Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Saturday, December 20, 2008


NGUYỄN CHÍ VY Trích “THƯ CHO CON” của Giáo Già


Báo Điện tử TIẾNG DÂN ngày 17/12/2008
www.tiengdanmedia.com


.............Những chuyển biến thời cuộc liên quan đến chánh trị nhắc Ba nhớ lại chút chuyện có liên quan đến sinh hoạt văn hóa và chánh trị của người Quốc gia Việt Nam hải ngoại, trong tháng 11 vừa qua, khi xuống Nam California dự lễ Giỗ cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông [tổ chức ngày 16-11-2008, nhưng Giáo sư qua đời ngày 10-11-2008] do các môn sinh của Giáo sư tổ chức trong vòng thân mật, nhưng cũng có hơn 200 người tham dự. Dịp nầy Ba đã kính dâng hương linh Thầy cuốn “Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông” vừa được Mekong-Tynan và Nguyễn Ngọc Huy Foundation tái bản ở Hoa Kỳ, sau 36 năm được Cấp Tiến ấn hành [qua đời năm 1971 ố Di cảo ấn hành năm 1972].
Ðến cuối tuần qua [13-12-2008] sách được các cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tổ chức ra mắt tại Hội trường Việt Báo, với sự tham dự của khoảng 300 quan khách, môn sinh và những người mến mộ Giáo sư Nguyễn Văn Bông, mà bài tường thuật chi tiết đã được đăng trên Việt Báo và một môn sinh lớp Cao Học 1 của Giáo sư là cựu Quận trưởng Quận Tư Lê Ngọc Diệp phổ biến trên các diễn đàn điện tử.
Phần Ba, khi được mời phát biểu, ngoài việc nhắc lại vài sự kiện rất đáng lưu ý khi hình thành cuốn “Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông” được tái bản lần đầu tiên ở hải ngoại này như một cố gắng lưu lại một phần di sản vô cùng quý giá của Giáo sư Nguyễn Văn Bông; nó không chỉ là di sản của giáo sư Giáo sư Nguyễn Văn Bông mà còn là di sản của Quốc gia Việt Nam, của Tổ Quốc Việt Nam. Buổi lễ được tổ chức cũng là cơ hội giúp Ba được gặp người em gái và người cháu gọi Giáo sư Nguyễn Văn Bông bằng cậu. Nó giúp Ba nghe được một chi tiết khá lý thú trong bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, nguyên Chủ tịch Tổng đoàn Sinh viên Cấp Tiến, trước ngày Quốc nạn 30-4-1975. Ông đã nói:
“Tôi còn nhớ những ngày thoi thóp của tháng 4/1975 Giáo sư Lê Ðình Chân trong những buổi giảng cuối cùng của Ban Cao Học Công Pháp trường Luật Khoa Saigon, ông kể chuyện ông Staline của Liên Sô nói với Thủ Tướng Churchill của Anh rằng nước Liên Sô và nước Anh đều lấy đảng trị quốc thì đâu có gì khác nhau. Ông Churchill trả lời là có khác, ở chổ là ở nước Anh nếu bốn giờ sáng có người đến gõ cửa nhà thì chủ nhà biết ngay là người đi giao sửa, còn ở Liên Sô thì chủ nhà phải lo đi viết ngay một tờ di chúc”.
Lời nói của Tiến sĩ Lê Minh Nguyên tưởng như không ăn khớp gì tới Di Cảo của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, nhưng thực tế nó đã nói lên cái bi đát của dân tộc Việt Nam khi sống dưới chế độ cộng sản, chế độ “độc tài pháp trị” khác với “dân chủ pháp trị” được cả hai Giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy chủ trương. Nó cũng khiến Ba nhớ tới câu chuyện tiếu lâm đỏ mà Ba đã có dịp kể qua. Ðó là chuyện một gia đình, sống dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sau ngày Quốc nạn 30-4-1975, thấy xe công an bảo vệ chánh trị ngừng trước cửa nhà mình, nhưng các tên công an áo vàng bước xuống xe lại đi vô nhà bên cạnh.
Mặt khác, khi được mời phát biểu trước quan khách, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết [một khoa học gia đang khiến Cộng sản Việt Nam nhức nhối vì vấn nạn môi sinh đang bị Ðảng và nhà cầm quyền của bọn chúng làm cho cả nước khốn đốn, nhứt là vụ kiện Dioxin đã phơi trần bộ mặt lưu manh vô cảm của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trước công luận quốc tế] đã ca ngợi tinh thần tương kính của Giáo sư Nguyễn Văn Bông trong sinh hoạt chánh trị. Nó thể hiện một đức tánh cần có của một nhà làm chánh trị chơn chánh, để không tạo ra những bất đồng hay dị biệt giữa các đảng phái biến thành những sự việc không thể hàn gắn được, thậm chí có thể biến thành ‘không đội trời chung với nhau’.
Diễn giả cũng cho biết trong những sanh hoạt chuyên môn Giáo sư Nguyễn Văn Bông không bao giờ nói về sanh hoạt của đảng phái mình hay cổ suý Ðảng của mình vào những bài xã luận hay thuyết giảng cho sanh viên. Mặc dù là một con chim đầu đàn của Phong Trào Quốc gia Cấp tiến, Giáo sư Nguyễn Văn Bông không bao giờ vận động hay kết nạp thành viên của Phong Trào. Ðây cũng là hình thức hay nhứt để tạo sự đồng thuận trong việc phối hợp hành động hiệp đồng trong đấu tranh chánh trị, tránh được sự chia rẽ trong nội bộ và giữa các đảng phái với nhau. Ông cũng ngỏ lời cám ơn Giáo sư Trần Minh Xuân đã cho tái bản và bổ túc thêm nhiều chi tiết trong cuốc sách “Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông” để người Việt hải ngoại có thêm cơ hội nghiền ngẫm về một phương cách đấu tranh chính trị mã thượng, không mị dân để có thể thu ngắn tiến trình Dân Chủ Hóa Việt Nam trong tương lai.
Nhìn chung, những bài phát biểu được trình bày hôm đó đều nói lên cái tuyệt vời của tư tưởng Chánh trị Nguyễn Văn Bông, trong một số bài tiêu biểu, được cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tuyển chọn từ một số bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Bông được đăng trên Nguyệt San Cấp Tiến và Nhựt Báo Cấp Tiến, để in thành cuốn Di Cảo đầu tiên, được cho phát hành một năm sau ngày Giáo sư Nguyễn Văn Bông qua đời [qua đời năm 1971 cuốn Di cảo được Cấp Tiến xuất bản ở Sài Gòn năm 1972].
Cho tới nay, 37 năm sau khi Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị Cộng sản Việt Nam thảm sát, tư tưởng của Giáo sư Nguyễn Văn Bông được ghi lại trong Di Cảo vẫn còn nguyên giá trị. Nó không chỉ là Di Sản của gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Bông mà nó còn là Di Sản của Quốc gia Việt Nam, Di Sản tuyệt vời của đứa con lỗi lạc của Tổ Quốc Việt Nam. Chính vì vậy mà Giám sát viên Janet Nguyễn của County Of Orange đã vinh danh giá trị cống hiến đời đời của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người đã tác tạo nhiều cán bộ lãnh đạo tuyệt vời hiến dâng tài năng và đức độ cho Tổ Quốc trong cuộc chiến chống Cộng sản bảo vệ tự do và nền dân chủ cho Miền Nam Việt Nam, qua bằng tưởng lệ được Nghị viên tân nhiệm của Hội đồng Thành phố Garden Grove, Luật sư Andrew Ðỗ, thay mặt trao tận tay Ban Tổ chức buổi lễ.
Dịp này, trước số đông người, Ba đã vui vẻ nhắc lại câu nói của ông Ðỗ Tiến Ðức, một cựu sinh viên ra trường trước khi Giáo sư Nguyễn Văn Bông về làm viện trưởng, nhưng hết sức mến phục Giáo sư Nguyễn Văn Bông, đã nói với Ba trong bữa cơm tối hôm trước, tại nhà Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Ðó là:
“Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông do anh [Trần Minh Xuân] thực hiện như cái đòn bánh tét của người Miền Nam, mà tư tưởng của Giáo sư Nguyễn Văn Bông là cái nhưn ngon ở giữa, có thêm phần Phụ Lục với nhiều bài viết của nhiều người từng sống qua, từng có nhiều kỹ niệm, từng làm sáng tỏ công đức Giáo sư Bông; đồng thời giải tỏa các nghi vấn chung quanh cái chết của Giáo sư, chung quanh những dị luận của một số người có ác ý, và của cộng sản, nói về Giáo sư Nguyễn Văn Bông... là phần nếp ngon bọc bên ngoài”.
Nó cũng khiến Ba nhớ lại nghi vấn được nhà báo Phạm Trần, nguyên phóng viên đài VOA, nêu ra là:“Nếu vụ ám sát không xẩy ra, thì Giáo sư Nguyễn Văn Bông nói riêng và Phong trào Quốc gia Cấp tiến sẽ đóng góp được những gì cho việc tìm kiếm một Giải pháp Chính trị cho cuộc chiến Cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam Việt Nam lúc đó?”
Câu hỏi về một người đã qua đời, và Miền Nam Việt Nam cũng đã bị bức tử, nên không có câu trả lời chính thức; nhưng điều Ba dám quả quyết là tư tưởng Chánh trị Nguyễn Văn Bông với những bài học của Giáo sư dành cho các môn sinh ở Học viện Quốc gia Hành chánh, ở trường Ðại học Luật khoa Sài Gòn, ở một số trường Ðại học khác, và các chiến hữu của Thầy trong Phong trào Quốc gia Cấp Tiến, xa hơn nữa là của những người đấu tranh Dân Chủ Hóa Việt Nam, vẫn còn là kim chỉ nam giúp họ từ bỏ thái độ phi chánh trị, kim chỉ nam cho cuộc dấn thân vào trường chánh trị, giải tỏa những bon chen đố kỵ, trên đường quang phục quê hương, giải thể hoặc chuyển hóa Cộng sản từ độc đảng độc tài sang Tự do Dân chủ Hiến định và Pháp trị.
Ðiều đáng lưu ý hơn nữa là Di Cảo chưa kịp ra mắt, chỉ mới sau ngày cúng giỗ, đã được sự lưu tâm của rất nhiều người, đồng thời cũng có thêm một số bài viết liên quan đến Giáo sư Nguyễn Văn Bông được gởi tới nhà xuất bản Mekong-Tynan và Nguyễn Ngọc Huy Foundation ngay sau khi sách đã in xong, chưa kịp phát hành, nên người trách nhiệm tái bản đã lạc quan tin rằng Di Cảo sẽ được tái bản lần nữa để thêm một lần nữa làm lễ vật đặc biệt kính dâng hương linh Giáo sư Nguyễn Văn Bông trong ngày giỗ năm tới.
Hẹn con thư sau

GIÁO GIÀ
(Tiếng Dân số 340, ngày 19/12/2008)

No comments: