Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Friday, September 28, 2018

Lời giới thiệu về Họa sĩ Nguyễn Thế Vĩnh

Chiều Chúa Nhật 17 tháng 7 năm 2016, từ 12:00 trưa đến 5:00 chiều, buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật: họa: triển lãm tranh của Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh, nhạc: trình diển dòng nhạc của BS Nguyễn Khắc Bình đến từ San Jose, văn: ra mắt sách "Nét đẹp . . . cuối trang" của Nhà văn GS Lê Khắc Ngọc Quỳnh, được tổ chức tại Câu lạc bộ Cựu chiến binh Hải Lục Không quân (Army, Navy & Air Force Veterans Club – Mississauga, Canada), địa chỉ 765 3rd St.,Mississauga, On. L5E 1B8. GS Nguyễn Vĩnh Thượng đã giới thiệu Họa sĩ  Nguyễn Thế Vĩnh và tranh của ông như sau:

Kính thưa các bậc Trưởng Thượng,
Kính thưa quý vị quan khách,
Kính thưa quý vị Đại diện các hội đoàn và các cơ quan truyền thông.

Tôi hân hạnh được có đôi lời giới thiệu với quý vị Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh cũng là Họa sĩ A.C.La, A.C. La là bút hiệu của ông:
Nguyễn Thế Vĩnh sinh năm 1943 tại Ninh Bình, Việt Nam. Ông theo gia đình di cư vào Miền Nam cuối năm 1954. Ông nguyên là Đốc sự tốt nghiệp khoá 14 tại Học viện Quốc gia Hành Chánh Saigon năm 1969. Trước năm 1975, trong cơ quan hành chánh VNCH, Ông đã từng giữ chức vụ Phó Quận Trưởng lần lượt ở Quận Vinh Lộc, Quận Phú Thứ tỉnh Thừa Thiên. Năm 1974 Ông được bổ nhiệm về làm Trưởng Ty Hành Chánh Tỉnh Tuyên Đức cho đến ngày miền Nam Việt Nam bị sụp đổ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh bị đi "tù cải tạo" dưới chế độ Cộng Sản gần 6 năm trời tại rừng Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Thời gian bị tù khổ sai trong trại "học tập cải tạo" là một trải nghiệm, là dấu ấn trong đời ông. Vừa khi rời khỏi trại tù cải tạo thì ông quyết định đi vượt biên. Trên hành trình đi tìm tự do ông lại trải nghiệm thêm một nỗi kinh hoàng: chiếc ghe nhỏ bé của ông đã bị hải tặc Thái lan cướp bóc, hảm hiếp phụ nữ và chúng đã bắt đi hai cô gái. Hai lần trải nghiệm khổ đau đã là chất liệu tinh thần  cho các đề tài mà ông sẽ sáng tác sau này.

Ông là người thích viết lách ngay từ hồi còn là sinh viên trường Đại học Luật Khoa và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Saigon, ông đã viết nhiều bài khảo luận cho tờ Chính Luận. Rồi khi ra hải ngoại, ông đã từng làm chủ bút cho nguyệt san Phổ Thông hồi 1985 tại Toronto, chủ trương bán nguyệt san Canada Việt Báo ở  Mississauga vào cuối thập niên 1990. Hiện ông đang  điều hành website “Tiếng Thông Reo”; và  Blog “A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh”, một blog chuyên đề về hội họa.

Ông có cái đam mê là đam mê về hội hoạ, lại thêm có khiếu về hội họa. Năm 1999, Nguyễn Thế Vĩnh đã quyết định buông bỏ các công việc ông đang làm ở Toronto, Mississauga để hoán đổi đời sống của người hoạ sĩ. Ông đã di chuyển về thành phố Vancouver, British Columbia. Những năm tháng sống ở Vancouver với phong cảnh thơ mộng: có những hàng cây xanh lá, có biển Thái Bình Dương mênh mông với tiếng sóng vổ ngút ngàn…đã là những gợi hứng dạt dào cho nhiều bức tranh của ông.

 Nguyễn Thế Vĩnh là một nhà hành chánh, một nhà văn nhưng đồng thời ông cũng đam mê hội họa và sưu tầm tranh. Ông không có cơ duyên đến trường Mỹ thuật để học hỏi về hội họa, nhưng hội họa đến với ông như một cái duyên, như một niềm đam mê. Ông có khiếu về hội hoạ, có “hoa tay” từ lúc hãy còn là một học sinh tiểu học. Thêm vào đó, Ông đọc nhiều sách, nghiên cứu tranh của rất nhiều hoạ sĩ nổi danh để tự trau dồi kiến thức và kỹ thuật về hội họa.

*  Nguyễn Thế Vĩnh là một hoạ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm về phong cảnh, về thiếu nữ với chất liệu sơn dầu, vài bức tranh có sự kết hợp với sơn Acrylic. Tranh của ông có đường nét mềm mại, tinh tế, màu sắc tươi tắn, đậm đà theo phong cách của Tây phương hòa quyện vào nét uyển chuyển mềm mại của Đông phương.

 Tranh của Hoạ sĩ Nguyễn Thế Vĩnh như là một bài thơ có khi trữ tình như bức tranh “Tím Xưa”, có khi đậm nét sử thi như 2 bức tranh: - “Quang Trung Đại Phá Quân Thanh”, diễn tả cuộc chiến thắng quân Mãn Thanh năm 1789; - và “Kỳ Phùng Lịch Sử” hình dung cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi, một cuộc gặp gỡ làm thay đổi vận mệnh dân tộc vào đầu thế kỷ 15. Có khi diễn tả thân phận của người Việt Nam trên hành trình đi tìm tự do như bức tranh “Thuyền Nhân”. Bức tranh mới nhất của ông: “Huế Rực Màu Phượng”:    “Không đâu nhiều phượng vỹ và nhiều chùa như Huế. Chùa gắn liền với phượng hay phượng gắn liền với chùa là sắc thái khá đặc biệt và thường thấy ở Thừa Thiên - Huế” .Từ lời nhận xét đó của một nhà văn, ông đã đưa Huế vào tranh của mình với  tâm hồn của một họa sĩ. Chúng ta hãy nghe Nguyễn Thế Vĩnh tâm sự trong đoản văn “Huế Rực Màu Phượng”:

Tôi không đi chùa nhưng hay vãng cảnh chùa, chiêm nghiệm cảnh thanh vắng, và trầm mặc nơi đây. Thường thì đi một mình nhưng đôi khi có thêm một người cùng sở thích vãng cảnh như mình, tạo ra một chút bận rộn, thêm đôi gót sen thấp thoáng sau lai quần quét trên cỏ. Cứ đi và ngắm, nhìn bờ đá và thân cây rêu phủ, lắng nghe thiên nhiên rì rào tâm sự. Cho dù đôi khi cảm nhận được hơi thở nhẹ và làn da ấm từ bên cạnh,  nhưng tuyệt nhiên vẫn không muốn xa rời cảnh tiên.”
(Nguyễn Thế Vĩnh, Huế Rực Màu Phượng, Website Tiếng Thông Reo, July 2016)

Những bức tranh của ông đã được nhiều thi sĩ và văn sĩ chọn để in vào trang bìa của các quyển tuỳ bút, truyện ngắn, tập thơ  như:


    1. Bức tranh Áo trùng dương làm bìa sách cho quyển “Nét Xưa … còn hoài” của nhà văn Y La Lê Khắc Ngọc Quỳnh.
2.Bức tranh Ráng Chiều làm bìa sách cho quyển Nét đẹp … cuối trang của nhà văn Y La Lê Khắc Ngọc Quỳnh.
3. Bức tranh Tiếng thời gian làm bìa sách cho tập thơ Như thật như mơ của thi sĩ Dương Quân.
4.Bức tranh Xuân Lan làm bìa sách cho tập thơ Trông mòn con mắt của thi sĩ Á Nghi.
5. Bức tranh Mưa Đêm làm bìa sách cho tập thơ Trầm Tư Mặc tưởng của thi sĩ Ý Nga.
6. Bức tranh An Bình làm bìa cho Đặc san Giáng sinh 2007 của Giáo xứ Nữ Vương các Thánh tử đạo VN.
7. Bức tranh Mùa yêu thương làm bìa cho Đặc San giáng sinh 2009 của Giáo xứ Nữ Vương các Thánh tử đạo VN.

* Họa sĩ Nguyễn Thế Vĩnh đã tâm sự với tôi với lời lẽ rất khiêm nhường về sự nghiệp hội hoạ của ông. Với tôi sự nghiệp hội hoạ của ông tuy chưa đồ sộ, nhưng tôi đánh giá các bức tranh của  Nguyễn Thế Vĩnh có một giá trị cao về nội dung tư tưởng, về nghệ thuật, rồi đây các tác phẩm của ông sẽ đi vào lòng người, tôi tin tưởng là như vậy.

Đến đây tôi xin được phép nhường lời lại cho
Đốc sự Nguyễn Thế Vĩnh cũng là Họa sĩ A.C.La.

Trân trọng cám ơn và kính chào tất cả quý vị.

Mississuaga, 17 July 2016.
Nguyễn Vĩnh Thượng
---------------------------------------------------------------
Hình ảnh buổi ra mắt tranh A.C.La ở Toronto-Mississauga  (nguồn: Tiếng Thông Reo), mời bấm vào đây:



Labels:

No comments: