Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Thursday, February 28, 2019

Những Ngày Lưu Luyến Ấy, hồi ký




Nguyễn Văn Thọ

Sau 50 năm, nghĩ lại những ngày đầu của hành trình đi vào đời Hành Chánh, tôi vẫn còn lưu luyến những kỷ niệm thật dễ thương, nhất là trong giai đoạn khởi sự tại nhiệm sở đầu tiên: Thị Xã Đà Lạt, xứ hoa anh đào, sương mù giá lạnh.



Tôi nhận nhiệm sở Đà Lạt là do định mệnh hơn là một lựa chọn. Điều này sẽ làm nhiều người thắc mắc!



Vì trước mặt Giáo sư Nguyễn Văn Tương, Đặc Ủy Trưởng Hành Chánh, (chức vụ ngang hàng Bộ Trưởng Nội Vụ của tổ chức hành chánh thời bấy giờ) mọi anh chị em thuộc Khóa 11 của Học viện Quốc Gia Hành Chánh đều phải chọn một nhiệm sở trong danh sách các tỉnh, thị xã do Bộ đề ra.



Như vậy là mọi người đều phải lựa chọn một nhiệm sở theo thứ tự ưu tiên của mình, dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp khoá 11 Đốc Sự. Nhiệm sở đó có thể đúng với ý muốn theo tiêu chuẩn lựa chọn: tỉnh hay thị xã lớn, có an ninh, hoặc là tỉnh, thị xã nhà, cũng có thể chỉ là một nhiệm sở bất đắc dĩ vì không còn nhiệm sở nào đạt các điều kiện trên.



Nhưng dù trong trường hợp nào thì quyết định của tôi cũng là một lựa chọn chứ tại sao tôi lại nghĩ đó là do định mệnh?



Trước ngày chính thức xác nhận nhiệm sở, tất cả anh em Khóa 11, theo thứ tự ưu tiên, theo sự thăm dò lẫn nhau và ước đoán, hầu hết đều đã dự trù sẵn một nhiệm sở lựa chọn cho chính mình. Và anh em đều đoán chắc là tôi sẽ chọn Thị xã Đà Nẵng. Vì Thị xã Đà Nẵng là một hải cảng lớn của miền Trung với nửa triệu dân, có nhiều cơ sở của hải, lục, không quân trấn đóng nên hoàn toàn có an ninh và Đà Nẵng lại đúng là quê hương của tôi nữa.



Tuy nhiên, anh em đã không hay biết hoặc đã vô tình không để ý đến một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng mà tôi gọi là “định mệnh”:



Đó là ý kiến của gia đình người vợ sắp cưới của tôi!



Chính vì yếu tố này, tôi đã gây một xáo trộn đáng tiếc cho nhiều anh em khác.



Nhân hồi tưởng lại sự việc này, xin các anh em bị ảnh hưởng do sự lựa chọn“định mệnh” nói trên gây ra, hãy thông cảm mà xá lỗi cho tôi.



Đặc biệt là anh Trần Ngọc Thiệu phải chọn Tỉnh Tuyên Đức thay vì Thị Xã Đà Lạt và anh Nguyễn Văn Cường, phải chọn Tỉnh Lâm Đồng thay vì Tỉnh Tuyên Đức. Nhưng cũng may nỗi ân hận đã không dày vò tôi lâu, vì chỉ vài năm sau do sự xáo trộn đó mà các anh ấy đã được thăng tiến; anh Thiệu được cử làm Phó Tỉnh trưởng Quảng Tín, anh Cường làm Phó Tỉnh Trưởng Lâm Đồng. Còn tôi, gây song gió nên phải bị sương mù đè nặng, chỉ leo lên làm Phụ Tá Hành Chánh cho Thị trưởng và cho đến ngày sắp mất nước mới cầm được Nghị Định bổ dụng Phụ Tá Tỉnh trưởng Phong Dinh kiêm Phụ Tá Thị trưởng Cần Thơ đặc trách phát triển kinh tế để rồi vào tù Cộng sản.



Do “định mệnh” đó, tôi, tốt nghiệp Ban Hành Chánh, cùng Nguyễn Quý Thành thuộc Ban Kinh Tế Tài Chánh, lên xứ gió lạnh, sương mù thơ mộng Đà Lạt vào một ngày mùa hè nắng ấm nhưng sao anh em chúng tôi vẫn thấy lòng hơi se lạnh. Lạnh lẽo vì sự xa lạ, “lạnh cẳng”do nỗi niềm lo âu vì Đà Lạt là một thành phố được mệnh danh ”trung tâm văn hoá”, dân trí nói chung khá cao  và có nhiều người liên hệ với các giới chức cao cấp trong chính phủ và trong hàng ngũ tướng lãnh của quân đội.



Đà Lạt là đất thuộc Hoàng Triều Cương Thổ trong thời vua Bảo Đại với Dinh I, Dinh II và Dinh III cho nhà vua lên nghỉ ngơi, săn bắn và để đón quốc khách. Đà Lạt còn là trung tâm văn hoá của cao nguyên Trung Phần với Giáo Hoàng Học Viện đào tạo các linh mục cho giáo hội Công Giáo, với Viện Đại Học Đà Lạt có phân khoa Chính Trị Kinh Doanh nổi tiếng được các sinh viên khắp nơi đến thụ huấn, với Trường Chỉ Huy và Tham Mưu dành tu nghiệp các sĩ quan cấp  tướng và cấp tá, với Đại Học Chiến Tranh Chính Trị và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, quân trường đào tạo các câp chỉ huy quân đội chuyên nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng.



Vùng “đất của nhà vua” này cũng hiện dịên ba ngôi trường dậy theo chương trình Pháp là Lycée Yersin, Adran và trường dành cho nữ sinh nổi tiếng có tên Couvent des Oiseaux, nơi con cái nhà giầu từ tứ xứ đổ về trọ học.



Thị xã tuy chỉ có chưa tới 70,000 dân mà có đến 6 trường trung học. Công lập là trường Hưng Đạo dành cho nam sinh và Bùi Thị Xuân dành cho phái nữ. Tư thục thì có hai trường là Văn Học của ông Chử Bá Anh và Việt Anh của ông Lê Phỉ. Sau này, lại có thêm trường bán công Thăng Long và Trường Văn Khoa của nữ văn thi sĩ Vi Khuê . Thời gian đó, Nguyễn Quý Thành được mời giảng dậy môn Công Dân Giáo Dục tại Việt Anh và Quang Trung. Phần tôi, cũng thường nhận được lời mời vào Trường Võ Bị để thuyết trình cho các sinh viên về tổ chức nền hành chánh công quyền của Việt Nam.



Đà Lạt cũng là trung tâm du lịch và nghỉ mát nổi tiếng tại miền Nam. Do đó,trong thời gian làm việc tôi và Thành thường được cử thay mặt cho các vị Thị Trưởng ra tận phi trường Liên Khương tiếp đón và hướng dẫn các vị Đại Sứ ngoại quốc đến viếng thăm Đà lạt.  Anh em chúng tôi phải “mặc đồ lớn”, côm-lê, cà-vạt trái ngược lại với một số  bạn khác phục vụ nơi ải điạ đầu, phải đối phó với lằn tên, mũi đạn. Chúng tôi thật là may mắn khi được làm việc trong một khung cảnh lý tưởng như vậy để đem ra áp dụng trên thực tế các bài vở đã hấp thụ trong 3 năm đèn sách tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và 8 tháng huấn luyện quân sự cho Khóa 23 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị tại Trường Bô Binh Thủ Đức..



Trở lại vấn đề đáo nhậm nhiệm sở, Thành và tôi không lo âu sao được khi cả Tòa Thị chính lúc đó chỉ có mỗi một Đốc sự hành chánh duy nhất, thuộc Khóa I, anh Thẩm Huy Khôi, trong chức vụ Phó Thị trưởng, còn tất cả các cấp chỉ huy khác đều xuất phát từ ngạch Thư ký đánh máy, do thâm niên công vụ nên được cải lên ngạch Thư ký hành chánh.



Về nhân viên dưới quyền thì phần lớn các nhân viên tuổi đời từ tứ tuần trở lên đều đã từng phục vụ trong Ngự Lâm Quân hay Toà Đại Biểu Chính Phủ tại Cao Nguyên Trung Phần nên họ rất rành rẽ thủ tục và thuộc loại có vai vế trong cộng đồng. Một nữ nhân viên ở tuổi lứa ba mươi thuộc Ty Hành Chánh của tôi lại là một nhà thơ nổi tiếng đương thời, tác giả bài “Em là cô gái trời bắt xấu”, nữ thi sĩ Lệ Khánh.



Thêm nỗi lo âu khác mà chắc chắn không một anh em nào khác trong khóa 11 có được, trừ hai đứa chúng tôi. Đó là chúng tôi sẽ làm việc với một vị Thị trưởng là một người phụ nữ thượng lưu trí thức, thay vì một vị võ biền cho nên kinh nghiệm của tôi và Thành hầu như khác biệt nhiều với đại đa số anh chị em cùng khoá.



Nguyễn Quý Thành, làm việc gì cũng chu đáo, có kế hoạch và hăng say, làm đến nơi đến chốn. Nguyễn Quý Thành lo xa nên đã tìm gặp các anh hành chánh đàn anh đang làm việc tại tỉnh Tuyên Đức để xin ý kiến cố vấn. Tỉnh này đặc biệt có Tòa Hành chánh toạ lạc ở ngay tại Thị xã Đà Lạt , trên cùng một con đường nên các anh em QGHC bên Tuyên Đức rất thông thạo tình hình bên Tòa Hành chánh Thị Xã.



Ngày đầu tiên, trước hết, chúng tôi trình diện anh Phó Thị trưởng Thẩm Huy Khôi, tiếp đến, trình diện Bà Thị Trưởng, nữ luật sư  Nguyễn Thị Hậu. Tôi còn nhớ rõ hôm đó bà thị trưởng mặc một chiếc áo dài thật sang trọng và lịch sự, khăn quàng cổ rất ư là hợp thời trang. Trên bàn làm việc của bà là một bình hoa cắm đầy những cánh hồng tươi thắm. Đà Lạt là thành phố của muôn hoa mà lị!



Khung cảnh trang trọng, thanh lịch với những đoá hoa tươi thắm, với sự hiện diện của một vị nữ lưu đảm nhiệm chức vụ quan trọng số một trong thị xã làm cho anh em chúng tôi quên hẳn địa vị của mình là hai Phó Đốc sự mới tò te đang trình diện trước một xếp lớn, tôi bèn mở máy “ga lăng” khen Bà Thị trưởng. Chúng tôi không ngờ sự “ga lăng” đó có kết quả tốt không ngờ!



Bà Thị trưởng quan tâm đặc biệt hỏi về nơi ăn chốn ở: “Thế hai ông Đốc Sự hiện đã có chỗ ở chưa?”. Chúng tôi thưa là cả hai đang tạm trú ngụ tại đường Hai Bà Trưng, cách trung tâm thành phố chỉ hơn một kilô mét. Bà Thị Trưởng cho biết nơi đó không được an ninh trong khi Phật Giáo đang “xuống đường” và ngay lập tức bà bấm chuông gọi ông Chủ Sự Phòng Nội Dịch, chỉ thị cho ông lấy ngay một căn phòng tại khách sạn Palace, khách sạn lớn nhất và sang trọng nhất của thị xã, toạ lạc ngay ven hồ Xuân Hương cho chúng tôi ăn ở trong thời gian chờ đợi về trình diện quân trường Thủ Đức để thụ huấn một khóa quân sự.



Như tôi đã nói ở trên, thấy hai tên Phó Đốc sự này về Thị xã là các vị công chức Chủ Sự phòng đương nhiệm đã muốn “chém” rồi, đừng nói chi đến việc lấy phòng tại khách sạn  cho chúng tôi ăn ở! Thế là ông Trưởng Phòng Nội dịch (tuy đang đứng tại văn phòng Bà Thị trưởng mà lại biết là khách sạn Palace đã hết phòng) bèn báo cáo ngay là khách sạn Palace đã hết phòng! Nhưng Bà Thị trưởng ra lệnh cho ông ta: “Toà Thị Chính phải tìm một khách sạn nào tốt cho hai ông Đốc Sự ở”.



Nhờ thế, hai đứa chúng tôi được trú ngụ tại khách sạn Thủy Tiên và ăn tại nhà hàng lớn nhất thị xã là “Chic Shanghai” trong suốt 3 tuần lễ. Phòng rộng rãi, có hai giường lớn, nên chúng tôi nhường một giường cho vợ của anh Nguyễn Văn Cường, vì tôi mà phải chọn tỉnh Lâm Đồng, như đã nói ở trên. Chị đang mang thai cần ở Đà Lạt để bác sĩ theo dõi việc sinh cháu đầu lòng.



Đó mới là nỗi “Oan Thị Kính” mà chúng tôi phải gánh chịu sau này vì có người, do ganh ghét chúng tôi, “ráp bo” với bà Thị trưởng trong thời gian chúng tôi rời Đà lạt, về trình diện thụ huấn Khóa 23 Thủ Đức: “Bà Thị trưởng đối xử tử tế với hai ông Phó Đốc sự như vậy, thế mà hai ông ấy lại đem gái về ở chung phòng”.



Hậu quả là sau 9 tháng thụ huấn quân sự và trở về lại Tòa Thị chính, Bà Thị trưởng không tiếp và “giam” chúng tôi suốt một năm làm “siêu nhân viên” cho đến khi bà rời Thị xã Đà Lạt!



Khi Đại Tá Hồ Văn Di Hinh (thứ nam của nhà văn miền Nam nổi tiếng Hồ Biểu Chánh) về làm Thị Trưởng thay thế nữ Luật Sư Nguyên Thị Hậu, Nguyễn Quý Thành đã được cử làm Trưởng Ty Nội An, rồi Trưởng Ty Tài chánh cho đến ngày đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ vào đầu năm 1972. Bộ Nội Vụ sau đó đã lưu giữ Thành tại trung ương để đảm trách chức vụ Chuyên Viên Tài Thâu rồi một năm sau đó giữ chức vụ Chánh Sở Nhân Viên khi Bộ phát động việc cải tổ hành chánh. Còn tôi, được cử Trưởng ty Hành Chánh (cùng một lượt với Thành giữ Ty Nội An) rồi chuyển qua Trưởng ty Tài Chánh thay thế Nguyễn Quý Thành và cuối cùng là Phụ tá Hành Chánh tại Thị xã Đà lạt.



Thành phố trong thời gian đó, trông vẫn hiền hòa. Nhưng do các biến động chính trị, Đà Lạt cũng bị lây lan. Ngoài các cuộc tụ tập biểu tình chống đối chính phủ, đốt đài phát thanh đặt tại khách sạn Du Parc, “đem bàn thờ Phật xuống đường” của phe Phật giáo Ấn Quang tại Chùa Linh Sơn mà Cảnh Sát phải cúp điện và cúp nước nhà chùa để giải tán biểu tình vào khoảng các năm 1966-1967. Việt Cộng vẫn thỉnh thoảng đột nhập về các khu phố hẻo lánh như Trại Hầm, Đa Thiện, và đặt chất nổ phá hoại hoặc ám sát viên chức xã ấp.



Tôi và Thành thoát chết trong gang tấc vào năm 1969 do Việt cộng đặt chất nổ ngay tại Tòa Thị chính. Như vậy, tuy công tác ở Đà Lạt nhưng anh em chúng tôi cũng chia xẻ với các bạn ở chốn điạ đầu nỗi hiểm nguy không thể ngờ trong một đất nước có chiến tranh.



Đà Lạt với khí hậu lý tưởng, phong cảnh hữu tình, thơ mộng nên chúng tôi có cơ hội thù tiếp và làm hướng dẫn viên cho các cặp uyên ương mới thành hôn của các bạn cùng Khóa lên Đà Lạt để hưởng tuần trăng mật.



Riêng tôi, không chỉ có một tuần trăng mật mà có đến bảy năm trăng mật từ 1968 đến 1975 tại Đà Lạt. Dù đã có một con gái, cho đến năm cô, tối nào, chúng tôi cũng mặc mân-tô, khoác tay nhau dạo quanh khu Hòa Bình, dừng lại bên lò than hồng của bà cụ bán bắp để mua bắp nướng thoa mở hành, vừa đi, vừa ăn. Nếu không có bắp nướng thì ghé lò bánh mì Vĩnh Chấn để mua bánh mì baguette nóng dòn. Đêm Đà Lạt lạnh, nhưng tình chúng tôi ấm.



Bây giờ sau năm mươi năm, tôi vẫn không sao quên được những ngày lưu luyến ấy. Đà Lạt, nơi chôn nhau, cắt rốn của năm cô con gái của tôi, bây giờ ra sao? Có còn là Đà Lạt thơ mộng hay chỉ là một góc phố Sài Gòn như nhiều người trở lại đã diễn tả với niềm thất vọng, buồn đau.



NGUYỄN VĂN THỌ




 

Saturday, February 16, 2019

BÀI VIẾT CỦA TRẦN BẠCH THU QGHC ĐS 17

RẤT TIẾC BÀI VIẾT CÒN VƯỚNG MẮC VÀI TỪ NGỮ VIỆT CỘNG LẼ RA KHÔNG CÓ MỘT CHỮ VC NÀO THÌ HAY cho tình thần QGHC BIẾT MẤY./-BB (*Phấn đấu, Ổn định...)

EM TÔI, truyện ngắn


Trần Bạch Thu



Hồi mới lên 5 tôi nhớ có lần mẹ dẫn hết mấy anh em qua bến đò chợ Thạnh Trị hốt thuốc Nam và nhờ thầy coi luôn tướng số, hậu vận về sau cho mấy đứa con. Thầy nói với mẹ là đứa em thứ tư của tôi có tướng mệnh yểu và chết vì nước. Lúc đó mẹ hơi luống cuống, mắt chớp liên hồi còn miệng thì lẩm bẩm xin thầy coi lại. Thầy lắc đầu:



- Cơ trời đã vậy. Hãy gắng tu nhơn tích đức thì may ra. Vậy thôi.



Mẹ về mà lòng buồn vô hạn. Sau đó mẹ quyết định lựa ngày rằm tháng tốt dẫn mấy anh em tôi lên chùa xin Qui y Tam bảo cho hết cả 3 đứa con trai đầu.



Đứa em thứ tư của tôi là đứa khôi ngô tuấn tú nhất nhà, thuở nhỏ rất bụ bẫm, tôi thường hay bồng ẵm chơi với em thường xuyên nhất, một phần thương nhiều hơn mấy đứa khác là vì tôi nghe và hiểu lời thầy nói, phần khác em rất đẹp và hiền lành dễ thương. Lâu ngày rồi cũng quên, nhưng mẹ tôi thì lo suốt đời.



Ba làm việc ở Tòa Bố đối diện xéo với cầu Tàu Mỹ Tho nên thỉnh thoảng có những chiều sau giờ làm việc ba thường hay dẫn mấy anh em tôi ra cầu tắm sông, bơi lội. Mẹ cấm tiệt đứa em thứ tư không được xuống nước. Ba biết chuyện bèn bảo mẹ đừng tin lời thầy bói. Hễ mỗi lần như vậy là mẹ dặn tôi nếu có đi tắm nhớ luôn ở bên cạnh để coi chừng em.



Khi lớn lên em là đứa to cao, khuôn mặt đẹp đẽ thanh tú. Lúc đó bạn bè cùng trường hay đặt tên gọi riêng là Alain Delon vì hao hao giống nam tài tử điện ảnh Pháp. Học hành thông minh tấn phát lại hay giúp đỡ mọi người nên hàng xóm trong cư xá ai ai cũng thương mến. Bọn con gái thì khỏi nói, lúc nào cũng anh Tư nghe ngọt sớt. Mẹ hay răn đe là nên lo học hành không được bày đặt bè bạn bồ bịch lăng nhăng. Em nghe lời lắm.



Việc nặng trong nhà em là đứa luôn luôn đứng ra gánh vác. Ngày cận tết, 25 tháng Chạp về quê nội tảo mộ, Bà Bảy luôn chia cho em những chỗ đầy gai mắc cỡ để dẫy cỏ. Thế mà lúc nào em cũng xong sớm rồi qua phụ với anh em ở các khu mộ khác. Không biết sao Bà Bảy luôn bảo với mọi người:



- Chia cho nó chỗ khó để được ơn phúc đức ông bà phù hộ.



Trong kiến họ, Bà Bảy là người trông coi đất đai mồ mả gia tộc. Khi có người thân qua đời bà là người “chỉ đâu chôn đó.” Bà có thanh gỗ đẽo hình hạt đậu cắt dọc làm đôi thành 2 thanh, mỗi thanh đều có 2 mặt, lồi và phẳng như nhau. Trước khi chỉ đâu chôn đó bà đi quanh quẩn xin keo bằng cách thảy hai thanh gỗ lên trời rớt xuống đất nếu hai thanh gỗ nằm dưới đất một lồi một phẳng là được. Trong gia tộc đồn nhau, hễ thương ai thì bà thảy xin keo ở giữa gò còn ghét ai thì bà đi vòng ra rìa ngoài thảy xin keo ở quanh đó, có khi xin tới 2,3 lần cho tới khi nào được mới thôi.



Có một lần thầy Tám hốt thuốc Nam ở sau đình Long Bình Điền bảo nhỏ cho người nhà biết là vùng đất Chợ Gạo, Gò Công thuộc Linh Qui có số phát cung tần mỹ nữ. Bà Bảy chỉ biết việc đời nhưng không thấu cơ trời. Thử hỏi đất Rùa chôn ở chỗ nào thì đắc địa? Xuống Gò Công xem mộ dòng họ Bà Từ Dũ thì biết. Có phải là ở ngoài rìa ngay cổ rùa hay không. Giữa gò phát khoa, đội bia Tiến sĩ nhưng là đất bồi sẽ bị lún làm sao phát được, mà có thì cũng “bạo phát bạo tàn.” Biết đủ là được, cổ, chân hay đuôi rùa mà phát tới Hoàng thái hậu là được rồi.



Bà Bảy sở dĩ được mọi người tín cẩn là vì bà đã ở vậy nuôi em từ khi cha mẹ mất sớm, bỏ qua thời xuân sắc đành chịu lỡ thời. Tính người quá khắt khe nên mọi người cùng nhau đặt tên gọi là Bảy Dễ cho đỡ, nhưng dễ đâu không thấy mà ngày càng lớn tuổi càng thấy khó hơn. Bác Hai ngoài phần đất đai được chia còn được kế thừa ở nhà từ đường cộng thêm với 3 mẫu ruộng phần đất hương hỏa nên có trách nhiệm cúng giỗ ông bà cố tổ hằng năm. Bác Hai gái than với Bà Bảy rằng đất đai ngày càng bạc màu, mùa màng thất bác mà giỗ chạp nhiều quá nên huê lợi có phần kém không đủ để đãi họ. Từ đó Bà Bảy Dễ rỉ tai con cháu về dự đám giỗ phải mang theo quà bánh cúng cho kha khá một chút, ít ra cũng một con heo quay hay một chục gà, vịt. Có thể gởi tiền về trước cũng được. Phần ăn mặc, cha mẹ con cái cũng phải quần áo mới và tươm tất để hàng xóm trọng vọng là con cháu của ông Cả Tam. Kết quả là những người nghèo như cô Tám Nữ có chồng phương xa, đông con nghèo quá trốn luôn, biệt xứ không bao giờ về dự đám giỗ nữa.



Có lần em tôi biết chuyện thương tâm của Cô Tám bèn nói với ba thưa lại với Bà Bảy bỏ lệ đó đi. Có lẽ chuyện tới tai bà nên mới có cớ sự chia phần dẫy cỏ gai như trên. Tuy nói là được ơn phúc đức ông bà, nhưng khi xong việc bà cho là đứa nghịch tử.



- Ba nó còn răm rắp không dám cải. Tôn ti thứ bậc trong kiến họ Trần là phải vậy.



Chơi đùa em là đứa chịu đòn cho anh em nhiều nhất. Những lần hái trái cây trộm chỉ có mình em là dám vượt hàng rào kẽm gai vào bên trong leo lên cây hái trái liệng ra, cả đám con nít ở ngoài chỉ việc lượm bỏ vô túi, đến khi chủ nhà phát hiện rượt đuổi, một mình em ráng vét cho hết rồi mới leo rào vượt ra ngoài tay chân rách sướt, máu chảy ròng ròng thế mà vẫn tỉnh bơ ôm túi trái cây mà chạy, trong khi đó anh em tụi nhỏ quăng hết để thoát thân.



Lớn lên thêm một chút khi biết đi câu thì em là người cùng một lúc, cùng một chỗ mà khi nào đi câu, giỏ của em cũng nhiều cá nhất. Bác Hai Đáng chủ vựa cá bảo là em có tay “sát cá”, vừa nói Bác vừa nhìn em rồi bảo:



- Tướng tá nầy lớn lên mà có số đào hoa nữa thì chắc khối con gái chết mệt.



Em không có bạn gái chỉ lo học hành và anh em chơi với nhau ở trong nhà chứ không có ra ngoài đánh đôi đánh đọ chơi bời lêu lổng. Đến năm 72 giặc giã nổi lên, tin chiến tranh dồn dập hằng ngày, bạn bè của em đi lính chết trận cũng nhiều. Không biết nghĩ sao em bỗng có ý tưởng xin mẹ cho đi lính. Mẹ khóc hết nước mắt. Đến lúc nầy mẹ mới bắt đầu nghĩ ra vì trong xóm có nhiều thanh niên trai trẻ hy sinh, nói nôm na là “chết vì nước.” Càng nghĩ mẹ càng nhớ tới lời ông thầy bói ở bến đò Thạnh Trị mười mấy năm về trước. Mẹ lo sợ lắm nên năn nỉ em ráng học thêm ít năm nữa rồi hẳn hay. Đâu được chừng 6 tháng sau em quyết định đăng lính và ước nguyện của em là sẽ vào binh chủng Nhảy Dù. Mẹ cùng đường, năn nỉ người quen lên Sài Gòn chạy cho em sau khi tốt nghiệp được ở lại Sài Gòn. Trong đời mẹ coi như chết đi sống lại lần nầy khi nghe tin em được về đơn vị Tiểu đoàn 5 Quân cảnh đóng tại Sài Gòn.



Từ khi vào lính em mặc đồ quân cảnh trông rất là oai phong lẫm liệt, lái xe jeep chạy quanh thành phố rất quyền uy. Sĩ quan cấp Tá mà vi phạm kỷ luật, quân cảnh bắt lột lon, còng tay đem về đồn như không. Mẹ nghe nói thế bèn sợ gây thù chuốc oán nên giao cho em có việc để khỏi ăn nhậu chơi bời trác táng là giúp em gái trả tiền trọ học hằng tháng và trông nom em đang đi học trường Luật tại Sài Gòn. Tôi từ xa về thường hay ghé trại Lý Thái Tổ cùng em ra bờ sông Sài Gòn ăn uống với mấy người bạn cùng đơn vị với em. Vui lắm và cũng mừng, quên đi cái vụ “chết vì nước.”



Mỗi khi về phép em luôn luôn có quà cho gia đình ba mẹ nhất là các em nhỏ, đứa em út mới lên ba, anh Tư cũng còn nhớ mua cho em một thùng sữa uống cho mau lớn. Thấy các anh ăn mặc luộm thuộm tuy là lính luôn mặc quân phục nhưng lúc nào em cũng đem quần áo dân sự mới tinh về nói với mẹ là cho anh Hai, anh Ba xài, con ít khi mặc lắm.



Năm 75 Cộng sản về thành, em đi cải tạo tại địa phương. Tính tình hiền lành, chịu khó, chịu khổ và an phận nên em chỉ cải tạo một thời gian ngắn rồi được cho về. Ngày về mẹ vui mừng lắm vì chiến tranh đã chấm dứt cho nên câu “chết vì nước” có lẽ không còn đúng nữa.



Khi về đời em theo làm phụ xế xe tải của Cậu Tư đi chuyến hằng ngày Sài Gòn – Cai Lậy. Trong hoàn cảnh khó khăn em cùng với gia đình phấn đấu vượt qua mọi sự khó khăn. Làm đủ mọi nghề chỉ để được có cái ăn không còn nghĩ ngợi điều gì khác nữa cả. Còn sống là may mắn lắm rồi. Tự an ủi như vậy. “Lâu rồi đời mình cũng qua.” Sống được suy cho cùng, tướng tự tâm sinh tất cả đều do mệnh trời.



Sau khi ổn định công ăn việc làm em kể với mẹ là hồi còn đi lính ở Sài Gòn có quen thân với một ông nguyên là sĩ quan nhà đoan (quan thuế) thời Pháp thuộc, nay đã về hưu sống ở bên kia bến đò Thủ Thiêm. Ra vào chơi, ăn nhậu nhiều lần hợp tính nhau nên ông giới thiệu và muốn gả cho cô con gái thứ chín, trước đây là Dược Tá viên làm ở Viện Bào Chế Văn Lang. Chuyện đã lâu rồi, gần 5 năm về trước. Hiện nay em cũng vẫn còn qua lại thăm viếng trong những lúc nghỉ chờ chất hàng lên xe tải. Giờ em muốn tiến tới hôn nhân. Mẹ hỏi:



- Cô ấy bây giờ làm nghề gì?



- Đưa đò ngang ở bến Thủ Thiêm.



Nghe đến đó mẹ thầm kêu trời. Mẹ nghĩ em muốn ở rể, theo vợ về làm nghề đưa đò qua lại hằng ngày chắc cũng sẽ có ngày sơ xảy, rủi ro. Mẹ từ chối. Em quyết không lập gia đình với người khác. Dần dà mẹ cũng xiêu lòng đi hỏi cưới đàng hoàng cho em nhưng dặn nhỏ một điều với cô con dâu là làm gì cũng tốt, miễn ở trên bờ đừng xuống thuyền đò là được. Mẹ nói tránh là em không biết lội và thường hay bị cảm hàn, thấm nước khó trị.



Em bỏ xứ ra đi lên Thủ Thiêm thành Dượng Chín tài đò.



Được vài năm thỉnh thoảng mẹ có lên thăm thấy cũng an lòng vì em làm trong văn phòng Hợp Tác Xã bến đò Thủ Thiêm còn vợ thì có chiếc đò đưa khách qua lại Thủ Thiêm – Tân Thuận. Cuộc sống bình thường có 4 đứa con, ba gái một trai đặt tên là Chiêu, Quân, Đông, Châu. Ông bạn nhậu vong niên ngày trước nay trở thành nhạc phụ, trước khi qua đời ông có làm giấy giao nhà lại cho Dượng Chín. Cả gia đình sống rất hạnh phúc trong căn nhà tương đối có giá ở trong vùng. Tưởng đã xong ngờ đâu lại có chuyện, số là gia đình bên vợ còn có một người em út gọi là cậu Mười thất nghiệp buồn tình say xỉn suốt ngày, cứ hễ đêm nào say sướt mướt là mò về đòi lại căn nhà của Dượng Chín. Anh em lời qua tiếng lại nếu không may sẽ xảy ra chuyện chẳng lành.



Vốn hiền lành, ít khi cãi cọ, nửa đêm Dượng Chín đánh thức hết mấy đứa nhỏ cùng vợ xuống xuồng bơi thẳng qua đầm dừa nước gần ngã tư An Khánh neo giữa dòng chờ sáng.



Gia đình bên vợ năn nỉ thế nào Dượng Chín cũng nhất quyết không trở về căn nhà cũ cũng như không hề lấy đi bất cứ một thứ gì, kể cả soong nồi. Sau đó có người trong xóm thương tình sang nhượng lại cho một căn chòi nhỏ dùng để chăn vịt ở giữa đầm, vuông vức mỗi bề 4 mét.



Hai đứa lớn Chiêu, Quân phụ mẹ đưa đò. Dượng Chín thôi làm ở Hợp Tác Xã, hằng ngày lặn lội móc đất lên đắp nền nhà cho rộng ra. Đến chiều khi hết tài đò ba mẹ con gom vỏ nghêu sò chở đầy xuồng về đổ cặp theo nền nhà mới đắp. Từ từ rồi cũng nới rộng ra và đắp được bờ đi ra tới lộ đá. Vài năm sau khi thành nền nhà hẳn hoi, Dượng Chín mua xà bần vật liệu xây dựng phế thải đem về đổ móng làm nền và tráng xi măng xây kè cho vững chắc. Chính tay Dượng Chín mua gỗ về cùng với thợ cất nên một ngôi nhà rất khang trang nằm giữa đầm dừa nước đẹp như tranh vẽ.



Tháng Chạp năm Kỷ Mùi, mẹ lần đầu tiên ra Bắc thăm nuôi tôi. Từ Cai Lậy mẹ mang theo hai bao bố quà của gia đình lên Sài Gòn nghỉ qua đêm ở nhà vợ chồng em bên bến đò Thủ Thiêm. Nhà mấy đứa em, đứa nào cũng muốn đi theo mẹ ra Bắc thăm anh, nhưng nghe người đi thăm nuôi kể lại là khó khăn lắm, thường thì trại cải tạo nằm sâu trong núi nên từ đường lộ đá muốn vào tới trại xa chừng 5,7 cậy số mà quà nhiều thì phải có người khỏe mới có thể gánh tới chỗ thăm nuôi được nếu không muốn mướn người địa phương tiền bạc rắc rối và hay bị lừa nên mẹ chọn đứa em gái thứ sáu, trẻ khỏe và nhanh nhẹn.



Sáng sớm hôm ra ga xe lửa đi Nam Hà, em gánh hai bao bố đưa mẹ và em gái ra ga. Khi kiểm tra vé lên tàu vì số lượng hành lý đi theo người quá tải nên bắt buộc phải mua thêm vé hành lý. Hết tiền mẹ tính bỏ lại. Em ra hỏi dân chuyên nghiệp “chọi đá đường rầy xe lửa”, họ bày cho cách là mang số quà muốn gởi ra khỏi ga gần cửa khởi hành, đến khi xe lửa chạy thì nhanh chân mang hành lý chạy theo xe lửa cho tới toa của người thân mà quăng lên. Em gởi thêm cho anh bánh thuốc lào, hút cho đỡ đói.



Khi đứa lớn, con em thi đậu vào trường cấp 3 Trưng Vương thì có tin đồn là sẽ giải tỏa khu đất đai gồm toàn bộ vùng ngã tư An Khánh để sử dụng lập đô thị mới. Ban đầu còn đồn đại, sau đó có thông báo chính thức cho cư dân thiết lập hồ sơ để được đền bồi hoặc chuyển đi định cư nơi khác. Dượng Chín vẫn bình chân như vại và bắt đầu uống rượu từ sáng sớm không ăn. Một thời gian sau phát bệnh lao phổi rồi uống thuốc trị lao mà cả thế giới đã cấm sử dụng từ lâu. Thuốc tàn phá cơ thể một cách khủng khiếp. Người bắt đầu khô đét, đen đủi như cột nhà cháy. Nhưng mối sầu thế thái còn tàn phá con người nhanh chóng hơn. Thế rồi vào một buổi chiều tối khi ba mẹ con đưa đò về tới nhà không thấy ba ngồi đợi bên hông nhà ngay cọc neo đò như mọi khi.



Dượng Chín qua đời trong tư thế ngồi vắt chân bên cạnh bàn với ly rượu vơi phân nữa. Mẹ lên định đưa về Long Bình Điền chôn cất. Nhưng vợ và mấy đứa con cho biết ba thường hay trối “Sống gởi nạc thác gởi xương” chết đâu chôn đó không di dời đi đâu cả. Cuối cùng gia đình đồng ý chôn ở đất chùa Nguyên Thủy gần với ông Ngoại, người cựu sĩ quan quan thuế năm xưa. Dượng Chín hưởng dương 40 tuổi. Sinh thời em rất thích tên gọi Dượng Chín.



Đám tang có rất đông người thăm viếng, hầu như gần hết cư dân vùng bến đò Thủ Thiêm. Em sống rất tình nghĩa, ngay thẳng và công bình. Không ăn tiền bẩn. Hợp Tác Xã bầu em làm trưỏng tài đò trong nhiều năm, có nhiệm vụ phân chuyến theo đúng ngày giờ và luân phiên cho tất cả mọi tài đò. Dân xã hội đen thấy tướng tá của em cũng hơi gờm, ít nói mà làm thiệt nên cũng ngán. Bến đò Thủ Thiêm yên ổn làm ăn từ khi có em về.



Đám tang miễn phúng điếu nên Hơp Tác Xã bến đò Thủ Thiêm cúng một đội kèn Tây. Bà con cư dân trong vùng hùn nhau cúng một đội nhị tỳ biểu diễn khi di quan và đồng thời tự thuê xe đi đưa đến tận chùa Nguyên Thủy.



Hôm đi đưa đám, buổi sáng trời mưa lâm râm cả nhà lên xe đò đi Thủ Đức. Thầy xem ngày giờ hạ huyệt là đúng ngọ 12 giờ trưa. Xe tang lên sớm hơn độ một tiếng đồng hồ, mọi người đang nhốn nháo chờ đọc kinh làm lễ thì đội nhị tỳ cãi vã vụ gì đó không ai biết cho đến khi thầy quyết định dù sớm cũng hạ huyệt đúng giờ. Thầy bảo đưa quan tài đặt trên cửa huyệt chờ thì mọi người mới thấy 2,3 người ở dưới huyệt leo lên.



Đến giờ hạ huyệt người thân trong gia đình đến gần mới hay là huyệt đang ngập nước. Nãy giờ đội nhị tỳ cử người luân phiên xuống múc nước ở dưới huyệt chuyền lên cho huyệt khô ráo. Điều lạ là gò mả ở chùa là gò cát có hằng trăm năm nay, đâu bao giờ thấy có nước khi đào huyệt. Đội nhị tỳ xin thầy chôn sớm khi vừa ráo nước. Gia đình xin thầy cho phép người xuống huyệt múc nước lên. Thầy bảo cữ, không được. Chờ gần nửa tiếng đồng hồ sau huyệt ngập nước gần phân nửa. Tới giờ thầy ra lệnh hạ huyệt. Đội nhị tỳ nhớn nhác nhìn quan tài chìm nghỉm trong nước, mọi người khóc inh ỏi. Thầy nói với gia đình là mộ táng nhằm long mạch rất tốt, con cháu sẽ vượng phát.



Chỉ riêng mẹ và tôi là chợt nhớ như in lời thầy bói ở bến đò Thạnh Trị gần 40 năm về trước, “chết vì nước.” Chỉ khác là không có loạt súng chào khi hạ huyệt thay vào đó là tiếng kèn lá của đội nhị tỳ.



20 năm sau, Chiêu Quân Đông Châu lớn lên đều học hành đỗ đạt, đứa lớn tốt nghiệp Đại Học Ngữ Văn, làm ở cửa hàng quà lưu niệm trong Khách sạn New World và là người đã bán được món quà lưu niệm đắt giá cho Tổng Thống Bill Clinton. Quân du học tốt nghiệp Kỹ sư Công Chánh trường Đại Học Long Beach và định cư tại Mỹ. Đông, Châu ra trường có việc làm tốt, gia đạo yên vui.

Bắp non mà nướng lửa lòĐố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Thím Tư vẫn ở vậy nuôi con và chỉ có một niềm ân hận duy nhất là không làm sao giữ được căn nhà ở Thủ Thiêm mà Dượng Chín đã dày công khai phá và dựng nên. Buồn thật.



Trần Bạch Thu




Nhân Sinh Nhật Đại thượng thọ 96 tuổi, xin hân hạnh giới thiệu

Nữ Sĩ Lão Thành Cụ Bà Đan Phụng


Một trong những nữ thi sĩ lão thành tại Úc Châu nói chung và đặc biệt tại QLD nói riêng, chúng ta phải kể đến Bác Đan Phụng. Ngày mai (16/02/2019) là sinh nhật Cụ Bà 96 tuổi, hiện Cụ đang cư ngụ tại Brisbane mà chúng tôi rất đỗi thân quen nên thường hay gọi cụ là Bác.
Trước hết, xin mời quý vị đọc một bài thơ viết về Xuân của Bác:


XUÂN THƯỞNG HOA

Xuân đến muôn hương trải khắp trời
Cỏ cây bừng sắc mượt mà tươi
Mẫu đơn cao quý mầu thanh lịch
Hồng quế đoan trang nụ hé cười
Thèn thẹn mai vàng e bướm ghẹo
Nõn nà lan trắng ngại ong soi
Nâng niu tay khách mơn từng đóa
Chỉ sợ hoa hờn cánh rụng rơi.

. ĐAN PHỤNG

Cách đây 15 năm, chúng tôi có dịp gặp Bác Đan Phụng tại Brisbane nhân Lễ mừng Khánh Thọ thứ 81 của Bác trong bầu không khí tươi vui đầy thơ văn và cảm động. Lễ mừng này do trưởng nam là Ca nhạc sĩ Phạm Cao Tùng tổ chức đã ghi một kỷ niệm hết sức tốt đẹp, sâu đậm trong lòng Bà ở tuổi xế chiều.

Nhớ ngày xưa khi chúng ta cắp sách đến trường ê a những vần thơ thương nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quang như “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen lá đá chen hoa hay “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” thì nay ta tìm thấy những vần thơ trác tuyệt ấy trong hầu hết các thi phẩm của nữ thi sĩ Đan Phụng – một Bà Huyện Thanh Quan tân thời. Như bài Chiều Xuân trên Đèo Ngang chẳng hạn với các vần thơ:

“Cảm mái tranh nghèo trong tĩnh mịch
Chạnh đàn chim muộn giữa bao la
Tang thương khiến mủi lòng du khách
Làm cánh mai gầy cũng rủ hoa”

hay bài Nỗi niềm xa xứ:

“Muốn gửi lời thơ lên cánh gió
Để thơ theo gió đến muôn phương
Quê xưa cách trở ngàn mây nước
Mộng cũ chưa tròn một sắc hương”.

Thật là tuyệt diệu!

Bác Đan Phụng tên thật của bà là Cao Thị Phúc, quy y tam bảo với pháp danh Nguyên Đức, sinh ngày 16-02-1923 tại Hải Ninh (Bắc Việt). Thân phụ là cụ Tuần phủ Cao Văn, là người theo Tây học, là nhà khoa bảng nhưng rất thích Nho học và rất am tường chữ Nho. Với chức vụ Tuần phủ trước năm 1954, cụ Cao Văn thường đi làm việc ở nhiều nơi trên quê hương miền Bắc.

Thuở thiếu thời chị em Bác Đan Phụng theo song thân đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước. Từ những tỉnh ở đồng bằng Bắc Ninh, Bắc Giang, Phủ Lạng Thương, với giòng sông Thương hiền hòa chảy qua những đồng ruộng xanh bát ngát, với những làn điệu quan họ trữ tình đến những núi rừng cao nguyên trùng điệp Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn với rừng núi bao la xanh tốt, với tiếng chim kêu vượn hót véo von và tiếng suối reo róc rách, với làn thác bạc từ trên núi cao đổ xuống như một khúc nhạc tình muôn thuở. Trước cảnh thiên nhiên không nhuốm bụi phồn hoa ấy, không hiểu sao tâm hồn non dại của Bác yêu thích thiên nhiên quá, phải chăng tâm hồn yêu thơ và yêu những cái đẹp của cuộc đời đã trỗi dậy trong tâm hồn Bác từ thuở đó.

Đến lúc trưởng thành, Bác may mắn đã gặp người bạn đời cùng chung lý tưởng và hai tâm hồn cùng hòa chung một điệu, cùng yêu thơ và tha thiết với văn chương, phu quân của Bác – cố thi sĩ Tú Phan. Trong cuộc sống hạnh phúc của gia đình, cả hai càng thấy cảm hứng làm thơ bay bổng là tuyệt vời, cả hai cùng khắn khít bên nhau, phu xướng phụ tùy, cả hai làm thơ trên từng bước đường đời bất chấp thăng trầm của thế sự. Cả hai tìm thấy thơ là nguồn vui sống vì thơ đã tô điểm cho cuộc đời cả hai thêm hương sắc.

Trước năm 1975, Bác sáng tác rất nhiều thơ và tập thơ “Sông Thương Một Bến” (STMB) chỉ là một phần trong tài sản tinh thần của Bác. Bác là cựu nữ sinh trường nữ Cao Đẳng Tiểu học Đồng Khánh, Hà Nội. Đậu bằng Thành Chung (DEPCI) rồi thi vào ngạch Hành chánh ra làm công chức cho đến khi di cư vào Nam năm 1954. Tuy làm công chức nhưng tâm hồn lại chỉ say mê văn chương thi phú.

Những năm tháng còn ở quê nhà, trong cuộc sống thanh nhàn vẫn viết lách làm thơ, coi đó là một thú vui cho cuộc đời. Đến khi di cư vào Nam và sau đó lại dấn bước tha hương đến Úc, nỗi buồn thân thế càng làm cho Bác tìm đến thơ nhiều hơn nữa. Bác Đan Phụng đến Úc vào đầu năm 1994 do các con bảo lãnh. Tập thơ STMB đã phản ánh rõ nét về cuộc đời của hai nhà thơ Tú Phan & Đan Phụng, đã gói ghém tâm tư tình cảm của một đời người từ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương thiêng liêng gia đình cha mẹ, con cái, tình nghĩa son sắt vợ chồng đến tình bạn bè. Bác đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo Việt ngữ tại Úc châu, báo của các Hội cao niên ở Canberra, NSW và thỉnh thoảng trên các báo khác như báo Hoằng Pháp của chùa Linh sơn ở Pháp, tờ Chánh Đạo tại Brisbane hay đặc san của cựu nữ sinh Gia Long chẳng hạn. Riêng năm qua, chúng ta thấy các bài thơ của Bác Đan Phụng hầu như có mặt đều đặn hàng tuần trên báo Việt ngữ đã làm thi hứng cho bao tao nhân mặc khách.

Tập thơ STMB đã ra mắt thật thành công cách đây…… trong một buổi chiều thật đẹp tại Bankstown. Đây là một tác phẩm văn hóa đầy giá trị tại hải ngoại, là sự hài hòa giữa hai tâm hồn đồng điệu thi ca và cũng là cặp vợ chồng đầm ấm TP & Đan Phụng cho đến ngày ông bất chợt vĩnh viễn ra đi để lại nỗi sầu muộn nhớ thương cho người ở lại. Tập thơ gồm 134 bài thơ trong đó có phần thơ chữ Việt (chiếm đa số), phần Mượn Vần Thơ Bạn, phần thơ chữ Hán, phần dịch Cổ Thi và phần Thương Tiếc (Khóc cố nhân, Khóc chồng). Thi phẩm dày 160 trang với tấm hình bìa vẽ lên một khung cảnh hết sức gợi cảm man mác sầu vương, với giòng sông Thương và con thuyền neo bến đỗ, trên không hai cánh chim bay đi về phương trời vô định như định mệnh của đôi thi sĩ khi xuôi Nam.

Nhà thơ Liễu Thuận Khanh trong bài đề tựa cho thi phẩm STMB đã viết “ Năm ấy. mùa binh biến phút chốc rộ lên. Gió ly hương từ ngàn xa thốt nhiên thổi tràn qua khắp nẻo không sót chốn nào. Qua luồng gió ấy, với sức bé bỏng của mình, tôi không tài nào bám lại được quê hương, đành phải bỏ đất, bỏ cánh rừng tràm u minh bồng bềnh trôi dạt, cho đến một lúc không còn nơi nào trôi đi được nữa nhìn lại mới biết đây là đất Sàigòn.

Bác Đan Phụng cho biết, trong các loại thơ, Bác thích nhất là thơ Đường luật bởi nó không dài giòng. Chỉ có 8 câu thất ngôn bát cú (gồm cả 4 câu tứ tuyệt) nhưng nó nói lên trọn vẹn cả một đề tài. Về niêm luật chặt chẽ phải tuân theo, người sáng tác cũng cần phải có vốn liếng khá về chữ nghĩa – càng biết chữ Nho càng hay vì chữ Nho sâu sắc lắm. Nhưng khi người thưởng lãm hiểu được tính sâu sắc của những từ ngữ trong bài thơ thì đó quả là một điều thích thú! Còn người sáng tác có lẽ còn thích thú hơn nhiều khi nặn óc ra được một từ vừa ý. Những khi tìm tứ tìm từ như vậy, người thơ đã phải thao thức suốt canh thâu, có khi cả nhiều đêm suy nghĩ chỉ một bài thơ, nếu không chỉnh cả ý và lời thì tự nó đã không hay rồi thì làm sao cảm xúc được lòng người đọc. Bác công nhận thơ Đường khó làm, bởi thế người sáng tác thơ Đường luật phải tự nghiêm khắc với chính mình mới mong có được bài thơ hay. Ở Việt Nam, Bác Đan Phụng có rất nhiều bạn thơ ở cả hai miền Nam Bắc, cùng thời và cùng yêu thích thơ Đường. Còn tại Úc chỉ có hai ba vị, song tất cả các bạn thơ dù đã thâm giao hay mới quen biết vài năm nay cũng đều tha thiết gắn bó với Bác và dành cho Bác tình yêu mến, tình thơ đúng nghĩa của những người thơ đối với nhau.

Đêm ấy, người nữ thi sĩ khả kính Đan Phụng đã hiện diện nơi đây trong khung cảnh xa quê nhưng ấm cúng vui vẻ tình cháu con, bằng hữu. Bác Đan Phụng như một hiền mẫu làm dâng lên trong lòng khách tha hương những rung động ngọt ngào. Trên đời này, nếu có một tình cảm nào sâu thẳm nhất, rộng lớn nhất, cao vời nhất, vô hạn nhất; tình cảm hy hữu đó chính là tình yêu của người Mẹ đối với con mình. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc, hội họa, những bài thơ bài hát, những bản nhạc nói về Mẹ đều là những tác phẩm hay, những tuyệt tác dễ đi sâu vào lòng người, lắm lúc làm chúng ta rơi lệ. Ta chắc hẳn không quên những câu ca dao mộc mạc để đời “Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “Mẹ là cả một đại dương, Mẹ là cả một thiên đường trần gian” hay “Lòng Mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào“.

Tình Mẹ bao la như thế nên chúng ta đã thấy một Y Vân với bài Lòng Mẹ; bài thơ “Bông hồng cài áo” được Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc và còn biết bao nhiêu tác phẩm khác nữa nói về Mẹ. Thế nên sung sướng thay những ai còn Mẹ và sống gần gũi với Mẹ. Nói đến Mẹ là nói đến chữ Hiếu của người con hiếu thảo. Như người con bị tù oan đã dâng lên Mẹ bát canh hẹ, như Giới Tử Thôi lóc thịt nuôi Mẹ trong cơn nguy nàn trên rừng sâu. Một niềm hiếu kính hết lòng phụng dưỡng, vâng lời dạy bảo, làm tròn bổn phận là sự báo ân thiết thực của người con đối với cha mẹ lúc sinh tiền.

Ngày vui của Bác Đan Phụng rộn rã những vần thơ họa của các thi sĩ trong và ngoài nước gửi về chúc tụng. Bài xướng cảm khái do chính Bác Đan Phụng gieo lên nhân ngày mừng tuổi thọ 81 của chính mình không phải là một bài thơ tự kỷ mà lại là những vần thơ Đường tuyệt tác chứa đựng tấm lòng thương nhớ quê hương và tha nhân. Chúng ta hãy lắng hồn để nghe tâm sự của một người Mẹ còn đang xa quê hương đất tổ:

“Xuân nay mừng ngoại bát tuần rồi,
Nhớ lại hương đời vị ngát môi,
Con cháu thảo hiền vui dạ lão,
Phu quân tao nhã đẹp duyên hài,
Tình nhà nghĩa bạn tâm còn nặng,
Nợ bút niềm quê trí chẳng vơi,
Những ước giòng Thương thêm nước ngọt,
Cho cây Nhân Ái mãi sinh chồi!”

Bác Đan Phụng chính là giòng Thương thêm nước ngọt và một loạt những bài thơ họa chúc mừng gửi về tới tấp như cây Nhân Ái mãi đâm chồi. Như bài họa “Mừng khánh thọ bát tuần” của thi sĩ LT Khanh tức nghĩa đệ của bà ở VN; bài họa “Khánh thọ Bác Đan Phụng” của nhà thơ Nam Man LN Triều (NSW); bài họa của Trường Xuân Lão PV Tùng (QLD) có tựa đề “Tuổi thọ với Nàng Thơ”; bài “Kính mừng thọ Bác Đan Phụng” của đồng môn LT Hổ (NSW); bài thơ tự diễn “Mừng tuổi thọ Bác ĐP” của Nguyên Dự (QLD); bài thơ tự ngâm của Gs ĐH Nga (QLD); bài họa “Phụng nở mùa Mai” của Sư cô Thích nữ Như Phương (tức thi sĩ Đàm Liên thuộc chùa Vô Ưu Sài gòn); bài “Chúc Thọ” của Thanh Viêm và Thi Trâm (ở Canberra); bài họa của Băng Thanh (bạn đồng học); bài “Mừng Thọ” tặng hiền tỷ Đan Phụng của một thi đệ ở VN; bài họa “Chúc mừng sinh nhật người thơ ĐP” của Thiên Đức; bài “Mừng Bác Đan Phụng” của nhà văn kiêm thi sĩ Nguyễn Tư (NSW) và cuối cùng là bài thơ “Trẻ già ai quý hơn ai?” của Trưởng Tuấn Việt (QLD) 



