Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Sunday, September 27, 2009

QGHC Sydney
TRẦN VĂN PHAN - Có dám mời LÂM LỆ HOA, Thị Trưởng AUBURN tham dự "ĐỠ ĐẦU" như lần trước không ???

*** LÂM LỆ HOA tiếp kiến NÔNG ĐỨC MẠNH kỳ rồi đấy ! Xin xem bài dưới đây của VC tự khai./- bb/cb

Đăng lại để làm bằng chứng
BÀI BÁO VIỆT CỘNG ĐÃ HÀI TÊN MỘT SỐ VC NẰM VÙNG và ĐÃ BIẾN NGƯỜI TỴ NẠN THÀNH RA VIỆT KIỀU CỦA CHÚNG NÓ

Cộng đồng người Việt tại Australia: Không ai mang trái tim Việt Nam ra khỏi quê hương Việt Nam17/03/2008“Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt cho sự phát triển của đất nước Australia...”.

Đây là những lời nói tốt đẹp thường gặp trong các cuộc hội kiến, gặp gỡ giữa Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta với Lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, QH Australia cũng như Lãnh đạo một số thành phố lớn hay các bang của Australia trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Australia từ ngày 9- 16.3.Không đơn thuần là những lời nói ngoại giao làm vui lòng nhau mà thực sự bằng tri thức và sự đóng góp cho công cuộc phát triển một đất nước Australia hiện đại, nhưng đầy bản sắc văn hóa, cộng đồng người Việt đã và đang ngày càng khắc họa rõ nét hơn hình ảnh một Việt Nam trong lòng nhân dân của xứ sở kanguru, đà điểu và Koala... Theo thống kê của Nhà nước Australia, người Việt Nam tại Australia vào khoảng 177 ngàn người. Tuy nhiên, đó là con số của những năm về trước.

Thực tế, nếu tính cả những người được sinh ra và lớn lên tại Australia thì con số đó lớn hơn nhiều, vào khoảng trên dưới 250 ngàn người. Bang New South Wales là nơi tập trung đông người Việt nhất- khoảng hơn 100 ngàn người. Giống như các phố của người Trung Quốc (China town) ở nhiều thành phố trên thế giới, ở ngoại ô thành phố Sydney- thủ phủ bang New South Wales- cũng có một khu vực của người Việt được mệnh danh là “Saigonmatta”. Tuy nhiên, nếu nói về nơi mà người Việt thực sự sống cuộc sống của người Việt thì phải là thành phố Melbourne, bang Victoria- Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Thanh Tân cho biết- ở đó có những khu phố toàn bộ là người Việt, mọi người giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Melbourne cũng là nơi mà vào cuối tuần, người Việt ở vùng khác trên đất nước Australia thường tập trung nghỉ ngơi, gặp gỡ và giao lưu.

Sống, làm việc và học tập ở một đất nước xa xôi nhưng, dường như những con người vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà phải sống xa Tổ quốc đó vẫn không nguôi nỗi niềm khắc khoải hướng về quê hương. Xin Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cứ an lòng, dẫu đã sang đây được 10, 15, thậm chí là 30 năm, nhưng không người con nào mang trái tim Việt Nam ra khỏi quê hương Việt Nam. Vượt hơn 700 cây số từ Melbourne tới Thủ đô Canberra, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Australia Trần Bá Phúc đã chia sẻ như vậy trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, bà con Việt kiều và lưu học sinh tại Canberra. Không khó khăn để nắm bắt được những tình cảm mà những người con xa xứ dành cho quê hương. Bởi, ngay từ ánh mắt nhìn da diết, những lời thăm hỏi dồn dập...khi được gặp “đồng hương Việt Nam” trên đất nước Australia đã thấy hiện lên mồn một những tình cảm đó.

Khao khát được về Việt Nam, được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, được có một ngôi nhà của mình trên đất Mẹ - không chỉ thường trực trong lòng những người con được sinh ra và có một quãng thời gian sinh sống ở Việt Nam mà còn là mong mỏi của những người chỉ mang trong mình dòng máu Việt mà chưa hề một lần đặt chân về xứ sở. Em trai của Chủ tịch Hội Trần Bá Phúc là một người như thế. Sinh ra và lớn lên ở Australia, nhưng mong muốn sau khi tốt nghiệp ngành học y khoa là được về Việt Nam giúp chút gì đó cho quê hương. Hay, cũng có những người đi du học ở Nhật Bản từ những năm 1960- 1970 của thế kỷ XX, sau đó sang định cư ở Australia từ đó đến nay như Việt kiều Nguyễn Quốc Vọng, nhưng vẫn mang trong mình một tâm tưởng: Tôi lúc nào cũng là người Việt Nam. So với số lượng thực tế người Việt đang sinh sống và học tại Australia thì con số trí thức Việt kiều thuộc về số ít. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong chính quyền Australia.

Đó là Việt kiều Lê Văn Hiếu với chức vụ Phó toàn quyền tiểu bang Nam Australia.

Là Việt kiều Lâm Lệ Hoa với chức vụ thị trưởng thành phố Auburn, bang New South Wales (Bà Lâm Lệ Hoa là người phụ nữ Australia gốc châu Á đầu tiên giữ chức vụ thị trưởng tại Australia).

Là Việt kiều Nguyễn Minh Sang (Sang Nguyen) từng là thị trưởng trẻ nhất quận hạt Richmond và hiện là nghị sỹ tiểu bang Victoria...

Và, không dừng ở những đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước Australia, ngày càng có nhiều Việt kiều, trí thức Việt kiều ở Australia về Việt Nam tham gia vào các hoạt động hợp tác giúp đỡ, đầu tư, giảng dạy trên nhiều lĩnh vực theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Australia. Với chuyên môn về nông nghiệp, hiện Việt kiều Nguyễn Quốc Vọng vẫn đi về giữa Việt Nam và Australia để giúp Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam triển khai dự án liên quan đến sản xuất rau sạch. Trước đó, từ năm 1990- 2005, Việt kiều Vọng đã góp phần đưa 3- 4 dự án liên quan đến nông nghiệp về Việt Nam... Gần như thành thông lệ, trong các chuyến thăm và làm việc ở trong nước hay nước ngoài, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thường coi các buổi gặp gỡ, nói chuyện là các buổi tiếp xúc cử tri. Và, ở nước ngoài thì đó là các buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt. Trước khi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hay các ĐBQH nói để cử tri hiểu, bao giờ cũng là phần cử tri nói cho đại biểu nghe.

Các cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, bà con Việt kiều và lưu học sinh tại Canberra và Sydney nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Australia không là một ngoại lệ. Giống như các cử tri trong nước, các “cử tri đặc biệt” khá sôi nổi khi phản ánh các tâm tư, nguyện vọng. Không bó hẹp trong các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn hay chính sách liên quan đến kiều bào, ý kiến của các “cử tri đặc biệt” còn cho thấy họ quan tâm, theo dõi khá sát sao các thông tin về tình hình xã hội Việt Nam. Hoan nghênh các chính sách ngày càng cởi mở của Nhà nước đối với những người Việt Nam ở nước ngoài như miễn thị thực khi có nhu cầu về nước...

Đồng thời, khá thẳng thắn và tâm huyết khi chỉ ra những điểm bức xúc cần phải lưu ý, sớm giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước. Đó là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; Cổ phần hóa các dịch vụ công như bệnh viện, trường học cần phải có những bước đi thận trọng; Nhà nước cần có chiến lược phát triển cho miền Tây Nam Bộ như thế nào để không còn tình trạng là một vựa lúa của đất nước, nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng lại nhiều yếu kém. Vấn đề lao động Việt Nam tại Malaysia; Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, tình trạng lãng phí về nguồn nhân lực làm quản lý...

Riêng hoạt động của QH, ghi nhận việc cơ quan lập pháp ngày càng có quyền hơn trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhưng, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công cuộc hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới thì mong rằng, QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoạt động hào hứng hơn nữa. Thay mặt QH Việt Nam, tại các cuộc gặp gỡ, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thu tất cả những ý kiến của đại diện cộng đồng Việt kiều tại Australia. Khẳng định sẽ nghiêm túc nghiên cứu và chuyển ý kiến của các “cử tri đặc biệt” tới các cơ quan hữu quan. Và, nếu có ý kiến đóng góp hay đề xuất gì cho sự phát triển của đất nước, Việt kiều có thể gửi các ý kiến đó về Việt Nam, thậm chí là gửi thẳng cho tôi (Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng- PV). Tôi sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến... Gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, bà con Việt kiều, trong đó có trí thức Việt kiều tại Canberra và Sydney chỉ là hai trong nhiều các hoạt động dày đặc nối tiếp nhau trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Australia của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động góp phần vào thành công của chuyến thăm. Bởi, bên cạnh những kết quả thông qua hội kiến, gặp gỡ với hầu hết các nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, QH Australia, chuyển tới họ thông điệp về tình hữu nghị, về mong muốn thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai nước thì chuyến thăm lần này, người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và các ĐBQH khác còn gặt hái được khá nhiều tâm tư, tình cảm của những “cử tri đặc biệt”. Những mối quan tâm về Việt Nam, những khao khát được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam của họ là minh chứng cụ thể nhất cho chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta- coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực của dân tộc và là nhân tố quan trọng trong phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Đi để biết, để thấu hiểu và để cảm nhận sâu sắc hơn rằng dù ở đâu- trong nước hay nước ngoài- đã là người Việt Nam hay dòng dõi Việt Nam thì Tổ quốc mãi mãi là của chúng ta.Ghi chép của Thanh Tâm

No comments: