QUẬN ĐẦU ĐỜI
Ninh-Thuận
Sau khi bài hát theo điệu Boston dìu dặt và êm đềm ca tụng mái tóc mượt mà, óng ả của người phụ nữ Việt Nam qua bản nhạc Suối Tóc của nhạc sĩ Văn Phụng chấm dứt, Ngọc dìu Linh, vợ mình, trở về chỗ ngồi rồi bước đến quầy rượu ở cuối phòng và xin người hầu rượu một ly Remy Martin. Ngọc nhắm mắt để thưởng thức từng ngụm nhỏ chất rượu thơm nồng, ngây ngất mà chàng thích thú từ lâu. Nó dịu dàng, đằm thắm, mượt mà, quyến rũ, ngọt ngào, quyện lẫn một chút đắng cay của cuộc sống hàng ngày đưa người thưởng ngoạn vào cơn say lúc nào không hay.
Ngọc lơ đãng nhìn những cặp đang quay cuồng theo điệu luân vũ trên sàn nhẩy. Nhà hàng trang trí khá đẹp, lịch sự với sàn nhẩy rộng rãi, tọa lạc tại thành phố Union, miền trung của tiểu bang New Jersey. Đây là buổi kỷ niệm 25 năm ngày cưới của cặp vợ chồng khá thân. Đa số những người tham dự đều là bạn tâm giao của người tổ chức và cùng thích khiêu vũ. Với cuộc sống hối hả trên xứ người sau trên 20 năm xa xứ, hầu hết những người Việt ở đây đều mệt mỏi. Họ đều có chung tâm trạng buồn và cô đơn nên đều mong mỗi cuối tuần, từng gia đình luân phiên tổ chức một cuộc họp mặt để có dịp chung nhau một bữa ăn tối, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, những kinh nghiệm của cuộc sống xa xứ, hát cho nhau nghe, cùng khiêu vũ để rồi sau đó lại trở về với đời sống riêng của từng gia đình với những bổn phận hàng ngày đã trở nên quá nhàm chán trên xứ người.

Đang lâng lâng với men rượu Ngọc chợt giật mình vì người đàn bà lạ mặt, đẹp và có lối nhẩy sang cả, quý phái đó đang đứng trước mặt khẽ mỉm cười và dịu dàng nói:
‘’Xin lỗi anh, cho em hỏi thăm có phải anh là anh Ngọc lúc trước làm Phó Quận Trưởng Quận Hoài Ân, Tỉnh Bình Định phải không ạ? ‘’
Ngọc ngỡ ngàng nhìn người đàn bà đó và khẽ gật đầu:
‘’Vâng, đúng vậy. Nhưng xin lỗi sao chị lại biết tôi?’’
Nghe Ngọc trả lời như vậy, người đàn bà lạ mặt chợt ôm chầm lấy Ngọc và bật lên khóc tức tưởi :
‘’Em là Quỳnh đây, Quỳnh Ân Thường đây. Anh đã quên rồi sao?’’
Ngọc bối rối gỡ vòng tay ôm chặt của Quỳnh và chợt liếc mắt nhìn qua chỗ ngồi của vợ. Sợ Linh hiểu lầm, Ngọc bèn ra hiệu cho Quỳnh tiến tới chỗ vợ ngồi và giới thiệu Quỳnh là thư ký cũ của mình. Linh lịch sự và tế nhị bảo :
‘’Anh và chị Quỳnh cứ tự nhiên trò chuyện, em cũng đang có chuyện cần bàn với mấy chị đây.’’
Ngọc vốn đứng đắn và chưa bao giờ mang tiếng về chuyện trăng hoa với bất cứ ai qua hơn mười năm ở xứ tạm dung này nên Linh tin ngay lời Ngọc nói. Ngọc thầm cám ơn Linh và mời Quỳnh trở lại quầy rượu mà trong lòng ngổn ngang trăm mối. Ngọc không ngờ trí nhớ của mình bây giờ lại có thể tồi tệ đến như vậy. Cuộc sống bận rộn, tất bật nơi xứ người ư ? Hay là lo nghĩ với nỗi nhớ quê hương day dứt ? Cái gì đã gặm mòn lần sinh lực cũng như trí nhớ của mình như vậy? Quỳnh, người đẹp xứ dừa xã Ân Thường, quận Hoài Ân, người đã từng cho Ngọc tất cả, đã từng hy sinh mọi thứ để nhiều lần cứu chàng năm xưa, mà lẽ nào chàng lại không nhìn ra. Ngọc thoáng nhìn Quỳnh với vẻ hối hận. Dường như để tạ lỗi vô tình đó, chàng bóp nhẹ tay Quỳnh, và dịu dàng kéo nàng ngả nhẹ vào người mình. Ngọc thoáng thấy Quỳnh nhắm mắt như để tận hưởng ân tình dở dang, muộn màng cũng như giây phút gặp gỡ bất ngờ sau những năm dài xa cách.
Ngọc hồi tưởng lại ngày xưa. Sau khi chọn nhiệm sở theo thứ tự cao thấp của kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, chàng cùng với hai người bạn cùng khóa chọn Bình Định là tỉnh đầu đời để phục vụ. Lẽ ra Ngọc đã chọn tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết) vì ở gần SàiGòn, nhưng vì quá hồi hộp nên đã nói lộn là Bình Định (Quy Nhơn), khi biết mình nói sai ý định thì hai người bạn đứng sau chàng đã chọn tỉnh Bình Thuận mất rồi. Do đó Ngọc đành phải về Bình Định, và tự an ủi âu cũng là số mạng, biết đâu lại gặp may. May đâu chẳng thấy, chỉ thấy số con rệp. Ngọc xếp hàng đầu trong số ba người ra tỉnh Bình Định, thế mà thay vì chọn quận theo thứ tự cao thấp như ở trường chàng lại bị chỉ định đảm nhiệm chức vụ Phó Quận Trưởng một quận xấu nhất, xa nhất và cũng nguy hiểm nhất của tỉnh là quận Hoài Ân, quận miền núi phần nhiều là người thiểu số, và gần căn cứ của Sư Đoàn 3 Sao Vàng Việt Cộng.
Chiếc trực thăng của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ đáp xuống một khoảng đất trống dưới đồi của chi khu Hoài Ân sau khi lượn vài vòng làm bụi giăng mờ mịt. Ngọc là người dân sự duy nhất trên chiếc trực thăng ấy, và cũng là người duy nhất bước xuống sân bay độc đáo này. Ngọc đảo mắt nhìn quanh. Anh đang đứng dưới chân một ngọn đồi cao khoảng hơn mười mét, với bảng hiệu Chi Khu Hoài Ân đứng chơ vơ quạnh quẽ trên cao cùng những lô cốt bao bọc bởi những bao cát và những lớp rào kẽm gai chùng chùng vây quanh . Lưng chừng đồi là một căn nhà gạch nhỏ hai gian, cũ kỹ, không bảng hiệu với những bậc thềm gỗ dẫn xuống con đường đất quanh co chạy xuyên qua làng xóm ở phía xa. Vài khuôn mặt già nua, mệt mỏi trong những bộ quần áo dân sự nhầu nát tò mò ló đầu ra khỏi căn nhà nhỏ đó đang ngó xuống. Sau này Ngọc mới biết đó là dinh cơ của ‘’ngài Phó Quận Trưởng’’.
Sau khi ra mắt Đại Uý Thành, Quận Trưởng, Ngọc được hướng dẫn tới chỗ ở ngay bên cạnh phòng ngủ của viên Quận Trưởng. Đại Úy Thành dẫn Ngọc giới thiệu các sĩ quan trong bộ chỉ huy Chi Khu. Ông cũng nói qua về tình hình Chi Khu và Quận Hoài Ân. Đặc biệt ông nhấn mạnh ngọn đồi hiện tại của Chi Khu, Quận là ngọn đồi thứ ba trong vòng sáu năm nay. Hai ngọn đồi trước đó, ông chỉ về phiá xa xa, bị VC tấn công phá tan thành bình địa. Hầu hết tất cả đều bị tử thương kể cả Quận Trưởng, Phó Quận Trưởng, các sĩ quan Chi Khu cùng các quân nhân khác. Nghe xong Ngọc cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống, cổ họng tự nhiên đắng chát. Ngọc là nhân viên dân sự duy nhất trên ngọn đồi quân sự này. Sinh mạng Ngọc gắn chặt với Chi Khu, với một toán cố vấn Mỹ MACV sáu người và với một trung đội pháo binh của Sư Đoàn 22 Bộ Binh đồn trú tại đây. Với tình hình an ninh như vậy, Ngọc thấy khó mà có thể mang vợ con ra chung sống tại nơi đây được. Những lúc rảnh rỗi Ngọc thường hay theo viên Quận Trưởng thăm viếng các đồn bót, các chốt đóng quân và nhất là vào trung tâm hành quân Chi Khu dể biết tình hình cũng như để học hỏi, dù rằng không thuộc phạm vi trách nhiệm cùng thẩm quyền của chàng, vì Ngọc nghĩ rằng đây là vấn đề sống còn của riêng bản thân mình. Đi đâu Ngọc cũng trang bị như một quân nhân chính hiệu. Viên Quận Trưởng cũng hiểu tâm trạng của Ngọc nên không tỏ ý ngăn cản gì cả, mà lại còn khuyến khích là đằng khác vì ông ta có thêm đuợc một người bạn để đàm đạo, tạm quên đi những giờ phút cô đơn, nguy hiểm.
Hoài Ân là một quận nằm về phiá tây bắc của tỉnh Bình Định, gần thị trấn Bồng Sơn. Cả vùng là một rừng dừa rộng lớn. Thường thường các thiếu nữ xứ dừa có làn da rất trắng trẻo và mịn màng, và đa số rất xinh xắn. Những lúc xuống dưới làng, vào các xóm công tác, nhiều khi Ngọc phải ngẩn ngơ trước sắc đẹp dịu dàng, đằm thắm của các thôn nữ xứ dừa. Ngọc thầm nghĩ, nếu để những người đẹp này chưng diện và trang điểm kỹ càng thì khó có một thiếu nữ Sài Gòn nào qua mặt được. Ân Thường, xã quận lỵ, là một xã lớn nhất quận và cũng trù phú nhất nằm bên bờ Lại Giang thơ mộng với những hàng dừa soi bóng tạo nên một vẻ thanh bình êm ả, mặc dầu đây là vùng chiến cuộc nóng bỏng. Giữa làng có một căn nhà vách đất lợp tranh khá lớn, bề thế nhất xã. Đây là nhà của ủy viên hộ tịch xã quận lỵ. Căn ngoài được xử dụng như một quán cóc, mọi thứ lặt vặt đều được bầy bán, từ cái kim may, cuộn chỉ, dầu cù là, thuốc rê, thuốc lá quân tiếp vụ, củi, dầu hôi cho đến các thứ nước uống như xá xị, rượu đế và nhất là thổ sản điạ phương: những trái dừa tươi. Đây tuy không phải là nơi giải khát duy nhất ở quận lỵ nhưng lại là một quán đông khách nhất quận, có lẽ vì điạ điểm thuận tiện, nơi cung cấp hầu như mọi thứ cần thiết hàng ngày, và quan trọng nhất: người bán hàng lại là hai cô gái xinh đẹp, con gái của uỷ viên hộ tịch xã. Quỳnh, người chị, 20 tuổi, học xong Trung Học Đệ Nhất Cấp, ở nhà phụ cha mẹ buôn bán. Cô em, Phượng, mới 17 tuổi, còn đi học ở trường quận lỵ, lúc rảnh rỗi phụ với chị coi sóc hàng quán. Cả hai chị em đều đẹp, cái đẹp đơn sơ, mộc mạc, không cầu kỳ, chải chuốt. Có lẽ vì vậy mà quán lúc nào cũng đông khách. Những chàng trai chạy xe Honda thồ ở quận lỵ, những quân nhân đóng đồn xa nhà, cán bộ xây dựng nông thôn, cán bộ chiêu hồi và các thanh niên cùng làng. Tuy biết mình là cái đích để cho các chàng trai ngắm nghía, trêu ghẹo, hai chị em Quỳnh và Phượng vẫn không kiêu căng, cũng không tỏ vẻ lẳng lơ. Cả hai đều vui vẻ, niềm nở trong một giới hạn với mọi người, chưa dành riêng cảm tình cho ai cả, do đó ai nấy đều vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ được lọt vào mắt xanh của một trong hai đóa hoa xinh đẹp này.
Vì công vụ, đôi khi Ngọc ghé qua nhà ông Thường, tên người uỷ viên xã quận lỵ. Những lần như vậy ông Thường đều sai Quỳnh pha trà mời Ngọc. Là thanh niên thành thị đã từng trải, hơn nữa lại không có hậu ý nào cả, nên Ngọc rất tự nhiên. Trái lại, Quỳnh thì mất bình tĩnh thấy rõ trong những lần chạm mặt Ngọc. Những ngón tay trắng trẻo, xinh xinh run run rót trà vào chén nhỏ, có lần rót cả ra ngoài, nước trà nóng văng cả vào người Ngọc. Ông Thường xin lỗi, còn Quỳnh thì hốt hoảng chạy vào bếp lấy ra cái khăn nhỏ rồi vụng về lau chỗ bị ướt nước trà, và lí nhí trong cổ họng:
‘’Em xin lỗi ông Phó’’
Ngọc cười hiền hòa:
‘’Không sao đâu cô Quỳnh. Mà ví dụ có gì đi nữa thì đây là dịp tốt để tôi xin nghỉ phép, cũng là cách cô giúp tôi đó.’’
Sau vài lần như vậy, Quỳnh dần dần bình tĩnh hơn, và lấy lại vẻ tự nhiên, duyên dáng của một thiếu nữ. Cũng có lúc vào khi chiều mát sau giờ làm việc, Ngọc tháp tùng các sĩ quan chi khu ghé quán của Quỳnh. Các sĩ quan này đa số rất trẻ và còn độc thân nên họ ăn nói dạn dĩ, chẳng giữ gìn, đôi khi làm Quỳnh và Phượng đỏ cả mặt. Riêng Ngọc thì luôn luôn trầm tĩnh và ít nói. Có lần viên Trung Uý pháo binh nói đùa: ‘’Hay là ông Phó làm rể quán này đi’’ làm cả bọn phá lên cười rũ rượi. Ngọc tuy đã trên ba mươi tuổi và có gia đình, nhưng vì từ nhỏ đến lớn sống rất vô tư, không có gì phải lo nghĩ nên trông còn rất trẻ. Hơn nữa Ngọc có thói quen không đeo nhẫn cưới nên ai cũng nghĩ chàng còn độc thân, Ngọc cứ cười trừ, không chối mà cũng không nhận, mặc dù chàng rất thương vợ con. Có lẽ đây cũng là điểm khiến gia đình ông Thường hiểu lầm về Ngọc.
Những lúc kiểm soát sổ sách của xã, đôi khi thấy những diều sai sót, hoặc không đúng luật lệ, Ngọc đều nhẹ nhàng chỉ bảo cho ông Thường sửa lại. Những lần như vậy ông Thường đều nhìn Ngọc với ánh mắt thiện cảm. Một hôm, ông Thường tới văn phòng của Ngọc gãi đầu gãi tai:
’’Xin ông Phó thương gia đình tôi. Tôi được Quận cử đi học khóa ủy viên hộ tịch vào tháng tới ở Quy Nhơn trong hai tuần lễ, thời gian này lại là mùa gặt lúa. Nếu tôi không có mặt để coi sóc đám thợ gặt thì họ làm việc rất tắc trách và số lúa gặt được sẽ bị hao hụt rất nhiều. Đây là nguồn lợi tức chính yếu của gia đình tôi. Xin ông Phó thông cảm cho tôi hoãn học khóa này, khóa tới tôi sẽ xin đi.‘’
Nhìn ánh mắt cầu khẩn của ông Thường và với lời trình bầy hợp lý, Ngọc bèn gật đầu chấp thuận. Chàng cử ủy viên hộ tịch của xã khác đi học điền thế ông Thường để cho đủ số người thụ huấn mà Toà Hành Chánh Tỉnh đã ấn định. Sau đó một thời gian ngắn, gia đình ông Thường tổ chức bữa giỗ mẹ ở nhà và mời Đại Úy Thành, Ngọc cùng các viên chức xã ấp thân thiết tham dự. Thật ra thì đây là bữa tiệc ông Thường mời để cảm ơn Ngọc đã cho ông hoãn về tỉnh đi học để ông ở nhà điều động đám thợ gặt lúa, và mùa lúa này ông trúng lớn. Thức ăn trong mỗi buổi tiệc ở vùng thôn giã này thường chỉ có gà, vịt nuôi trong nhà và cá đánh lưới ở dưới sông lên cùng một thứ không thể thiếu được vào những dịp như thế này đó là rượu đế. Đây là loại rượu ông Thường cho cất đặc biệt để đãi khách nên nó thơm lừng và không gắt như loại đế ông bày bán. Bà Thường cùng Quỳnh và Phượng phụ trách việc mang thức ăn cũng như tiếp rượu cho khách, đặc biệt là Quỳnh không biết là do cha mẹ dặn dò hay là tự ý đã luôn luôn đứng sau lưng Ngọc để hầu tiếp riêng cho chàng.
Cũng như bất cứ bữa tiệc nào, buổi tiệc ngày hôm nay cũng ồn ào như cái chợ vỡ. Thôi thì đủ các thứ chuyện được đem ra thảo luận. Giữa bữa tiệc thì Đại Uý Thành xin cáo từ ra về vì bận việc Chi Khu. Phần Ngọc thì ở lại tiếp tục buổi tiệc vì đây là cơ hội tốt để chàng hiểu rõ hơn những chuyện khúc mắc ở xã ấp, cũng như những nhận xét của các viên chức tại đây về cách làm việc của Ngọc mà những buổi họp bình thường không ai dám nói ra. Chỉ có những dịp như thế này thì mọi người đều thi nhau nói huyên thuyên và qua đó Ngọc hiểu thêm được phần nào tâm trạng của những người cùng chung lý tưởng phục vụ chính nghĩa quốc gia với mình. Nhờ vậy mà Ngọc đã đôi lần sửa được vài điều hiểu lầm làm cho một số các viên chức xã ấp không dám gần gũi, thân mật với Ngọc. Chẳng hạn như :
’’Ông Phó nghiêm quá, tụi tui ít khi thấy ông Phó cười, làm tụi tui sợ không dám nói chuyện nhiều với ông Phó’’
‘’Ông Phó ở Saigon uống rượu Tây, rượu Mỹ quen nên ông Phó không thèm uống đế với tụi tui. Ông Phó khinh tụi tui’’
Thật sự ra Ngọc rất ít cười , vui lắm thì chàng cũng chỉ cười mỉm, hoặc giữ niềm vui trong lòng. Bạn bè, người quen cũng thường gán cho Ngọc là lạnh lùng hoặc hơn nữa là khinh người. Những lúc vui cùng bạn bè Ngọc cũng chỉ uống nhiều nhất là hai chai bia 33 chứ chưa hề uống rượu bao giờ, đừng nói gì đến rượu đế. Nay vì muốn gần gũi và lấy lòng tin của các viên chức địa phương, một nguyên tắc mà Ngọc tự đề ra và quyết tâm thực hiện để thành công, nên hàng ngày, tại phòng riêng, Ngọc đã tập cười một mình trước gương, cũng như cố gắng uống một ly đế nhỏ trước khi đi ngủ để cho cơ thể quen dần với rượu. Cho đến ngày hôm nay thì Ngọc đã cười được nhiều, nhưng riêng về đế thì chàng vẫn chưa quen cho lắm. Thức ăn ngon cùng với những ly đế do Quỳnh mang đến với nụ cười mê hoặc, ánh mắt chứa chan tình cảm làm Ngọc quên đi thực tại chức phận cùng gia đình đang ở xa để mềm môi uống mãi men rượu mà trước đó không lâu chàng khó lòng uống được một ly nhỏ. Từ từ Ngọc đi vào cơn say và không còn biết gì cả. Lúc tỉnh dậy Ngọc thấy mình đang nằm trên bộ ván ở nhà ông Thường. Quỳnh đang cạo gió cho chàng. Sĩ, tài xế quận và Bộ, viên nghiã quân người Thượng mà Đại Uý Thành biệt phái để theo bảo vệ Ngọc đứng trước bộ ván đang nhìn chàng với ánh mắt lo ngại. Bối rối cùng một chút ngượng ngập, mặc dầu đầu đang nhức như búa bổ, Ngọc lồm cồm bò dậy, xin lỗi cùng cám ơn ông bà Thường rồi cáo từ để Sĩ và Bộ dìu ra xe đi về quận đường mặc dù cả nhà ông Thường và nhất là Quỳnh khẩn khoản mời Ngọc ở lại cho qua khỏi cơn say trước khi đi ra ngoài trời tối đang mưa vì sợ chàng có thể bị cảm lạnh.
Kể từ sau ngày đó ông Thường năng đến văn phòng Ngoc hơn. Ông thường hỏi han về công việc, tường trình những việc mình làm, cũng như cho Ngọc hay những chuyện khác về đủ mọi lãnh vực mà ông ta biết mặc dầu không thưộc phạm vi việc làm của ông ấy. Đó cũng là điều hay giúp Ngọc thông thạo hơn mọi chuyện xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của mình. Để bù lại, trong những lần về Quy Nhơn, Ngọc mua tại chợ trời những mặt hàng được mang ra từ PX của quân đội Mỹ như thuốc lá, xà bông thơm, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm, có lần cả radio và cassette về biếu ông bà Thường. Thỉnh thoảng Ngọc có tạt qua nhà ông bà Thường để ăn cơm, tùy khi thuận tiện, lúc thì cơm trưa, khi thì cơm tối. Sự thân tình giữa gia đình ông Thường và Ngọc tăng dần dần.
Một lần về thăm xã, Ngọc bị bắn sẻ vào bụng, vết thương khá nặng, chàng được chuyển ngay vào nhà thương ở thị trấn Bồng Sơn gần quận Hoài Ân. Quỳnh biết tin nên tức tốc vào thăm. Một sự trùng hợp định mệnh: Quỳnh và Ngọc có cùng loại máu, nên khi bác sĩ bệnh viện nói Ngọc cần được tiếp máu để giải phẫu lấy viên đạn ra thì Quỳnh không ngần ngại tình nguyện hiến máu ngay. Sau khi bình phục, Ngọc càng thêm khắng khít với gia đình ông Thường với ơn cứu tử của Quỳnh. Có lần theo lời khuyên của Quỳnh là chàng nên đi xe thồ hơn là dùng xe Jeep của Quận, trên đường về Tỉnh họp, Ngọc nhờ viên nghiã quân cận vệ chở bằng xe Honda hai bánh về Tỉnh trước. Chàng dặn người tài xế lái xe về tỉnh sau và chở theo viên thư ký Quận để nhận lãnh tài liệu bầu cử. Sau khi họp xong, Ngọc sửng sốt khi nghe tin xe Jeep của Quận bị giật mìn, nguời tài xế và thư ký đều bị tử thương. Ngọc chợt nghĩ đến số mạng, đến lời khuyên của Quỳnh và thầm cám ơn nàng.
Chiều hôm đó, cũng như những lần về Quy Nhơn trước đây, Ngọc đến quán Gió Khơi , nằm dọc theo bãi biển, để uống bia tự mừng mình thoát nạn. Đến nơi Ngọc thấy Quỳnh đang ngồi uống nước dừa cùng với một người bạn gái. Quỳnh ra hiệu cho Ngọc ngồi cùng bàn và giới thiệu người cùng ngồi với nàng là cô em họ con người dì ở Quy Nhơn. Hàng tháng Quỳnh thường về Quy Nhơn để lấy hàng và cư ngụ ở nhà bà dì. Tối hôm đó Ngọc mời Quỳnh đi ăn cơm và xem ciné để cám ơn đã cứu Ngọc thoát khỏi bị phục kích vừa rồi. Sau đó Quỳnh nhất định không chịu về nhà. Nàng khẩn khoản xin Ngọc đưa nàng về thăm chỗ ở của Ngọc ở Quy Nhơn, vì trước đó Ngọc có cho nàng biết là chàng có mướn một căn phòng khá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi ở thành phố này. Chẳng đặng đừng, Ngọc đành phải chiều ý người đẹp. Đây là một biệt thự lớn được chia ra làm bốn phòng ngủ với phòng tắm riêng biệt và bàn ghế giường tủ tân thời để cho các nhân viên dân sự người Mỹ mướn. Chủ căn biệt thự đó là bạn thân của Ngọc, nên nhường cho Ngọc căn phòng đó với giá rẻ, sau khi người Mỹ mướn căn phòng này mãn hạn khế ước làm việc ở Việt Nam trở về nước. Lần này Quỳnh tự nhiên và chủ động chứ không còn e ấp, ngượng ngập như lần đầu tiếp Ngọc ở nhà ông Thường ngày nào. Nàng thú nhận tình yêu đã dành cho Ngọc và mong muốn được kết tóc xe tơ với chàng. Tối hôm đó Quỳnh không về nhà người dì, nàng đã ở lại với Ngọc và dâng hiến đời con gái cho chàng với tất cả những đam mê nồng nhiệt của một thiếu nữ đang yêu chân thành.
Sau đó không lâu Ngọc được học bổng đi tu nghiệp hai

****
Quỳnh xúc động kể cho Ngọc nghe những việc xẩy ra sau khi Ngọc rời Quận Hoài Ân. Chiến tranh lan rộng với cường độ lên cao. Cộng quân tấn công toàn quận Hoài Ân, gây nhiều thiệt hại về vật chất cũng như nhân mạng. Căn nhà của ông Thường bị bom đạn tiêu hủy. Ông bà Thường cùng Phượng đã chết trong căn nhà bị cháy thiêu rụi đó. Riêng Quỳnh thì đang ở Quy Nhơn nên còn sống sót. Nàng đã may mắn gặp được viên cố vấn dân sự quận Hoài Ân, người mà Ngọc đã mời tới quán của Quỳnh uống nước dừa nhiều lần, và nhờ viên cố vấn này tìm mọi cách để đưa Quỳnh về lại quận lỵ để tìm xác và an táng ông bà Thường cùng Phượng. Để đền ơn nghĩa cử đó, và cũng vì quá cô đơn, không nơi nương tựa, Quỳnh chấp thuận lời cầu hôn của viên cố vấn này và sau đó cùng chồng về Mỹ.
Khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ thì Quỳnh đang ở tại Philippines, nơi chồng Quỳnh đang phục vụ tại tòa đại sứ Hoa Kỳ. Đến năm 1997 thì chồng của Quỳnh qua đời sau nhiều năm chống chỏi với chứng ung thư gan, để lại cho Quỳnh bảo hiểm nhân thọ khá lớn và ba người con, một trai, một gái là con chung của hai người cùng một con trai theo lời Quỳnh nói thì là con của Ngọc, kết quả của đêm mặn nồng duy nhất trong căn phòng của chàng tại Quy Nhơn.
Quỳnh nghẹn ngào nói:
‘’ Em đặt tên con là Frank, vì nó thẳng tính giống anh vô cùng. Nó giống anh từ khuôn mặt, dáng đi. đến nụ cười. Em cứ chết lặng người khi ngắm nó. Nhiều lúc ôm nó em cứ ngỡ là có anh trong vòng tay. Có nó bên cạnh cũng giúp em đỡ phần quay quắt nhớ nhung anh. Em đốc thúc nó học nhiều hơn là hai đứa em cùng mẹ khác cha của nó. Chính em kèm nó học tiếng Việt. Dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ mà nó đọc, viết và nói tiếng Việt không thua một người Việt nào. Sau khi lấy được mảnh bằng Cao Học về Bang Giao Quốc Tế tại Yale University, và theo sự khuyến khích của em, con đã qua làm việc tại tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội. Trước khi con đi nhận việc, em đã nói rõ về lai lịch của anh, tên tuổi, nơi đã làm việc để nó tìm cha của nó. Em cũng giải thích tường tận cho con nghe về thực chất của cuộc chiến Việt Nam dưới con mắt của người trong cuộc đã từng chịu đau khổ cũng như chia lìa vì chiến cuộc khác xa với sự giải thích của những chính khách Mỹ. Em cũng dặn con ngoài công việc chính thức của một nhân viên Mỹ, nó còn là người Việt thuần túy, nó nên làm những gì có thể làm được để bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia trong việc cải hóa dần dần những việc làm không tốt của chính quyền sở tại cũng như giúp những người Việt nghèo khổ mà nó gặp.’’
Ngọc lặng người nghe Quỳnh kể. Chàng không ngờ tình yêu Quỳnh dành cho chàng lại vô bờ bến như vậy, và chàng cũng không nghĩ đến Quỳnh lại có tinh thần quốc gia cao độ cũng như dậy dỗ con cái giỏi như thế. Quỳnh lại nói tiếp :
’’Khuya nay khi về đến nhà em sẽ điện thoại cho con để báo cho nó tin mừng này, và kỳ về phép cuối năm nay của nó, em sẽ sắp xếp cho bố con gặp nhau. Anh không tưởng tượng được đâu, hai bố con giống nhau như hai giọt nước, do đó lúc nẫy mới thoáng nhìn anh, em đã nhận ra anh liền mặc dù anh già đi quá nhiều, đầu bạc và hói gần hết.’’
Liếc về phía người đàn ông đi cùng, Quỳnh tiếp:
‘’Còn về người đàn ông đi cùng với em, ông ta là thuộc cấp của chồng em tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington D.C., thỉnh thoảng chồng em có mời ông ta lại nhà ăn phở do em nấu. Kể từ khi chồng em mất, ông ấy thường xuyên tới thăm viếng, an ủi, giúp đỡ em những việc lặt vặt. Hồi còn ở Việt Nam ông ấy cũng là nhân viên cao cấp Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 75 ông ấy đi cải tạo. Trong thời gian ông ấy bị tù tội thì ở nhà vợ ông ta đi lấy một thượng tá công an VC. Được thả về năm 1985, may mắn gặp được người bạn tốt, biết hoàn cảnh khốn cùng của bạn, bèn cho ông ấy vượt biên không phải trả tiền. Có lẽ vì chịu quá nhiều đau khổ, và lại ăn ở hiền lành, đầy nhân nghiã, nên ơn trên cho ông ấy gặp lại chồng em. Hai nguời biết nhau từ lâu vì hồi ở Việt Nam chồng em thỉnh thoảng có vào bộ ngoại giao của Việt Nam Cộng Hoà thảo luận về công vụ với ông ấy, do đó hai người thân nhau. Hồi chúng em về lại Mỹ ông ấy có ra phi trường tiễn. Gặp lại nhau ở Mỹ chồng em bèn giới thiệu ông ấy vào làm ở bộ ngoại giao, một công việc thích hơp với khả năng và kinh nghiệm của ông ta. Do cần cù chịu khó, và thượng cấp toàn là những người quen cũ ở Việt Nam thời trước nên Thành, tên ông ta, lên cấp rất nhanh. Tằn tiện, chắt chiu, vả lại một thân một mình nên sau một thời gian ông ấy để dành được một số vốn và xin về hưu sớm ra ngoài mở tiệm bán và sửa computer ở Washington D.C. Công việc này nhàn tản và nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn, không còn bị cử đi công tác khắp nơi trên thế giới nữa.’’
Không biết phải xử trí như thế nào trong một hoàn cảnh quá đặc biệt và thật bất ngờ như thế này nên Ngọc dấu sự bối rối bằng cách tì tì nốc hết ly Remy này đến ly khác và tiếp tục nghe Quỳnh thì thầm bên tai :
‘’ Thành, có đề nghị với em từ hai năm nay là tiếp tục đi nốt cuộc đời còn lại bên nhau. Em bảo ông ấy là từ từ em sẽ quyết định sau vì thật ra em vẫn còn vấn vương hình ảnh của anh trong tâm khảm. Em vẫn mong mỏi và vẫn tin tưởng là đến một ngày nào đó chúng mình sẽ gặp lại nhau, cùng nhau nối lại ân tình ngắn ngủi nhưng thật tuyệt vời ngày xưa. Ngọc có biết không, hình như ơn trên đã giúp em gặp lại anh. Thành mời em đi chơi xa nhiều lần em đều từ chối, không biết tại sao lần này em lại nhận lời. Hình như có một cái gì đó thôi thúc em phải đi tới đây ngày hôm nay. Anh Nhựt người tổ chức bữa tiệc này là bạn thân của Thành ngày xưa.’’
Quỳnh chợt ngưng trong giây lát rồi nhìn thật sâu vào mắt Ngọc và chậm rãi hỏi:
’’ Anh nghĩ sao về đề nghị của ông Thành?’’
Ngọc chới với trước câu hỏi thật khó trả lời của Quỳnh bèn trì hoãn bằng cách nói:
‘’Nẫy giờ nói chuyện với em cũng hơi lâu, để anh mời Linh nhẩy một hai bản rồi mình nói chuyện tiếp.’’
Sau khi dìu Linh liên tiếp ba bản nhạc Ngọc lại đến quầy rượu uống tiếp. Quỳnh thấy thế cũng lại ngồi gần Ngọc, rồi nói :
‘’Em vừa chấp thuận lời đề nghị cầu hôn của Thành. Em nghĩ đó là giải pháp duy nhất khiến lương tâm của em yên ổn, không phá vỡ cuộc sống đang êm dềm hạnh phúc của anh. Anh nên hiểu là sống xa quê hương rất cô đơn, nhất là em giờ đây không còn ai ở bên cạnh, con cái đều ở xa, bà con thân thích không có ai. Nhiều đêm nhìn tuyết rơi một mình quạnh quẽ trong căn nhà rộng lớn do chồng để lại em tự hỏi tại sao mình lại có thể sống thui thủi gần ba năm như thế này được. ‘’
Quỳnh tiếp tục nói trong nghẹn ngào:
‘’Em cũng là người như bất cứ ai cần được an ủi, vỗ về, săn sóc, chiều chuộng và ngay cả nhu cầu về thể xác nữa, nhưng em cố gắng kềm lòng giữ được. Ngọc, phải, tại anh, và cũng nhờ anh đó Ngọc ơi.’’
Quỳnh ngưng trong khoảnh khắc để tạm lắng bớt cơn xúc động đang dâng tràn rồi tha thiết nhìn Ngọc:
‘’Sống để chờ anh, để đợi anh, để gặp anh, để đi hết đoạn đường trần với anh. Ngọc có biết như vậy không? Giờ đây em đã tạm đạt được ước nguyện đó, dù rằng chỉ có một phần nhỏ, vì em vẫn không được sống muôn đời bên anh. Dầu sao em còn được an ủi là biết được anh đang an lành tại xứ sở tự do này và nhất là sống trong một mái ấm gia đình. Em mừng khi thấy thấy chị Linh thương và săn sóc anh nhiều. Em nghĩ yêu nhau là hy sinh cho nhau, là quên mình để tạo hạnh phúc cho người mình yêu. Em chọn con đường này bằng cách lấy Thành để anh yên tâm sống với chị Linh. Anh cho em xin địa chỉ và số điện thoại để khi con về phép em gọi anh để hai bố con gặp nhau. Bây giờ thì em xin phép anh để về thẳng Washington D.C. chứ không ở lại nhà anh Nhựt tối nay để ngày mai đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do như dự định nữa. Ở gần nhau chỉ làm cho em đau đớn thêm mà thôi. Cầu xin ơn trên giúp em qua được nỗi đau và sự thử thách quá lớn lao này. Ngọc đưa em tới chào từ biệt chị Linh’’.
Ngọc đờ đẫn người, không biết phản ứng ra sao cả, chàng làm theo lời sai bảo của Quỳnh như một cái máy.
***
Sau khi Thành đưa Quỳnh ra về thì Ngọc tiếp tục uống như hũ chìm, không còn tha thiết gì đến khiêu vũ nữa . Trên đường về nhà, Linh lái xe, Ngọc ngồi ghế bên cạnh say khướt không còn biết gì cả. Trong cơn say Ngọc thấy con trai của chàng đang làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, còn chàng thì đang âu yếm diù Quỳnh dạo mát dưới hàng dừa bát ngát ở Ân Thường, Hoài Ân.
Ôi Quận Đầu Đời và mối tình đẹp của ta ơi!
New York, Tháng 8 năm 2000
Ninh Thuận
No comments:
Post a Comment