VÕ HOÀNG ÂN
NGHE HƠI QUEN VỚI NHIỆM SỞ RẠCH GIÁ-KIÊN GIANG ???
***Mt68:
Chúng tôi vừa nhận được mấy chữ như vầy: ".... các anh nhớ không sai đâu. Võ Hoàng Ân nầy có xuống làm việc ở bên Tòa HC Thị Xã Rạch Giá , chứ không phải bên Tòa HC Tỉnh Kiên Giang. Tôi nhớ cái anh nầy ốm, hơi nhỏ con 1 chút, ở trọ nhà Ông Dân Biểu Bùi Nhực Nghĩa thì phải ??? Hình như anh Võ Hoàng Ân làm chức gì đó trong Ty Hành Chánh ? Không nhớ rõ, có phải Trưởng Ty Hành Chánh hay không ? Phải chi có anh Đỗ Quang Tỏa, hiện ở Wash.DC xác nhận thì chắc ăn 100% !!! Vài hàng thăm Anh xxx và gia đình. Chúc anh xxx còn dồi dào sức khỏe để đánh đấm cho vui những năm tháng xa quê hết mong ngày về !!!... THC/ RG." ./- mt68
CHIA XẺ TÂM TÌNH
Gặp Bạn Võ Hoàng Ân
Trong thời-gian gần đây tôi nhận được một e-mail của bạn Chế Minh Châu. Bạn cho biết là bạn Võ Hoàng Ân vừa đến định cư tại vùng Quận Cam, miền Nam California, Hoa Kỳ và tình cờ bạn Chế Minh Châu vừa gặp được bạn Võ Hoàng Ân tại một tiệc cưới nọ. Võ Hoàng Ân là một bạn học cùng khóa với tôi tại Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh gần 40 năm về trước. Dù học chung trường, chung lớp nhưng bạn ấy đối với tôi hầu như là một người xa lạ. Tôi đã không có dịp chuyện-trò trực-tiếp với bạn trong quá-khứ thuở còn đi học. Sau khi tốt nghiệp xong, mỗi người lại đi một nơi khác nhau. Tôi về Tổng Nha Thuế Vụ làm việc tại Nha Huấn Luyện. Còn bạn Ân từ đó được bổ nhiệm đi đâu thì tôi hoàn toàn không rõ. Nghe đến tên bạn qua e-mail của bạn Chế Minh Châu tôi chỉ có một khái niệm lờ mờ về một người bạn học cũ và tôi chỉ còn nhớ mang máng khuôn mặt và vóc dáng của bạn ấy mà thôi. Tình-cờ, không hẹn trước, tôi đã gặp lại “cố nhân”, có lẽ là bởi do nhân duyên mà ra, theo kiểu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” như câu của người Việt thường nói.
Tôi sống ở trên vùng Los Angeles, ít có cơ hội xuống Quận Cam. Thỉnh thoảng tôi ghé nơi ấy khi đi lo việc riêng hay gặp gỡ bạn bè mà thôi. Vào chiều ngày mùng 6 tháng 5 năm 2010, sau khi nhận được thư thông báo từ bạn bè, tôi xuống Peek Family để viếng nhạc mẫu của bạn Đèo Chính Mung tại phòng số 3. Tại đây, tôi đã gặp được một số các bạn đồng khóa, trong đó có Võ Hoàng Ân cũng đến nơi ấy với cùng một mục đích. Ngày hôm đó, chúng tôi cùng nhau viếng Cụ nhạc mẫu của bạn Đèo Chính Mung, và cùng nhau vái linh-cữu của Cụ. Bạn Lê Phước Ba, một người ăn mặc lịch sự nhất trong nhóm bạn của ngày hôm ấy được bạn bè “đề cử” đại diện anh em nói vài lời chia buồn với tang gia. Trong bộ veston, cà vạt chỉnh tề, và với thiện-chí có sẵn, bạn Lê Phước Ba không khách sáo gì hết, ứng khẩu bày tỏ cảm tưởng trước đại diện tang quyến và ngỏ lời thành thật chia buồn với họ về sự mất mát to lớn trong gia đình. Xong công việc của ngày hôm ấy, bạn bè có mặt rủ nhau đi ăn tối chung một bữa. Có vài bạn vì bận rộn chuyện gia đình nên cần về ngay. Cuối cùng chỉ còn có bạn Võ Hoàng Ân, vợ chồng Lê Phước Ba-Triệu thị Ngà, Ngô Xuân Vũ, Trần Bạch Thu và tôi trực chỉ đến nhà hàng Capital Seafood tại thành phố Garden Grove. Đây cũng chính là tiệm ăn mà vào tháng 6 năm ngoái tôi đã có dịp gặp lại “cố nhân” Cao Đức Nhuận trong lần hai vợ chồng bạn đến Hoa Kỳ thăm cậu con trai đang du-học bên Mỹ. Coi bộ, tôi có duyên với các bạn phương xa đến và có duyên với chỗ ăn uống này đây. Như thường-lệ, bạn Lê Phước Ba lại đại diện anh em để đặt thức ăn. Các thành viên còn lại tại cái bàn tròn ngày hôm ấy không cần phải bàn-soạn gì trước và đều tỏ ra nhất trí, hoan-hỉ với phần hành lo liệu các món ăn của cặp bài trùng Ba Ngà. Và cũng như thường-lệ, bạn Ba Lê lôi ở trong một túi giấy ra hai chai rượu vang dùng làm nhạc đệm cho các món ăn nòng cốt buổi chiều tối hôm ấy. So sánh với bạn Ba Lê, tôi thấy thoạt nhìn thì bạn ấy sướng hơn tôi nhiều về cái khoản ăn uống; vợ chồng bạn Ba Ngà rất sành điệu về nấu nướng và ăn uống.
Nhưng xét kỹ lại, hai bạn ấy lại “khổ” hơn tôi nhiều. Giản dị là vì quá rành ăn uống cho nên bạn ấy phải kén chọn món ăn, trong lúc tôi không biết tí gì về nấu ăn nhưng vì ham ăn và chỉ có biết có ăn mà thôi cho nên tôi được ăn ngon trong lúc tâm tư không hề thắc mắc, khỏe ru. Cái số của tôi nghiệm lại nó rất lạ. Tôi quen biết với khá nhiều người thích ăn ngon nơi sở làm và ngoài xã-hội. Nhờ giao du với họ tôi đã có cơ hội thưởng thức được thi vị ẩm thực trong đời. Nói đâu xa, trong số các bạn ngồi cạnh tôi đây, vợ chồng các bạn Ba Ngà, Ngô Xuân Vũ và Trần Bạch Thu đều là chuyên-viên ẩm thực đáng tin cậy. Dù rằng nấu nướng là sở đoản của tôi nhưng thiết nghĩ các bạn bè cũng cần đến tôi lắm. Ấy chẳng qua là vì, dù không biết nấu nhưng tôi lại biết ăn; ít ra tôi cũng được một nửa, và phàm người nấu ăn ngon lại cần đến bạn bè biết thưởng thức món ăn ngon và có vài nhận xét xây dựng mà điều này thì tôi có thừa thiện chí. Ngay cả các nhà hàng nổi tiếng khi làm ăn thương mại cũng mong có các nhà phê-bình ăn-uống, food critic, ghé qua thưởng lãm và cho vài lời khích lệ, cho nên cái vai trò phê bình nghệ thuật nấu nướng của tôi xem ra cũng có đất dụng võ và vì thế bạn bè không thể nào bỏ lơ tôi được. Mà cái khoản này các bà nội trợ xem là một loại “vitamin” cần thiết. Ngày nào cũng nấu ăn ngon cho ông chồng của mình, các ông ăn riết thấy thường đâm ra nhàm chán và xem thường tài năng của các hiền thê, thỉnh thoảng kéo tôi đến nhà, tôi chia sẻ cho các bà vài lời vàng ngọc, một loại phần thưởng tinh-thần quí giá, về cái giá trị tài năng nội trợ của quí bà, thì thử hỏi làm sao quí bà không cảm động cho được. Cũng chính nhờ tôi biết trân trọng sự tiếp đón ân cần của vợ chồng bạn bè mà tôi có duyên ăn uống dài dài vậy. Được biết bạn Võ Hoàng Ân ăn chay trường cho nên vợ chồng bạn Ba Ngà bảo nhà hàng làm cho cả hai loại, vừa chay vừa mặn để tất cả cùng ăn chung. Có thực mới vực được đạo, quả không sai. Phải có cái gì cho vững bụng trước cái đã kế đó phe ta mới có thể sinh hoạt khởi sắc với nhau được. Chúng tôi vừa ăn vừa uống, vừa chuyện trò vui-vẻ, tương đắc lắm. Bạn Võ Hoàng Ân có vóc dáng tầm thước, sắc diện tươi-nhuận, tính tình xuề-xòa, vui-vẻ, dễ chịu. Khuôn mặt bạn có nét của “dị nhân” và hơi khắc khổ của một đạo sĩ. Được biết bạn có cuộc sống của một cư sĩ. Bạn đã tu-tập và thực-hành giáo lý đạo Phật từ cả 20 năm nay. Bạn có vẻ ít nói, nhưng khi được bạn bè hỏi han, bạn sẵn-sàng trả-lời chi tiết làm hài lòng người nghe. Thỉnh thoảng, bạn vui-vẻ cung-cấp cho bạn-bè các kiến-thức liên-quan đến các đạo sĩ, hay thiền sư Ấn độ hoặc Việt Nam và các căn-bản lý-thuyết nhà Phật. Bạn có một sự hiểu biết rất rộng rãi về các phương-diện này. Trong suốt buổi chiều tối hôm ấy, bạn Võ Hoàng Ân giữ một cung cách dung dị, bình thản. Dù mới đến định cư tại Hoa Kỳ vào lúc tuổi đã cao và với hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo của bạn ấy, nhưng tôi thấy bạn Võ Hoàng Ân không hề bộc lộ một thái độ tiêu-cực, bi-quan nào cả. Bạn đối diện với hoàn cảnh và cuộc đời ở một mức độ lạc-quan nhiều hơn tôi tưởng. Nhân dịp này, tất cả bạn bè có mặt đã bày tỏ hành động tương thân tương trợ đối với một bạn học cũ bằng cách cho biết họ sẵn sàng làm được việc gì cần thiết cho giai-đoạn mới định cư tại Hoa Kỳ của vợ chồng bạn Võ Hoàng Ân.
Có bạn cho biết nếu bạn Ân cần đến giường, tủ lạnh hay tivi, bạn ấy sẵn sàng cung-cấp. Có bạn cho biết nếu bạn Ân có cần đến phương-tiện chuyên-chở lúc dọn nhà, bạn sẵn sàng đem chiếc xe truck của bạn đến nhà phụ giúp. Vợ chồng bạn Võ Hoàng Ân đến được Mỹ do sự bảo lãnh của một người em trai của bạn. Hai vợ chồng bạn hiện đang sống chung tạm thời với gia-đình người em này. Họ đang chia sẻ với nhau một căn phòng nhỏ bé, chật chội so sánh với số người trong gia đình. Chính vì thế mà vào các ngày sắp đến, vợ chồng bạn Võ Hoàng Ân sẽ cần dọn ra ở riêng. Vợ chồng bạn hiện còn có gia đình một người con gái và chị em đang sinh sống tại Việt Nam. Vì thời-giờ có hạn cho nên sau khi ăn uống và nói chuyện với nhau xong, chúng tôi chia tay, ai về nhà nấy. Tuy nhiên, trước khi ra về, bạn Trần Bạch Thu có nhã ý mời tất cả bạn bè có mặt hôm ấy đến nhà vợ chồng bạn vào ngày Thứ Năm 20 tháng 5 để sinh-hoạt tiếp. Mọi người đều hoan hỉ nhận lời. Ăn uống đi trước, lội nước đi sau. Ngày Thứ Năm đã định tôi là người đầu-tiên có mặt tại tư gia của vợ chồng bạn Trần Bạch Thu trong thành phố Long Beach. Khoảng 15 phút sau, tôi thấy có vợ chồng Ba Ngà, Ngô Xuân Vũ, Trần Đình Mười và vợ chồng Võ Hoàng Ân. Đi chung với phái đoàn còn có một chị, hình như là họ hàng của chị Ngà. Tất cả sáu người đi chung chiếc xe Avalon của bạn Ba Lê và do chính bạn cầm lái. Lúc đến thì mọi người bụng còn lép, chiếc xe của bạn Ba Ngà đỡ vất vả, nhưng cứ nghĩ đến lúc ăn uống no nê xong xuôi mà con ngựa sắt của bạn Ba Ngà phải chở đến sáu người và được điều khiển bởi một chuyên-viên kế toán đang ngà ngà, nửa tỉnh nửa say như thế thì không biết kết quả sẽ ra làm sao. Ở đời cũng có cái lạ, có người càng say lại càng lái xe lả lướt hơn. Rượu chỉ thấm sâu và ảnh hưởng đến thần trí của tài xế sau khi họ đã về đến nhà an toàn và sau khi leo lên giường ngủ. Tôi đoán bạn Ba Lê ở vào trường hợp này, vì tôi đã từng trải qua kinh-nghiệm như thế hồi còn ở Việt Nam. Trước khi đi vào chương-trình sinh-hoạt chính thức, chủ và khách ngồi ngoài patio với gió mát hiu hiu vừa chuyện trò vui-vẻ, vừa điểm sơ món khai vị nem nướng đặc sắc do hiền nội của bạn Trần Bạch Thu làm. Dĩ nhiên để cho không khí được ấm cúng và rộn ràng, gia chủ không quên khui ra một chai rượu vang. Chủ nhà mà quên cái khoản này thì đã có bạn Ba Lê nhắc nhở. Ăn ngon mà thiếu rượu nồng chẳng khác chi mặc bộ veston mà không mặc quần vậy. Nói thế để thấy rượu nó quan-trọng và có tính cách chính danh biết chừng nào! Rượu vào lai rai thực khách cảm thấy tự nhiên thoải mái bộc lộ tâm tình. Tôi nhớ vào một Giáng sinh năm nào, trong một buổi tiệc tại nhà bà mẹ vợ của tôi, một ông anh cột chèo của tôi ngồi bên cạnh, trước khi vào tiệc, nhìn các lon bia trên bàn, anh quay sang nói với tôi và các người khác đều nghe được, là anh có cái tật là khi có bia và rượu vào anh hay có thói quen nói ra những điều thầm kín “chết người” mà bình thường anh không nói. Thế là sau khi anh làm vài hơi bia xong anh bắt đầu “thành khẩn khai báo”.
Được trớn, anh còn vận động và thuyết phục tôi làm đồng minh với anh trước mặt bà mẹ vợ, khiến tôi sợ đến muốn chết giấc luôn. Hôm nay, gặp lại bạn Võ Hoàng Ân và các bạn, dù rượu có vào, lời có ra nhưng chỉ đem lại ngạc nhiên thú vị cho người nghe như tôi chứ không đáng ngại như buổi tiệc giáng sinh bên nhà vợ năm nào. Nhờ buổi tâm tình này, tôi biết được vài điều về các bạn của tôi mà năm xưa tôi chưa hề được biết. Hóa ra Ngô Xuân Vũ là Á khoa của khóa 17 B và Võ Hoàng Ân là người đậu trong vòng 5 người đầu. Còn các bạn như Ba Lê và Trần Bạch Thu chỉ muốn đầu tư vào chuyện học hành vừa phải để cuối cùng cũng tốt nghiệp ra trường như bao nhiêu các bạn đồng khóa là họ hài lòng lắm rồi. Có vài điều bất ngờ tôi nghe được ngày hôm ấy là bạn Võ Hoàng Ân không quan-tâm rốt ráo đến chuyện học hành, kể từ thời trung học cho đến đại học. Bạn thích chơi và thích nhậu nhiều hơn. Bạn tâm sự là hồi còn ở dưới tỉnh bạn chẳng chịu học hành nghiêm chỉnh cho nên khi đến kỳ thi Tú Tài bạn đã chọn thi Ban C. Mà Ban C thì môn sinh-ngữ được kể là quan-trọng, ấy thế mà bạn lại tơ lơ mơ. Vào phòng thi, mở đề thi bài Anh ngữ ra, bạn nhìn thấy đề tài “Freedom” bạn không hiểu cái nghĩa của nó là gì, bạn bèn hỏi nhanh một thí sinh ngồi cạnh. Anh này bèn nói với Võ Hoàng Ân rằng: “Bạn thi Ban C mà lại hỏi tôi câu này là bạn muốn dỡn chơi với tôi hay sao?” Quả thực bạn Ân không biết thật, mà người nghe chuyện có cùng ý nghĩ khó hiểu. Ấy thế mà bạn Ân cũng làm xong bài. Kết quả, cả một vùng ba tỉnh miền Nam trong số mấy trăm sĩ tử Tú Tài năm ấy có tổng cộng 9 thí sinh thi đậu, và Võ Hoàng Ân là một trong chín người học sinh ấy. Phải có Tú Tài thì thanh niên mới có thể trở thành sinh viên đại học và cái mác sinh viên vào thời ấy cũng có giá lắm. Còn những chuyện khác mà bạn Ân chia sẻ làm cho chúng tôi có cảm giác như được nghe chuyện “phong thần”. Vào Hành Chánh rồi, bạn vẫn giữ vững lập trường bất di bất dịch thuở xưa, chẳng chịu học hành chăm chỉ. Bạn kể có lúc bạn tưởng rằng bạn đã bị Giáo sư Nguyễn thị Huệ đuổi ra khỏi trường rồi. Có nhiều bạn có kinh-nghiệm về Cô Huệ. Tốt nghiệp Tiến sĩ Xã Hội Học tại Colorado Hoa Kỳ, cô dạy học tại HVQGHC trong đó có môn Vận Động Nhân Dân. Phương cách Sư phạm của Cô có lẽ bị ảnh hưởng bởi chính con người Cô và nền giáo dục hiện đại Hoa Kỳ cho nên coi bộ khác hẳn các giáo sư đồng nghiệp khác. Trong liên hệ thầy trò giữa Cô và sinh viên, mọi người đều nhận ra cái đặc tính vừa chuyên-nghiệp vừa cá nhân. Học trò nào tinh ý một chút đều có nhận xét là muốn được thành công ra trường, trong thời gian học với Cô Huệ tốt nhất là đừng làm cái gì khiến Cô chú ý. Nếu Cô chú ý đến cái ưu điểm của mình thì tốt. Nhưng xui xẻo cho anh học trò nào để lộ cái xấu, dở của mình ra mà Cô nhìn thấy. Cô mà ghi cái đó vào đầu rồi thì sinh viên ấy chỉ có....thác mà thôi; ngày tốt-nghiệp sẽ không bao giờ tới nữa. Người sinh viên đó chỉ còn nước đổi nghề mà thôi.
Võ Hoàng Ân là một trong những tay học trò mà Cô Huệ đang ghim đó. Ấy là vì thỉnh thoảng Cô hay tổ chức các chuyến đi với phương tiện do chính phủ hay Hải quân Việt Nam cung-cấp, nhờ đó sinh viên được mở rộng tầm nhìn, nhất là về hành chánh địa phương và các vùng đất nước thân yêu. Bạn Võ Hoàng Ân không chịu tham gia từ đầu đến cuối. Có lần, mới tham dự được khóa huấn luyện cán bộ Vũng Tàu đến ngày thứ ba đã có ba bạn vượt hàng rào chuồn ra ngoài. trong ba thanh niên ấy, Võ Hoàng Ân là một. Dù sao thì bạn cũng là thành phần biết người biết ta cho nên bạn biết rõ cái triển vọng đường đi không tới của bạn với sự tiếp tay của Cô Huệ khi nhận ra cái tác phong thiếu hợp tác nhiệt thành của một sinh viên ham chơi nhiều hơn ham học như bạn. Thế nhưng nhờ khôn ngoan và thời cơ thuận lợi, bạn đã đảo ngược tình thế, từ ghét thành yêu, nhờ làm một bài thơ ca tụng Cô giáo của mình. Để hôm nào bạn phổ biến lại bài thơ ấy cho tất cả các bạn bè khác cùng thưởng lãm. Bạn thường chẳng chịu sửa sọan gì cả cho việc thi cử; tối hôm trước thay vì học bài, bạn lại đi nhậu. Những lần thi cử như thế bạn đều đạt được điểm cao là nhờ hoặc dựa vào trí nhớ nghe giảng trong lớp trước đó, hoặc là tối về bạn dở sách đọc qua cấp tốc một lần chót, hoặc là bạn dở sách đọc trúng đề tài trước khi khởi sự môn thi. Tới giờ này, tôi thật vẫn không tài nào hiểu nổi với cái kiểu học hành lơ mơ như thế mà bạn Võ Hoàng Ân lại tốt nghiệp hạng 5. Phải nói chính xác rằng: Only God knows, chỉ có Trời biết. Tiếp theo sau phần khai vị, chúng tôi tất cả kéo nhau vào phòng ăn. Như tôi đã nói, hiền nội của bạn Trần Bạch Thu có tài nấu ăn thần tình, không có chỗ chê. Hôm ấy, chị trình làng món bún mắm, ăn với canh hải sản, cá tôm.... và các loại rau tươi. Ngoài ra có thêm món cây nhà lá vườn bánh cuốn nhân thịt do bạn Trần Đình Mười đem tới. Chị không quên làm vài món chay cho vợ chồng bạn Võ Hoàng Ân. Vừa ăn vừa uống, chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện. Bạn Võ Hoàng Ân chia sẻ với các bạn về các kiến thức tu học của bạn. Bạn nói rất chi-tiết và một người sơ cơ như tôi dù là có nghe đấy nhưng chẳng khác nào như vịt nghe sấm vậy. Ngoài ra, bạn Ân lại còn hoan-hỉ trả lời các câu hỏi và thắc mắc do bạn bè nêu ra. Thiết nghĩ, trong tương lai phải cần gặp bạn ấy nhiều lần may ra tôi mới được bạn đả thông phần nào.
Tôi lại được biết thêm là bạn Võ Hoàng Ân có tài làm thơ nữa. Nghe nói hồi xưa bạn có thể sáng tác thơ tại chỗ sau khi rượu vào, rượu càng vô, thì thơ phú càng nhả ra cấp kỳ và mãnh liệt. Chính vì thế, tôi có nhận xét là bạn Võ Hoàng Ân có dị tướng quả là không sai. Bạn kể lại là vào thời gian sau 1975, bạn có ghé vào cửa tiệm của một ông thầy tử vi, tướng số, chỉ tay, có bảng hiệu ngụy trang bên ngoài là tiệm bán tạp hóa. Gặp Thầy, bạn hỏi ông ấy có còn hành-nghề cũ hay không, Thầy trả lời có. Thế là Thầy xem qua chỉ tay của bạn. Sau khi nhìn qua các đường chi tay của bạn một cách chăm chú, Thầy mới lôi cuốn sổ có hình chỉ tay của 20 nhân vật đặc biệt trên thế giới cho bạn xem. Thầy nói: “Anh bạn so sánh tấm hình trong sách và đường chỉ tay của bạn và cho tôi biết nhận xét của anh bạn ra sao?” Bạn trả lời: “Cả hai giống y hệt nhau.” Thầy hỏi: “Thế anh bạn có biết đó là chỉ tay của ai hay không?” Bạn bảo: “Tôi hoàn toàn không biết.” Thầy tiết lộ: “Đó là bàn tay của Mahatma Gandhi.” Thầy kết luận là sau này bạn Võ Hoàng Ân sẽ đi về con đường tâm linh. Nghe thế, bạn không tin một chút nào hết. Và Thầy còn tiết lộ rằng bạn sẽ bị chết sớm nữa. Rồi sau đó một thời-gian, bỗng dưng bạn phát ra một chứng bệnh hiểm nghèo. Đỉnh đầu của bạn nổi lên một cục u lớn đau nhức. Trong túi không có tiền, làm sao có thể đi bác sĩ giải phẫu chữa trị? Đây không phải là một khối u bình thường. Nó khiến cho tóc của bạn rơi rụng, triệu chứng giống như một loại ung thư máu vậy. Nhớ lời ông Thầy tướng, bạn nghĩ rằng những gì Thầy nói năm xưa đang dần dần trở thành sự thật và như vậy cái ngày kết cục cuộc đời của bạn không còn xa cho lắm. Tình cờ bạn gặp lại một ông Thầy quen khác, ông ấy biết là bạn uống được rượu cho nên ông rủ bạn vô nhà để cả hai cùng uống với nhau. Lúc khác thì bạn đã đáp ứng ngay, nhưng gặp lúc này đang bệnh hoạn đau đớn như thế làm sao mà còn uống rượu được nữa? May quá, ông Thầy nói với bạn: “Thôi vào đây, tôi chỉ thuốc cho.” Ông ấy bảo bạn về kiếm lá Cối Xay đun lên uống vào. Bạn làm theo, kỳ lạ thay, bệnh từ từ thuyên giảm và dứt hẳn từ đó đến nay.
Ngoài ra, bạn Ân còn kể là đời bạn có những cái may mắn lạ thường. Vào những lúc tưởng là tuyệt vọng lại có người giúp đỡ, quới nhân phù trợ; không phải một lần mà đã nhiều lần như thế. Bạn nói có lần hết tiền không biết gạo củi sẽ được xoay sở ra sao bỗng nhiên có người ôm một túi bạc đến nhà kiếm bạn và nhờ bạn mở và điều hành một hãng đường cho họ.
Qua những giây phút tâm tình với bạn Ân, hầu hết các bạn có mặt nhìn về tương-lai đều lộ vẻ lo âu dùm cho bạn mình. Đến được Mỹ vào lúc tuổi đã cao, sức khoẻ không còn khả quan như lúc trẻ, lại thêm hầu hết những người trong nhà già trẻ lớn bé đều mang một chứng bệnh di-truyền hiểm nghèo, và gia đình bạn còn đang trong tình trạng chia ly cách trở, tài chánh hoàn toàn eo hẹp, và hai vợ chồng bạn còn đang phải ăn nhờ ở đậu nơi nhà người em trai, mà người em này cũng đang có vấn đề sức khỏe nghiêm trong nữa. Biết ra như thế hỏi sao bạn bè không lo lắng cho được! Bạn bè muốn giúp bạn bằng cách giới thiệu việc làm cho vợ chồng bạn. Công ăn việc làm là quan-trọng nhất. Có làm việc thì mới có lợi tức và tư đó mới có thể ổn định cuộc sống và và giải quyết các hệ lụy khác. Tuy nhiên, vì bạn mới đến Mỹ cuối tháng Ba và còn đang sắp xếp cuộc sống mới cho nên vấn đề việc làm sẽ được bạn từ từ tính sau. So sánh bạn Ân và các bạn bè khác ngày hôm ấy, phải nói rằng bạn có một thái độ bình tĩnh, chủ động chứ không bồn chồn lo âu trước tình thế mới như các bạn bè. Tôi cho đó là một ưu-điểm của bạn Ân. Hoàn cảnh bên ngoài đã không làm bạn giao động.
Ngược lại, bạn vẫn an nhiên tự tại, vui vẻ, tự nhiên với bạn bè khiến cho mọi người vơi đi sự lo lắng thường tình. Ngẫm nghĩ lại, trong thời gian ngụ tại quê nhà trước đây, bạn đã từng sống nhiều năm trong một cái chòi nhỏ, giữa đồng không mông quạnh, thiếu hẳn tiện nghi tối thiểu, bao quanh bởi đủ loại rắn rít và côn trùng lớn nhỏ về vật lý, và bạn đã tu học, trang bị vững chãi về tinh thần và tâm linh trong bao nhiêu năm nay thì kết quả là bạn có được một niềm tin vững chãi không lay chuyển như thế cũng là điều dễ hiểu thôi. Người ta sợ nhất cái gì ở trên đời? Đó là cái chết. Bạn Võ Hoàng Ân tin tưởng rằng sống chết là do số mạng cả. Bạn đã từng nguyện rằng nếu được Trời cho gặp lại được người em trai của bạn tại Hoa Kỳ sau một thời gian dài xa cách là bạn đã thỏa lòng mong ước rồi, sau đó dù có chết đi bạn sẵn sàng chấp nhận không oán than, trách móc gì hết! Cũng nhân dịp gặp gỡ kiểu bỏ túi này tôi được nghe bạn Trần Bạch Thu tâm sự về giai đoạn bạn được Trung tá Hậu đề bạt bạn giữ chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Kontum. Bạn là đồng môn duy nhất của khóa tôi đạt được chức vụ này vào tuổi 25. Nếu không được nghe bạn kể chuyện, tôi cứ ngỡ rằng đường đời đều bằng phẳng cả và tôi đã không ngờ được bạn đã trải ít nhiều gian truân. Bộ Nội Vụ mà trong đó có nhiều viên chức hành chánh cao cấp kể cả ông Tổng Trưởng đã không hỗ trợ cho việc thăng tiến của bạn. Ngược lại, họ lại là một trở ngại rất lớn.
Nếu không có sự yểm trợ của Trung tá Tỉnh trưởng, của ông bố vợ tương lai, trưởng Ty Ngân Khố, Dân Biểu địa phương, các nhà lãnh đạo tinh-thần và tôn giáo đặt tin tưởng vào thành phần trẻ với đầy nhiệt tâm, lý tưởng và trong sạch, chắc chắn bạn Trần Bạch Thu đã trở thành “history” rồi. Nghe bạn kể về cuộc đời của bạn tôi mới nhận ra tôi thiếu sót cái chí phấn đấu liên tục của bạn. Vào năm 2005, tôi cảm thấy thấm mệt vì công vụ tại Hoa Kỳ. Vợ chồng tôi không có con cái.
Ngoài việc làm cho chính phủ, tôi còn có cái “job part-time” từ hãng tư, hai, ba ngày một tuần từ hơn hai chục năm nay. Năm ấy tôi vừa 55 tuổi, giữ vững lập trường công vụ VNCH, tôi quyết định về hưu. Bà vợ tôi xưa nay vừa đi làm vừa đi học rất ư là vất vả, thấy thế mới bảo tôi rằng: “Làm công chức Hoa Kỳ nhàn hạ chết đi được, tuổi lại còn trẻ thế mà chưa chi đã bỏ của chạy lấy người!”. Bà ấy nói gì, khích bác tôi cỡ nào tôi cũng phe lờ. Tôi có lối suy nghĩ của tôi, quan niệm sống và triết lý sống của riêng tôi, tự tôi biết rõ. Tôi sống cho tôi, và vì tôi. Nhưng bù lại, để cho cuộc sống được thăng bằng, tôi vẫn nghĩ đến người khác và mỗi khi có cơ hội tôi sẽ làm một chút gì để chia sẻ hạnh phúc với tha nhân. Tôi quan niệm tôi làm cái gì cho ai, cuối cùng chẳng qua là làm cho cá nhân tôi mà thôi. Hơn 5 năm nay, sau ngày hưu trí tôi tiếp tục cái công việc gần nhà, tận hưởng thú nhàn hạ, thấy hạnh phúc quá chừng chừng! Nếu ngày xưa tôi ở vào hoàn cảnh của bạn Trần Bạch Thu, chắn chắn tôi sẽ tháo chạy nhanh hơn nữa. Sách tàu đã dạy: Tẩu vi thượng sách. chuồn êm là hay hơn cả. Ai phê bình tôi yếu đuối, thiếu bản lãnh, tôi xin nhận, vì đúng với tôi quá rồi! Tôi không có tham vọng cao xa. Ngồi ăn chung với các bạn của tôi vào buổi chiều tối Thứ Năm hôm ấy, tôi cảm nghe hạnh-phúc dạt dào. Nhờ duyên lành, tôi gặp lại được bạn Võ Hoàng Ân. Nhờ duyên lành mà tôi được nghe những chia sẻ tâm tình của những người bạn tốt với cả một tấm lòng nhân ái bao la. Với tôi, niết bàn là đây, thiên đường là đây, ngay ở giây phút tương ngộ này.
Quả đúng như lời Phật dạy: “Đừng sống cho dĩ vãng, đừng mơ tưởng đến tương lai. Hãy tập trung tâm trí vào giây phút hiện tại.”
(Do not dwell in the past, do not dream of the future. Concentrate the mind on the present moment - Buddha)
“Nhìn nhận rằng thế giới tự nó chẳng có thật tánh, một người có trí tuệ không hành động như thể thế giới có thật, vì thế người đó sẽ thoát được khổ đau.”
(A wise man, recognining that the world is but an illusion, does not act as if it is real, so he escapes the suffering - Buddha)
“Sức khỏe là món quà đáng giá nhất, sự hài lòng là một tài sản lớn nhất, sự chung thủy là quan-hệ tốt nhất.”
(Health is the greatest gift, contentment the greatest wealth, faithfulness the best relationship - Buddha).
“Hạnh phúc có được là từ việc làm và lời nói của ta làm lợi lạc cho bản thân và tha nhân.”
(Happiness comes when your work and words are of benefits to yourself and others).
“Bạn nghĩ rằng tiền là nguồn gốc của tất cả cái ác. Thế có bao giờ bạn hỏi lại rằng nguồn gốc của tiền là gì hay chưa?”
(So you think that money is the root of all evil. Have you ever asked what is the root of money? - Ayn Rand) Con dao có thể dùng để thái thịt và giết người, tùy theo mục đích sử dụng mà ý nghĩa sẽ tốt hay xấu. Tiền là phương-tiện giao hoán, tiền tự nó chẳng có tội gì, người dùng đồng tiền vào mục đích sai quấy mới chính là thủ phạm. Cuối cùng thì cái tình bạn trong sáng theo năm tháng vẫn là tài sản quí giá nhất trên đời./-
Nguyễn văn Huy
No comments:
Post a Comment