năm 2018;
– Vào các ngày 12 và 27 tháng 02/2018; ngày 02 và 28 tháng 3/2018; ngày 05 và 14 tháng 4/2018 : Quyền Chủ Tịch LBUC và Trưởng, Phó Ban Tổ Chức liên tiếp ra các Thông Báo Tổng Quát, Thông Báo Về Tiền Hội Ngộ Liên Khoá, Thông Báo Bổ Túc Về Việc Ghi Danh, Thông Báo Du Lịch Canberra 19/10/2018, Thông Báo Về Book Cruise từ 24/10 đến 01/11/2018;
Riêng Hội CSV/QGHC/NSW liên tiếp họp tại RSL Club Bankstown, liên tiếp tập dượt văn nghệ tại tư gia Anh Ngô Văn Đượm, Phó Ban Tổ Chức kiêm Phụ Trách Văn Nghệ cho Đại Hội hoặc tại tư gia của Nhạc Sĩ Đặng Hữu Hiếu. Có những người bận đi làm bảy ngày một tuần như Anh Bùi Đức Hùng hoặc ở rất xa như Chị Nguyễn Thị Bạch Yến cũng hết sức cố gắng đến tập dượt !

A-chung

Ban Tổ Chức họp mặt


– Từ tháng 02 đến tháng 10/2018 : Các Đồng Môn CSV/QGHC liên tiếp tự nguyện đóng góp tài chánh cho việc tổ chức Đại Hội 2018. Trưởng Ban Tổ Chức Lê Văn Thái lập và gởi đến từng người Bản Phân Công rất chi tiết, rõ ràng, giao các phần hành cho “đúng người, đúng việc”, quyết tâm tổ chức thành công Đại Hội Thế Giới Kỳ 4 !
Và cũng trong thời gian này, với hoàn cảnh “trăm công ngàn việc, dầu sôi lửa bỏng” như vậy, tập thể CSV/QGHC trên toàn thế giới đã phải sót dạ tiếc thương cho những mất mát to lớn tại Úc Châu như sau :

  • Ngày 20/07/2018 : Huynh Trưởng Nguyễn Khoa Huân, Hội Trưởng Hội CSV/QGHC/NSW đột ngột qua đời tại tư gia ở vùng Canley Vale, Tiểu Bang New South Wales, Úc Châu, hưởng thọ 91 tuổi !
  • Ngày 20/10/2018 : Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh VNCH Nguyễn Khắc Nhân qua đời tại Sydney, Tiểu Bang New South Wales, Úc Châu, hưởng thọ 92 tuổi !
Những dày đặc khó khăn, trở ngại, mất mát diễn ra liên tiếp và bất ngờ như thế lại là một đòn bẩy mãnh liệt bật tung Đại Hội Hội Ngộ Liên Khoá Kỳ 4 này lên tầm cao thành công rực rỡ ngoài mong ước ban đầu !
– Ngày 18/10/2018 : Anh Nguyễn Văn Tâm, Chị Đỗ Thị Anh và một số Anh Chị trong Ban Tổ Chức Đại Hội ra tận Phi Trường Sydney đón tiếp các Đồng Môn CSV/QGHC thế giới đến từ Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Melbourne, Adelaide, Queensland, Perth . . . về dự Đại Hội.
Nơi tạm trú cho Quý Anh Chị và gia đình là một Khách Sạn rất khang trang, địa điểm thuận lợi, gần các tiện nghi mọi mặt là Holiday Inn, số 355 Hume Highway, Warwick Farm NSW 2170;
-Ngày 19/10/2018 : Phái Đoàn dự Đại Hội đi thăm Thủ Đô Úc Canberra. Tour Guide là Anh Đặng Văn Hiền;
Buổi tối : Đại Hội Bầu Tân Hội Trưởng, chọn Tân Ban Chấp Hành Liên Bang Úc Châu và Tiểu Bang New South Wales cho Nhiệm Kỳ 2018 – 2021 tại Nhà Hàng Liberty Palace, Bankstown  với MC là Anh Trương Công Thôi.
Anh Nhan Tử Hà được bầu làm Hội Trưởng Liên Bang. Anh Lê Văn Thái được bầu làm Hội Trưởng Tiểu Bang new South Wales. Các Hội Trưởng Liên Bang và Tiểu Bang đã chọn lựa nhân sự trong Ban Chấp Hành của mình .

cropped-a1.jpg

Đại Hội Liên Bang Úc Châu tại NSW


-Ngày 20/10/2018 : Từ 11 giờ sáng đến xế chiều là sinh hoạt đặc sắc “Tiền Hội Ngộ “, tạo điều kiện và không gian cho CSV/QGHC các Khoá hội ngộ, hàn huyên, tổ chức tại Bankstown Sport Bowling Club, số 41 Northam Avenue, Bankstown NSW 2200 với sự điều hợp của Anh Lê Văn Thái và Chị Đỗ Thị Anh;
Cùng ngày này, từ 3 giờ chiều đến tối, Anh Thái, Anh Tâm, Anh Hùng, Anh Lưu và con trai của Anh Lưu là Cháu Tài đã đến Trung Tâm Văn Hoá và Sinh Hoạt CĐ/NVTD/NSW, số 2-4 Bibbys Place, Bonnyrigg NSW 2177 để lập bàn thờ, mua 20 thước vải đỏ, xem lại chân dung, hình ảnh, lư hương, chân đèn, mâm, đĩa, ly, hương, đèn cầy cỡ đại. Khó khăn nhất là căng  ba biểu ngữ vào vị trí và tầm cao thích hợp ! Tât cả chuẩn bị cho Lễ Nhớ Ơn Thầy và Tưởng Niệm các Đồng Môn quá cố vào ngày hôm sau;
Chiều tối là buổi tổng dượt văn nghệ của toàn thể các ca nhạc sĩ “cây nhà lá vườn”  tại tư gia của Nhạc Sĩ Đặng Hữu Hiếu cho Đêm Liên Hoan Hội Ngộ cũng vào đêm hôm sau;
– Ngày 21/10/2018 :

  • Buổi Sáng : Lễ Nhớ Ơn Thầy và Tưởng Niệm Đồng Môn Quá Cố tổ chức tại Trung Tâm Văn Hoá và Sinh Hoạt CĐ/NVTD/NSW ở Bonnyrigg. Tất cả CSV/QGHC cùng gia đình, thân hữu đến Úc Châu dự Đại Hội đều tham dự, đặc biệt có sự hiện diện của Anh Nguyễn Đức Du đang nằm ở Viện Dưỡng Lão Lansvale, bị tai biến mạch máu não từ lâu, không nói được, phải luôn nằm trên giường. Hiền nội và con gái duy nhất của Anh Du đã đưa Anh đến dự Đại Hội, dự Lễ Nhớ Ơn Thầy và Tưởng Niệm Đồng Môn Quá Cố; Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch CĐ/NVTD/NSW là Paul Huy Nguyễn và Katie đã đến dự;

DongMonAUST

Đồng Môn tham dự Hội Ngộ Liên Khóa Kỳ 4 tại Sydney



Chủ Lễ là Anh Bùi Đức Hùng, Phụ Lễ là Anh Đinh Bá Thành, hai Hầu Lễ là Anh Đặng Trần Minh và Nguyễn Văn Tâm. Nghi lễ này đã được tiến hành rất trang trọng theo phong tục cổ truyền có ba hồi chiêng trống, dâng trà, rượu, bánh, trái cây. Chủ Lễ đọc Lời Nhớ Ơn và Tưởng Niệm đặt trên khung long phụng. Mọi người hiện diện đều đứng lên dự lễ và sau đó lên niệm hương trước Bàn Thờ rất trân trọng và cảm động !

Dang Le Vat
Hành Lễ Nhân Ngày Nhớ Ơn Thầy: Chủ Lễ: Bùi Đức Hùng, Phụ Lễ Đinh Bá Thành


Các diễn giả phát biểu ngay sau Lễ : Trưởng Ban Tổ Chức Lê Văn Thái,
CHỦ TỊCH QGHC NSW

Hội Trưởng Hội CSV/QGHC/LBUC Nhan Tử Hà đọc Tuyên  Cáo quan trọng,
CHỦ TỊCH QGHC LBUC_NT HÀ

Chủ Tịch Cộng Đồng NVTD/NSW ca ngợi và khâm phục sự đào tạo và thành quả giúp dân, giúp nước, giúp nền Hành Chánh VNCH của Học Viện QGHC và của các CSV/QGHC xuất thân từ trường đại học danh tiếng này, phát biểu của đại diện các Hội CSV/QGHC từ các nơi đến;
CHỦ TỊCH CDNVTD NSW

Anh Nguyễn Trường Phát, Phó chủ Tịch Hội CSV/QGHC/Miền Đông Hoa Kỳ đại diện Hội lên nhận Cờ Luân Lưu tổ chức Đại Hội kỳ 5 tại Hoa Kỳ;

Ha Phat

Anh Nguyễn Trường Phát, Đại diện Hội Cựu SV QGHC Miền Đông Hoa Kỳ, nhận cờ Luân Lưu từ Anh Nhan Tử Hà



Toàn thể mọi người kể cả Anh Nguyễn Đức Du nằm trên giường bệnh đã chụp hình lưu niệm cho Đại Hội Kỳ 4/2018 Sydney, Úc Châu, có lẽ khó thể có bức hình lưu niệm nào đặc biệt hơn ! 

ANH CHI NĐ DU

Anh và Chị Nguyễn Đức Du (ĐS15) dự Hội Ngộ Liên Khoá



  • Buổi trưa : Tại Nhà Ăn ngay phía sau Trung Tâm này là Tiệc Trà Hội Ngộ Thân Mật, ăn trưa nhẹ và sinh hoạt văn nghệ, ngâm thơ, hát vọng cổ, kể chuyện vui, khiêu vũ, nổi bật có Anh Nguyễn Văn Sanh, Chị Nguyễn Thị Bạch Yến, cặp khiêu vũ Hoàng Hoa Hoàng Trường Tấn và Hiền Nội;

Anh Ngô Văn Đượm

Anh Ngô Văn Đượm và chương trình văn nghệ


  • Buổi tối : Liên Hoan Hội Ngộ tại Nhà Hàng Libety Palace tại số 256 Chapel Road, Bankstown NSW 2200 trong khung cảnh đẹp tuyệt vời, ánh sáng muôn màu, rực rỡ, âm thanh trầm ấm, trên sân khấu lúc nào cũng xuất hiện tươi đẹp các nam nữ ca sĩ, nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” trình diễn, dưới sàn nhảy lúc nào cũng đầy chật các cặp khiêu vũ vui tươi, sống động, đặc biệt có cặp Trần Ngọc Liên, Nguyễn Đồng Danh biểu diễn “solo” điệu valse !

Một “tiết mục bất ngờ thú vị, nghi lễ đặc biệt” là này Anh Lê Văn Thái, Trưởng Ban Tổ Chức, đã mời Chị Nguyễn Thị Thư (ĐS16 ) và Anh Trần Đức Tạo (TS1, ĐS16, CH8) lên sân khấu và trước sự chứng kiến đặc biệt toàn thể Đồng Môn hiện diện trong Đêm Liên Hoan Hội Ngộ, và một “Lễ Thành Hôn” đã được cử hành, kết hợp “đôi trai tài gái sắc đồng môn” này nên vợ, nên chồng ăn đời ở kiếp bên nhau !


 Anh Hội Trưởng Liên Bang Nhan Tử Hà lên sân khấu tuyên đọc tên các Anh Chị Đồng Môn có công lao đặc biệt giúp tổ chức thành công Đại Hội Hội Ngộ Kỳ 4/2018 Sydney, Úc châu :

  1. Ngô Văn Đượm
  2. Nguyễn Văn Sáu
  3. Trần Thị Huệ
  4. Nguyễn Đồng Danh
  5. Bùi thị Kim Phương
  6. Hoàng Trường Tấn
  7. Phạm Cao Tùng
  8. Bùi Đức Hùng
  9. Nguyễn Văn Tâm
  10. Trần Thiện Tích
  11. Đỗ Thị Anh
  12. Đặng Văn Hiền
  13. Vũ Quang Dũng
  14. Nguyễn Thị Bạch Yến
  15. Nguyễn Duy Nhạc
Anh Hội Trưởng Liên Bang Úc Châu đã trao Bằng Tưởng Thưởng cho từng người và chụp hình lưu niệm.
Đêm Liên Hoan Hội Ngộ Liên Khoá Kỳ 4/2018 kéo dài đến khuya rất vui tươi, sống động, tài năng và thân ái !
Các sinh hoạt Đại Hội vẫn còn đang tiếp diễn với các cuộc thăm viếng, du ngoạn tại Úc Châu, đặc biệt là du lịch trên du thuyền Carnival Legend đi thăm vùng biển san hô đẹp và lớn nhất thế giới Great Barriers Reef phiá Đông Bắc gần tiểu Bang Queensland từ ngày 24/10 đến ngày 01/11/2018.
Đại Hội Hội Ngộ Liên Khoá CSV/QGHC Thế Giới Kỳ 4 tổ chức tại Sydney, Úc Châu đã vô cùng sinh động, đa dạng, trang trọng, truyền thống, chân thành, thân ái, bổ ích và thành công rực rỡ vượt bậc ngoài mọi mong ước ban đầu !
Ghi nhanh tại Sydney, Úc Châu, ngày 26 tháng 10 năm 2018
Bùi Đức Hùng

Wednesday, October 24, 2018

QGHC ÚC CHÂU PHÂN ƯU CÙNG TANG QUYẾN CỦA GS, NGUYỄN KHẮC NHÂN

Phân Ưu GS Nhân

PHÂN ƯU

*** 

NÉN HƯƠNG LÒNG TIỄN BIỆT MỘT HUYNH TRƯỞNG ĐÁNG MÃI QUÍ KÍNH TRONG LÒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN ./-BB

Suy nghĩ về sự ra đi của một người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Anh quốc.
Tác giả: Hàn Giang Trần Lệ Tuyền Nguồn: Hồn Việt Ngày đăng: 2018-10-23
Mấy ngày qua, với những suy nghĩ về sự ra đi của Ông Nguyễn Bá Đạt; người viết muốn nói lên những ưu tư của mình, với ước mong quý đồng hương Tỵ nạn Cộng sản ở khắp nơi, có thể dành chút thời giờ, để lưu tâm đến những vị cao niên, sống đơn độc, hầu đừng để các vị ấy ra đi, mà không ai được biết.
Ông Nguyễn Bá Đạt, xuất thân từ Trường Quốc Gia Hành Hành Chánh, Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh, từng bị ở tù "cải tạo" của Việt cộng. Ngày ra tù, vợ Ông đã "ôm cầm sang thuyền khác". Ông vượt biển, và Tỵ nạn Cộng sản tại Anh quốc.
Với bút hiệu Trùng Dương, Ông từng là Chủ bút của trang báo Cờ Vàng của Hội Cựu QNQLVNCH tại Anh quốc. Ông chưa hề về lại Việt Nam. Ông không hề vắng mặt hầu hết các cuộc biểu tình vào ngày Quốc Hận 30/04, cũng như các cuộc Biểu tình chống Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, Ông cũng thường làm thông dịch giúp đỡ đồng hương không biết tiếng Anh.
Thế nhưng, khi Ông vĩnh viễn ra đi, lại không có một ai hay biết. Vậy, tôi xin kể lại những diễn tiến trong những ngày trước khi biết Ông Nguyễn Bá Đạt qua đời như sau:
Trong dịp này, Giáo sư Lê Đình Bách Đào, một người Tỵ nạn Cộng sản tại Pháp, đang sang London, để thăm Thân Mẫu. Ông đã tham dự cuộc biểu tình cùng đồng Cộng đồng người Việt Tỵ nạn Cộng sản tại Anh quốc. Đây là cuộc Biểu tình yểm trợ đồng bào quốc nội chống CSVN bán nước và "luật an ninh mạng" trước "sứ quán" của Việt cộng tại London. Tại đây, Ông Lê Đình Bách Đào đã gặp Ông Nguyễn Bá Đạt, và được Ông Nguyễn Bá Đạt cho biết địa chỉ nhà của Ông trước 30/04/1975, thì hai Ông mới biết, trước kia, hai nhà đã ở gần nhau tại Nha Trang.
Sau cuộc biểu tình, về nhà, Ông Lê Đình Bách Đào đã kể cho Thân Mẫu nghe về Ông Nguyễn Bá Đạt, thì Thân Mẫu của Ông Đào nói muốn gặp thăm Ông Nguyễn Bá Đạt, nhưng đúng lúc Ông Lê Đình Bách Đào phải trở về nhà tại Pháp.
Đến đầu tháng 10/2018, Ông Lê Đình Bách Đào lại sang thăm Thân Mẫu tại London, nên Ông Lê Đình Bách Đào muốn đếm thăm Ông Đạt. Trong dịp này, sắp đến ngày Lễ Tưởng Niệm 55 năm Tổng Thống Ngô Đình Diệm Vị Quốc Vong Thân, tôi nói với Ông Ngô Ngọc Hiếu và Ông Nguyễn Đức Chung hãy gọi cho Ông Nguyễn Bá Đạt, vì tôi thấy sức khỏe Ông rất yếu, thì Ông Ngô Ngọc Hiếu cho biết cách đó một tuần, đã gọi cho Ông Đạt nhiều lần, có để lại lời nhắn, nhưng không thấy Ông Đạt gọi lại, không biết Ông đi đâu vắng nhà. Tôi đã gọi và kể lại cho Ông Đào biết, thì Ông Đào xin địa chỉ của ông Nguyễn Bá Đạt. Sau đó, Ông Nguyễn Đức Chung gọi cho Ông Ngô Ngọc Hiếu, và Ông Hiếu đã cho địa chỉ của Ông Nguyễn Bá Đạt, tôi liền gửi địa chỉ nhà Ông Đạt cho Ông Đào.
Ngày 14/10/2018, Ông Lê Đình Bách Đào nói, thấy lo lắng, nên đã tìm đến tận nhà của Ông Nguyễn Bá Đạt. Khi đến nơi, Ông Đào thấy cảnh tượng nhà của Ông Đạt, và đã kể lại cho tôi biết. Tôi liền gọi cho Ông Ngô Ngọc Hiếu và Ông Nguyễn Đức Chung, thì Ông Hiếu nói sẽ đi tìm đến các Bệnh viện xem hiện Ông Đạt có ở đó hay không, nếu không có, thì sẽ đến nhà Ông Đạt.
Trên suốt hành trình Ông Ngô Ngọc Hiếu đi tìm Ông Nguyễn Bá Đạt, tôi và Ông Nguyễn Đức Chung luôn theo dõi. Riêng tôi, Ông Ngô Ngọc Hiếu đi đến đâu, kể cả lúc đang ngồi trên xe, tôi đều gọi điện thoại theo đó. Ông Ngô Ngọc Hiếu đều đã cho tôi biết từng chặng đường, cho tới khi biết chắc Ông Nguyễn Bá Đạt đã qua đời, như Ông Ngô Ngọc Hiếu đã đưa tin như sau:
Kính thông báo đến quý thân hữu xa, gần,
Thưa quý vị,
Chúng tôi rất đau buồn thông báo đến quý vị. Anh Nguyễn Bá Đạt (Quốc Gia Hành Chánh, Phó Tỉnh trưởng Hành chánh Tỉnh Hậu Nghĩa) đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia vào ngày 27/9/2018, nhưng vì sống đơn độc nên không ai hay biết, cũng rất may mắn "ai đó" (vì chúng tôi không rõ người gọi điện thoại) họ đã kêu gọi cấp cứu, xe cứu thương và Cảnh sát đến phát hiện là Anh Đạt đã từ trần 2 ngày trước khi họ đến.
Vì không tìm được thân nhân (next skin) nên Council địa phương đảm nhận chuẩn bị việc an táng. Tuy nhiên, có một việc rất ngẫu nhiên, anh Giáo sư Lê Đình Bách Đào một người bạn ở bên Pháp đến thăm anh Đạt, nhưng khi đến nơi thấy cánh cửa hé mở, gõ cửa không nghe động tĩnh gì, nên tự đẩy cửa vào nhà, thì phát hiện trong nhà không có người mà chỉ thấy quần áo, đồ dùng bị xốc tung như có trộm vào nhà! Anh Đào ra về và kể lại sự chứng kiến tận mắt. Nghe vậy, tôi thầm nghĩ là anh Đạt đau bệnh nên nhập viện, do đó, sáng hôm qua (16/10/2018) tôi đến bệnh viện lân cận để tìm hiểu, nhưng bệnh viện chỉ giữ tài liệu cũ cho đến March 2018 không thấy nhập viện sau đó, họ khuyên tôi đến bệnh viện khác xem sao. Trước khi đến bệnh viện khác thì tôi đến nhà anh Đạt để xem xét vấn đề.
Rất đúng với lời tường thuật của anh Đào, là cánh cửa vẫn còn hé mở, tôi đứng ngoài đẩy vào cánh cửa, nặng mùi thuốc lá xông ra, bên ngoài cửa có một bình hoa cúc vàng, trắng (không biết ai đã cắm) nước đã ngã màu vàng và hoa cũng đã héo. Tôi gõ cửa hàng xóm (sát vách) không thấy mở cửa, tôi thấy ngoài hành lang (balcony) có một người đang đứng hóng mát, nên tiến tới hỏi thăm, thì mới biết anh Đạt đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà, cho đến 2 ngày sau họ mới phát hiện. Thay vì, tiếp tục đến bệnh viện, tôi đến ty cảnh sát và cơ quan coroner (nơi giữ tử thi để khám nghiệm) để tìm rõ ngọn nguồn thì mới biết được anh Đạt đã ra đi ngày 27/9/2018 như vừa kể trên và do không tìm ra thân nhân của anh Đạt nên Council địa phương đang chuẩn bị an táng vào ngày 19/10/2018. Tuy nhiên, tôi đã liên lạc kịp lúc nên việc an táng do council thực hiện được đình lại và hiện nay nhà Thờ đã tiếp xúc với nhà quàn (funeral directors) để lo việc mai táng. Khi nào có chi tiết cụ thể chúng tôi sẽ lập trang Cáo Phó gửi đến quý vị sau.
Ngoài ra, quý vị nào quen biết với thân nhân anh Nguyễn Bá Đạt xin vui lòng thông báo đến họ.
Mọi chi tiết xin liên lạc về: Ngô Ngọc Hiếu qua e-mail hughngo13@yahoo.co.uk, hoặc điện thoại (0)7956 289 246.
Trung tâm Mục vụ London, Cha Thắng London: (020) 7987 3477
Ngoài nước Anh xin ghi: +44 207 987 3477
Trân trọng,
Ngô ngọc Hiếu
Tôi cũng được biết, Ông Nguyễn Bá Đạt luôn luôn đi Lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Công giáo London. Song không hiểu tại sao, trong Giáo xứ có một vị cao niên, mang nhiều bệnh, sức khỏe rất yếu như Ông Nguyễn Bá Đạt, lại không có ai:
"Noi gương Chúa Giêsu và tiếp tục truyền thống của Hội Thánh, chúng ta cũng hãy coi việc thăm viếng, giúp đỡ, cầu nguyện cho các bệnh nhân là một trong những thể hiện cao đẹp nhất của đức bác ái Kitô giáo. Mỗi khi yêu thương, giúp đỡ người già yếu và bệnh nhân, là chúng ta đang làm cho chính Chúa (x. Mt 25,40). Hãy mời một số người cùng đến thăm và cầu nguyện cho bệnh nhân".
Có lẽ vì thế, nên Ông Lê Đình Bách Đào là một Phật tử là người đầu tiên tìm đến căn nhà của Ông Nguyễn Bá Đạt. Sau đó, là Ông Ngô Ngọc Hiếu cũng là một Phật tử đã đi tìm Ông Nguyễn Bá Đạt suốt hai ngày, mới biết chắc Ông Đạt đã nằm trong nhà xác của thành phố.
Tôi thầm nghĩ, nếu Ông Lê Đình Bách Đào không tìm đến nhà của Ông Đạt, thì cho tới giờ này, Cộng đồng người Việt tại Anh quốc, và cả Linh mục và các tín hữu Công giáo cũng sẽ không biết gì cả.
Riêng tôi, tôi đã nói với Ông Lê Đình Bách Đào, là chắc chắn phải có cái "duyên" hay điều gì đó, không giải thích được, nên Ông Đào mới là người từ bên Pháp sang London, lại là người đầu tiên biết được sự ra đi của Ông Nguyễn Bá Đạt. Đồng thời, cũng do từ tấm lòng của Thân Mẫu Ông Đào muốn thăm gặp Ông Đạt nữa.
Về Ông bà Ngô Ngọc Hiếu thì nói, "chắc Ông Nguyễn Bá Đạt đã xui khiến cho Ông Đào như thế".
Còn Ông Nguyễn Đức Chung thì nói: "Chắc Ông Đạt, ổng muốn nói với Ông Đào, là tau lạnh quá, (vì nằm phòng lạnh ở nhà xác) mầy đến kiếm tau đi, nên mới xui cho Ông Đào đến nhà và là người đầu tiên biết sự ra đi của Ông Đạt".
Viết đến đây, người viết muốn gởi tới với quý vị của Cộng đồng người Việt Tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại:
Là người Việt Nam đã vượt thoát chế độ Bạo quyền Cộng sản Hà Nội, sống đời viễn xứ. Những người may mắn có được mái ấm gia đình, xin đừng quên những người già yếu, bệnh tật, đơn lẻ, đã và đang sống cô đơn trên xứ người. Hãy mở lòng, và thực hành theo Hạnh của Tâm Đạo Việt, để cùng nhau chia sớt những nỗi bất hạnh, những nỗi đau của tha nhân, như Ông Lê Đình Bách Đào, vì hoàn cảnh xa xôi, Ông ở bên Pháp, thỉnh thoảng mới sang Anh quốc; nhưng Ông vẫn nói với tôi:
"Tiếc quá, phải chi tôi đến thăm Chú sớm hơn, thì đã gặp được Chú trước khi Chú qua đời!"
Riêng với quý vị cao niên, tôi xin có ý kiến nhỏ:
Nếu không có con cháu, thân nhân ruột thịt, thì quý vị nên tự lo liệu trước cho chính mình. Tôi nghĩ, ở đâu cũng có những nơi lo mai táng cho người qua đời. Những ai muốn để họ lo cho phần hậu sự, thì chỉ cần đến gặp những nhân viên ở đó, để ký Contrat, trả tiền trước, nếu chỉ hưởng "Tiền già" không thể trả một lần, thì được trả góp hàng tháng, đến khi qua đòi, thì cơ quan đó, sẽ lo tất cả mọi sự theo ý của khách, từ làm Giấy khai tử, đưa đến Chùa, hay Nhà thờ… Chôn, hay thiêu, rải tro, nếu ở Pháp, ở các Nghĩa trang, đều có "Vườn Hồng" tức một khu vườn trồng Hoa Hồng rất đẹp. Nếu muốn rải tro xuống "Vườn Hồng" thì các nhân viên của họ sẽ làm đúng như ý nguyện.
Với những người không có con, cháu, không có thân nhân ruột thịt, thì có thể in bản Contrat rồi trao cho những người bạn thân thiết trong Cộng đồng người Việt, để sau khi qua đời, họ sẽ gọi cho cơ quan ấy, nơi đó, họ sẽ lo cho chu đáo, không phiền đến ai cả. Mà có lẽ "Vườn Hồng" là lựa chọn đúng nhất cho những người sống cô đơn nơi xứ người.
Lúc sinh tiền, sống trong cô đơn, thì trước khi chết, cũng nên tự lo cho chính mình. Đừng để điều đáng tiếc xảy ra như trường hợp của Ông Nguyễn Bá Đạt, khiến cho người viết bài này, thấy xót xa cho một người cựu tù "cải tạo", một vị cao niên, đã một thời góp bàn tay trong Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa. Khi vượt thoát chế độ Bạo quyền Cộng sản, có lập trường chống Cộng. Không trở về Việt Nam khi còn Cộng sản!
17/10/2018
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
_______
Kính mời quý vị: Đây là những hình ảnh và những lời tâm huyết cuối cùng của Ông Nguyễn Bá Đạt:



BT Quốc Hận 2012


BT Yểm Trợ Quốc Nội ngày 26/6/2018


Biểu tình yểm trợ đồng bào quốc nội chống CSVN bán nước và "luật an ninh mạng"

Tuesday, October 23, 2018

HỌC VIỆN QGHC SÀIGÒN -VNCH

Đôi dòng về Học Viện Quốc Gia Hành Chánh VNCH _T/g Sương Lam



http://i195.photobucket.com/albums/z149/minh40/QuocGiaHanhChanh/TruongQGHCtruoc1975.jpg
Một Thuở Sinh Viên

 Chào quý bạn,

Theo thông lệ hằng năm thì sau ngày Lễ Lao Động ở xứ Mỹ,  học sinh các trường tại Portland và các vùng phụ cận khai trường trở lại.  Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó ba tháng hè trôi qua nhanh chóng.  Cô cháu nội Mya của tôi mới ngày nào còn bé tí tẹo trong vòng tay của bà nội, bây giờ lại là học sinh lớp 1 của trường tiểu học Montclair ở Beaverton. Nhìn  cái cặp đi học của cháu đựng đầy dụng cụ học sinh theo sự đòi hỏi của nhà trường, người viết thấy tội nghiệp cho Mya quá vì  ngày mai Mya phải vác cái cặp to tướng này vào trường trên đôi vai bé bỏng của cháu để bắt đầu một niên học mới.

 Rồi đây  Mya sẽ phải học hết chương trình tiểu học, chương trình trung học, chương trình đại học, rồi ra trường  tranh đấu với đời để mưu sinh trong cuộc sống như người viết đã làm cách đây mấy chục năm về trước.  Cái vòng lẩn quẩn đó lại tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.  Những người già nằm xuống, những đứa trẻ lớn lên, bánh xe thời gian vẫn quay và con người vẫn phải lập đi lập lại những gì các thế hệ cha ông đã làm trong cái vòng sinh tử luân hồi của kiếp nhân sinh.

 Người viết đã kể cho bạn nghe tâm tình của tuổi học trò tiểu học và học trò trung học của người học sinh vào thập niên 60 qua bài viết Lưu Bút Ngày Xanh (bài số 136 MCTN-ORTB 534 ngày 7-23-2012).

Năm năm tiểu học và bảy năm trung học của tôi có biết bao  nhiêu là kỷ niệm đáng yêu đáng quý làm sao nói hết cho đủ được  trong  phạm vi một bài viết chỉ 3 trang đánh máy theo sự yêu cầu của ban biên tập Oregon Thời Báo. Thôi thì nhớ đến đâu thì tôi tâm tình đến đó mà thôi.  Người viết đã nhận được nhiều lời khích lệ, cảm thông của những độc giả cùng thế hệ với tôi.  Có nhiều vị đã gặp người viết và thú thật họ đã khóc khi người viết nhắc lại thể lệ thi cử và sinh hoạt của đời học sinh những ngày xưa cũ vì họ đã thấy hình ảnh của mình thấp thoáng trong đó. Họ và tôi đã có cùng những  cảm nghĩ, những sinh hoạt, những kỷ niệm tuổi học trò giống như nhau nên vô tình tôi đã  “động mối thương tâm” của họ khi  tôi đã đưa họ quay về với dĩ vãng ngày xưa.

 Cũng có một lần qua bài viết Cô Giáo xứ  Mỹ,  người viết đã tâm sự  rằng tôi vẫn thích làm cô giáo hơn và đã không có duyên với bằng Cử nhân Khoa Học. Đôi khi “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” khi tôi được may mắn trúng tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm1964.  Đây là trường đào tạo các cấp chỉ huy hành chánh phục vụ ở trung ương và ở địa phương.  Khi đi học, sinh viên được hưởng  học bổng với quy chế đặc biệt hơn hẵn  sinh viên các đại học có thi tuyển khác như Đại học Sư Phạm, Trung Tâm Quốc Gia  Kỹ Thuật Phú Thọ, Nông Lâm Súc v..v…. Những người ôm mộng quan trường  thường mơ ước được trúng tuyển vào  HVQGHC vì đường công danh sẽ rộng mở sau khi tốt nghiệp với ngạch trật Đốc Sự Hành Chánh công chức hạng A.  Đa số sinh viên là người miền Trung và miền Bắc của Miền Nam Việt Nam ngày xưa. Riêng người viết, một nữ sinh miền Nam, tính tình nghệ sĩ, yêu văn chương nghệ thuật, mộng tầm thường bé nhỏ, nhờ có phúc duyên nào đó lại được  Phật Trời ban phúc cho được trúng tuyển  vào trường này sau một cuộc thi tuyển thật là khó khăn.  Đúng là ý trời đã định!

   Trong phạm vi bài viết này người viết chỉ tâm tình một đôi điều cần thiết theo lời yêu cầu của một số thân hữu muốn biết về ngôi trường đặc biệt này để mở mang kiến thức mà thôi.  Dĩ nhiên trong phạm vi giới hạn của một bài viết  3 trang giấy, làm sao người viết có thể  nói hết được những điều mình muốn nói, mong sao quý bạn  thông cảm cho tôi nhé.  Xin đa tạ.

Trước hết xin mời bạn đọc qua đôi dòng về HVQGHC, bạn nhé.

ĐÔI DÒNG VỀ HỌC VIỆN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH

Học viện Quốc Gia Hành Chánh là một cơ sở giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đặt trọng tâm vào việc đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho chính phủ..

Đầu tiên, Trường Quốc Gia Hành Chánh được thành lập tại Đà Lạtdo sắc luật của Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 7 tháng 4 năm 1952. Trường lúc đó thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với học trình hai năm nhưng sau được chuyển giao cho Phủ Thủ tướng rồi Phủ Tổng thống. Đến năm 1955 sau khi về nước chấp chánh, Thủ tướng Ngô Đình Diệm vì nhận thấy vai trò quan trọng của cán bộ hành chánh trong công cuộc xây dựng quốc gia nên đã cho dời trụ sở của trường về Sàigòn và cải danh thành Học viện Quốc Gia Hành Chánh (QGHC), trụ sở đặt tạm tại số 4 đường Alexandre de Rhodes, sau này là trụ sở của Bộ Ngoại giao. Đến năm 1962, Học viện được chánh thức chuyển về trường sở mới to lớn và khang trang tại số 10 Trần Quốc Toản. Cơ sở vật chất gồm có giảng đường 500 chỗ ngồi, ký túc xá cho 114 sinh viên, thư viện lớn nhứt Việt Nam với 100.000 văn bản, nhà sinh hoạt, sân quần vợt, sân bóng chuyền, câu lạc bộ.

Mục đích của Học viện QGHC là nhằm đào tạo cán bộ cho guồng máy hành chánh của quốc gia qua 4 chương trình học gồm ban Cao học, ban Đốc sự, ban Tham sự, và ban Nặng lực Hành chánh. 

Ban Cao học có học trình hai năm và Đốc sự có học trình ba năm rưởi nhằm đào tạo công chức hạng A cho các ngành hành chánh và chuyên môn như kinh tế, tài chánh, thuế vụ, xã hội, ngoại giao…

Môn học gồm những kiến thức như soạn thảo công văn, kế toán thương mại, tư tưởng và định chế chính trị, quản trị công quyền, quản trị nhân sự, luật hành chánh, luật thuế vụ… và cả huấn luyện quân sự.

Khi thi mản khóa ngoài các bài thi về các môn đã học, sinh viên còn phải nộp một Luận văn tốt nghiệp về một đề tài được giáo sư hướng dẫn chấp thuận.

Ban Tham sự với học trình hai năm nhằm đào tạo công chức hạng B.

Còn ban Năng lực Hành chánh là những lớp học buổi tối dành cho quân nhân và công chức để giúp họ cải tiến kỹ năng và kiến thức chuyên môn hành chánh để dự thi vào các ngạch hành chánh.

Ngoài ra, Học viện cũng là trung tâm phụ trách nghiên cứu hành chánh và tu nghiệp quốc gia. Về tu nghiệp Hoc viện phụ trách các chương trình tu huấn cho chánh phủ như chương trình phát triển chỉ huy cao cấp, chương trình quản trị hành chánh cao cấp dành cho các viên chức giữ các chức vụ cao tại các phủ bộ, và chương trình tu nghiệp cho cựu sinh viên QGHC đã tốt nghiệp quá 5 năm.

Muốn được nhận vào Học viện QGHC các ứng viên phải qua một kỳ thi nhập học khá gay go. Trong số hàng ngàn người dự tranh trên toàn quốc, mỗi năm Học viện chỉ nhận một số nhỏ hội đủ tiêu chuẩn, khoảng 50 người cho ban Cao học, và khoảng 100 người cho ban Đốc sự, và ban Tham sự. 

Nhưng bù lại các sinh viên trúng tuyển được nhận một học bổng $2000.00 mỗi tháng cho sinh viên thường, còn sinh viên nguyên là công chức được tiếp tục lảnh lương cũ, ngoại trừ phụ cấp chức vụ.

Ngoài ra, từ năm 1960 trở đi với sự yểm trợ của Đại học Michigan State University (MSU), các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của các khoá Đốc sự hầu hết đã được cấp học bổng để du học lấy bằng Master tại Hoa kỳ, sau đó thủ khoa các khoá Cao học cũng được học bổng đi Mỹ học lấy bằng Ph.D. Đa số các cựu sinh viên có bằng Ph.D. và một số có bằng Master tại Mỹ đã trở về giảng dạy cho Học viện.

So với các trường đại học khác như các phân khoa thuộc Viện Đại học Saigòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đàlạt, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú thọ, Trường Đại học Nông Lâm Súc, Học viện QGHC đã có một ban giảng huấn rất hùng hậu. Ngoài nhiều giáo sư cơ hữu có bằng Tiến sĩ tốt nghiệp trong nước và ngoại quốc, Học viện còn mời được nhiều chánh khách có tăm tiếng và nhiều viên chức hành chánh cao cấp trong chánh phủ giàu kinh nghiệm đến giảng dạy về các đề tài thuộc lãnh vực chuyên môn của họ.

Về phương diện học trình, với sự hỗ trợ của Institute of Public Administration (IPA) tại New York chương trình học tại Học viện cũng luôn được cải tiến để sinh viên tốt nghiệp có được những kiến thức hiện đại về các lãnh vực quản trị công quyền, quản trị nhân sự, về các lãnh vực kinh tế, tài chánh, thuế vụ, về lãnh vực quyết định hành chánh, cũng như các kiến thức về văn hoá và luật pháp quốc gia. Không giống như tại các trường đại học khác, sinh viên QGHC ngoài việc theo dõi các bài giảng tại lớp học có tánh cách lý thuyết, còn phải tham gia các buổi thuyết trình và hội thảo với các chánh khách và chuyên gia về các đề tài chuyên môn.

Ngoài ra, sinh viên còn đuợc đi thực tập 6 tháng tại các cơ quan công quyền ở địa phương và trung ương như một công chức thực sự. Và để chuẩn bị cho các viên chức tương lai biết sống hòa đồng với dân chúng, học trình cũng đòi hỏi các sinh viên phải tham gia vào các công tác xã hội hằng tuần do Học viện tổ chức. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp tại Học viện các nam sinh viên còn được gởi đi thụ huấn về quân sự tại trường sĩ quan Thủ đức trước khi đi nhận nhiệm sở.

Sau khi ra trường các sinh viên tốt nghiệp được bổ dụng đến nhiều cơ quan, các Bộ, Nha ở trung ương cho đến các ty, các sở ở địa phương và Phó tỉnh trưởng hoặc Phó quận trưởng.

Nhờ vào tất cả những ưu điểm về huấn luyện đó mà Học viện QGHC không những là một cơ sở giáo dục được trong nước biết tiếng mà cả các quốc gia vùng Đông Nam Á cũng thừa nhận Học viện như một trong nhiều trung tâm có uy tín về đào tạo nhân sự cho ngành quản trị công.

Với một quá trình hiện diện dài 23 năm, Học viện QGHC đã đào tạo được 2784 sinh viên gồm:

8 khóa Cao học với 323 sinh viên tốt nghiệp.

20 khóa Đốc sự với 1650 sinh viên tốt nghiệp.

5 khóa Tham sự với 622 sinh viên tốt nghiệp và

5 khóa Tham sự Đặc biệt dành cho đồng bào sắc tộc có 189 sinh viên tốt nghiệp.

Đó là chưa kể 527 sinh viên chưa kịp tốt nghiệp vào năm 1975 gồm:

161 sinh viên Cao học khóa 9 và khóa 10

316 sinh viên Đốc sự các khóa 20, 21 và 22

50 sinh viên Tham sự khóa Đặc biệt.

Với một số lượng tốt nghiệp khá đông đảo như vậy, các cựu sinh viện QGHC với một kiến thức chuyên môn dồi dào và một kiến thức căn bản về quân sự đã một thời như Nguyễn Công Trứ có nói:

“Trong lăng miếu ra tài  lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương ”.

Nhưng tiếc thay ngày lịch sử định mệnh 30 tháng 4 đã xảy đến làm ngôi trường QGHC phải bị đóng cửa và các cựu sinh viên QGHC phải tứ tán khắp bốn phương trời. Nhưng dù sống ở đâu, những ngày xưa thân ái dưới mái trường QGHC và giai đoạn dấn thân phục vụ cho quê hương xứ sở vẫn không phai nhòa trong tâm trí họ.

Để kết thúc, xin có 4 câu thơ:

Tài lương đống một thời ngang dọc
Mộng can tương bỗng chốc khói mây
Dù cho lưu lạc đó đây
Trường xưa vẫn mộng một ngày đoàn viên…

(Nguồn: Trích bài viết của Nguyễn Minh Triết- Xin cám ơn anh NMT)

Người viết hy vọng rằng những gì bạn muốn biết về trường QGHC đã được anh Nguyễn Minh Triết trình bày rõ ràng rồi. Người viết sẽ tâm tình tiếp với quý bạn trong những bài viết sau này để quý bạn hiểu rõ hơn niềm vui và nỗi buồn của những kẻ sĩ ngày xưa hìện đang lưu lạc nơi xứ người.

Sương Lam
http://suonglamportland.wordpress.com/quoc-gia-hanh-chanh/#comment-126

***


Nhớ ơn Thầy


 Sương Lam (Nguyễn Ngọc Sương) thành kính cảm tạ công ơn giáo dục của các giáo sư QGHC trong thời gian  SL học khóa ĐS 12 từ 1964  đến 1967:

 Giáo Sư Nguyễn Văn Bông  Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh


 ***

Giáo sư Nghiêm Đằng

 ***
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1924 - 1990)



***

Giáo Sư Vương Văn Bắc, Bộ Trưởng Ngoại Giao của VNCH


***
Giáo sư Nguyễn Thị Huệ

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/CoNTHue-1.jpg

 ***
Giáo sư Trần Văn Đỉnh

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/ThayTVDinh.jpg
***
Giáo sư Trần Văn Kiện

***
Giáo sư Trần Văn Binh

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/ThayTVBinh-1.jpg
 ***
Giáo sư Nguyễn Quang Quýnh

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/ThayNQQuynh-1.jpg?t=1377927310
 ***
Giáo sư Nguyền Như Cương

***
Giáo sư Phan Thiện Giới

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/suong_lam_vn04_03-1.jpg

***
 Giáo sư Bùi Quang Khánh

  ***
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhân

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/ThayNKNhan-1.jpg
 ***
Giáo sư Trần Ngọc Phát

***

 Giáo sư Lương Thọ Phát

***
Giáo sư Lê Văn Thận

***

Giáo sư Nguyễn Duy Xuân

http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/QGHC/ThayLVThan.jpg

***

http://i195.photobucket.com/albums/z149/minh40/QuocGiaHanhChanh/scan0030.jpg
Ảnh: Tác giả Sương Lam sinh viên Học Viện QGHC VNCH

Source: http://suonglamportland.wordpress.com/quoc-gia-hanh-chanh/