Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Saturday, September 29, 2018

PHÂN  ƯU  
***

Image result for hoa sen

 
Nhận được tin buồn
Nhạc Phụ của Đồng Môn Nguyễn Ngọc Diệp (ĐS14)

Cụ Ông NGUYỄN VĂN ÍCH
Pháp danh TỊNH ÍCH
Đã từ trần lúc 11 giờ sáng, ngày 28/9/2018 (Ngày 19 Tháng 8 Năm Mậu Tuất)  tại Melbourne, Úc Đại Lợi.
 Hưởng Thượng Thọ 94 tuổi

Toàn thể đồng môn QGHC ĐS14, Úc Châu, thành kính chia buồn cùng Chị Nguyễn Tố Nga, Đồng Môn Nguyễn Ngọc Diệp và  tang quyến. Cầu nguyện hương hồn Cụ Ông NGUYỄN VĂN ÍCH  sớm siêu thoát tịnh độ Cõi Phật Như Lai.

CỰU SINH VIÊN QGHC Đốc Sự 14
AUSTRALIA

Friday, September 28, 2018

Lời giới thiệu về Họa sĩ Nguyễn Thế Vĩnh

Chiều Chúa Nhật 17 tháng 7 năm 2016, từ 12:00 trưa đến 5:00 chiều, buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật: họa: triển lãm tranh của Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh, nhạc: trình diển dòng nhạc của BS Nguyễn Khắc Bình đến từ San Jose, văn: ra mắt sách "Nét đẹp . . . cuối trang" của Nhà văn GS Lê Khắc Ngọc Quỳnh, được tổ chức tại Câu lạc bộ Cựu chiến binh Hải Lục Không quân (Army, Navy & Air Force Veterans Club – Mississauga, Canada), địa chỉ 765 3rd St.,Mississauga, On. L5E 1B8. GS Nguyễn Vĩnh Thượng đã giới thiệu Họa sĩ  Nguyễn Thế Vĩnh và tranh của ông như sau:

Kính thưa các bậc Trưởng Thượng,
Kính thưa quý vị quan khách,
Kính thưa quý vị Đại diện các hội đoàn và các cơ quan truyền thông.

Tôi hân hạnh được có đôi lời giới thiệu với quý vị Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh cũng là Họa sĩ A.C.La, A.C. La là bút hiệu của ông:
Nguyễn Thế Vĩnh sinh năm 1943 tại Ninh Bình, Việt Nam. Ông theo gia đình di cư vào Miền Nam cuối năm 1954. Ông nguyên là Đốc sự tốt nghiệp khoá 14 tại Học viện Quốc gia Hành Chánh Saigon năm 1969. Trước năm 1975, trong cơ quan hành chánh VNCH, Ông đã từng giữ chức vụ Phó Quận Trưởng lần lượt ở Quận Vinh Lộc, Quận Phú Thứ tỉnh Thừa Thiên. Năm 1974 Ông được bổ nhiệm về làm Trưởng Ty Hành Chánh Tỉnh Tuyên Đức cho đến ngày miền Nam Việt Nam bị sụp đổ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh bị đi "tù cải tạo" dưới chế độ Cộng Sản gần 6 năm trời tại rừng Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Thời gian bị tù khổ sai trong trại "học tập cải tạo" là một trải nghiệm, là dấu ấn trong đời ông. Vừa khi rời khỏi trại tù cải tạo thì ông quyết định đi vượt biên. Trên hành trình đi tìm tự do ông lại trải nghiệm thêm một nỗi kinh hoàng: chiếc ghe nhỏ bé của ông đã bị hải tặc Thái lan cướp bóc, hảm hiếp phụ nữ và chúng đã bắt đi hai cô gái. Hai lần trải nghiệm khổ đau đã là chất liệu tinh thần  cho các đề tài mà ông sẽ sáng tác sau này.

Ông là người thích viết lách ngay từ hồi còn là sinh viên trường Đại học Luật Khoa và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Saigon, ông đã viết nhiều bài khảo luận cho tờ Chính Luận. Rồi khi ra hải ngoại, ông đã từng làm chủ bút cho nguyệt san Phổ Thông hồi 1985 tại Toronto, chủ trương bán nguyệt san Canada Việt Báo ở  Mississauga vào cuối thập niên 1990. Hiện ông đang  điều hành website “Tiếng Thông Reo”; và  Blog “A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh”, một blog chuyên đề về hội họa.

Ông có cái đam mê là đam mê về hội hoạ, lại thêm có khiếu về hội họa. Năm 1999, Nguyễn Thế Vĩnh đã quyết định buông bỏ các công việc ông đang làm ở Toronto, Mississauga để hoán đổi đời sống của người hoạ sĩ. Ông đã di chuyển về thành phố Vancouver, British Columbia. Những năm tháng sống ở Vancouver với phong cảnh thơ mộng: có những hàng cây xanh lá, có biển Thái Bình Dương mênh mông với tiếng sóng vổ ngút ngàn…đã là những gợi hứng dạt dào cho nhiều bức tranh của ông.

 Nguyễn Thế Vĩnh là một nhà hành chánh, một nhà văn nhưng đồng thời ông cũng đam mê hội họa và sưu tầm tranh. Ông không có cơ duyên đến trường Mỹ thuật để học hỏi về hội họa, nhưng hội họa đến với ông như một cái duyên, như một niềm đam mê. Ông có khiếu về hội hoạ, có “hoa tay” từ lúc hãy còn là một học sinh tiểu học. Thêm vào đó, Ông đọc nhiều sách, nghiên cứu tranh của rất nhiều hoạ sĩ nổi danh để tự trau dồi kiến thức và kỹ thuật về hội họa.

*  Nguyễn Thế Vĩnh là một hoạ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm về phong cảnh, về thiếu nữ với chất liệu sơn dầu, vài bức tranh có sự kết hợp với sơn Acrylic. Tranh của ông có đường nét mềm mại, tinh tế, màu sắc tươi tắn, đậm đà theo phong cách của Tây phương hòa quyện vào nét uyển chuyển mềm mại của Đông phương.

 Tranh của Hoạ sĩ Nguyễn Thế Vĩnh như là một bài thơ có khi trữ tình như bức tranh “Tím Xưa”, có khi đậm nét sử thi như 2 bức tranh: - “Quang Trung Đại Phá Quân Thanh”, diễn tả cuộc chiến thắng quân Mãn Thanh năm 1789; - và “Kỳ Phùng Lịch Sử” hình dung cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi, một cuộc gặp gỡ làm thay đổi vận mệnh dân tộc vào đầu thế kỷ 15. Có khi diễn tả thân phận của người Việt Nam trên hành trình đi tìm tự do như bức tranh “Thuyền Nhân”. Bức tranh mới nhất của ông: “Huế Rực Màu Phượng”:    “Không đâu nhiều phượng vỹ và nhiều chùa như Huế. Chùa gắn liền với phượng hay phượng gắn liền với chùa là sắc thái khá đặc biệt và thường thấy ở Thừa Thiên - Huế” .Từ lời nhận xét đó của một nhà văn, ông đã đưa Huế vào tranh của mình với  tâm hồn của một họa sĩ. Chúng ta hãy nghe Nguyễn Thế Vĩnh tâm sự trong đoản văn “Huế Rực Màu Phượng”:

Tôi không đi chùa nhưng hay vãng cảnh chùa, chiêm nghiệm cảnh thanh vắng, và trầm mặc nơi đây. Thường thì đi một mình nhưng đôi khi có thêm một người cùng sở thích vãng cảnh như mình, tạo ra một chút bận rộn, thêm đôi gót sen thấp thoáng sau lai quần quét trên cỏ. Cứ đi và ngắm, nhìn bờ đá và thân cây rêu phủ, lắng nghe thiên nhiên rì rào tâm sự. Cho dù đôi khi cảm nhận được hơi thở nhẹ và làn da ấm từ bên cạnh,  nhưng tuyệt nhiên vẫn không muốn xa rời cảnh tiên.”
(Nguyễn Thế Vĩnh, Huế Rực Màu Phượng, Website Tiếng Thông Reo, July 2016)

Những bức tranh của ông đã được nhiều thi sĩ và văn sĩ chọn để in vào trang bìa của các quyển tuỳ bút, truyện ngắn, tập thơ  như:


    1. Bức tranh Áo trùng dương làm bìa sách cho quyển “Nét Xưa … còn hoài” của nhà văn Y La Lê Khắc Ngọc Quỳnh.
2.Bức tranh Ráng Chiều làm bìa sách cho quyển Nét đẹp … cuối trang của nhà văn Y La Lê Khắc Ngọc Quỳnh.
3. Bức tranh Tiếng thời gian làm bìa sách cho tập thơ Như thật như mơ của thi sĩ Dương Quân.
4.Bức tranh Xuân Lan làm bìa sách cho tập thơ Trông mòn con mắt của thi sĩ Á Nghi.
5. Bức tranh Mưa Đêm làm bìa sách cho tập thơ Trầm Tư Mặc tưởng của thi sĩ Ý Nga.
6. Bức tranh An Bình làm bìa cho Đặc san Giáng sinh 2007 của Giáo xứ Nữ Vương các Thánh tử đạo VN.
7. Bức tranh Mùa yêu thương làm bìa cho Đặc San giáng sinh 2009 của Giáo xứ Nữ Vương các Thánh tử đạo VN.

* Họa sĩ Nguyễn Thế Vĩnh đã tâm sự với tôi với lời lẽ rất khiêm nhường về sự nghiệp hội hoạ của ông. Với tôi sự nghiệp hội hoạ của ông tuy chưa đồ sộ, nhưng tôi đánh giá các bức tranh của  Nguyễn Thế Vĩnh có một giá trị cao về nội dung tư tưởng, về nghệ thuật, rồi đây các tác phẩm của ông sẽ đi vào lòng người, tôi tin tưởng là như vậy.

Đến đây tôi xin được phép nhường lời lại cho
Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh cũng là Họa sĩ A.C.La.

Trân trọng cám ơn và kính chào tất cả quý vị.

Mississuaga, 17 July 2016.
Nguyễn Vĩnh Thượng
---------------------------------------------------------------
Hình ảnh buổi ra mắt tranh A.C.La ở Toronto-Mississauga  (nguồn: Tiếng Thông Reo), mời bấm vào đây:



Labels:

Saturday, September 8, 2018

vợ Việt chồng Hàn

Khi mới gặp lại, hai vợ chồng Uyển định gọi tôi sang Seoul chơi một lần cho biết. Tôi chưa được đi Hàn Quốc nhưng biết có lẽ mình sẽ không bao giờ bay qua bên đó hay qua một nước khác xa xôi kể từ lúc bấy giờ. Bởi mấy năm nay già yếu, nên khi vừa nghĩ đến cảnh ngồi lên máy bay là tôi liền cảm thấy ngộp thở. 
Chợt nghĩ, chuyến đi xa cuối cùng của tôi có lẽ sẽ là đi thẳng ra sông Sài Gòn. Tôi có dặn các con khi nào tôi ra đi chơi thực sự thì hãy đốt hết trơn và thả tro xuống sông Sài Gòn… cho nó nhanh và rẻ, cho trọn một kiếp người chuyên mặc xà lỏn, xi líp nhảy từ nắp xà lan này sang nắp xà lan khác đã mấy chục năm nay. Cuộc đời tôi không được sang trọng giống mấy người Hàn Quốc như anh Kim hay giống người có chồng nước ngoài như Uyển. Cuộc đời tôi mấy chục năm rồi ít khi được áo quần tề chỉnh, cuộc đời tôi chuyên mặc mấy món xàlỏn-xilíp-xúchiên. Hôm đó, ba người chúng tôi đang ngồi uống cà phê bên quận Một, nghe tôi hò xà-xi-xú như vậy Uyển liền bật cười: Nghe anh nói sao sến sến giống một bản vọng cổ dưới quê ghê đi. Sau những năm tháng xa nhau biền biệt, những người trong quá khứ chúng tôi đã được ngồi bên nhau nhiều lần suốt hai năm nay, không biết đó là vui đoàn viên hay ngỡ ngàng gặp lại. Hai năm trước, khi gặp lại vợ chồng họ và cảm nhận được những điều không vui vẻ không an lạc giữa hai người đó, tôi nói: Cứ tưởng chừng như ai đó đau khổ, cứ tưởng chừng như ai đó hạnh phúc, cuối cùng xem trong bản thân của bất cứ ai đó cũng chỉ là những hư vô. Anh Kim lúc này làm ăn hay dạy học lúc ở Seoul, lúc ở Bangkok, có lúc ghé sang Sài Gòn… để thăm vợ và ba đứa con, khi nghe tôi nói vậy liền góp vài câu diễu cợt: Cứ tưởng chừng như ai đó được, cứ tưởng chừng như ai đó mất, cuối cùng ai đó cũng chẳng là ai. Từ lúc gặp lại hai người đó, tôi có cảm giác rất nhạt nhẽo khi nghe những câu chuyện Hàn-Việt oái oăm mà anh Kim hay kể, thí dụ như: Người đàn bà dân tộc Mèo còn trẻ tuổi quê ở Hà Giang đã có chồng ở Việt Nam mà anh tình cờ gặp được ở một cái chùa lớn bên Hàn. Lúc ấy cô gái Mèo này hết sức hoang mang, cô độc… vì bị chồng Hàn đuổi ra khỏi nhà phải lang thang lên chùa xin tá túc.
Chồng Việt của cô người Mèo này mất vì nghiện nặng ở Hà Giang. Hai năm sau khi chồng mất, qua môi giới cô ta kết hôn được với một người thanh niên Hàn quốc trẻ. Sang Seoul được hai tháng thì phải ra tòa ly dị vì người chồng phát hiện cô ta đã có chồng ở Việt Nam, mà người chồng cũ ấy lại chết vì bệnh nghiện ma túy.
Anh chồng người Hàn của cô gái người Mèo, khi ra tòa, nói với quan tòa rằng anh ta rất ghê sợ bệnh Sida, anh ta nghi ngờ vợ mình đã nhiễm Sida từ người chồng cũ. Quan tòa hỏi: Vậy từ khi cô ấy qua Hàn Quốc, anh có chăn gối thường ngày với cô này chưa? Anh ta lấp liếm: Hình như có chút đỉnh.
Anh Kim phân tích thêm: Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất của việc ly dị này không phải là sợ Sida, mà là vì người đàn ông Hàn quốc ít khi muốn lấy một người đàn bà đã có chồng, mà là vì cái quan niệm “trinh tiết” đối với họ vẫn còn quan trọng lắm. Họ chỉ muốn kết hôn với người con gái nào còn “origin”. Khi khám phá vợ mình không còn trinh tiết họ sẽ kiếm mọi cách để ly hôn.
Anh Kim tiếp: Cứ tưởng chừng như đàn ông Nhật giống đàn ông Hàn, té ra không phải. Người đàn ông Nhật không bao giờ quan tâm đến quá khứ của vợ, họ không màng vợ họ ngày trước đời sống tình cảm ra sao, có gia đình chưa, bồ bịch nhiều không. Họ chỉ quan tâm đến hạnh phúc hiện tại. Người Nhật không ghen với quá khứ, có người kết hôn cả chục lần và cuối đời vẫn sống hạnh phúc. Nhưng người đàn ông Việt và người đàn ông Hàn thì khác, họ ưa ghen với quá khứ của vợ mình.


Image may contain: tree, plant, outdoor and nature
vườn Huế

Tôi hỏi lại: Anh cũng hay ghen tuông giống vậy à? Kim đáp không buồn cũng không vui: Ngày đó tôi yêu Uyển lắm, mà lấy được Uyển rồi tôi lại luôn có cảm giác mình đã giật vợ của người khác. Tôi không nghĩ tới chuyện “origin”, tôi quen biết cả hai vợ chồng Uyển lâu rồi mà. Tôi chỉ tiếc sao mình không phải là người chồng đầu tiên của Uyển. Tôi cũng tiếc nuối thứ tình cảm kéo dài hai mươi mấy năm bỗng một ngày tan vỡ.

Anh Kim kể chuyện cô gái người Mèo cho vợ là Uyển nghe một lần, hai lần rồi ba lần. Lần thứ tư thì Uyển phát chán: Thôi, đừng kể chuyện đó nữa, nói chuyện khác đi. Kim làm như không nghe thấy lời phàn nàn của vợ, cứ tiếp tục: Dù cho em có rớt vô hoàn cảnh như người đàn bà dân tộc Mèo đó tôi vẫn không thể xa em, tôi không thể thiếu em được nữa rồi. Với lại chúng ta đã có ba con.

Kim đau khổ kể lại với tôi là Uyển không hề cảm động chút nào về câu nói đó, cô cứ nhắc mãi với chồng tới chuyện bao giờ có thể ly hôn. Sau hai mươi năm sống với nhau và có ba đứa con, Uyển không còn yêu Kim được nữa hay từ trước tới giờ cô không hề yêu chồng. Hồi xưa đó, cô chỉ cần lấy một ông chồng nước ngoài để thoát ra khỏi một Sài Gòn u ám cách đây hai mươi mấy năm. Hồi đó, Uyển cũng đã có một anh chồng người Việt, nhưng có lẽ anh này cũng u ám như cái không khí bao chung quanh anh ta nên Uyển không chịu nổi mà phải bỏ Sài Gòn đi theo anh Kim.

Tôi có vị trí khá đặc biệt, tôi quen biết Uyển và anh chồng người Việt từ khi chúng tôi còn học chung trường. Ra trường, ba người chúng tôi mỗi người một việc ít liên lạc với nhau. Tôi tình cờ cũng thành bạn làm ăn của anh Kim, một người Hàn Quốc đẹp trai sang Việt Nam đi học tiếng Việt và tập làm ăn buôn bán vào những năm 1990. Anh Kim lớn hơn ba người bạn Việt chúng tôi gần con giáp.

Đám cưới của Uyển với anh chồng đầu tiên người Việt vào năm 1988 tôi có đến dự, tôi nói với họ: Hôm nay là ngày mình rất buồn hai người có biết không? Tôi còn nhớ mãi anh chồng người Việt cà khịa nói: Trong cuộc đua bao giờ cũng có kẻ thắng người thua, mày buồn cái gì? Chắc tôi say nên bảo: Tôi có dám đua với anh đâu nào?

Uyển chắc cũng uống say nên không dấu diếm cái cảm giác hết sức chua chát mệt mỏi của mình: Đua cái gì mà đua, mấy anh đang chơi trò mèo bắt chuột, chuột thì chỉ có một con nên sẽ có con mèo thua. Chỉ tội con chuột cái, từ đây nó sẽ phải phục dịch con mèo thắng, nó phải chui rúc hết chỗ này tới chỗ kia kiếm miếng ăn để đem về nhà nuôi con mèo đực.

Người chồng Việt của Uyển ngày đó khá lười, anh ta không làm gì hết kể từ ngày bước chân ra khỏi trường. Chưa lấy nhau nhưng sống già nhân ngãi non vợ chồng, Uyển đã phải tần tảo làm hết việc này việc kia để nuôi anh ta. Cô có lần nói với tôi: Tiền kiếm được em chia cho anh ta phân nửa, phân nửa còn lại đi chợ nấu ăn chung. Tôi hỏi: Chia cho anh ta lắm tiền thế để làm gì? Uyển thở dài: Để anh ta đủ tiền uống rượu và thù tiếp bạn bè.



một cô gái Mèo, Hà Giang

Còn anh ta có lần nói với tôi: Tao không thể chịu nổi cảnh đi làm việc trong công sở hay trong nhà máy, tao không thể làm đầy tớ cho mấy thằng ngu, tao thà ở nhà thất nghiệp vợ nuôi. Với lại đi làm mà không chấm mút tham nhũng thì làm sao đủ tiền nuôi vợ con, thế là lại dơ bẩn. Nghĩ tới chuyện đi làm lính cho mấy thằng ngu là tao muốn chửi thề. Thôi ở nhà ngủ vùi cho nó khỏe.

Lấy nhau xong… Uyển vẫn tần tảo làm đủ thứ việc kiếm cơm nuôi anh chồng làm biếng như ngày chưa cưới chồng. Khi thì đi dạy kèm, khi thì xin đi dạy chính thức, tối có khi làm yaourt bỏ mối…

Một hôm hồi xa xưa đó, thấy Uyển bơ phờ chạy xe đạp trên đường, tôi chặn lại mà thở dài: Bỏ chồng đi em, thấy em khổ sở anh rất xót xa mà cũng oán hận sự hèn nhát của chính anh ngày trước. Ai đời vợ làm việc như con trâu trong khi chồng chỉ biết nằm ngủ và đi nhậu? Uyển chua chát: Cái gì đến thì sẽ đến, anh không cần phải quan tâm. Ngày nào đó có ai tốt hơn đến với em, chỉ cần nói thương em mà không quan tâm chuyện em đã có chồng, chắc chắn em sẽ chọn người đó và bỏ hẵn anh chồng làm biếng.

Nói như thật, mấy năm sau trong lúc lao đao tuyệt vọng Uyển gặp anh Kim rồi ly dị anh chồng Việt. May mắn Uyển chưa có con với anh chồng làm biếng. Biến đi một khoảng thời gian rất dài tôi không gặp cặp vợ Việt chồng Hàn vì hai người dắt nhau về Seoul sinh sống làm ăn, sinh con đẻ cái bên đó. Hai người đã tìm cách đi học tiếp và sau đó vừa đi dạy học, vừa kinh doanh, vừa nghiên cứu, nhưng có điều…

Hai năm trước gặp lại, biết có một cái gì đã đổ vỡ giữa anh Kim và Uyển, tôi nói với Uyển: Anh Kim rất tốt, tốt hơn những người đàn ông Việt và Hàn mà anh từng được gặp. Rõ ràng anh ta tốt hơn người chồng cũ làm biếng của em. Anh ta không thô lỗ như nhiều người Hàn Quốc lấy vợ Việt, chắc anh ta thuộc con nhà có ăn học đàng hoàng.

Anh Kim làm nghề kinh doanh rồi dạy học thêm bên Hàn, vừa là nhà nghiên cứu đầu ngành về lịch sử Đông Nam Á bên đó. Còn có lần hỏi Uyển đang làm gì và đang sống nhiều ở đâu giữa Sài Gòn hay Seoul, cô ấy trả lời tôi: Em làm thinh mọi lúc mọi nơi.

Mấy lần nghe anh Kim kể đi kể lại chuyện người đàn bà Mèo lấy chồng Hàn, tôi cười: Tôi cũng nghe vợ anh nói chuyện đó với tôi mấy lần rồi, hình như vợ anh còn phàn nàn với anh “Thôi, đừng kể chuyện đó nữa, nói chuyện khác đi” phải không? Anh Kim không khó chịu chút nào, chỉ tỏ vẻ buồn phiền: Thế mới biết, vợ tôi cũng đã kể câu chuyện nhàm chán đó cho rất nhiều người bạn nghe rồi. Thế mới biết, cô ta không còn thích thú nghe tôi nói chuyện như cách đây hai mươi năm, cô ấy thích nói chuyện với những người khác hơn tôi.

Hình như Uyển hay nói với nhiều người nữa chứ không phải với riêng tôi là cô đang chán ngán cuộc sống với một anh chồng người Hàn Quốc già cổi và ưa lải nhải lắm rồi. Mà thế giới đổi thay, con người đổi thay, biết đâu tôi cũng đang chán ngán một “cái tôi” già cổi của chính tôi lắm rồi mà mình không chịu nhận rõ ra.

Vào buổi hoàng hôn chập choạng, có những cái mà mình cảm thấy thích vào buổi ban mai tới buổi chiều bỗng thấy vô duyên lạ, cũng như cách đây ba mươi mấy năm khi thấy Uyển cận thị xanh xao ốm yếu trong sân trường Văn Khoa tâm trạng tôi luôn thấy nao nao, mỗi ngày không thấy Uyển đi học tôi lo như phát sốt…

Ngày xưa đó một hôm biết chuyện của tôi, Uyển hỏi tôi: Anh đang lo lắng cho mấy người trong trường giống như em vậy? Tôi phì cười: Ba hay bốn cô cận thị gì đó anh không nhớ rõ, anh đang trong thời đói meo nên thấy ai cũng ngon cũng đẹp cũng đáng yêu, miễn là có đeo kính cận cho nó ra vẻ trí thức. Uyển cũng cười: Được như vậy em cũng sẽ không còn lo lắng khi nói cho anh biết rằng em đang thương người khác chớ không phải thương có mình anh. Tôi lại đùa: Có bao nhiêu người khác vậy?


Image may contain: 3 people, people smiling
Marie Curie, Saigon, 197...

Nói chung, thời đi học tôi để ý tới một Uyển xanh xao thơ mộng nhiều lắm. Nhưng… Cách đây hai năm, khi gặp lại Uyển và anh Kim, thấy Uyển tròn trịa trong bộ áo quần xúng xính, tôi buộc miệng than: Sao lúc này em mập thế? Uyển đớp chát: Hết yêu nổi em rồi phải không? Nhưng em không hề ngạc nhiên. Thời gian có thể thay đổi tất cả, những cái gì mình thích mình cần lúc ngày xưa có khi bây giờ mình không cần và mình rất ghét.

Tôi lén nhìn và thoáng thấy nét đau đớn trên khuôn mặt đẹp lão của anh Kim… tôi biết ngay đã có cái gì đó đổ vỡ giữa hai người rồi. Mà thú thực, tôi không hề vui khi thấy điều tan vỡ đó.

Một lần khác anh Kim hỏi tôi: Anh còn nhớ câu chuyện cô gái trẻ người Mèo quê ở Hà Giang không? Tôi hửng hờ: Sao, có gì mới hả?
Anh Kim: Tôi giúp cho cô ấy xuống tóc xin đi tu chính thức trong chùa ở Incheon rồi. Tôi: Sao anh quan tâm quá vậy? Anh Kim: Thấy tội nghiệp cô ấy từ lúc mới gặp ở chùa nên tôi theo dõi người ta mãi. Hồi đó cô này không biết tiếng Hàn nên khó khăn giao tiếp lắm, tôi thì biết tiếng Việt nên giúp cô ta chuyện này chuyện khác. Hồi đó bị đuổi khỏi nhà chồng nên cô ấy lang thang lên chùa, tôi gặp cô ta ở đó.

Tôi lại hỏi: Có khi nào cô ấy chỉ đi tu một thời gian rồi bỏ tu không? Anh Kim: Không, chắc là đi tu luôn rồi đó. Mà chuyện cũng đơn giản thôi… Sau khi được tôi giới thiệu, cô người Mèo được sư trụ trì nhận làm tạp vụ trong chùa. Một hôm có nhà sư Việt nào đó qua bên này thuyết giảng, nghe xong thuyết pháp cô gái ấy khóc năm ngày năm đêm rồi quyết chí đi tu suốt đời.
Tôi hửng hờ: Ông sư nào mà tài giỏi quá vậy, bài thuyết pháp đó tên gì vậy? Anh Kim mau mắn: Tên ông sư dù đang nổi tiếng nhưng dài quá nên tôi quên mất rồi, tôi chỉ nhớ bài thuyết pháp đó có tên là Bóng Mây.

Tối hôm đó ở Sài Gòn tôi đi tìm kiếm bài thuyết pháp Bóng Mây trên mạng. Trong tâm thức ưa xét nét của một người học văn chương, khi nghe hết xong tôi thấy bài thuyết pháp đó không có gì hay và sâu sắc lắm như anh Kim nói, chỉ có điều nhà sư trẻ tuổi này có tài nói chuyện khá lôi cuốn và có duyên thu hút được mấy cô gái Việt thuộc lớp người nông thôn bình dân đang hết sức cô đơn vì đang bị ganh ghét hay ruồng bỏ bên xứ người giống như cô gái dân tộc Mèo kia.

Nhà sư này nói giọng miền Tây ấm áp… thỉnh thoảng lại biết pha trò một cách hiền hòa, mà trong cuộc sống của những người đàn bà Việt xa xứ cô đơn ở bên Hàn người ta đang rất thiếu vắng những tiếng cười ấm áp thân thiện ủi an từ những người đồng hương tử tế. Mỗi ngày qua, bọn họ đang sống trong sự ghẻ lạnh của một xã hội mà họ chưa kịp làm quen. Nhiều người không biết nói tiếng Hàn, cái trở ngại ngôn ngữ ấy càng làm họ khó khăn hòa nhập.

Tôi có nói lại cái cảm giác, cảm thụ văn chương của riêng tôi khi nghe bài thuyết pháp Bóng Mây này với Uyển: Anh thấy tội nghiệp cho cô gái người Mèo đó quá, chỉ nghe một bài thuyết pháp khá bình dị như vậy thôi cũng đã là một niềm an ủi hạnh phúc lớn lao, tạo ra được một ngã rẽ cuộc đời. Mà không biết cô ấy suy nghĩ có đúng hay không, hay chỉ vì một phút động lòng do cô đơn trống vắng lâu ngày, tình cờ gặp được một người đồng hương tử tế an ủi mình mà đã đi đến một quyết định vội vàng.

Uyển bảo cô cũng nghe qua bài thuyết pháp Bóng Mây lâu rồi và cũng có những cảm xúc về văn chương giống y như tôi, nhưng rồi Uyển trầm tư: Giống như nhạc bolero, khi nào mình rớt vào đúng hoàn cảnh bi lụy của bài hát đó thì mình sẽ thấy nó đau đớn thiết tha, khi mình không rớt vào đúng hoàn cảnh đó thì mình sẽ chê nó sến. Anh là đàn ông và sống đời đơn giản ở Việt Nam, chúng em lấy chồng sang đây như rớt vào một cái hố xoáy của hai nên văn hóa khác biệt, những cư xử ghẻ lạnh của người Hàn bên xứ lạ thường làm chúng em bị tổn thương sâu sắc. Có một người đồng hương sang Hàn thuyết giảng cho mình nghe, dù người đó là một nhà sư hay một linh mục, nếu họ biết nói một cách tử tế thân thiện sự an ủi của Phật hay của Chúa đối với cuộc đời lấy chồng xa xứ bẽ bàng của chúng em, thì chúng em sẽ biết ơn vô cùng anh à.

Có lần tôi nói với anh Kim: Bóng Mây… hình như đời ai cũng có bóng mây, nên cô gái dân tộc Mèo kia khóc năm ngày năm đêm trước khi đi đến quyết định bỏ tất cả để đi tu suốt cuộc đời sau khi thấy và biết được cái bóng mây của đời mình anh có biết không?

Anh Kim: Bóng Mây còn là sự xung khắc giữa hai nền văn hóa Hàn và Việt. Hai mươi năm nay vì hoàn cảnh đói khổ nhiều người đàn bà miền quê Việt Nam đã sang Hàn Quốc lấy chồng. Trong con mắt của gia đình chồng họ thường là những người nghèo đói ít học kém văn hóa phải tha phương cầu thực bằng cách kiếm chồng kiếm tiền ở bên Hàn, sau đó có dư chút đỉnh thì gởi tiền về quê phụ giúp gia đình. Những người đàn bà Việt dù ít học ngu dốt hay quê mùa cách mấy cũng biết rõ sự rẻ rúng của gia đình chồng và những người hàng xóm bên Hàn đối với họ. Họ hận lắm…

Anh Kim tiếp: Những người Việt bên Hàn thường tìm cách lãng quên sự rẻ rúng khinh thường của xã hội Hàn Quốc đối với họ bằng tôn giáo, bằng cách siêng năng đi chùa và tìm quên trong kinh kệ. Có mấy chùa lớn bên này người Việt góp tiền lập riêng một khu nhỏ để tiếp đón nuôi ăn miễn phí những người Việt cô đơn bị ruồng bỏ, những người Việt không có giấy tờ nhập cư hay đi lao động chui… Những người quan tâm tới người Việt xa xứ như tôi hay vợ tôi thường đi đến những ngôi chùa này để tìm cách giúp đỡ họ.

Bỗng anh Kim thở dài… Nhưng rồi, một hôm đi chùa Uyển nói với tôi: Anh dù có tốt cách mấy cũng không làm em quên được cái ánh mắt ghẻ lạnh của gia đình anh khi em mới sang đây. Cũng may em không phải lên chùa mà sống, cũng may em không bị anh đuổi ra khỏi nhà như cô gái Mèo kia.

Uyển có nói thêm với tôi: Bên đó, mỗi khi lên chùa em vẫn tìm cách nói chuyện riêng với cô gái Mèo này. Một hôm cô gái ấy nói: Chồng của bà thật tốt, ông ấy giúp đỡ tôi nhiều lắm. Ngày tôi bị đuổi ra khỏi nhà lang thang lên đây vì không biết tiếng Hàn nên không biết ăn nói làm sao để người ta cho ở lại Cửa Phật thì ông ấy tình cờ đi chùa nên nhận giúp đỡ tôi. Nhờ ông ấy mà sư trụ trì cho tôi ở lại đây làm công quả, tới giờ tôi có biết nói tiếng Hàn đâu, tôi dốt lắm bà à.

Tôi thở dài: Vậy mà sao em cứ đòi ly dị anh Kim, anh ấy quá tốt đi chớ? Uyển cũng thở dài: Em quyết định hết rồi, em về lại bên này còn ba đứa con em sẽ tiếp tục qua lại bên đó học hành. Chúng nó sẽ sống với cha, anh Kim sẽ không cô đơn đâu… Chỉ tốt bụng không chưa đủ anh à, còn nhiều cái khác nữa để hai người có thể đến với nhau và mãi mãi bên nhau. Thú thực với anh hai mươi năm nay em đã cố gắng yêu nhưng không thể yêu chồng dù biết chồng rất yêu mình. Có phải đó là vì hai nền tảng văn hóa cũng như quá khứ của chúng em quá khác biệt?
Người cô đơn mãi mãi chính là em. Về bên này em cũng sẽ cô đơn nhưng có một Sài Gòn dù còn rất u ám nhưng là thứ quá khứ thân thuộc luôn ở bên cạnh để làm bạn. Nếu em ở lại bên kia, vì xa lạ vì cô đơn em cũng sẽ lên chùa và có khi giống như cô gái Mèo kia, một hôm thấy được Bóng Mây em sẽ cạo trọc đầu xin đi tu mãi mãi.

Tôi hỏi: Em có còn một chút cảm tình nào với người chồng Việt hay không? Anh nghĩ thời gian trôi đi, em cũng bỏ đi, anh ta chắc đã có những thay đổi tốt đẹp nào đó rồi? Em có liên lạc thường xuyên với anh ta hay không? Hay vì sợ người chồng Hàn buồn mà em cắt đứt dây chuông? Rồi ngập ngừng tôi hỏi tiếp: Chuyện ly dị với anh Kim và quay lại Sài Gòn có liên quan gì tới người chồng cũ hay không?

Uyển: Không, cái gì chết thì đã chết. Tình yêu đã hết là tình yêu đã chết, không còn gì nữa đâu, có muốn đào lên tình yêu cũng không hề sống lại. Sự nhẫn nhục chịu đựng bất công của người đàn bà trong gia đình lâu ngày biến tình yêu đầu tiên thành nỗi căm phẫn oán ghét cho tới chết. Ở Việt Nam cũng vậy mà ở xứ người cũng thế, cứ mỗi lần nhớ tới những ngày trẻ lao đao nuôi chồng ở không tại Sài Gòn là em lại oán em: Sao hồi đó mày ngu thế?

Uyển kết luận tình cảnh bên Hàn: Chúng em không thể quên được sự tổn thương mà em phải chịu những ngày mới qua Hàn. Cũng như cô gái dân tộc Mèo có lần nói với em: Chồng bà thật tốt, nhưng dù ông ấy có giúp đỡ tôi nhiều cách mấy đi nữa thì tôi vẫn không thể quên chuỗi ngày tuyệt vọng khi bị người ta đuổi ra đường vào một ngày mùa đông giá lạnh.

Mà thôi, hãy xem đó là một bóng mây.

Sài Gòn, ngày 13 tháng 08 năm 2016



A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512

Mấy lời vụng về, ttt
Có lần tôi đã nhắc lại ý kiến của một người khác nói rằng tiểu thuyết lắm khi làm mình hiểu lịch sử nhiều hơn là sử ký, ông nêu trường hợp Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoy. Đem điều nầy vào trường hợp "Bóng Mây Trên Chùa" thì quá lớn. Mượn chút xíu thôi, bài nầy với một đề tài đã có cả không biết bao nhiêu lần nói tới dưới nhiều hình thức, chuyện gái Việt lấy chồng Cò Ria, nhưng thiển nghĩ nó cho mình ý niệm rõ ràng hơn như Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam cho thấy sự cùng tận của cảnh nghèo. Không mắc mớ gì phải hỏi chuyện thật hay hư, nhưng lối viết có khác hơn lối "nhiếp ảnh", như Nguyễn Đức Lập có nói với chính tôi ông viết lại như ống kính. Nơi đây, tác giả hay đúng hơn là người kể chuyện (narrator) cho thấy chính mình cũng tham dự vào điều gọi là trùng trùng duyên khởi. Thấy Uyển mặt mày xanh xao trên chiếc xe đạp cũ tần tão nuôi chồng nhậu nhẹt, "tôi" đã phải nói thẳng với nàng rằng "tôi" tự trách không can đảm đưa nàng vào vòng tay che chở của "tôi".
Thiếu nữ người Mèo làm tôi nhớ đến Ikeda Daihatsu, chủ tịch hội cư sĩ Nhật kể chuyện một thiếu phụ Nhật đã tự tử vì nghèo nhưng nhật ký cho biết vì không chịu được sự cô đơn; do đó nếu bà đã gặp một hội viên cùng khai mở năng lực nội tâm thì đời sẽ khác và có khi giàu có hơn. Ông Kim đã đưa cô Mèo qua một khúc quanh, không hiểu "issue" của cô có được giải quyết tận cùng hay không. Cứ như trong bài, cô và Uyển không bao giờ quên những mối hận thù.
Mấy ông thiền đạo mạo sẽ đến khuyên giải xóa bỏ hận thù. Ôi cô Mèo của tôi! Cô Mèo và cả thế hệ cha mẹ sinh ra và lớn lên trong vùng lấy hận thù làm sức mạnh chính trị gây bao nhiêu tội ác, nay người ta lấy cái xóa bỏ buông bỏ bô bô trong miệng của lũ tu hành giả hiệu để làm bài thuốc an thần "chiến tranh chính trị"; sử gia đầy tớ sẽ ghi đây là thời hưng thịnh của Phật Giáo, đá xẻ đôi ghi những khẩu hiệu suông.
Mong cô Mèo và cả Uyển thấy được chân nguyên, trầm luân gãy cánh với thời gian, tránh xa cái loa đầu ngõ, quán niệm một khúc nhạc vũ trụ thần bí, mà nhạc cụ có bọng đàn là khóm trúc, dây đàn vắt vẻo núi cheo leo, bàn tay ngọc là móng chân con cú vọ.-


No comments: Links to this post

THÀNH KÍNH CHIA BUỒN MUỘN CÙNG GS NGUYỄN KHẮC NHÂN= XIN NGUYỆN CẦU CHO HƯƠNG HỒN CHỊ NGUYỄN MAI CHI SỚM ĐẾN NƠI YÊN BÌNH VĨNH CỮU./-BB

TANG LỄ MAI- CHI NGUYỄN : ÁI NỮ DUY NHẤT CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN KHẮC NHÂN

TANG LỄ CON GÁI DUY NHẤT CỦA GIÁO SƯ HỌC VIỆN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ NGUYỄN KHẮC NHÂN
Bà Quả Phụ Bác Sĩ Trần Đình Hoàng
Nhũ Danh Nguyễn Mai-Chi
( Mai-Chi Nguyen)
Sanh ngày 18/05/1949 tại Sài Gòn, Việt Nam,
mất ngày 02/09/2018 tại Sydney, Australia, hưởng thọ 69 tuổi
MaiChi0
Khoảng 2.00 trưa ngày Thứ Sáu 07/09/2018, một Phái Đoàn CSV/QGHC gồm có
            – Huynh Trưởng Trần Thiện Tích,
            – Huynh Trưởng Nguyễn Vịnh,
            – Anh Chị Nguyễn Ngọc Khôi,
            – Anh Chị Ngô Văn Đượm,
            – Anh Lê Văn Thái,
            – Anh Hoàng Trường Tấn,
            – Chị Trần Thị Huệ
            – Anh Bùi Đức Hùng

