NHƯ MỘT LỜI CÁM ƠN
Nguyễn Ngọc Cường
Môt số bạn lớp Đốc Sự 14 cư ngụ tại vùng nắng ấm Nam Cali sau khi tham dự buổi họp mặt Mùa Giáng Sinh năm 2009 tại tư gia anh chị Nguyễn Đức Tín đã thông báo cho tôi biết nhân dịp Hội Nam Cali tổ chức Văn Nghệ Tân Niên vào ngày Chủ Nhật 28 tháng 2 năm 2010, các bạn dự định một buổi hội ngộ của toàn lớp vào buổi trưa một ngày trước đó.
Tôi khấp khởi mừng thầm vì bạn bè lại có dịp gặp nhau nhưng riêng bản thân tôi không có ý tham dự, dù lòng rất muốn, vì vào hai tháng đầu năm dương lịch thường có những cơn bão tuyết đổ xuống nặng nề đôi khi làm tê liệt mọi sinh hoạt của cả thành phố New York. Di chuyển vào những tháng này nhất là bằng phương tiện hàng không rất là bất trắc. Đã hơn một lần tôi đã phải trải qua những giờ phút chờ đợi mòn mỏi dài như vô tận tại các phi trường để máy bay có thể cất cánh. Giờ đây với chứng đau lưng hành hạ hàng ngày tôi khó có thể chờ đợi tuyết ngưng rơi như những ngày trước được nữa nên tôi có nói với các bạn tôi không thể đi được. Các bạn trả lời là hiểu trường hợp khó khăn do thời tiết gây ra nhưng sao giọng nói hình như nghe hơi nằng nặng làm tôi cứ áy náy mãi.
Bẵng đi khoảng hai hoặc ba tuần lễ sau đó trên website của lớp do bạn Vũ Công Hùng, đã “đi xa” sáng lập, hiện do bạn Nguyễn Thế Vĩnh tiếp tục điều hành có đăng một thư mời các bạn ĐS 14 họp mặt trưa Thứ Bẩy ngày 27 tháng Hai năm 2010 tại nhà anh chị Huỳnh Văn Quế với đầy đủ địa chỉ cùng số điện thoại để liên lạc và vài ngày sau lại nhận được thư mời nói trên do Bạn Trương An Ninh gửi qua bưu điện với một hàng chữ viết bổ túc : “có xe đón các bạn ở xa”. Đọc xong thư mời đó lòng tôi cứ bâng khuâng. Lời lẽ trong thư rất chân tình, mộc mạc, không khách sáo, mầu mè, nghe sao não lòng đến đứt ruột, giống như sắp xẩy ra một biến cố quan trọng gì đó khiến bạn bè khó mà có dịp gặp lại nhau sau ngày nói trên. Sau khi liên lạc với các bạn có tên trong thư mời để xác nhận lại cái ý diễn tả trong thư nói trên tôi tự nhủ “ừ nhỉ, tại sao mình không cố gắng đi để gặp lại bạn bè trong khi mình còn có thể đi được. Liệu ngày mai mình còn đủ sức để lết không chứ đừng nói gì đến chuyện đi với đứng”. Với ý nghĩ đó tôi quyết định vợ chồng chúng tôi sẽ bay qua Nam Cali tham dự cho dù tuyết có rơi khiến phải chờ đợi tại phi trường bao lâu chăng nữa, cũng như cái lưng nó hành hạ đến đâu tôi cũng không ngại ngùng. Có lẽ văn phong của thư mời đó đã khiến tôi có thêm sức mạnh để chịu đựng.
Chúng tôi mua vé máy bay qua Cali ngày Thứ Năm 25 tháng Hai với hy vọng dù có bão tuyết ập đến chúng tôi vẫn có gần hai ngày chờ đợi kịp để gặp mặt bạn bè ngày Thứ Bẩy. Nhưng trước đó một ngày, tin tức khí tương trên internet cũng như trên báo chí địa phương thông báo bão tuyết sẽ bao phủ thành phố New York và vùng phụ cận bắt đầu khoảng từ 3 giờ sáng ngày thứ Năm cho đến khuya Thứ Sáu với lượng tuyết rơi khoảng trên 20 inches. Thế là nguy to, có thể không bay được. Quá lo lắng tôi đã gọi đến hãng máy bay và họ cho tôi lưa chọn hoặc đổi chuyến bay (nếu chuyến mình lựa còn chỗ) hoặc hủy bỏ không đi nữa, hãng sẽ bồi hoàn tất cả tiền vé đã trả mà không phải chịu tiền phạt gì cả. Tôi lại bâng khuâng, trằn trọc không ngủ được suốt đêm Thứ Tư giữa việc lựa chọn hủy bỏ chuyến đi, vẫn giữ lịch trình bay cũ hay đổi chuyến khác. Cái khó là tuyết rơi chính xác vào giờ nào để thay đổi chuyến bay? Không khéo rồi chuyến mình không đi lại cất cánh được và chuyến thay thế lại bị hủy bỏ. Khí tượng không nói rõ, họ chỉ phỏng đoán là từ 3 giờ sáng trở đi, nhưng thường thường dự đoán thời tiết đúng đến 70% như vậy thì khó mà qua với bạn bè cuối tuần này được. Khó nghĩ thật. Cuối cùng tôi đánh liều giữ nguyên chuyến bay đã mua, cất cánh lúc 9 giờ sáng Thứ Năm.
Nằm chờ sáng và đợi tuyết rơi, chỉ thấy mưa ngày càng nặng hạt mà chẳng thấy tuyết đâu cả, hy vọng tăng dần nơi tôi trên đường ra phi trường với bầu trời u ám và vần vũ. Tôi tự nhủ dầu sao thì mình cứ cố gắng, nếu trời không cho bay qua Cali thì đến tối đành đón xe trở về nhà vậy. Như vậy lòng tôi nhẹ nhõm hơn, bớt ân hận với bạn bè. Cuối cùng thì lên máy bay đúng như dự định và cất cánh thì chỉ trễ khoảng gần một tiếng đồng hồ có lẽ vì mây mù cùng với mưa tầm tã. Bay khoảng gần nửa tiếng đồng hồ bỗng máy bay rung dữ dội có lẽ đang bay xuyên qua cơn bão tuyết đang di chuyển về thành phố New York. Sau đó thì máy bay êm ả tiến về vùng trời Nam Cali nắng ấm, êm như giấc mơ của tôi mong đến với bạn bè. Tôi thường xuyên theo dõi đài weather channel trên máy bay lúc đó mới biết là máy bay của tôi may mắn cất cánh trước khi tuyết đến khoảng hơn một tiếng, sau đó mọi chuyến bay đều bị hủy bỏ. Tạ ơn Thượng Đế đã giúp tôi có một quyết định tuy cầu âu mà lại đúng.
Đặt chân vào phi cảng của phi trường Long Beach, tuy rất mệt sau một đêm gần như thức trắng, lòng tôi lâng lâng như bay bổng, thanh thoát với niềm vui sắp được gặp lại bạn bè, dù rằng chúng tôi gặp nhau gần như hàng năm, nhưng lần này tôi nghĩ buổi hội ngộ đặc biệt hơn vì có giấy mời chính thức phổ biến trên internet lẫn gửi qua bưu điện. Trang trọng quá.
Thế rồi ngày vui đã đến. Theo hướng dẫn của Trương An Ninh tôi xuôi nam về hướng San Diego theo xa lộ số 5 rồi ngược đường lên vùng đồi núi của miền Mission Viejo. Mải ngắm những căn nhà, phải gọi là dinh thự mới đúng, uốn lượn theo những phố trên cao, tôi đã không rẽ vào con đường Pacific Hills để tới nhà bạn Quế mà như vui mắt cứ chạy mãi cho khi không còn chạy tiếp được nữa vì một thung lũng sâu thăm thẳm đã chắn ngang trước mặt. Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tuyệt vời của Tạo Hoá, tôi cho xe nép sát vào chân núi để chiêm ngưỡng nét hùng vĩ của thiên nhiên. Hình như mọi mệt nhọc cùng muộn phiền đã tan biến nơi tôi với vách đá dựng đứng, với lũng sâu cùng trời cao mênh mông bao phủ. Nếu có sương mù giăng ngang ngay lúc này thì có thể nói tôi đã tìm được đường lên Thiên Thai. Có lẽ phong cảnh hữu tình với cảnh trí nên thơ đã khiến cái tâm con người mở rộng, tính tình thêm phần đắm thắm, dịu dàng hơn chăng.
Lạc đến mấy cuối cùng tôi cũng đã đến được điểm hẹn với tâm trạng lo lắng vì đã trễ hẹn đến gần nửa giờ đồng hồ, không khéo rồi bạn bè lại nghĩ là mình trịch thương. Bạn Nguyễn Đức Tín đã đón tôi ngay trước nhà bạn Quế và cho biết vợ chồng bạn gia chủ đi lấy thức ăn chưa về, rồi bạn hướng dẫn tới chiếc minivan của bạn đậu gần đó. Trên xe tôi thấy chị Tín với cô bé cháu ngoại kháu khỉnh cùng chị Trình ngồi ngoài cùng. Vào tuốt trong xe tôi gặo bạn Trình, Thi và Ảnh. Các bạn canh giờ giỏi hơn tôi và đã đến nơi đúng hẹn hơn tôi. Vừa lúc đó thì vợ chồng bạn Quế trở về với tay xách nách mang đủ thứ. Tất cả các bạn đều cảm động khi thấy vợ chồng chủ nhà rất tận tâm và chu đáo đối với bạn bè như vậy. Anh chị đã không quản ngại công sức khi đặt mua đầy đủ thức ăn tại các nhà chế biến khác nhau có tiếng trải dài từ vùng Quận Cam đến tận gần Laguna Beach rồi sáng hôm nay đi đến tận các nơi đó mang về để đãi bạn bè. Thật là của một đồng công một nén, trong khi đó thì thức ăn rất nhiều, đủ các món mùi thơm nức mũi, ngon phải biết, chắc là rất đắt, vậy mà anh chị Quế đã không cho anh em đóng góp gì cả, anh chị chịu hết.
Như thường lệ các phu nhân phụ giúp chủ nhà bầy biện thức ăn. Cám ơn các chị về sự chu đáo này. Các chị đã luôn mang đến niềm vui trong các buổi gặp mặt. Không bao giờ chúng tôi quên các chị đã từng hy sinh vô bờ bến, chịu đựng những gian khổ tưởng chừng khó vượt qua nổi để mãi mãi gắn bó, chung thủy với chúng tôi; vất vả, khổ cực không hề than van để thay thế chúng tôi lo cho cha mẹ già cùng đàn con còn nhỏ dại nên người và nhất là đã tiếp sức cho chúng tôi về cả vật chất lẫn tinh thần khi toàn thể Miền Nam bị đọa đầy trong những năm tháng cùng cực, nghiệt ngã, tuyệt vọng nhất kể từ sau Tháng Tư Năm 1975.
Trong khi chờ đợi, các ông mãnh xoay qua chụp hình, có ai chụp nấy, như sợ thiếu kỷ niệm với nhau. Tôi vì chậm chân nên không có chỗ ngồi và cũng vì bản tính quen nghịch ngơm nên phóng một phát leo lên ngự trên chỗ dựa lưng của ghế bành thành thử khi in hình ra tôi hiện ngay chính giữa tấm hình với cái cười tít mắt như vừa ý. Ngay lúc đó thì Bùi Đắc Danh chở Ninh, Xuân và Anh tới, tổng cộng bạn bè cùng lớp gặp nhau kỳ này là 10 người, kể cả chủ nhà, có thể là ít nhất so với các lần gặp trước. Lại tiếp tục màn chụp hình. Sau đó Danh kéo tôi ra ngoài xe để trao cho tôi những bài đã cắt từ các báo mà anh thấy nên đọc cùng tạp chí, đặc san, sách hồi ký… anh đã sưu tầm cho tôi. Lần nào cũng vậy, chưa bao giờ qua Cali mà tôi lại không có món quà tinh thần rất quý này từ Bùi Đắc Danh, một người bạn thật là tâm đầu ý hợp. Danh bùi ngùi tâm sự, bạn sợ tôi buồn vì bạn bè gặp nhau kỳ này quá ít không bõ công tôi bay từ xa đến, vài bạn mới thông báo vào ngày hôm qua là rất tiếc không đến được sau khi quả quyết sẽ tham dự. Tôi hiểu và rất cảm động trước sự ân cần của bạn Danh. Cuộc đời luôn có những bất ngờ khó mà tiên liệu nên chúng ta đành phải thích ứng dù rằng sự việc này, đôi khi, có thể đưa đến chuyện lỗi hẹn ngoài ý muốn. Tôi luôn vui với những gì mình hiện có.
Hình như Tạo Hoá luôn đền bù cho việc thiếu xót trên nhiều lãnh vực. Các lần gặp mặt trước bạn bè đông hơn thì câu chuyện vui nhộn hơn, rôm rã và rộn ràng hơn, còn kỳ này tuy ít nhưng lại đắm thắm hơn, có dịp tâm tình với nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Lần nào dù nhiều hay ít cũng mang lại cho tôi một kỷ niệm đẹp đáng nhớ về bạn bè.
Các bạn lần lượt hiện rõ trong tôi qua bữa ăn cũng như trong lần gặp mặt lại vào sáng Chủ Nhật ngày hôm sau để dùng diểm tâm và uống café với nhau.
Trương An Ninh thì như một ông giáo già khó tính, nghiêm nghị, luôn theo đúng nguyên tắc hay luật lệ tuy rằng chỉ cốt làm cho công việc chung của cả lớp được hoàn tất mỹ mãn mà thôi. Tuy có bề ngoài luôn khắc khổ nhưng, nếu so với những bạn cùng lớp, bạn Ninh lại có thể là người chịu đi du lịch, đã đi nhiều nhất và tới được nhiều nơi nhất.
Phạm Công Xuân mãi mãi kín tiếng y hệt một ông đồ già đang ở ẩn. Tuy vậy bạn rất tốt bụng thường sẵn sàng cho lời khuyên khi được hỏi về một vấn đề nào đó với giọng nói tự tin chắc nịch.
Bùi Đắc Danh luôn hy sinh thì giờ, công sức kể cả tiền bạc, dù anh không rủng rỉnh cho lắm và sức khỏe rất kém, cho những ai cần đến, cùng khoá hay khác khoá ngay cả đối với những người không xuất thân cùng trường Hành Chánh. Một điểm đặc biệt nhất là anh luôn làm nghĩa cử này trong âm thầm không khoa trương, hợm hĩnh hoặc cốt lấy tiếng hay vì lợi lộc cá nhân. Những hàng chữ này tôi viết về anh có thể không làm anh vui nhưng xin anh hiểu là tôi không thể nào không đề cập đến tính tốt hiếm có của anh khi nhắc đến những người bạn cùng lớp. Thì giờ eo hẹp nhưng anh luôn đảm nhận nhiều công việc thiện nguyện nhất là tại Thư Viện Việt Nam. Có được mấy người trong hơn một triệu người Việt định cư tại hải ngoại kiên trì, bền bỉ mỗi cuối tuần đều cầm cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cùng khẩu hiệu chống Cộng đứng liên tục hàng tiếng đồng hồ liên tiếp tại nhiều khu phố khác nhau trong vùng Thủ Đô Tỵ Nạn. Không một lời vinh danh mà trái lại anh chỉ nhận ánh mắt dửng dưng, lời đàm tiếu và ngay cả sự hăm doạ. Vậy mà anh vẫn không sờn lòng, can đảm tiếp tục công việc cao cả không vụ lợi đó trong nhiều thập niên qua và theo anh thì sẽ còn cầm cờ cho đến khi anh nằm xuống. Không một ngôn từ nào có thể tả hết nét đẹp oai hùng đó.
Phạm Trần Anh thì tuy định cư hơi trễ so với bạn bè cùng khoá nhưng danh tiếng nổi như cồn, hiện chủ trì nhiều hội đoàn tại vùng Quận Cam. Bạn đúng là khuôn mặt nổi bật của cả khoá. Giọng thật trầm, ấm áp, khuôn mặt đầy nam tính, cách nói mạch lạc, lôi cuốn và đôi khi dí dỏm khiến người đối diện dễ có cảm tình với bạn. Trong những lần gặp nhau anh luôn là người ăn nói lưu loát với kiến thức rộng rãi về mọi lãnh vực. Tôi đã học hỏi nhiều điều nơi anh. Đặc biệt tủu lượng của anh có thể nói vào hạng thượng thừa, khó có ai sánh nổi được, ít ra là trong lớp của chúng ta.
Nguyễn Văn Ảnh thì mãi mãi như một thư sinh tao nhã với lối ăn nói thật dịu dàng, chậm rãi, luôn lên bổng xuống trầm như đang ngâm thơ. Nhưng đừng thấy vậy mà nghĩ rằng bạn tôi trói gà không chặt đâu nhé. Đai đen Thái Cực Đạo đấy, đừng đùa giai. Đúng là đai đen bố sinh đai đen con thay vì hổ phụ sinh hổ tử như thiên hạ thường nói, con trai của bạn cũng là một huyền đai đệ tam đẳng môn võ đó. Giờ đây bạn có thể vững vàng ngao du cùng khắp thiên hạ để ngâm thơ mà không sợ bị ai ăn hiếp. Kiếp sau tôi sẽ theo bước chân bạn đấy.
Nguyễn Văn Thi, từng được nhớ đến với lối đi hàng hai đặc biệt từ xa xưa khiến bạn bè dễ nhận ra anh, đã lâu rồi tôi không gặp. Lúc gặp lại bạn trên minivan của Tín bạn đã nhanh nhẹn xuống xe đón mừng tôi với nụ cười tươi tắn mở rộng và tíu tít hỏi chuyện cũ. Tôi thật vui khi thấy bạn nhanh nhẹn hơn trước rất nhiều mặc dù tuổi đời đã chồng chất.
Lê Trình thì đúng là một nhà giáo về cả nghiã đen lẫn nghiã bóng. Anh là một giáo sư trung học tại Hoa Kỳ, tuy đã về hưu nhưng mẫu mực của một ông giáo luôn quyện chặt lấy anh từ lối ăn nói đến các bài viết, chưa bao giờ thấy anh cớt nhả với bạn bè ngay cả email gửi cho mọi người anh đều kết thúc với chữ sincerely. Lúc đầu tối cảm thấy anh hơi khách sáo nhưng rồi lần lần mới ngộ ra đây là cách cư xử của một nhà giáo chính gốc luôn đứng đắn, chừng mực. Về bề ngoài đôi lúc tôi hơi “ganh tỵ” với anh vì thấy anh đẹp trai quá. Anh vẫn còn phong độ của thuở nào, đặc biệt mái tóc bồng bềnh, đen nhánh, đầy đặn, luôn được chăm sóc kỹ lưỡng khiến tôi liên tưởng đến tài tử Robert Taylor điển trai lừng lẫy trong phim “La Valse Dans L’ombre” nổi tiếng từng làm mủi lòng khán giả một thời. Tôi thẫn thờ và ước gì cũng có mái tóc giống anh dù chỉ một phần, phần nhỏ mà thôi là tôi đủ mãn nguyện rồi.
Nguyễn Đức Tín nhỏ nhẹ, dễ mến từ thời còn đi học, hình như anh chưa làm ai phật lòng cả, luôn tình nguyện làm công việc chung cho lớp nhất là đón tiếp bạn ở xa đến cũng như đưa đón bạn bè về San Jose phó hội. Có lẽ anh là người năng động và chịu khó học hỏi nhất lớp ngay cả khi tuổi đã về chiều. Anh đã đánh bại nhiều ứng viên trong việc tuyển chọn để trở thành một chuyên viên computer cho trường đại học nổi tiếng UCLA ở Los Angeles. Tôi phục anh sát đất. Nếu ví computer như một người đàn bà đẹp, thật đẹp nhưng lại khó tính, khó nết luôn lèm bèm, cau có và là thủ phạm của những cơn nhức đầu kinh niên thì nếu giỏi lắm thì tôi cũng chỉ xớ rớ tìm cách đứng gần để được chạm phớt qua tà áo nàng đang mặc nhờ gió vô tình thổi tới chứ còn anh đã bao phen âu yếm tựa vai kề má người đẹp, đã từng dong chơi cùng trời cuối đất với nàng bất cứ khi nào anh muốn. Tôi lại ước mơ được như anh.
Người cuối cùng trong buổi họp mặt này là chủ nhà Huỳnh Văn Quế, người tôi có nhiều kỷ niệm khi cùng ở trong ký túc xá của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Anh thật mềm mỏng luôn cười làm đôi má lúm đồng tiền mãi mãi ngự trị nơi anh. Có lẽ ngày xưa, nhiều giai nhân đã ngấp nghé định làm sở hữu chủ đôi đồng tiền duyên dáng đó thì phải? Nói đùa bạn cho vui chứ chị Quế đừng nổi lửa “đốt nhà” bạn tôi đấy nhé. Tôi luôn nhớ anh là một bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Lúc tâm tình cùng nhau trong kỳ họp mặt này, một bạn tâm sự những khúc khuỷu, gập ghềnh trong cuộc sống, anh đã mau mắn an ủi người bạn này và thêm rằng biết đâu trong lúc cố gắng làm thêm việc để vượt khỏi điều khó khăn phiền muộn đã giúp người bạn đó có thêm sức mạnh thể xác để đẩy lui bệnh tật, cũng là một cách hầu sống vui, sống khỏe.
Tôi bỗng học được từ anh Quế một triết lý sống giản dị nhưng vô cùng hiệu nghiệm: đối diện với nghịch cảnh ta phải vui vẻ cùng mạnh dạn mà vượt qua. Điều này có lẽ ai cũng biết, nhưng có nhớ hay không, mà dù nhớ nhưng có áp dụng được hay không lại là một chuyện khác. Quế đã chứng tỏ anh là một người lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, sẵn sàng đối diện với khó khăn, với nghịch cảnh để chiến thắng. Cám ơn bạn về bài học hữu ích này.
Nhắc lại kỷ niệm mượt mà với bạn bè cùng những nét riêng đáng mến của từng người thì không bao giờ chúng ta có thể nói hết được cả nói cũng không hề biết chán. Tôi đã may mắn gặp lại, chuyện trò, tâm sự với những người bạn cùng lớp thật tuyệt vời này trong buổi họp mặt vừa qua. Các bạn đã cho tôi một buổi chiều đẹp sống lại với những ngày nghịch ngợm của thời cùng đi học với nhau, cho nhau những kỷ niệm, những kinh nghiệm cùng cách giải quyết những khó khăn điển hình trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đã có dịp cười thật nhiều với các bạn và cảm thấy các bạn đã đền bù cho chuyến bay dài, mệt mỏi của tôi bằng những liều thuốc bổ tốt nhất, hiệu nghiệm nhất khó tìm thấy trên cõi trần gian này. Hình như hai chữ cám ơn chưa đủ để tôi bầy tỏ cùng các bạn. Tôi lại ước mong những buổi gặp mặt sắp tới.
Hình ảnh tươi vui của các bạn cùng dư âm đáng nhớ của buổi gặp mặt dường như chấp cánh bay cao theo cùng chuyến bay về lại New York với tôi. Bỗng bài hát “La Vie En Rose” reo vang trên màn ảnh nhỏ trước mặt. Ngập tràn với niềm vui và thích thú trước âm thanh thánh thót tuyệt diệu của bài hát này tự nhiên tôi nhẹ nhàng hát theo vừa đủ cho riêng tôi nghe để cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp, thật đẹp nếu ta chịu khó tìm đến. Ước gì tôi có dịp hát bài này mãi mãi.
New York, Tháng 3 Năm 2010
Nguyễn Ngọc Cường
No comments:
Post a Comment