Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com
Friday, September 24, 2010
DU LỊCH TRUNG QUỐC CỦA VŨ BÁ HOAN (QGHC)
Tặng các anh chị cùng
đi chuyến du lịch với tôi.
Vũ bá Hoan
Giang san còn nặng gánh tình,
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi.
Tản Đà
Chiếc máy bay Boeing khổng lồ 747 chở hơn 500 hành khách, thuộc các quốc tịch khác nhau, từ phi trường Dulles, Virginia, sau hơn 13 giờ vượt trên 10 ngàn dặm, đáp xuống phi trưòng quốc tế Bắc Kinh tại thủ đô Trung Quốc vào chiều ngày 21-9-2007 lúc 3:30 P.M., giờ địa phương. Đoàn du lịch chúng tôi gồm 35 người, do Royal Asian Tours tổ chức từ ngày 20-9 đến mồng 2 tháng 10 năm 2007.
I. Những nơi thăm viếng
Trạm thăm viếng đầu tiên của chúng tôi là Bắc Kinh. Chúng tôi ở đây 3 ngày để thăm những di tích lịch sử nằm kế cận thủ đô Trung Quốc.
1- Bắc Kinh
Diện tích Thủ đô Bắc Kinh khoảng chừng 16,800 km2, với dân số 17,430,00 (thống kê 2007). Cách đây hơn 500 năm là kinh đô của triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Từ năm 1949 trở thành thủ đô của cộng sản Trung Quốc.
Thành phố Bắc Kinh có rất nhiều nhà chọc trời (skyscrapers), phố xá khá sạch sẽ, rộng thênh thang, xe hơi lớn nhỏ, chạy nối đuôi nhau, đa số là xe ngọai quốc (Nhật, Đức và Mỹ). Hiện nay 30% dân số Trung Quốc đã có xe hơi. Nhiều cửa hàng lớn và sang trọng nằm dọc theo hai bên những phố lớn. Đa số các siêu thị có hình thức giống như siêu thị Mỹ, nằm rải rác trong Thủ Đô, khu nơi đông dân cư. Khi chúng tôi đến Bắc Kinh, thấy có nhiều nhà chọc trời đang được xây cất. Đặc biệt chúng tôi nhìn thấy hai nhà chọc trời xây gần xong, theo một kiến trúc tân kỳ: hai nhà chọc trời đổ nghiêng đầu vào nhau (hình chữ V ngược). Có lẽ người Trung Quốc muốn khoe với thế giới về lối kiến trúc đặc biệt của họ vào dịp thế vận hội thế giới được tổ chức vào tháng 8-2008 sắp tới.
Điều đáng tiếc là không khí thủ đô Bắc Kinh bị ô nhiễm tới mức độ trầm trọng bởi các nhà máy chạy bằng than ngay tại thủ đô và những khu lân cận.
2. Thiên An Môn (Tiananmen Square)
Nằm ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh là Quảng Trường Thiên An Môn (Tiananmen Square), một quảng trường rộng lớn nhất thế giới, với sức chứa hơn 1 triệu người, có diện tích 440,000 m2.
Hôm nay chúng tôi có dịp chứng kiến tận mắt quảng trường Thiên An Môn, nơi xẩy ra vụ đàn áp đẫm máu bằng xe tăng và quân đội đối với hàng trăm ngàn sinh viên biểu tình đòi tự do dân chủ vào năm 1989.
Trời sáng nay trong mát, nhiệt độ khoảng 80oF, vì vậy rất đông người đến thăm viếng Thiên An Môn. Đó đây, từng nhóm khách du lịch, Á Châu, Âu Châu, và cả người Hoa từ những tỉnh xa đến, tụ họp trên sân quảng trường (được lát bằng những phiến đá lớn), đang đứng lắng nghe các tour guides nói về lịch sử quảng trường hoặc chụp hình các di tích lich sử của thời quân chủ xa xưa.
Khi cộng sản Trung quốc chiếm được Bắc Kinh vào tháng Giêng năm 1949, Mao đã thay đổi bộ mặt Bắc Kinh khá nhiều, ông ra lệnh đập phá nhiều dinh thự cổ xưa chung quanh quảng trường, để mở rộng đường phố. Từ năm 1950 đến 1952, bức tường vây quanh quảng trường Thiên An Môn cũng được phá hủy để xe cộ lưu thông dễ dàng, Mao chỉ giữ lại Quianmen (Front Gate) ở phía nam và Tiananment Gate ở phía bắc quảng trường. Ngày nay, xung quanh quảng trường được vây bằng hàng rào chấn song sắt có mầu vàng lợt, cao khoảng 1 mét.
Quanh khu vực quảng trường Thiên An Môn có lẫn lộn nhiều đài kỷ niệm của thời cận đại và di tích lịch sử của thời quân chủ xa xưa: Thiên An Môn, Bảo Tàng Lịch Sử Cách Mạng Trung Quốc, Tòa Nhà Quốc Hội Nhân Dân, Lăng Mao Trạch Đông và Đài Kỷ Niệm Anh Hùng Nhân Dân Trung Quốc.
Từ quảng trường, du khách muốn qua Thiên An Môn, phải đi qua một đường hầm nằm dưới đại lộ Chang An (Chang’an Jie), ngăn cách giữa quảng trường và Thiên An Môn.
Thiên An Môn là một tòa tháp lớn 2 tầng, có 2 tầng mái nhà hơi cong, được lợp bằng ngói tráng men bóng mầu vàng lợt, cổng được sơn mầu đỏ với riềm mầu vàng là hai mầu tượng trưng cho vua chúa thời quân chủ. Cổng được xây vào năm 1417 và được trùng tu vào thế kỷ thứ 17 dưới triều đại nhà Minh (1368-1644).
Quảng Trường Thiên An Môn
Vào hai triều đại nhà Minh và Thanh, Thiên An Môn là cổng chính để vào cung điện Tử Cấm Thành. Ngày xưa, tại cổng này trên tầng tháp, các vị hòang đế cho công bố những ngày lễ lớn, các sắc chỉ hoặc ai sẽ lên ngôi hoàng đế, ai sẽ là hoàng hậu v..v.. cho thần dân đứng tụ tập đông đảo trong quảng trường. Ngày nay Thiên An Môn trở thành biểu tượng của cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Cổng có 5 cửa lớn hình vòng cung, trước cổng là 7 chiếc cầu bằng đá hoa cương mầu trắng, với thành cầu trạm trổ rất đẹp, được bắc ngang qua một hồ nước nhỏ, mỗi cầu đều được giới hạn trong việc sử dụng. Chỉ có hòang đế mới được sử dụng cửa và cầu giữa mà thôi.
Vào ngày mồng 1 tháng 10 năm 1949, cũng chính tại cổng này, Mao Trach Đông đã tuyên bố thành lập nước cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trước một cử tọa 500 ngàn người đứng trong sân quảng trường.
Mặt tiền Thiên An Môn có treo bức hình bán thân Mao Trach Đông rất lớn, với hai khẩu hiệu bằng chữ Hán ở hai bên: “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vạn Tuế” và “Nhân Dân Thế Giới Đại Đoàn Kết Vạn Tuế’. Phong cảnh hai bên phía trước Thiên An Môn rất đẹp: có những suối phun nước và vườn bông đầy hoa mầu đỏ, vàng, hồng, xen lẫn trong các cành lá xanh tươi, nở rực rỡ trong ánh nắng vàng ấm áp cuả buổi sáng mùa thu, trông rất ngọan mục.
Vào mỗi buổi sáng lúc rạng đông, nếu bạn dậy sớm, sẽ nhìn thấy một toán lính đi diễn hành đến cột cờ trước cổng để làm lễ thượng kỳ với một nghi thức rất trang nghiêm. Buổi chiều, khi hoàng hôn bắt đầu phủ xuống quảng trường, cũng toán lính trên làm công việc ngược lại: họ làm lễ hạ kỳ, với nghi thức trang nghiêm tương tự như thượng kỳ. Lần này có rất nhiều du khách tụ tập đứng xem nên bạn khó có thể nhìn thấy toán lính như bạn đã nhìn thấy họ vào buổi sáng sớm.
Ngày nay, vào những buổi chiều đẹp trời, người dân ở thủ đô Bắc Kinh thường ra quảng trường đi bộ hóng mát. Các trẻ em chạy tung tăng thả những chiếc diều đầy mầu sắc hoặc những trái bong bóng xanh đỏ, vào những chiều lộng gío.
3. Tử Cấm Thành (Forbidden City)
Tử Cấm Thành cũng nằm ngay tại trung tâm thành phố Bắc Kinh, đối diện với quảng trường Thiên An Môn về hướng bắc.
Vào đầu thập niên 1400, vị hoàng đế Nhà Minh thứ ba là Yonglo di chuyển thủ đô nước Trung Hoa từ Nam Kinh về Bắc Kinh. Ông bắt đầu cho xây cung điện Tử Cấm Thành vào năm 1406 và hoàn tất vào năm 1420.
Theo sử gia Trung Quốc thì khoảng 1 triệu nhân công và 100,000 mỹ nghệ gia đã tham gia vào công trình xây cất này. Sở dĩ cung điện có tên là Tử Cấm Thành, vì “phó thường dân” không được phép ra vào “cung cấm” trong vòng 500 năm vào các triều đại nhà Minh (1420-1644) và nhà Thanh (1645-1911) mà không có phép của vua.
Tử Cấm Thành tọa lạc trong một khu đất rộng 720,000 m2, chung quanh có tường cao 10 feet bao bọc. Ngoài ra, về phía bắc có một hồ sâu 6 mét, rộng 52 mét để bảo vệ thành (làm chướng ngại vật khi thành bị tấn công). Bốn phía đông, tây, nam, bắc đều có cổng lớn ra vào, mỗi cổng có 5 cửa hình cung, và 4 góc thành có tháp canh. Những tháp này là kiến trúc nổi bật được nhìn thấy rất rõ từ phía bên ngòai thành, và cũng là nơi để lính gác có thể nhìn thấy khói báo động tỏa ra từ tháp canh trên vạn lý trường thành, khi có địch tấn công từ nước lân cận.
Tử Cấm Thành là cung điện rộng lớn nhất thế giới, gồm 980 căn nhà, vối tổng số 9,999 phòng . Để du khách có một ý niệm về sự rộng lớn của Tử Cấm Thành, người ta đưa ra một giả dụ: nếu lấy 4 cột trong mỗi căn nhà ở Tử Cấm Thành làm thành một gian nhà, một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay, đặt nó ngủ mỗi đêm ở một gian, thì nó phải mất 30 năm mới ngủ hết các gian nhà trong Tử Cấm Thành.
Nằm rải rác trong sân, chung quanh các căn nhà, có 308 chiếc vạc lớn bằng đồng, những vạc này, ngày xưa, chứa nước dùng dể chữa hỏa hoạn. Về mùa đông, người ta có thể nấu sôi nước trong những vạc này, bằng cách đốt củi ở phía chân vạc.
Tử Cấm Thành được chia ra làm 2 khu: khu triều đình phía ngòai và khu triều đình phía trong.
a) Khu Triều đình phía ngòai gồm những dinh thự nằm ở phía nam, là nơi để cử hành
các lễ nghi. Nói chung, Tử Cấm Thành có 3 trục dọc chính, những dinh thự quan trọng nhất đều tọa lạc tại trục trung tâm nam-bắc.
Từ Cổng Chính (Meridian Gate) ở phía nam đi vào, du khách găp một sân rộng lớn
khi đi qua khỏi một trong 5 chiếc cầu bằng đá hoa cương trắng bắc qua hồ nước nhỏ nằm uốn khúc phía dưới, kế đến là cổng Hòa Hơp Tối Cao (Gate of Supreme Harmony). Đi vô trong một chút nữa, du khách nhìn thấy bậc thềm vuông đá hoa cương trắng 3 tầng. Trên bậc thềm 3 tầng này, tọa lạc 3 dinh thự lớn, được coi là trung tâm điểm của Tử Cấm Thành: dinh thự đầu tiên là “Nhà Hòa Hợp Tối Cao”, rộng lớn nhất, cao hơn các dinh thự kế cận 30 mét. Dinh thự này là trung tâm lễ nghi của hoàng đế, và là một kiến trúc bằng gỗ lớn nhất còn tồn tại ở Trung quốc cho tới ngày nay, bề ngang gồm 9 gian, bề sâu 5 gian. Trên trần nhà của gian chính giữa, được trạm trổ một con rồng lớn uốn khúc, miệng ngậm đầu sợi giây máng chằng chịt những trái cầu bằng kim loại, trông giống như chiếc đèn treo trên trần nhà rủ xuống. Các hoàng đế thuộc triều đại nhà Minh thường ngự triều tại đây để thảo luận việc nước với các quan đại thần. Trong khi các hoàng đế triều đại nhà Thanh lại sử dụng phòng này để cử hành các lễ nghi như đăng quang, phong chức hoặc cưới hỏi v…v…
Toà nhà thứ hai là “Nhà Trung Tâm Hòa Hợp”, nơi đây để hoàng đế sửa sọan, nghỉ ngơi trước và trong các buổi lễ. Tòa nhà thứ 3 là dinh thự “Duy Trì Sự Hòa Hợp”, các nghi lễ thường được tập dượt tại đây, và cũng là nơi tổ chức các kỳ thi tuyển ở vào giai đọan cuối cùng do nhà vua khảo hạch. Tất cả 3 dinh thự này đều có ngai vàng cho vua ngự. Nằm về phía tây nam của triều đình phía ngòai là dinh “Quân Sự Cao Cấp”, tại đây hoàng đế ngự triều tiếp các quan võ. Tọa lạc về phía đông nam là “Literary Glory”, nhà in của hoàng gia. Phía đông bắc có các dinh thự dành cho Thái tử cư ngụ.
b) Triều đình phía trong được ngăn cách với khu triều đình phía ngòai bằng một sân
lớn có hình bầu dục, nằm thẳng góc với trục chính của thành phố Bắc Kinh. Khu này gồm những dinh thự nằm về phía bắc, là nơi cư ngụ của Hoàng Đế và hoàng gia, và đồng thời cũng là nơi vị hoàng đế điều hành công việc quốc gia hằng ngày. Mười bốn (14) vị hoàng đế nhà Minh và mười (10) hoàng đế nhà Thanh đã cư ngụ trong khu triều đình này, và chỉ dùng triều đình khu ngòai cho các lễ nghi.
Trung tâm khu triều đình phía trong cũng có 3 tòa nhà: Palace of Heavenly Purity,
Hall of Union và Palace of Earthly Tranquility. Cả 3 tòa nhà này đều nhỏ hơn 3 tòa nhà ở khu triều đình phía ngòai, và là cung đình chính của hoàng đế và hoàng hậu. Hoàng đế tượng trưng cho dương và trời, cư ngụ tại “Dinh Thiên Dương” (Palace of heavenly Purity); hoàng hậu tượng trưng cho âm và đất cư ngụ tại “Dinh Địa Âm” (Palace of Earthly Tranquility). Giữa hai dinh nói trên là dinh “Kết Hợp” (Hall of Union), nơi đây dương và âm giao hòa với nhau để tạo ra quân bình âm dương!
Palace of Heavenly Purity là một dinh thự có 2 tầng mái nhà, tọa lạc trên một thềm đá hoa cương mầu trắng, và được nối với cổng “Gate of Heavenly Purity” ở về phía nam bằng một lối đi nhô lên khỏi mặt đất. Vào triều đại nhà Minh, dinh này là nơi cư ngụ của hoàng đế. Nhưng bắt đầu từ hoàng đế Hồng Chương (Yong Zhen) thuộc triều đại nhà Thanh, vì sự kính trọng và tưởng nhớ đến Hoàng đế Khang Vi (Kangxi), nên ông đã không cư ngụ tại dinh này, mà đã cư ngụ tại một dinh nhỏ hơn, có tên là “Hall of Mental Cultiviation” ở về phía tây. Dinh Palace of Heavenly Purity sau đó đã trở thành dinh tiếp kiến của hoàng đế. Trên nóc mái nhà dinh này có một con rồng lớn uốn khúc, và ngay phía trên ngai vàng có treo bảng với hàng chữ “Công lý và Danh Dự” (Justice and Honor).
Nằm sau 3 dinh nói trên là vườn ngự uyển, vườn tuy nhỏ nhưng phong cảnh rất đẹp. Về phía bắc vườn là “Gate of Divine Might”, dùng để ra vào Tử Cấm Thành.
Hai dẫy dinh thự nhỏ nằm ở phía đông và tây của 3 dinh nói trên, dành cho các nàng hầu của vua và con cái họ cư ngụ. Nằm quanh dinh “hall of Mental Cultivation” là những văn phòng của Grand Council và các cơ quan khác thuộc chính quyền.
Kiến trúc cuối cùng của triều đình phía trong, nằm về phía đông bắc của Tử Cấm Thành, là tòa nhà “Palace of Tranquil Longevity”, được hòang đế Thanh Long (Qianlong) xây, dành riêng để khi ông về nghỉ hưu trí.
Các kiến trúc sư thời xưa đã dùng 5 mầu chính để trang hoàng các dinh thự trong Tử Cấm Thành: mầu trắng cho các hành lang, mầu xám cho sân, mầu đỏ cho các cột nhà và mặt tường phía ngòai các dinh thự, mầu vàng cho mái nhà.
Theo cuộc kiểm tra năm 1925, có tất cả 1 triệu 170 ngàn món đồ hiếm quí, gồm có đồ gốm, xứ, tranh vẽ, ngọc v…v… được lưu giữ trong Tử Cấm Thành. Ngòai ra, thư viện hoàng gia là thư viện lớn nhất trong nước, lưu giữ những sách cổ hiếm quí và nhiều tài liệu quí gía thuộc hai triều đại nhà Minh và Thanh.
Khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan năm 1949, đã mang theo một số đồ qúi giá từ Tử Cấm Thành, và hiện nay được trưng bầy tại viện bảo tàng ở Đài Loan.
4 – Thiên Đàn (The Temple of Heaven)
Thiên Đàn (Đền Tế Trời) cũng nằm trong thành phố Bắc Kinh, nhưng ở về phía nam của thành phố, cách quảng trường Thiên An Môn khoảng 1 km. Đền tọa lạc trong một khuôn viên rất rộng lớn, khoảng 2,700,000 m2 (rộng gấp 2 lần Tử Cấm Thành). Thiên Đàn được xây vào năm 1420, cùng năm với Tử Cấm Thành dưới triều đại nhà Minh và được trùng tu vào những năm từ 1736-1795. Vì tự coi mình là thiên tử, nên các vị hoàng đế không dám xây cung điện mình ở (Tử Cấm Thành) lớn hơn cung điện “cha” mình (Temple of Heaven)!
Ngày xưa, các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh, hằng năm đến đây làm lễ tế trời để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muà màng được tươi tốt. Cứ mỗi năm 2 lần, hòang đế và đoàn tùy tùng di chuyển từ Tử Cấm Thành đến đây để “giam” mình trong “Nhà Chay Tịnh” (Hall of Abstinence), mặc y phục đặc biệt, ăn chay, kiêng thịt (hiểu theo cả 2 nghĩa đen và bóng), nghĩa là nhà vua phải thanh tẩy cả thể xác lẫn tâm hồn khỏi tục lụy trần thế trong 3 ngày trước khi cử hành lễ tế trời. Đây là một hình thức biểu lộ sự hy sinh của vị hoàng đế đối với thiên đình. “Phó thường dân” không ai được phép xem cuộc di hành và tế lễ của Thiên Tử ở Thiên Đàn.
Khuôn viên Thiên Đàn được bao bọc bởi một bức tường dài. Phía bắc, phía đầu của khuôn viên hình bán nguyệt, tượng trưng cho trời, phía nam, phía cuối của khuôn viên hình vuông, tượng trưng cho mặt đất. Phía bắc khuôn viên cao hơn phía nam khuôn viên. Sở dĩ khuôn viên được thiết kế như vậy là do niềm tin cổ xưa của người Trung Hoa: trời tròn đất vuông. Bốn phía khuôn viên: đông, tây, nam, bắc đều có cổng ra vào.
Khuôn viên được chia làm 2 phần bởi một bức tường chạy ngang và vòng qua đền Thiên Tử để tạo thành hai khu: Phía trong và phía ngoài.
Trong khuôn viên Thiên Đàn có 3 kiến trúc chính nằm thẳng hàng trên một trục chính từ đầu phía bắc đến phía nam khuôn viên: Bàn Thờ Tế Trời (Altar of Heaven), Đền Thiên Tử (Imperial Vault) và Đền Cầu Cho Được Mùa (Hall of Prayer For Harvest). Ngoài ra, còn một vài kiến trúc khác như: Ba Phiến Đá Âm Thanh Vang, (Three Echo Stones) và bức tường âm Thanh vang (Echo Wall).
Bàn Thờ Tế Trời (Round Altar of Heaven):
Tầng trên cùng thềm đá tượng trưng cho Trời, có 9 vòng đá lát trên mặt thềm (floor), mỗi vòng có 9 phiến đá, như vậy bề mặt tầng này có tổng cộng 81 phiến đá. Tầng giữa tượng trưng cho mặt đất cũng có 9 vòng đá, và mỗi vòng cũng có 9 phiến đá. Tầng thứ ba, tầng cuối cùng, tượng trưng cho con người, cũng giống như 2 tầng trên, nghĩa là cũng có 9 vòng đá, mỗi vòng có 9 phiến đá. Như vậy bề mặt 3 tầng của bàn thờ tế trời có tổng cộng 243 phiến đá. Các bậc thềm và thành lan can vây quanh mỗi tầng cũng đều có 9 bậc và 9 cột. Thời xưa người Trung Hoa coi số lẻ là số “thiêng liêng”, và số 9 là số lẻ chỉ có một con số duy nhất (single-digit), lớn nhất, do đó nó cũng được dùng để chỉ số của nhà vua (imperial number nine). Nếu bạn đứng ở giữa tầng trên cùng, bạn nói một câu, thì âm thanh câu nói của bạn sẽ lan ra, chạm vào thành lan can của tầng thứ nhất, và sẽ làm cho tiếng nói của bạn lớn hơn lên gấp 9 lần!
· Đền Thiên Tử (Imperial Vault) nằm chính giữa trục nam-bắc trong khuôn viên Thiên
Đàn, là một tòa nhà hình tròn, có mái nhà giống như mái nhà của Đền Cầu Nguyện Được Muà, nhưng nhỏ hơn và được xây nằm trên một bệ đá hoa cương trắng. Đền được làm bằng gỗ, ngoại trừ một phần phía sau đền được xây bằng gạch. Ngày xưa đền này là nơi lưu giữ những bảng kỷ niệm các vị hòang đế tiền bối.
· Đền Cầu Cho Được Mùa (Hall of Prayer for Good Harvest)
tọa lạc ở phía bắc, phía đầu của khuôn viên. Đó là một tòa nhà hình tròn to lớn, bằng gỗ, rộng 30 mét, cao 38 mét (kể cả chân bệ 3 tầng), có 3 tầng mái nhà, được lợp bằng ngói tráng men bóng mầu xanh da trời. Chân bệ của tòa nhà này gồm có 3 tầng (3-tier base) bằng đá hoa cương mầu trắng, cao 6 mét. Đền được khởi công xây cất vào năm 1420, bị cháy rụi vào năm 1889, và được xây lại ngay năm sau đó (1890). Bên trong đền có 28 cột lớn; mỗi cột là nguyên một thân cây to bằng người ôm. Bốn cột hàng trong cùng tượng trưng cho 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hàng giữa gồm 12 cột tượng trưng cho 12 tháng trong năm, hàng ngòai cùng có 12 cột tượng trưng cho ngày có 12 “canh”. Vào thời cổ xưa, người Trung Hoa coi một “canh” tương đương với 2 giờ hiện nay, như vậy một ngày được chia ra làm 12 “canh”, tương đuơng với 24 giờ trong một ngày. Trần tòa nhà được chạm trổ một con rồng uốn khúc, biểu tượng cho vua. Một đặc điểm cần nói đến là toàn bộ tòa nhà cao lớn như vậy, mà kiến trúc sư thời xưa không dùng đến một cây đinh nào để kiến thiết. Đó là một kỳ công kiến trúc cách đây hơn ngàn năm!
“Đền Thiên Tử” và “Đền Cầu Cho Được Mùa”
được nối với nhau bằng một chiếc cầu “Vermillion Steps Bridge”, dài 360 mét, rộng 30 mét. Cầu được thiết kế từ thấp lên cao, khởi điểm cao 1 mét, rồi từ từ cao dần lên 4 mét ở phần cuối. Lối thiết-kế này làm cho người đi trên cầu khó nhận thấy mình đang đi lên cao. Đây cũng là cách ám chỉ đi từ mặt đất (earth) lên trời (Heaven). Cầu có 3 lối đi, lối giửa dành cho các vị thần, lối bên trái dành cho Thiên Thử, và lối bên phải dành cho hoàng hậu, công chúa và các quan trong triều đình. Dọc hai bên cầu có những cây trắc bá sống lâu đời hằng thế kỷ, mọc phủ kín lề cầu.
5. Cung Điện Mùa Hè (Summer Palace)
Cung Điện Mùa Hè nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 15 km, rộng 726.5 acres, là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở thủ đô Bắc Kinh, với những kiến trúc nghệ thuật cổ xưa và dinh thự nguy nga tráng lệ, cộng thêm phong cảnh êm đềm tĩnh mịch, đã được UNESCO liệt kê trong danh sách di sản thế giới là một trong những khu vườn cổ xưa đẹp nhất thế giới!
Thời xa xưa, các vị hoàng đế thuộc mọi triều đại thường ra nghỉ mát tại cung điện này để tránh sự ồn ào náo nhiệt vào mùa hè ở Bắc Kinh. Được xây cất vào triều đại nhà Jin (1115-1234), trong chế độ kế vị các hoàng đế phong kiến, và sau đó được các hoàng đế thuộc nhiều triều đại khác mở mang liên tiếp.
Trong triều đại nhà Thanh (1644-1911) Cung Điện Mùa Hè trở thành vườn ngự uyển cho hoàng gia nghỉ ngơi và giải trí. Cũng giống như hầu hết các khu vườn khác ở Bắc Kinh, cung điện Muà Hè không tránh khỏi việc phá hủy bởi lực lượng đồng minh Anh Pháp.
Vào năm 1860, quân đội Anh Pháp đã đốt cháy nhiều dinh thự trong vườn.
Năm 1888, Từ Hy Thái Hậu đã “biển thủ” 30 triệu lượng bạc từ qũi Hoàng Gia Hải Quân để tu sửa cung điện muà hè làm chốn ăn chơi riêng cho bà. Việc xây cất và nới rộng thêm mất 10 năm mới hoàn tất, và sau đó bà đặt lại tên là “Cung Điện Mùa Hè”, trước đó có tên là Cung Điện Đồi Vàng (Golden Hill Palace).
Từ Hy đã cho đóng một du thuyền bằng đá hoa cương mầu trắng (white marble) đặt trong hồ. Bà thường ra du thuyền này nghỉ mát và dùng yến tiệc vào những buổi chiều mùa hè.
Năm 1900, lực lượng đồng minh 8 siêu cường (eight-power Allied Forces) đã trở lại cung điện Mùa Hè và phá hủy hầu hết các dinh thự, đền đài mới được xây cất ở phía sau đồi Trường Thọ (Longevity Hill). Năm 1903, Từ Hy Thái Hậu sau khi đào tẩu, đã trở về Bắc Kinh, và cho sửa lại toàn bộ cung điện Mùa Hè.
Cung Điện Mùa Hè chính yếu gồm có: Đồi Trường Thọ và Hồ Kunming (Kunming Lake). Ba phần tư diện tích cung điện là Hồ Kunming. Dựa vào phong cảnh thiên nhiên, các kiến trúc sư đã thiết kế khu vườn thành một “bồng lai tiên cảnh”. Cung điện Mùa Hè có 3,000 kiến trúc; gồm những dinh thự, tháp, cầu, hành lang, và được chia ra làm 4 khu: khu triều đình, khu phía trước đồi, khu phía trước hồ Kunming, và khu phía sau đồi.
· Khu phía trước đồi: đây là khu lộng lẫy và tráng lệ nhất trong cung điện Mùa Hè; hầu hết các kiến trúc nằm tại đây.
· Khu sau đồi: mặc dầu rất ít kiến trúc tại khu này, nhưng có một phong cảnh độc nhất,
với những hàng cây lá xanh đậm phủ rợp mát những con đường mòn uốn khúc quanh co trên sườn đồi. Du ngoạn trong khu này, du khách có thể cảm nhận được sự tĩnh mịch êm ả hiếm có.
· Khu triều đình: đây là nơi Từ Hy và Hoàng đế tiếp khách, điều khiển việc nước và nghỉ
ngơi.
Đi vào cổng phía đông của cung điện mùa hè, du khách nhìn thấy những dinh thự chính: The Hall of Benevolence and Longevity là văn phòng của hoàng đế, The Hall of Jade Ripples là hoàng cung, The Hall of Joyful Longevity là tư thất của Từ Hy và sau cùng là The Hall of Virtue and Harmony, nơi đây Từ Hy thường mở yến tiệc tiếp đãi khách.
Khu trước hồ Kunming:
Khu này rộng nhất trong các khu cung điện mùa hè. Đứng đây, du khách nhìn thấy hết cảnh mặt hồ Kunming rộng mênh mông, và có thể nghe thấy tiếng rì-rào của những cành lá liễu rủ xuống mặt hồ khi một luồng gió nhẹ thổi qua và làm mặt nước hồ lăn tăn lấp lánh gợn sóng. Nhìn xa về phía tây bờ hồ, du khách thấy chiếc cầu Jade Belt bằng đá hoa cương trắng, với 17 nhịp hình vòng cung (17-arch bridge) như nổi bập bềnh trên mặt hồ rộng mênh mông.
Năm 1990 UNESCO đã đưa ra một nhận định về cung điên mùa hè như sau: “Phong cảnh thiên nhiên tĩnh mịch êm đềm trong vườn, hài hòa cùng công trình sáng tạo nghệ thuật kiến trúc các lâu đài đẹp tuyệt vời của con người, đã tạo cho cung điện mùa hè một cảnh thiên thai nơi hạ giới”.
6. Vạn Lý Trường Thành (Great Wall)
Vạn Lý Trường Thành nằm về phía tây bắc, cách Bắc Kinh khoảng 70 km nằm ở độ cao 1000 m so với thủ đô. Chiều dài vạn Lý Trường Thành vào khoảng 6,000 km, bắt đầu từ ải Shanghaiguan về phía đông, kéo dài tới ải Jiayuguan trong sa mạc Gobi.
Van Lý Trường Thành được Tần Thủy Hoàng (221 B.C. – 210 B.C.), vị hoàng đế đầu tiên thống nhất nước Trung Hoa, cho nối lại một số bức thành đã được các vị vua nước nhỏ xây đắp trước đây. Công trình được khởi sự cách đây hơn 2000 năm, và đòi hỏi hàng trăm ngàn ngàn nhân công, đa số là các tù nhân chính trị và phải mất 10 năm công sức lao động bằng tay chân mới hòan tất được công trình này. Người ta ước lượng phải mất 180 triệu khối thước vuông đất mới đắp được cái sườn của bức thành. Truyền thuyết cho rằng một trong những “vật liệu” sử dụng để đắp bức thành, chính là xác chết của những người đã bị bắt phải đi làm “công việc đội đá vá trời” này. Mục đích của bức tường là để ngăn chặn quân xâm lăng từ phía bắc nước Trung Hoa. Trên đỉnh bức thành tại những nơi cao có các tháp canh gác (Watch Tower). Khi có địch tấn công, thì lính gác ở các tháp đốt lửa, khói tỏa ra, để báo động về Tử Cấm Thành.
Đến triều đại nhà Minh thì bức thành được xây lại tòan bộ kỷ lưỡng hơn. Lần này, khoảng 60 triệu khối thước vuông gạch và đá đã được sử dụng để xây bức thành. Công trình do triều đại nhà Minh khởi xướng đã phải mất 100 năm mới hoàn tất, cộng với nhân lực và tài nguyên quốc gia không kể siết được!
Ngay lối đi lên Vạn Lý Trường Thành (phía Đông), một tấm bia đá có ghi câu nói của Mao: “Phi Đáo Trường Thành Bất Hảo Hán” (nếu bạn chưa đến Vạn Lý Trường Thành thì bạn chưa phải là người hùng). Ngoài ra có hàng trăm ngàn ổ khóa được móc vào dây xích treo dọc theo hai bên bờ thành lối lên các bậc thang của Vạn Lý Trường Thành. Những ổ khóa này do các cặp uyên ương để lại khi đến đây thề nguyện để tình yêu của họ được trường cửu như bức vạn lý trường thành.
Trong thời kỳ cách mạng văn hóa, do Mao chủ xướng, Vạn Lý Trường Thành hầu như đã bị quên lãng không ai ngó ngàng đến. Dân địa phương quanh vùng đã cạy những khối gạch hoặc tảng đá ở bức thành đem về xây tường nhà mình.
Vạn Lý Trường Thành gần như hoàn toàn biến mất, nếu không có kỹ nghệ du lịch báo động và kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc bảo tồn. Ngày nay nhiều phần quan trọng của bức thành đã được sửa chữa lại. Các tiệm ăn và quán bán đồ kỷ vật đã được dựng lên ở khu kế cận bức Trường Thành, đó là khu Badding Hills, cách Bắc Kinh lối 1 giờ lái xe.
Vạn Lý Trường Thành quả là một biểu tượng về óc độc tài của bạo chúa Tần Thủy Hoàng.
7. Thiếu Lâm Tư
Sau 3 ngày ở Bắc Kinh chúng tôi đáp máy bay nội địa Trung Quốc đi về phía nam để xem một số thắng cảnh nổi tiếng ở miền này. Đến Lạc Dương, chúng tôi được chở bằng xe bus đi thăm Thiếu Lâm Tự, là ngôi chùa nổi tiếng khắp thế giới và là nơi phát sinh nền võ thuật Trung Hoa. Ngồi trên xe bus đi qua các đường phố, chúng tôi thấy nhiều thanh thiếu niên đang đứng tập võ trong sân các võ đường trong vùng.
Chụp trước tượng đài Tổ Sư phái Thiếu Lâm Tự
Chùa Thiếu Lâm Tư tọa lạc dưới một thung lũng, chung quanh bao bọc bằng những quả núi cao, cảnh tượng trông thật hùng vĩ. Ngay cổng vào chùa, một tượng đồng đen thật lớn, vị tổ sáng lập môn võ Thiếu Lâm, được đặt trên một bệ rất cao, đứng sừng sững trông rất oai nghi lẫm liệt. Từ chùa, chúng tôi phải đi bộ khỏang 1 mile mới tới võ đường Thiếu Lâm, để xem biểu diễn võ thuật. Các võ sinh biểu diễn nhiều màn võ thuật khác nhau, người nào trông cũng rắn chắc, khỏe mạnh và tinh nhanh. Một võ sinh biểu diễn màn võ thuật mà mọi người xem đều thán phục: anh phóng một cây đinh nhỏ xuyên qua tấm kính dầy 1 ly, và đồng thời đâm bể trái balloon ở phía sau cách tấm kính chừng 2 gang tay!
Võ thuật Thiếu Lâm nổi tiếng trên thế giới, và được nhà văn Kim Dung, người viết chuyện kiếm hiệp nổi tiếng ở Đài Loan, mô tả các môn phái thiếu lâm trong chuyện của ông, làm độc giả các nước Á Châu say mê.
8 - Bảo Tàng Binh Mã Dõng (Terracottage Warriors and Horses)
Binh mã dõng (tượng binh lính và ngựa chôn dưới đất) do Tần Thủy Hoàng chôn dấu dưới đất cách đây 2,200 năm, được 3 nông dân đào giếng vô tình khám phá ra vào ngày 29/3/1974 tại Tây An, tỉnh Shaanxi. Địa điểm tìm thấy những tượng chôn dấu này nằm ở phía ngòai lăng Tần Thủy Hoàng về phía đông, cách mộ Tần Thủy Hoàng 1.5 km
Lăng Tần Thủy Hoàng tọa lạc tại chân đồi Lishan Hill ở Lington về phía bắc tỉnh Shaanxi, là một lăng tẩm rộng lớn nhất thế giới, nằm trong một diên tích tổng cộng 2.18 triệu m2. Lăng gồm 2 phần: phần nổi (phần nằm trên mặt đất) và phần chìm (phần nằm dưới mặt đất). Mộ Tần Thủy Hoàng nằm chính giữa khu đất có diện tích 220,000 m2, được bao bọc bởi một bức tường dài 2,100 m, rộng 975 m, có cổng ra vào. Khi mới xây, mộ cao 166 m, nhưng trải qua nhiều thế kỷ, mưa nắng soi mòn làm hư hại, nên hiện giờ chỉ còn cao có 76 m, chân mộ, chiều ngang đo được 485 m, chiều dài 515 m. Cho tới nay, Các nhà khảo cổ không mở mộ Tần Thủy Hoàng, họ hy vọng những gì chôn trong mộ ông vẫn còn nguyên vẹn, mà chỉ khai quật khu quanh lăng Tần Thủy Hoàng, đã tìm thấy những tượng binh mã chôn cách đây hơn 2,000 năm, khiến thế giới kinh ngạc.
Tần Thủy Hoàng sinh năm 260 B.C., là hoàng tử của triều đại nhà Tần , lên ngôi vua năm 247 B.C., khi mới 13 tuổi. Bị ám ảnh bởi tư tưởng trường sinh, bất tử, nên ngay khi mới lên ngôi vua được ít lâu, ông đã nghĩ đến việc xây lăng cho mình để tiếp tục làm vua sau khi ông đi vào cõi “âm thế” (Tần Thủy Hoàng băng hà vào năm 210 B.C. sau đó ít năm nhà Hán tiêu diệt nhà Tần. Ông làm vua được 37 năm, và thống nhất nước Trung hoa 11 năm, vào năm 221 B.C. để trở thành Hoàng Đế đầu tiên nước Trung Hoa).
Theo sử gia thời cổ, ông Tư Mã Thiên (Sima Qian 145 B.C. – 90 B.C.), ghi chép 1 thế kỷ sau khi lăng Tần Thủy Hoàng hoàn tất: vị hoàng đế đầu tiên nước Trung Hoa (tức Tần Thủy Hoàng) đã bỏ ra 37 năm và sử dụng 720,000 nhân công để xây lăng. Khi lăng hoàn tất, Tần Thủy Hoàng đã chôn sống tất cả 720,000 người tham dự công trình xây lăng cho ông, để giữ bí mật những gì ông đã chôn dấu dưới lòng đất!
Vào thàng 7 năm 1974, các nhà khảo cổ đã khởi công đào bới những khu quanh lăng. Kết quả, họ đã tìm được 4 hầm theo thứ tự thời gian như sau:
· Hầm thứ nhất rộng nhất, có diện tích 14,000 m2, sâu 5 m, với 11 hành lang, chiều rộng 3 m, dài 230 m, chứa 6,000 tượng, hầu hết là binh lính chiến đấu, được đặt đứng thành hàng theo thế tác chiến, phía sau là những chiến xa. Tường hầm được đắp bằng đất nện cứng như bê tông. Sàn hầm được lát bằng những viên gạch nhỏ, nóc hầm được che bằng ván gỗ đặt nằm trên các xà bắc ngang qua hầm và được chống đỡ bằng các cột cây. Nóc hầm phủ bằng một lớp cây sậy, kế đến là lớp đất sét (clay) phủ lên trên lớp sậy để chống nước, và sau cùng là lớp đất phủ lên nóc hầm. Hầm này được mở cho công chúng vào xem nhân ngày Quốc Khánh 1/10/1979.
Tất cả những binh mã dõng đều được đúc bằng loại đất sét đặc biệt, lấy ở vùng Mount Li, nơi lăng Tần Thủy Hoàng tọa lạc. Các tượng đều có chiều cao từ 1.70 m đến 1.72 m, và có nét mặt, đầu tóc, quân phục khác nhau. Những ngựa đúc và chiến mã xa, cao to bằng ngựa và xe thật trên đời!
· Hầm thứ 2 được tìm thấy vào năm 1976, cách hầm thứ nhất 20 m về phía đông bắc. Hầm này chứa 1,000 binh sĩ, gồm kỵ binh và bộ binh, 90 chiến mã xa bằng gỗ, được mở cho công chúng vào xem năm 1994.
· Hầm thứ 3 cũng được đào lên vào năm 1976, cách hầm thứ nhất 25 m về phía tây bắc. Hầm này là bộ chỉ huy, gồm 68 tượng quan võ, một chiến mã xa và 4 chiến mã.
· Hầm thứ 4 để trống, có lẽ chưa làm xong vào lúc xây cất.
Tổng cộng hơn 8,000 tượng binh mã dõng, 150 chiến mã, và 520 ngựa thường được tìm thấy trong 3 hầm. Ngòai ra, một số vũ khí như nỏ bắn có cò (crossbow with trigger) và mũi tên bằng đồng (arrow with bronze head), cạm bẫy cũng được tìm thấy trong hầm. Những vũ khí này vì chôn dưới đất qúa lâu đời (2,200 năm) nên bị hư nát, các nhà khảo cổ phải tái tạo chúng, và được trưng bày trong các tủ kính.
Một số lớn hầm chỉ được đào nửa chừng, vì các nhà khảo cổ sợ các tượng bị oxy hóa sẽ mau hư, mặc dầu các hầm chứa tượng nằm trong các căn nhà có mái che phủ rất rộng lớn.
Cũng theo sử gia Tư Mã Thiên (Sima Qian) thuộc triều đại nhà Hán, một cuộc cướp phá các hầm đã xẩy ra vào 5 năm sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, do tướng Xiang Xu cầm đầu một toán quân đã đột nhập vào các hầm, lấy đi nhiều của cải châu báu, và trước khi rút lui đã đốt hầm. Các nhà khảo cổ cho biết họ tìm thấy vết tích một cuộc hoả hoạn lớn trong một số hầm chôn tượng. Điều này chứng tỏ việc ghi chép của sử gia Tư Mã Thiên là đúng.
Hiện nay các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục tìm kiếm đưới lòng đất quanh khu lăng để tìm thêm những di vật chôn dấu. Hy vọng trong tương lai gần, họ sẽ công bố thêm những khám phá mới.
Việc đúc các tượng binh mã dõng là một việc làm khá phức tạp, đáng được đề cập đến. Sau khi nghiên cứu, các nhà khảo cổ cho biết: Các tượng đã được những nhân công của chính quyền dưới triều đại Tần Thủy Hoàng và những nghệ nhân địa phương đúc tại nhiều lò gốm ở nhiều địa phương khác nhau. Đầu, thân, chân tay các tượng binh lính được đúc riêng rẽ, sau đó được ráp lại khi đem chôn dấu trong hầm. Các nghệ nhân đã dùng 8 khuôn (moulds) khác nhau để đúc mặt tượng, sau đó trét thêm đất sét vào để tạo ra từng khuôn mặt và đầu các tượng có nét mặt và đầu tóc đặc biệt và dáng dấp khác nhau. Khi đúc tượng, các lò gốm phải khắc tên lò vào tượng để chính quyền kiểm sóat về phẩm chất. Việc khắc tên này đã giúp các nhà sử học hiện thời có thể tìm biết được những lò gốm ở thời xưa đã đúc ngói lợp mái nhà và làm những vật dụng hằng ngày, được lệnh của Tần Thủy Hoàng đúc các tượng binh mã dõng cách đây hơn 2,000 năm.
Việc đúc tượng chôn dấu trong các hầm đất đã chứng tỏ tài nghệ và công sức con người ở thời cổ, và đồng thời còn là một chứng tích hùng hồn về quyền lực tuyệt đối của một hòang đế độc tài đầu tiên nước Trung Hoa, khi ra lệnh cho cả nước phải phục vụ sở nguyện điên rồ của ông!
Tổng thống Pháp, ông Chirac, khi đến thăm bảo tàng binh mã dõng, trước một công trình có một không hai này, đã nói: “Bảo tàng Binh Mã Dõng Tần Thủy Hoàng phải được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới” (Kỳ quan thứ 7 là Great Wall).
9. Suối nước nóng Hoa Thanh đời Đường
Rời mộ Tần Thủy Hoàng, chúng tôi tiếp tục đến thăm viếng suối nước nóng Hoa Thanh và hồ tắm Dương Qúy Phi cách đó không xa. Nằm ngay lối vào khu suối nước nóng là một hồ nước rất lớn, khoảng một mẫu ta, có vòi nước phun lên liên tục ở giữa hồ. Phía trước mặt, nơi xa, có một quả núi cao. Đi qua khỏi hồ nước, sâu vào phía trong một chút, là suối phun nước nóng (khoảng 60oF). Một hồ tắm được xây trong căn nhà, có một lối thóat nước và một lối dẫn nước vào hồ, cách kiến trúc không khác gì những hồ tăm ngày nay. Ngày xưa, Dương Qúy Phi (một trong tứ giai nhân nước Trung Hoa) thường đến tắm ở đây.
Hiện nay, trong sân, trước suối nước nóng, một tượng Dương Qúi Phi khỏa thân bằng thạch cao trắng to lớn (khoảng 3 m) đứng ngạo nghễ giữa sân để du khách khắp thế giới đến chiêm ngưỡng dung nhan mỹ miều nõn nà của bà!
10. Vô Tích
Vô Tích là thành cổ giang nam Trung Quốc có lịch sử hơn 3,000 năm. Theo sử sách ghi chép, cuối triều đại nhà Thương (1700-1100 B.C.), con trai trưởng của Chu Thái Vương đến đây định cư và xây dựng thành Mai Lý (năm 202 B.C.), đến triều đại Tây Hán mới đổi tên thành là Vô Tích.
Chúng tôi đã thăm viếng 2 nơi nổi tiếng của thành Vô Tích: Thành Tam Quốc và Thái Hồ.
a)
Thành Tam Quốc: Phim trường Vô Tích là nơi quay phim đầu tiên được xây dựng
với qui mô lớn ở Trung Quốc. Nơi đây sẵn có lợi thế thiên nhiên đẹp, địa hình đa dạng, nên các nhà làm phim chỉ cần xây cất, lồng ghép vào không gian đó những công trình phố xá, thành trì, cung điện, nhà dân, chùa chiền theo các triều đại nhà Hán, Tống, Đường v..v.. là xem như hoàn thành bức tranh tổng thể. Được khởi công từ năm 1987, phim trường chia thành nhiều khu vực như đời Hán có cung điện Ngô Vương, Hán Đỉnh, Tào Doanh, thủy trại... đời Đường có Ngự Hoa Viên v..v..Chúng tôi được xem màn đánh trận giả, diễn lại một cuộc chiến từ thời Đông Châu chiến quốc: binh sĩ và tướng tá 2 bên đều cỡi ngựa phi nước kiệu khi lâm trận và dùng gơm đao đánh nhau, trông rất ngọan mục.
b) Thái Hồ: Rời phi trường Thành Tam Quốc
bằng xe bus, Chúng tôi đến thăm Thái Hồ vào buổi chiều thu có nắng vàng hanh chiếu trên mặt hồ nước trong xanh phẳng lặng. Khi gần đến hồ, tôi nhìn thấy hàng cây liễu quanh bờ hồ, khiến tôi liên tưởng đến 4 câu thơ của Xuân Diệu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
Đây mùa thu tới, mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Phong cảnh Thái Hồ thật đẹp, đó là một bức tranh sơn thủy: trong hồ có 48 hòn đảo lớn nhỏ, và 72 mỏm núi và bán đảo chạy ven bờ, trong đó nổi tiếng nhất là động Đình Đông Sơn, động Đình Tây Sơn, Mã Tích Sơn, cồn Nguyên Đầu, trong đó công viên Tam Sơn là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong Thái Hồ. Ven bờ đông, tây bắc Thái Hồ và đảo Gia có rất nhiều di tích văn vật, là nơi bắt nguồn văn hóa Ngô Việt.
Thái Hồ trước đây có tên là Chấn Trạch và Ngũ Hồ, nằm ở giữa tỉnh Giang Tô và tỉnh Triết Giang, thuộc hạ lưu sông Trường Giang và sông Tiền Đường. Là một trong 5 hồ nước ngọt lớn của Trung Quốc. Thái Hồ rộng 2420 km2, chiều dài bắc nam 68 km, rộng đông tây 56 km. Mặt hồ nước cao 3 m so với mực nước biển, hồ sâu bình quân khoảng 2 m.
Chúng tôi đã ngồi du thuyền ngoạn cảnh Thái Hồ. Đây là một trong những đặc sắc du lịch của thành Vô Tích.
11. Hàn Sơn Tự và bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc:
Chùa Hàn San Tự nằm trong tỉnh Tô Châu, một tỉnh nổi tiếng về sản xuất tơ luạ trên thế giới. Tơ lụa sản xuất ở Tô Châu trong hơn mười mấy năm qua, có thể cuốn 6 vòng xích đạo địa cầu! Nhiều người ví von: đi du lịch Tô Châu mà không viếng Hàn San Tự, thì cũng như bạn đến Paris mà không lên tháp Eiffel vậy.
Chùa Hàn San Tự là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Trung Quốc, được xây dựng vào thời Nam Triều, niên hiệu Thiên Gíam đời Lương (502-519) với tên ban đầu là Diệu Lợi Tự, người đời sau gọi là chùa Phương Kiều, vì chùa nằm ngay trên bến Phong Kiều. Đến đời Đường mới có tên là Hàn San, do lấy tên một trong hai nhà sư trụ trì là Hàn San đặt làm tên cho chùa.
Trải qua hơn 1400 năm, với nhiều biến thiên lịch sử, nhiều lần tu sửa, chùa không còn giữ được nét ban đầu nữa. Có lẽ nhiều người đến viếng là vì ham mộ bài Phong Kiều Dạ Bạc rất nổi tiếng của Trương Kế thời thịnh Đường. Ông làm bài thơ này khi đi thi trượt về, trên đường trở lại quê bằng thuyền, ghé nghỉ tại bến Phong Kiều. Bài thơ được khắc trên tấm bia đá bằng chữ Hán ngay lối vào chùa:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Nhà thơ Tản Đà dịch:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ,
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Bài thơ trên đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, nó nổi tiếng là vì tác giả chỉ dùng có 28 chữ mà đã vẽ được một bức tranh sơn thủy đầy chi tiết vào giữa đêm ở bến Phong Kiều, đồng thời không quên nói đến tâm trạng buồn của mình “sầu vương giấc hồ”. Nhiều thi sĩ Việtnam đã dịch bài thơ chữ Hán bằng các thể loại thơ khác nhau, theo thiển ý tôi, Tản Đà là người dịch hay nhất. Câu thứ hai trong bài thơ là câu khó dịch nhất, nhưng ông đã dùng thể thơ lục bát nhẹ nhàng để lột hết ý của tác giả trong câu thơ đường: “Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ”. Không biết mấy nhà nho Việtnam, hay mấy ông “con trời” đã phịa ra 2 điển tích khác nhau để giải thích câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. (Tại sao chuông chùa Hàn San lại được đánh vào nửa đêm để vọng đến tai lữ khách nằm ở dưới thuyền?) Sau đây là 2 điển tích:
Điển tích 1: Một tráng sĩ chạy trốn giặc đuổi theo. Đến bến Phong Kiều vào nửa đêm, không có đò qua sông. Ông cầu Trời khấn Phật. Tự nhiên một đoàn quạ đến đâm đầu đánh vào chuông, khiến người lái đò tưởng trời sáng, thức dậy chở tráng sĩ qua sông!
