Cuộc Viếng thăm Vancouver
trên đường đi Alaska
Nguyễn Thị Hở
Sau 3 chuyến du lịch trên tàu biển hầu hết là ở châu Âu, một phần Trung Đông và một chút Bắc Phi chúng tôi muốn trở về thăm vùng cây nhà lá vườn của quê hương thứ hai này. Do đó, tháng 6 năm 2000, chúng tôi thực hiện cuộc viếng thăm vùng băng tuyết Alaska.
Cuộc đi năm nay hơi khác hơn ba lần trước là lần này chương trình được gọi là Cruise Tour. Theo tên gọi, một phần của chương trình là dùng du thuyền đi thăm các thắng cảnh và một phần là đi trên đất liền, bằng xe bus, bằng xe lửa và có thể cả bằng máy bay (tùy thời gian, lộ trình và tùy túi tiền nữa). Cũng vì lý do chương trình đi chung Cruise Tour nên chúng tôi chọn mua vé qua một hãng chuyên tổ chức đi chung, hãng Ship & Shore (cái tên cũng đủ chứng tỏ về ngành chuyên môn của công ty du lịch này). Công ty du lịch này không có du thuyền mà chỉ ký hợp đồng bán vé cho một số hãng tàu, còn phần du lịch trên bộ thì hoàn toàn do công ty đảm nhiệm. Phần trên biển, chúng tôi chọn du thuyền Dawn Princess của hãng tàu Princess, hãng tàu nổi tiếng với chiếc tàu Pacific Princess đã dùng làm phim ‘‘Love Boat’’ trong nhiều năm trên chương trình TV, được phát hình (và phát hình lại) hàng tuần vào những thập niên 1970-80. Chỉ khác là chiếc tàu Pacific Princess quá nhỏ và cổ lỗ, thuộc loại ‘‘antique’’ so với Dawn Princess (với sức chứa hơn 2000 du khách, và thủy thủ đoàn cộng với nhân viên phục vụ trên tàu 870 người).Chuyến đi này, chúng tôi có thêm hai bạn đồng thuyền và đồng hành, đó là chị Cao Thị Lễ và chị Vũ Mạnh Hùng. Theo chương trình, máy bay đưa chúng tôi tới Vancouver vào khoảng buổi trưa và chiều thì lên tàu.
Tàu cặp những bến Ketchikan, Juneau, Skagway rồi đi vào vùng Glacier Bay, College Fjord trước khi cặp bến Seward (tất cả đều thuộc Alaska) để bắt đầu chương trình đi sâu vào trung tâm Alaska. Sau khi lên bộ tại Seward, chúng tôi dùng xe bus của Ship & Shore đi Anchorage, đổi bus khác đi Glennallen, nghỉ một đêm, hôm sau đi Fairbank. Ở Fairbank hai ngày rồi lấy xe lửa Alaska Railroad (nổi tiếng với toa tàu lộ thiên, từ cửa sổ cho tới nóc tàu toàn bằng kính) đi Denali National Park, hôm sau trở lại với xe bus của Ship & Shore để về ở Anchorage 2 ngày rồi lên máy bay về nhà.
Trong 4 chuyến du lịch bằng tàu biển, các thắng cảnh và sinh hoạt của dân địa phương trên bộ, mỗi nước có những đặc điểm, với những sắc thái riêng của từng vùng. Phần trên du thuyền thì tất cả đều được tổ chức đại khái giống nhau, đủ các mục tiêu khiển để làm vừa lòng một số lượng hàng ngàn du khách với những sở thích khác nhau.Trong bài này do đó, chúng tôi chỉ xin kể về Alaska, vì đặc biệt trong chuyến này, chúng tôi đã nối được vòng tay với các anh chị em CSV/QGHC ở Vancouver, nơi mà các anh chị em bên đó tự xưng với biệt danh là làng chài HC Vancouver.ĐẾN VANCOUVER, THĂM LÀNG CHÀI QGHC.Khi được biết chương trình do Ship & Shore sắp xếp cho chúng tôi bay tới và lên tàu cùng ngày, chúng tôi quyết định phải tới Vancouver sớm hơn. Lý do là chúng tôi ai cũng muốn nhân cơ hội đã tới thì phải đi thăm thành phố. Hơn nữa, qua những liên lạc e-mail gần đây, chúng tôi thoảng nhớ là nhóm anh chị em CSV/QGHC Vancouver có lên tiếng mời các đồng môn ghé chơi. Tôi liền bàn với chị Lễ và chị Lễ liền bắt liên lạc thăm dò. Khi được hồi âm là càc anh chị em Vancouver nhận lời làm hướng dẫn, chúng tôi liền yêu cầu Ship & Shore đổi chương trình cho chúng tôi tới Vancouver sớm hai ngày trước. Họ đã sắp xếp cho chúng tôi ở tại Rosedale on Robson Suite Hotel, ngay trung tâm thành phố Vancouver, Canada.
Rút kinh nghiệm lần đi chơi chung trước (sém bị lỡ tàu), chúng tôi chia tất cả các giấy tờ, máy bay, khách sạn, giấy lên tàu, của ai nấy giữ thay vì một người giữ hết. Trưa thứ bẩy 3-6-2000, chúng tôi gặp nhau tại phi trường Dulles và khởi hành đi Vancouver qua ngả Houston bằng Continental Airlines. Ship & Shore đã sửa soạn khá chu đáo, cho chúng tôi biết là thời tiết Alaska vào tháng 6, có thể nóng lên tới 70-80 độ, lạnh xuống đến 40-50 độ F và ... nắng mưa là ‘‘chuyện của trời’’. Do đó, mặc dầu đã được nhắc nhở :"remember to take only half the clothes thou think you needs, and twice the money", mỗi người chúng tôi cũng khệ nệ một valise khá nặng nề. May mà cái nào cũng có bánh xe nên cũng đỡ vất vả.
Vì đổi máy bay vào những ngày chót, nên khi lên máy bay, chúng tôi mới biết là chỗ ngồi ở tận băng chót cuối tàu. Tuy nhiên, sau khi máy bay khởi hành thì chúng tôi cũng tìm được chỗ trống đổi cho thoải mái hơn. Khi tới Houston trời đang mưa, nhìn qua cửa kính, một màu xanh rì mát mắt, chỉ khi máy bay đáp xuống Houston, chúng tôi mới biết là bên ngoài thời tiết đang trên 90 và độ ẩm thì rất cao. Chờ đổi máy bay ở Houston gần 4 giờ, chúng tôi muốn thử đồ ăn Mễ, nhưng giờ chót thì lại là món gà chiên quen thuộc.
Tới Vancouver thì trời đã khuya, cả một vùng trời sáng rực như một biển hoa đăng. Vào tới nhà ga phi trường, hình ảnh đầu tiên là cách trang trí tượng trưng của người da đỏ khá khác lạ. Nhân viên sở di trú xét thông hành rất vui vẻ, khi hỏi và biết chúng tôi ở lại chơi Vancouver hai ngày trước khi lên tàu nên có vẻ lại còn sốt sắng hơn, chỉ dẫn những thắng cảnh và cho biết Stanley Park là nơi nên thăm.
Ra khỏi nhà ga phi trường, chúng tôi loay hoay mất gần nửa giờ. Lý do là Ship & Shore cung cấp giấy đi taxi của hãng Black Top Cab, ngày cuối tuần và gần nửa đêm Black Top Cab tập trung tại trung tâm thành phố nên không có xe nào tại phi trường. Sau phải hỏi và được biết chỉ có cảnh sát phi trường mới có quyền gọi hãng taxi, và cảnh sát tại phi trường (Vancouver, hay tại Canada) không gọi là Airport Police Officer mà gọi là Airport Commissioner. Nhờ ông này gọi gần nửa giờ sau mới có hai chiếc Black Top Cab đến cách nhau khoảng 5 phút. Một điều đáng ghi là đa số tài xế taxi tại đây là người thiểu số (và có lẽ cũng tại nhiều thành phố khác đa diện, nhiều sắc dân), đặc biệt là người Ấn vùng Punjab với cái turban cuốn trên đằu. Xe hai chị Lễ và Hùng vọt đi trước. Khi chúng tôi có xe và đi sau, lòng tôi bồn chồn lo lắng. Phải đến khi xe về đến khách sạn, nhìn thấy hai chị đang làm thủ tục check in mới được yên tâm.
Sáng chủ nhật 4-6-2000 thức dậy, qua khung cửa kiếng từ tầng lầu 9, nhìn xuống thành phố Vancouver dưới ánh ban mai trong lành, yên tịnh, tâm hồn thật nhẹ nhàng thanh thản. Xa xa, những dãy núi chập chùng, đỉnh còn phủ tuyết trắng khiến tôi mường tượng tới cảnh núi Fuji trong những trang lịch của Nhật được xem hồi còn nhỏ. Mở TV thì cũng lại CNN như bên Mỹ, các đài địa phương thì quảng bá khá nhiều các dịch vụ văn hóa, y tế, xã hội, phục vụ dân chúng.
Khi chúng tôi đã sẵn sàng xuống tới phòng khách của khách sạn, thì cũng là lúc anh Nguyễn Thanh Hùng, (CSV ĐS-17 và là môn đệ của chị Lễ trước kia) đến với chiếc minivan. Anh Hùng mang cho một cuốn Đặc san Xuân Canh Thìn của CSV/QGHC Seattle và Vancouver, với hình bià trình bày trang nhã, bài vở hay khá nhiều, bao gồm nhiều khiá cạnh hữu ích.
Anh Hùng đưa đi xem Hội chợ cây kiểng ‘‘Vancouver Garden Show’’, mỗi năm chỉ tổ chức một lần ở một khuôn viên tư nhân, rộng khoảng trên 40 mẫu. Trong khuôn viên có rất nhiều gian hàng triển lãm cây kiểng, bán đồ tiểu công nghệ, sách báo, dụng cụ liên quan đến việc làm vườn, xây hồ cá v.v... Có khu trưng bày kết quả thi đua chưng hoa, trồng cảnh (hoa ở đây to hơn hoa ở Mỹ, sau này khi lên đến Fairbank, thấy hoa còn lớn hơn ở Vancouver, chúng tôi mới được biết là vì ở những vĩ tuyến cao vào mùa hè thời gian ngày rất dài nên bông hoa phát triển không ngưng nghỉ), khu bán đồ ăn, sân khấu trình diễn văn nghệ, trong khi ban nhạc với ca sĩ đang trình diễn thì ở phía sau, một số người Ấn đang sửa soạn cho màn kế tiếp. Một bất ngờ đặc biệt là xen vào giữa những gian hàng hoa là một quán tranh phong cảnh Việt Nam và Canada. Đây là gian hàng của anh Nguyễn thế Vĩnh, một CSV/QGHC ĐS-14, một tài hoa của làng chài Vancouver. Anh Vĩnh cho biết đã tự học vẽ, nhưng xem tranh của anh thì không thua gì các hoạ sĩ chuyên nghiệp. Tôi thích nhất là những tấm tranh đầy sắc thái Việt Nam. Cháu trai của anh đứng cao gần bằng bố, phụ anh quán xuyến gian hàng. Tôi mừng thấy anh Vĩnh dám giới thiệu tranh Việt Nam tới người bản xứ, có vậy người đi hội chợ mới có dịp biết thêm về Việt Nam và tài nghệ của người Việt.
Rời địa điểm hội chợ, anh Hùng đưa đi xem phố Tàu, khu chợ người Á Đông, có xen vào các cửa hàng của người Việt Nam, đồ ăn đủ thứ, nhưng rau trái có vẻ đắt đỏ, rồi chúng tôi ăn trưa tại đó. Xuống khu phố cổ Vancouver (old town), nơi có chiếc đồng hồ đứng chạy bằng hơi nước. Theo anh Hùng, thành phố Vancouver cũng có những khu găng tơ, không được an ninh. Buổi chiều, chúng tôi được anh Hùng đưa vào Stanley Park, vì là chủ nhật nên khó mà có được chỗ đău xe. Phải thâm phục các nhà quản trị thành phố là ngay cạnh trung tâm thương mại của thành phố, nơi mà một tấc đất là một tấc vàng mà còn bảo tồn được một khu công viên rộng lớn bằng cả trung tâm của thành phố Vancouver (nhìn trong bản đồ mới thấy Stanley Park lớn bằng toàn diện downtown của Vancouver). Dân chúng có chỗ đi chơi, xả hơi cuối tuần, có cả bãi biển, thật yên tịnh, thích thú. Nhìn quanh, trời núi bao la, cây cỏ xanh tươi, thật đẹp. Xa xa trên ghềnh núi, nối với khu thượng lưu North Vancouver ở bên kia eo biển là cây cầu treo Lion Gate Bridge, phong cảnh thật hữu tình. Khi về đến nhà anh Hùng thì chị Hùng đã sẵn sàng món giải khát đón chờ chúng tôi. Món hột vịt lộn của anh Hùng mới mua ở chợ Việt Nam được luộc nóng hổi để lót bụng. Chị Hùng và hai cháu, một trai một gái trông thật hiền hòa. Từ phòng khách nhà anh chị Hùng nhìn ra xa xa cũng lại cảnh núi non tuyết phủ, cảnh đẹp như tranh. Trong khi chờ đợi các quan viên của làng chài tới, chúng tôi được gia chủ cho đi xem một vòng quanh nhà. Trong vườn có đủ loại hoa, hoa hồng to bằng cái chén, mùi hương thơm ngát khiến tôi nhớ tới những cánh hồng Đà Lạt, Vancouver có vẻ giống Đà Lạt thơ mộng thật. Nhà có hồ bơi, đã được anh chị đổi thành hồ cá bơi, làm chỗ nuôi cá. Ở sân thượng thì anh chị đang làm chỗ thực nghiệm trồng nấm.
Rồi quan viên của làng chài Vancouver cũng lần lượt đến: anh Mai Như Mạnh (ĐS-4), anh Nguyễn Thế Vĩnh (ĐS-14), anh Vũ Minh Ngọc (ĐS-16). Phần anh Nguyễn Đình Phúc (ĐS-11) vì bận việc ở xa, không về kịp, nhưng đã có chị Phúc đại diện. Có lẽ vì chức Trưởng Ấp đã làm anh Phúc không yên tâm khi khách tới mà làng vắng anh nên trong ngày anh đã gọi điện thoại viễn liên cả chục lần về nhắc nhở anh em ở nhà, và còn tiếp chuyện riêng với mỗi người chúng tôi. Anh quả thật quá chu đáo. Bữa tiệc thật hấp dẫn với nồi bún riêu của chị Phúc, bún chả nướng thơm phức của anh chị Hùng, lại được khai vị với rượu lễ của anh Ngọc mang từ California về, cuối cùng là trái cây ngọt lịm của anh Mạnh. Chuyện trò đủ cả, từ việc làm ăn tới vấn đề Tổng Hội, vấn đề hội nhập v.v....
Qua câu chuyện, chị Vũ Mạnh Hùng và anh Mai Như Mạnh nhận ra là đã quen thuộc trong chính trường từ những ngày xa xưa. Anh Nguyễn Thanh Hùng gọi chị Lễ là cô, xưng em nghe thân thiết làm sao. Phần chúng tôi không được quen biết ai trước cả nhưng chỉ một ngày này, chúng tôi có cảm tưởng cũng đã hội nhập vào làng chài dễ mến này. Tình đồng môn đã đưa chúng tôi tới gần nhau.
Hôm sau, thứ hai 5-6-2000 cũng là ngày cuối của chúng tôi tại Vancouver. Anh Vũ Minh Ngọc đảm trách vai trò hướng dẫn cho chúng tôi tiếp tục cuộc thăm viếng. Trước hết, anh cho đi xem một công viên rộng lớn, trang trí thật thanh lịch, thật xứng đáng với cái tên "Queen Elizabeth Park". Tản bộ trong công viên, nhìn trời núi bao la, ngắm cây cảnh màu sắc tươi thắm, nghe chim ca ríu rít, nước róc rách chẩy, một con sóc đen huyền băng qua băng lại, nghĩ thật an lạc, thú vị làm sao. Anh Ngọc tâm sự, anh vẫn thường tới đây để tìm sự lắng dịu cho tâm hồn. Tôi thì nghĩ, chỗ này để tập thiền hành thì hẳn là an lạc lắm. Và cũng tại đây anh Ngọc đã tâm tình với chúng tôi, anh không thể ngờ có ngày hôm nay để anh dẫn chúng tôi đi thăm công viên này được. Khoảng 2 năm trước đây, anh nằm liệt giường vì thận hư. Anh có được ngày hôm nay là nhờ có một người chị (hay em mà tôi không nhớ rõ) từ Việt Nam qua giúp cho anh một trái thận. Nghe đến đây, tôi chợt nhớ cách đây vài năm, nhà tôi cũng có một người bạn ở California cùng bệnh như anh, và cũng nhờ bà vợ cho anh một trái thận, do đó anh đã như người được tái sanh. Thật là tinh thần gia đình Việt Nam đáng ca ngợi biết bao. Mong sao tình gia đình QGHC của chúng ta cũng được tái sanh như tinh thần gia đình Việt Nam vậy.