đã đến Trung Tâm Hỏa Thiêu Palm Chapel thuộc Nghĩa Trang Macquarie Park (Macquarie Park Cemetery and Crematorium-Palm Chapel) tọa lạc tại góc đường Delhi Road và Plassey Road nằm trong Quận Macquarie Park, Thành Phố Sydney, Australia, để dự Đám Tang và ngỏ lời chia buồn với Tang Quyến Bà Nguyễn Mai-Chi, con gái duy nhất của Giáo Sư QGHC Nguyễn Khắc Nhân vừa qua đời ngày 02/09/2018 tại Sydney, Australia.
Đây là một Đám Tang tổ chức hoàn toàn theo ý của các con Bà Mai-Chi, theo phong thái của Úc, không theo phong tục cổ truyền Việt Nam, không có tín niệm tôn giáo, không có các Tôn Đức Phật Giáo đến làm lễ phát tang, cầu siêu, không có các vị Linh Mục hay Mục Sư bên Công Giáo hoặc Tin Lành đến làm phép, cầu nguyện. Thi hài Bà Mai-Chi sẽ được hỏa thiêu sau các nghi thức tưởng nhớ và vĩnh biệt.
Anh Bùi Đức Hùng đến nhà đón Anh Hoàng Trường Tấn tới Palm Chapel trước, khoảng 1.30PM thì thấy Nhà Tang Lễ Palm Chapel có một Đám Tang khác đang cử hành. Úc rất tôn trọng giờ giấc. Đám Tang Bà Mai-Chi sẽ bắt đầu lúc 2.15PM. Một lát, Ông Nguyễn Bá Lãng, chủ Tiệm Hoa Yến Florist lần lượt đem đến ba vòng Hoa Điếu Tang Chia Buồn :
MaiChi5
  • Vòng Hoa của Hội CSV/QGHC/NSW rất đẹp, mầu sắc nổi bật;
  • Vòng Hoa của Ông Hoàng, Bào Đệ của Thầy Nhân từ Hoa Kỳ đặt hàng;
  • Vòng Hoa của các Cựu Nữ Sinh Gia Long từ Hoa Kỳ đặt hàng (Bà Mai-Chi thuở nhỏ theo học Trường Nữ Trung Học Gia Long ở Việt Nam)
Ghi nhận có một vài Lẵng Hoa nhỏ khác của các Thân Hữu người Úc và Á Châu.
  • Khoảng 2.00 PM thì các Thân Nhân, Thân Hữu Úc Việt của Tang Quyến đến và phần còn lại của Phái Đoàn CSV/QGHC/NSW cũng đến.
MaiChi3
Anh Hoàng Trường Tấn đem theo hai máy chụp hình, chụp hàng loạt hình trước. Sau đó, Anh Ngô Văn Đượm chụp liên tiếp các hình và ngay sau Tang Lễ, có gởi email giới thiệu cho mọi người  hình ảnh Đám Tang của Bà Mai-Chi.
  • Đúng 2.15PM, một Xe Tang đến ngay trước Nhà Tang Palm Chapel. Bốn người nữ nhân viên Nhà Quàn Lady Anne Funeral đặt một quan tài bằng gỗ màu vàng nhạt đựng thi hài Bà Mai-Chi lên một bàn có bánh xe và đẩy vào bên trong Nhà Tang, đặt nằm ngang ở vị trí trung tâm tận cùng có rèm che vén sang hai bên một cách trân trọng. Một nữ nhân viên khác cầm một cọc Thiệp Tang, đi từng người còn đứng bên ngoài, phân phát cho mỗi người một Thiệp lớn có hình Bà Mai-Chi và người chồng quá cố, Bác Sĩ Trần Đình Hoàng, trong đó có  Chương Trình Tang Lễ hôm nay. Họ cũng phát thêm một tấm thẻ nhỏ in hai hình Bà Mai Chi, một hình chụp lúc còn nhỏ mặc áo dài nữ sinh, một hình đã lớn tuổi chắc là chụp trước khi qua đời. Mặt sau có in một Bài Thơ rất hay, không thể không viêt lại ra đây !
If tomorrow starts without me And I’m not there to see The sun should rise and find your eyes All filled with tears for me I wish so much you wouldn’t cry The way you did today While thinking of the many things We didn’t get to say I know how much you love me As much as I love you And each time that you think of me I know you’ll miss me too But I turned to walk away A tear fell from my eye For all my life, I’d always thought I didn’t want to die I had so much to live for So much left yet to do It seemed almost impossible That I was leaving you I thought of all that we had shared And all the fun we had If I could relive yesterday Just even for a while I’d say good-bye and kiss you And maybe see you smile So when tomorrow starts without me Don’t think we’re far apart For every time you think of me I’m right here in yourt heart !
 Sau khi hỏi thăm và nhận được mọi yêu cầu liên hệ, nhân viên Nhà Quàn Lady Anne mới mở cửa mời mọi người bên trong. Ngoài mười người CSV/QGHC, có khoảng ba mươi người nữa, gồm Tang Quyến (Hai con trai Bà Mai-Chi, con dâu, hai cháu ngoại gái) và các thân hữu Úc, Việt, Á Châu.
Maichi1
Chương Trình Tang Lễ hôm nay gồm có :
  • Nhạc Mở Đầu : Time To Say Goddbye với giọng ca Andre Bocelli và Sarah Brightman
  • Diễn văn cảm ơn và tuyên đọc Tiểu Sử, kể lại các Giai Thoại trong cuộc đời của Thân Mẫu : Diễn Giả là con trai trưởng Bà Mai-Chi, Tiến Sĩ Vi Trùng Học, Khoa Học Gia Nai Tran-Dinh (Trần Đình Nai);
  • Giới thiệu cuộc đời Bà Mai-Chi với rất nhiều hỉnh trên màn ảnh từ thuở thiếu thời cho đến trước khi mất : Do Tiến Sĩ Trần Đình Nai phụ trách;
  • Nghi thức Vĩnh Biệt : Do Tiến Sĩ Trần Đình Nai và em trai, Luật Sư Trần Đình Ni (Nee Tran-Dinh) chủ trì;
  • Nhạc Bế Mạc Tang Lễ : Over the Rainbow với giọng ca Israel Kamakawiwo’ole;
  • Tiệc Trà mời mọi người đến dự : tại phòng Jade Room, Wallumatta Function Centre, Macquarie Park Cemetery.
Lên diễn đàn với áo sơ mi dài tay, cà vạt đơn giản, người tầm thước, đẹp trai và rất tự nhiên, đôi khi pha trò, không bi lụy, khóc thương, Tiến Sĩ Trần Đình Nai kể chuyện hoàn toàn bằng Anh ngữ về Thân Mẫu của mình mà lúc sinh thời gọi là “Má”.
MaiChi
Kính chào Quý Vị, tôi là Nai Tran-Dinh, con trai của Bà Mai-Chi.
 Thay mặt em trai tôi, Nee Tran-Dinh và toàn Tang Quyến, Tôi xin cảm ơn Quý Vị đã đến dây nói lời vĩnh biệt Thân Mẫu chúng tôi mà Nee và tôi thường gọi là “Má”.
Mẹ chúng tôi qua đời rất đột ngột dù tất cả chúng tôi lúc nào cũng hy vọng, mong ước Bà ở với chúng tôi thật lâu hơn nữa ! Đó là một cú shock rất nặng cho chúng tôi nhưng có một điều an ủi là vào những giờ phút cuối cùng, Bà ra đi không đau đớn và tôi có may mắn được nhìn mặt và nói chuyện với Bà trước khi Bà mất !
 Những gì tôi mong được làm hôm nay là kể lại cuộc đời và vinh danh Thân Mẫu chúng tôi.
 Mẹ tôi  sanh tại Sài Gòn, Việt Nam năm 1949 và là con gái duy nhất của Ông Nhân và Bà Tâm (Ông Bà Giào Sư Nguyễn Khắc Nhân). Mẹ tôi lớn lên tại Việt Nam và đã đậu bằng Cử Nhân Luật Khoa, nhưng “đủ khôn ngoan” để không làm Luật Sư ! Xin lỗi em trai tôi Nee và các đồng nghiệp của em có mặt trong Tang Lễ hôm nay (cười và nhóm Luật Sư cũng cười);
 Trong những ngáy tháng học đại học, bạn bè của hai người đã làm mai Mẹ tôi cho Cha tôi, không rõ là vào thời điểm nào, nhưng Cha Mẹ tôi đã kết hôn vào năm 1972 và sanh liền hai con trai những năm sau đó. Vì các con, em Nee và tôi, Cha Mẹ tôi đã phải vượt biên tìm nơi chốn an toàn hơn, tốt đẹp hơn cho chúng tôi. Chúng tôi là một số nhỏ trong không biết bao nhiêu người vượt biên mà người ta thường gọi là “Thuyền Nhân”. Gia đình chúng tôi tạm trú một thời gian ngắn trong Trại Tỵ Nạn ở Mã Lai trước khi được nhận định cư tại Úc.
 Chúng tôi đến Brisbane với hai bàn tay trắng. Nhưng Cha Mẹ chúng tôi đã làm việc rất cực nhọc để chúng tôi được vươn lên. Bản tính tham công tiếc việc của Mẹ tôi đã thúc đầy Bà làm rất nhiều việc, đóng rất nhiều vai trò trong suốt cuộc đời của Bà. Mẹ tôi có khi làm tại nhà ở Brisbane, làm bất cứ việc gì tìm được tại các hãng xưởng để nuôi chúng tôi ăn học thành tài. Tôi còn nhớ lúc nhỏ đã giúp Mẹ làm các viêc Bà mang từ hãng về như đóng gói các hộp xà bông, nối giây vào chấu điện. Cha tôi thường lái xe đón Mẹ tôi tan việc tại hãng làm theo ca, nhiều khi đêm khuya. Nee và tôi thường ngồi ghế sau xe !
 Mẹ tôi hết sức học Anh Văn và cuối cùng thì Bà đã trở thành Thông Dịch Viên Việt-Anh. Sau này, khi Cha tôi mở Phòng Mạch riêng, Mẹ tôi đã luôn sát cánh giúp Cha tôi. Bà làm đủ thứ công việc không nề hà : Tiếp Khách, Thư Ký Phòng Mạch, Thư Ký Kế Toán, Tạp dịch ! Cha Mẹ tôi làm việc bất kể giờ giấc ! Công việc sau cùng của Mẹ tôi tự giao cho mình là Giám Đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Nai Nee Pty Ltd. Tất cả những gì Mẹ tôi làm là cho chúng tôi , em Nee và tôi, cuộc sống tốt hơn, có nhiều cơ hội hơn để vươn lên !
 Phải nói rằng, mặc dù hoàn cảnh tranh đấu vất vả của Cha Mẹ chúng tôi như thế, tạo dựng cuộc đời mới ở một nước đồng minh như vậy, nhưng  ký ức của chúng tôi, các con của Cha Mẹ, về tuổi thơ là RẤT HẠNH PHÚC !
 Chúng tôi thường hay đi câu qua những chuyến nghỉ ngơi trong ngày hoặc dài ngày. Thật ra, Mẹ tôi không thích câu cá ! Bà chỉ thích bắt cá, làm cá, nấu cá, cua, mực. Đó là những món hải sản Mẹ tôi thường ăn nhất;
 Mẹ tôi nấu ăn rất giỏi. Bà thường nấu đại khái các món phở, bún bò, bánh cuốn, bách xèo, gà kho, canh chua. Nhiều nữa thì tôi không nhớ hết !
 Tôi còn nhớ Mẹ tôi nấu món bún bò, một món ăn truyền thống Việt Nam. Món này đòi hỏi môt loại bún đặc biệt của nó không thể tìm ra trong những ngày tháng chúng tôi mới đến Úc trước kia. Vì vậy, Bà đành phải lấy một loại mì truyền thống của người Ý gọi là spaghetti thay thế để làm bún bò Huế ! Cho đến tận ngày hôm nay, trong ký ức của tôi có một liên kết đặc biệt nối liền bún bò, Spaghetti và Mẹ tôi và tôi vẫn nghĩ rẳng tât cả Nhà Hàng Việt Nam tại Úc đều dùng loại bún không đúng với bún bò nguyên gốc !
Mẹ tôi cũng nấu nhửng tô phở rất ngon và có dạy tôi học cách nấu phở vài lần. Nhưng tôi không bao giờ có thể nấu ngon như Bà !
 Sau nhiều năm tháng làm việc bất  kể giờ giấc với Cha tôi, sau cùng thì Mẹ tôi cũng thư giãn một chút và tìm những ngày nghỉ ngơi. Cùng với Cha tôi, đôi khi với em trai tôi Nee làm tài xế, hướng dẫn viên, Mẹ tôi đã đi thăm nhiều nơi trên thế giới. Cha Mẹ tôi đã đến viếng Mỹ Châu, Gia Nã Đại, Scandinavia, Nga, Trung Quốc, Mã Lai và một số nơi khác ! 
 Một trong những sở thích của Mẹ tôi là trong những chuyến du lịch ngoại quốc như vậy, dù là những thị trấn nhỏ bé hay ở những thành phố lớn, bao giờ Bà cũng tìm đến những quán ăn Việt Nam tại địa phương để mua những món ăn thuần tuý Việt ! Dù luôn luôn nhớ mọi thứ về Việt Nam như vậy, Mẹ tôi không bao giờ trở về nước Việt. Mẹ tôi nói rằng Bà chỉ muốn nhớ về Việt Nam như thời trước đây mà thôi.  Nước Việt Nam của Mẹ tôi đã vẫn nằm trong tâm khảm của Bà rồi ! Mẹ tôi biết rằng về lại Việt Nam khiến cho ký ức của Bà về Việt Nam bị huỷ diệt và Bà không thể chịu được khi nhìn thấy lá cờ khác với trước đây cũng như những tuyên truyền (Việt Cộng) mọi nơi, mọi chỗ ! Mọi thứ đều làm Bà sợ hãi ! Tôi còn nhớ khi tôi về Việt Nam cho công cuộc học hành của tôi, Mẹ tôi hêt sức lo lắng, gọi điện cho tôi ở mỗi khách sạn tôi tạm trú, để lại lời nhắn nếu không gặp chúng tôi !
 Tôi cũng còn nhớ Mẹ tôi có cả một bộ máy móc coi nhiều loại  phim. Mẹ tôi thích xem phim tình cảm xã hội Úc, đặc biệt là loạt phim Neighbours. Bà cũng thích xem phim tình cảm xã hội Nhật Bản và Đại Hàn. Phim tình cảm xã hội Nhật làm Bà thương cảm nhất ! Tôi đã bắt gặp Mẹ tôi mắt đỏ hoe, chung quanh Bà toàn là những hộp giấy tissue ! Tôi luôn luôn tự hỏi là tại sao Mẹ tôi lại thích và cảm đến như vậy ? Nhưng cái Mẹ tôi thích nhất là các màn trình diễn ca nhạc kịch Việt Nam bao gồm Paris By Night, từ phân đoạn số 1 đến số 700 ! Tôi chắc chắn rằng chỉ có Mẹ tôi là người bình chọn tốt nhất cho nhừng show ca nhạc kịch này ! Cha tôi, em Nee và tôi xin chịu thua !
 Vài năm trở lại đây, Mẹ tôi phải ở trong Viện Dưỡng Lão Nursing Home ở North Rocks. Bà bị trầm cảm rất nặng sau khi Cha tôi qua đời và Bà Ngoại tôi cũng mất sau đó không lâu !
 Mẹ tôi bắt đầu nguôi ngoai. Tôi thường đến ăn cơm trưa với Bà tại phòng của Bà vào những ngày Thứ Bảy, nói chuyện với Bà, cùng Bà coi một vài show TV. Bà rất yêu mến các lần thăm viếng của cháu nội, Anna và Elise. Bà đặc biệt  làm cho các cháu say mê với những kẹo ngọt, sô cô la, đồ chơi và iPade ! Bà rất yêu thích chụp hình với các cháu, dành hằng giờ đồng hồ xem các cuốn video của Elise về sinh hoạt trường học hay của Anna về tập thể dục nhào lộn !
 Mẹ tôi thường xuyên nói chuyện trên điện thoại với em Nee , hỏi thăm coi có chuyện gì  xảy ra với em Nee không ở Dubbo và nhờ em Nee giúp Bà chơi trò xếp hình là trò chơi Bà thích nhất ! Em Nee dạy Mẹ nhiều nhưng Nee nhiều khi phải giúp Mẹ thoát ngõ bí !
Bà đã bắt đầu cuộc sống trở lại, ra ngoài chơi với các bạn của Bà hay với các cư dân cùng Viện Dưỡng Lão với Bà.
 Bà cũng bắt đầu đan móc áo len, làm các đố chơi, chăn mền, khăn tay, khăn quàng cổ, áo chui đầu cho các cháu nội. Bà cũng tình nguyện làm một số việc cho các nhân viên trong Viện Dưỡng Lão.
 Thật vô cùng đau buồn cho chúng tôi khi mất Mẹ đúng vào lúc Bà đang tìm lại được những nguồn vui nho nhỏ trong cuộc đời ! Nhưng chúng tôi hết sức an ủi là Bà đã có một không gian hạnh phúc hơn trong năm cuối cùng của đời Bà và Bà đã không hề đau đớn gì cả trước khi thở hơi cuối cùng !
 Xin chân thành cảm ơn Quý Vị đã cho phép tôi chia xẻ những ký ức về Thân Mẫu chúng tôi với Quý Vị. Bà sẽ luôn nhớ đến toàn thể Quý Vị.
 Bây giờ, mời Quý Vị xem lại những hình ảnh và những giây phút đáng tưởng nhớ trong cuộc đời của Thân Mẫu chúng tôi !
Phái Đoàn CSV/QGHC/NSW đã chụp những hình lưu niệm trước linh cữu Bà Nguyễn  Mai-Chi.
MaiChi2
Tang Lễ Bà Mai-Chi kết thúc khoảng 3.30 PM cùng ngày Thứ Sáu 07/09/2018 tại Macquarie Park, NSW, Australia.

  • Nguyễn Mai-Chi (Mai-Chi Nguyen) : Sanh ngày 18/05/1949 tại Sài Gòn, Việt Nam, mất ngày 02/09/2018 tại Sydney, Australia;
  • Song Thân : Ông Bà Giáo Sư QGHC Nguyễn Khắc Nhân. Bà Giáo Sư đã mất. Giáo Sư Nhân hiện đã rất già yếu, đang nằm trong một Nursing Home ở Sydney, NSW, Australia;
  • Phu Quân : (Kết hôn năm 1972 tại Việt Nam) Bác Sĩ, Giáo Sư Y Khoa Trần Đình Hoàng, sanh ngày 08/04/1943 tại Thừa Thiên Huế, Việt Nam, mất ngày 17/10/2012 tại Sydney, Australia, hưởng thọ 69 tuổi,  Bác Sĩ các Bệnh Viện ở Sài Gòn, Việt Nam, Bác Sĩ các Bệnh Viện tại Queensland, Úc Châu, mở  Phòng Mạch Tư tại Queensland, Sydney, Giáo Sư Y Khoa tại các Đại Học Queensland và Sydney, Tác Giả nhiều bài viết về y khoa, Bác Sĩ Diễn Giả tại nhiều hội nghị và sinh hoạt cộng đồng;
  • Trưởng Nam : Nai Tran-Dinh, sanh ngày 19/10/1974 tại Sài Gòn, Việt Nam, Tiến Sĩ, Khoa Học Gia (PhD in Microbiology from Sydney University, Senior Scientist at The Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation );
  • Út Nam : Nee Tran-Dinh , sanh ngày 10/08/1976 tại Sài Gòn, Việt Nam, Luật Sư (Bachelor of Arts and Law at Sydney University, Senior Solicitor at the Office of the Director of Public Prosecutions );
  • Cháu Nội : Anna Tran-Dinh, sanh ngày 25/09/2007 tại Sydney, Úc Châu;
  • Cháu Nội : Elise Tran-Dinh, Sanh ngày 17/07/2011 tại Sydney, Úc Châu.
Ghi nhanh tại Sydney, Úc Châu, ngày 08/09/2018
Bùi Đức Hùng