Bàn về những vần thơ của Bác Đan Phụng, đồng môn LT Hổ (NSW) trong bài viết dành cho Đặc san Xuân Tây Ninh đồng hương hội có ghi lại như sau: “Những vần thơ của Bác ĐP mặc dầu diện mạo còn vương vướng thể loại truyền thống, nhuôm nhuốm chút màu cổ điển, nhưng nó đã được thêu kết bằng những âm ngữ mướt mịn, tỏa ánh bao sắc hương tình cảm bay cao. Có cái gì đó thật đoan trang nề nếp mà lại duyên dáng trẻ trung, thiết tha nóng bỏng mà thủy chung đôn hậu. Đã vượt ra khỏi khung thưa Đường luật những tứ thơ mênh mang linh động, đã tua tủa những chồi non lộc mới vươn ra khỏi thân cây cổ thụ già nua: “Đã nói không thương lại vẫn thương, Đời sao nặng nợ với yêu thương?!. Thương mãi người đi biệt bến Thương”. Được như vậy là nhờ có một hồn thơ, đúng hơn là một Nàng Thơ sung mãn sức lực, luôn luôn tươi tắn, dịu hiền ngự trị trong tâm hồn Bác Đan Phụng. Nàng thơ ấy chính là nàng Tiên huyền diệu đã ít nhiều phò trì cho một xác thân bậc thượng thọ vẫn bình an khương kiện, ban phước lành cho một tâm hồn trưởng lão luôn được sáng suốt trẻ trung.”.

Trong các bài thơ của Bác Đan Phụng, bài “Tương tư khúc” có một vị trí thật đặc biệt. 

Riêng người viết, nhờ có duyên với nàng thơ nên Bác Đan Phụng thường viết tặng những bài thơ mới nhất Bác vừa cảm tác (luôn luôn là bản chép tay, thủ bút của chính Bác trên các trang giấy học trò). Như bài “Về thăm chốn cũ tưởng niệm cố nhân” và bài “Xuân về lại nhớ tri âm” để tưởng niệm hương linh phu quân Tú Phan nhân dịp Bác về thăm QLD. Ngoài ra còn có các bài thơ “Rừng chiều” họa bài “Đường chiều” của thi sĩ LTKhanh (ở VN), bài “Bát tuần tự sự” viết nhân ngày sinh nhật thứ 80 của Bác tại Sydney.

Trong lá thư năm xưa gửi cho người viết, Bác Đan Phụng có tâm sự như sau: “Bác xin ghi nhận tình cảm quý hóa của hai cháu đã dành cho Bác. Nhận được băng cassette thâu cuộc mạn đàm giữa hai bác cháu hôm ấy và hai tấm ảnh kỷ niệm ngày bác về thăm QLD, bác vui lắm! Đời bác luôn luôn trân trọng kỷ niệm của cuộc đời mình. Bác chép hai bài thơ mới làm để tặng hai cháu đọc, gọi là để đáp lại tình tri ngộ, mong hai cháu được một vài phút vui trong lúc thanh nhàn, bởi người đời có câu “Gươm vàng để tặng Tráng sĩ, Son phấn để tặng Giai nhân” – thì Bác muốn tặng thơ mình cho khách yêu thơ các cháu ạ!” Thật là cảm kích!

Đêm ấy, sau phần giới thiệu thơ của các bạn bè, thi hữu, bằng hữu muôn phương là đến phần cắt bánh và chúc rượu. Cả gia đình 6 người gồm anh chị Phạm Cao Tùng cùng các cháu và người Mẹ yêu bước lên sân khấu đã ngõ lời cám ơn quý quan khách và bạn hữu đến chung vui và anh Cao Tùng cho biết đây là cả gia tài duy nhất của anh tại Úc. Bác Đan Phụng vẫn còn khỏe khoắn, vui vẻ trong chiếc áo dài nhung màu mực tím, cắt chiếc bánh khánh thọ ngọt ngào.

Cuối cùng bài thơ “Tương Tư Khúc” của Bác Đan Phụng sáng tác tại Sydney vào mùa Thu năm 2002 với những lời thơ tha thiết đã được trưởng nam Cao Tùng phổ nhạc. Nét nhạc tuyệt vời với cung La thứ đã quyện vào hồn thơ như món quà tinh thần cao quý của người con trai yêu dấu kính dâng lên Mẹ những vần điệu lung linh, kỳ diệu và qua tiếng hát say đắm rất Bắc, rất ít nghe của chị Hải Phong như tiếng hót của loài chim quý qua sự hòa âm của ban nhạc gia đình Mimosa, quý khách đã cảm nhận được trọn vẹn hương vị ngọt ngào của một đêm vui mừng khánh thọ chan chứa tình người.

Trên đường về trong đêm mưa, người viết như lịm hồn vào bản Tương Tư Khúc:

“Nhớ sông núi bạc mái đầu,
Nhờ mây cậy gió chở sầu tương tư.
Từng giọt nhớ mưa thu gieo rắc,
Ngoài hiên thu gió hắt hiu buông,
Trông về cố quận thê lương,
Nhớ người đi biệt ngàn phương mịt mù
Tiếng quốc gọi ai hoài tình nước,
Khúc tiêu sầu não nuột hồn thơ,
Trời thu bàng bạc sương mờ,
Sầu dâng man mác bên bờ Sông Thương
Dòng thu cảm mang mang vô tận,
Khúc tương tư mãi tặng cố nhân,
Niềm riêng gửi áng mây Tần,
Xin vì ta chở mấy vần nhớ thương!”

•        Nhạc phẩm Tương Tư Khúc do anh Cao Tùng phổ nhạc và đã cất lên tiếng hát của anh với lòng kính Mẹ qua link YouTube sau đây. Mời quý Văn Thi Hữu mở ra nghe. Đây là bản nhạc quá ư là tuyệt vời!

Và sau đây là hai bài thơ chúc mừng ngày Đại thượng thọ 90 của Cụ Bà:

BÀI THƠ CHÚC MỪNG NGÀY ĐẠI THỌ 90
CỦA BÁC NỮ THI SĨ ĐAN PHỤNG/QLD

(Quý tặng Thân mẫu Đồng môn Phạm Cao Tùng)

Họp mặt Tình thơ vẫn thiết tha
Chín mươi Đại Thọ thắm duyên Bà
Bốn đời Nội chắt xinh như ngọc
Ba cặp Mẹ con đẹp tựa ngà
Cháu thảo vầy duyên bừng ý sống
Con hiền trọn hiếu rộn lời ca
Nhâm Thìn yến tiệc tràn ân phước
Chúc Đại gia đình ngát kiệu hoa.-

•        NVSanh (Đại diện Gia đình QGHC/QLD)

BÀI 2: ĐẠI THỌ 90 TƯỞNG VỀ CỐ QUỐC!  
(Họa bài Mừng Tuổi Thọ 89)

Xuân về tô thắm một Đài hoa
Đan Phụng nhà thơ óng ngọc ngà
Tuổi hạc thiên duyên không sánh kịp
Thi đàn văn bút khó mà qua
Yêu non nhớ nước càng xuân sắc
Mến cháu thương con mãi hiệp hòa
Trãi Chín Mươi Niên tròn Đại Thọ
Hướng lòng cố quốc dẫu còn xa.

•        NVSanh (Đại diện Gia đình QGHC/QLD)

Cuối cùng, xin mượn hai giòng thơ cuối của ông bạn già thi sĩ LN Triều ở NSW để kính chúc Bác “Con có dăm vần xin chúc Bác, Ngày Trời tháng Phật gió mưa xuân và ông bạn già PV Tùng ở QLD đã reo lên niềm vui “Cơn mưa tình cảm tuôn vào đất, Cây quý vườn thơ đã mọc chồi .

Thấy như Trời Phật luôn độ trì đời sống Bác và những cơn mưa đầu Xuân đã làm đâm chồi nẩy lộc thêm những cành non tươi tắn trong vườn thơ vốn đã rực rỡ của Bác Đan Phụng./-

 * NSNam