Các chị VMHùng, Hở, Lễ và anh Ngọc, Queen Elizabeth ParkRời công viên Queen Elizabeth, chúng tôi đi thăm khu người Tàu Hồng Kông chuyển vốn sang lập nghiệp và để "chân trong chân ngoài", chờ tình hình Hong Kong lắng dịu trước và sau ngày Hong Kong đổi chủ. Trước tiên, chúng tôi được thăm một ngôi chùa khá lớn, đầy những phật tích uy nghiêm, gần giống nhưng nhỏ hơn ngôi chùa Hsi Lai ở Hasienda, California. . Gần tới cổng chùa đã nghe tiếng kinh tụng niệm vang vang khắp nơi. Khách vãng lai có khá nhiều dân bản xứ (hay tứ xứ) tấp nập tới lui. Người Tàu họ biết hợp tác với nhau để làm những công trình lớn, có giá trị, thật đáng phục. Nghĩ lại cộng đồng của mình mà buồn. Vào trung tâm thương mãi Aberdeen Shopping Center, ngay cổng vào là một cái đồng hồ mà các con số ghi giờ là những cột nước màu phun cao, thay đổi từng phút khá độc đáo. Bao quanh khu thương mãi có các khách sạn, quán ăn cũng của người Tàu, nhưng lác đác cũng thấy có những tên Nhật, tên Đại Hàn, và rồi cũng có cả tên Việt nữa. Đó là "quán Phở Hòa" , một quán phở thuộc Hệ Thống Phở Hòa. Theo anh Ngọc, người Tàu ở Vancouver đông hơn người Nhật, người Đại Hàn. Trời đang nắng chợt một cơn mưa rào đổ xuống khi chúng tôi tiến vào tiệm Phở Hòa. Anh Ngọc hiện là quản lý Phở Hòa tại Vancouver và anh cũng là một trong những sáng lập viên ra hệ thống Phở Hòa trên thế giới (ngoài các tiệm tại một số tiểu bang Mỹ còn có một số tiệm tại Nam Dương, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Đài Loan). Vào tiệm chúng tôi thấy khách ngồi chật tiệm, đa số là người Tàu, Đại Hàn và người bản xứ hay Gia Nã Đại, hay Hoa Kỳ, hay du khách từ Âu châu tới, ai cần biết họ là ai (who care), chỉ cần biết là họ vào để ăn Phở Hòa. Chị Hùng bật khen nhưng anh Ngọc khiêm nhường "Thuyền to, sóng lớn chị ơi...." Nghe anh kể, chúng tôi khâm phục chí khí và kinh nghiệm làm ăn của anh.
Anh đã tỏ ra là người không đầu hàng định mệnh. Anh vẫn hăng say hoạt động và lo cho gia đình, hướng dẫn con cái trên đường sự nghiệp. Anh Ngọc quả thật là có chí.Trở về khách sạn, chúng tôi chia tay với anh Ngọc trong niềm cảm phục tràn đầy. Ba giờ chiều, lên tàu, năm giờ, tàu nhổ neo đi Ketchikan, nhìn lại bến tàu Vancouver xa dần, lòng tôi lưu luyến, mến tiếc hai ngày vui qua với anh chị em làng chài Vancouver . Các anh chị qủa tình là quá hiếu khách, đã tiếp chúng tôi như những người thân, tràn đầy tình đồng hương, đồng môn, nghĩa thầy trò.
Tàu rời bến Vancouver
Thiết nghĩ đây cũng là một trường hợp điển hình để Tổng Hội nghiên cứu trong tương lai. Đã đến lúc nên thành lập ban du lịch hầu tạo cơ hội cho các anh chị em CSV muốn nối vòng tay lớn. Gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, có dịp chuyện trò tâm tình chắc chắn là phải khác hơn là chỉ biết qua e-mail hay bản tin. Thấy 7 anh chị em CSV ở Vancouver sinh hoạt thân tình như trong một gia đình, ngẫm lại tình hình Tổng Hội còn lung tung mà buồn?
Tổng Hội có cần không? Chi Hội hay Tổng Hội, cái nào quan trọng hơn?
Anh chị em QGHC Vancouver chẳng có gì cả, chỉ có 7 tấm lòng đầy nhiệt huyết để sưởi ấm lòng nhau nơi xứ người trong những ngày sương mù lạnh lẽo mà thôi./-Hết.
No comments:
Post a Comment