Điển tích 2: Nhà sư trụ trì chùa Hàn Sơn, nửa đêm nhìn trời trăng thanh vắng, tức cảnh làm thơ:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mung lung,
Bán tựa ngân câu bán tựa cung.
Đến đây nhà sư bí, không nghĩ thêm được 2 câu cuối. Chú tiểu thấy sư cụ đi đi lại lại, đăm chiêu suy nghĩ, bèn hỏi sư cụ. Sư cụ đọc 2 câu thơ trên cho chú tiểu nghe và cho biết là sư cụ đang tìm ý thơ để làm 2 câu tiếp. Chú tiểu liền chỉ tay lên mặt trăng trên trời và bóng trăng in trong hồ nước, để gợi ý cho sư cụ làm tiếp 2 câu sau:
Nhất phiến nguyệt hồ, phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán thinh không.
Sư cụ mừng vì đã làm xong bài thơ tứ tuyệt, bèn bảo chú tiểu đánh chuông để tạ Trời, Phật.
Khi đến viếng chùa Hàn San tôi được người dân địa phương ở đây cho biết chùa Hàn San có tục lệ đánh chuông vào nửa đêm.
Trong chuyến du lịch Trung Quốc này, tôi thật thích thú đã được dịp đến viếng Hàn San Tự, và nhìn thấy tận mắt bến Phong Kiều, nơi Trương Kế làm bài thơ nổi tiếng thế giới nói trên cách đây hơn 1,400 năm. Ngày xưa, khi học trung học, tôi rất thích thơ văn, nên đã tìm đọc bài thơ này và đã thuộc lòng trong gần 50 năm qua. Tôi không hề bao giờ có ý nghĩ và mơ được đến viếng chùa Hàn San. Nhưng hôm nay, tôi đã có cơ duyên được đặt chân trên bến Phong Kiều và chùa Hàn San Tự.
12. Thượng Hải
Chúng tôi kết thúc 13 ngày du lịch Trung Quốc bằng cuộc viếng thăm thành phố Thượng Hải.
Xe bus chở chúng tôi từ Hàng Châu đến Thượng Hải vào buổi chiều ngày mồng 1 tháng 10 năm 2007. Hôm nay là ngày Quốc Khánh cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Người dân Thượng Hải kéo nhau ra đường phố đông như ong vỡ tổ, khiến phố xá bị kẹt cứng, xe cộ không thể nào di chuyển nhanh được. Đường đến khách sạn, nơi chúng tôi ở không xa, thế mà phải mất 2-3 gìơ đồng hồ mới tới nơi. Khi đến khách sạn thì trời đã tối, vì thế xe bus không chở chúng tôi đi ăn cơm chiều được, do đó, chúng tôi, từng nhóm, phải tự túc tìm tiệm ăn cơm chiều.
Diện tích Thượng Hải rộng 6,341 km2, với dân số 16 triệu người. Thượng Hải hơn ngàn năm trước là một làng chài, đến đời nhà Tống thì Thượng Hải bắt đầu trở thành một cửa cảng thương mại mới, đời nhà Nguyên chính thức xây dựng thành đô thị vào năm 1291. Đời nhà Minh, Thượng Hải trở thành trung tâm ngành dệt lớn nhất Trung Quốc. Đời nhà Thanh, Thượng Hải thiết lập hải quan, và từng bước trở thành cảng mậu dịch lớn và trung tâm vận chuyển lương thực toàn quốc. Sau chiến tranh nha phiến, thực dân nước ngoài mở cửa khẩu thông thương và xây dựng tô giới ở Thượng Hải. Thượng Hải trở thành nơi giải trí ăn chơi, còn được gọi là Paris Đông Phương.
Bến Thượng Hải có chiều dài khoảng 1500 m, phía đông là bờ sông Hoàng Phố, phía tây là 52 tòa nhà với kiến trúc kiểu La Mã cổ điển, phục hưng v..v.. là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trước khi phương tây thống trị Thượng Hải.
II. Một vài đề nghị
1. Thời gian du lịch Trung Quốc lý tưởng nhất là vào mùa Thu, từ cuối tháng 9 đến tháng 10, hoặc mùa Xuân từ tháng 3 đến tháng 4 hoặc 5. Đi vào những tháng này trời mát du khách không bị mệt vì nóng bức khi đi bộ ngoài trời để thăm viếng danh lam thắng cảnh hoặc các di tích lịch sử.
2. Hiện nay có nhiều hãng du lịch tổ chức đi Trung Quốc. Du khách nên chọn hãng nào, để chuyến đi ăn, đi chơi của mình được thoải mái và có kỷ niệm vui thích nhớ đời? Xin thưa: hỏi bạn bè hoặc người quen biết về những hãng du lịch họ đã đi. Chúng tôi đã làm như vậy khi chọn hãng Royal Asian Tours. Quả thực Royal Asian Tours đã phục vụ du khách rất chu đáo về nơi ăn chốn ở, có thể nói 90% du khách đã hài lòng khi chọn hãng này. Tôi dám nói vậy, vì đã được nghe và chứng kiến những thư của bạn gởi khen ngợi Royal Asian Tours.
Anh Michael Phú, chủ nhân Royal Asian Tours, là người rất điềm đạm, ít nói. Anh có một người phụ tá tên là Tiết Thanh Diên, anh này người Việt gốc Hoa, sinh ở Hà nội, sang sinh sống bên Trung Quốc từ năm 15 tuổi (năm nay anh khoảng 50 tuổi), nói thông thạo tiếng Quan thoại và tiếng Việt (anh Phú cũng vậy). Anh Diên tốt nghiệp đại học Bắc Kinh với luận văn ra trường “Saigòn, Hòn Ngọc của Viễn Đông”, và hiện đang dạy tiếng Việt tại đại học này. Anh đi theo chúng tôi suốt cuộc du lịch 11 ngày. Trong 3 ngày ở Bắc Kinh anh là tour guide. Khi đến những địa phương khác, anh thông dịch từ tiếng Quan thọai sang Việt ngữ. Anh hoạt bát, có tài kể chuyện vui, vì thế mà cuộc hành trình bằng xe bus của chúng tôi trong 3-4 tiếng đồng hồ như ngắn lại, không cảm thấy mệt mỏi và buồn tẻ.
3. Du khách muốn mua sắm đồ kỷ vật hoặc đá cẩm thạch, hạt trai thứ thiệt, thì nên mua tại các cửa hàng quốc doanh. Đồ gỉa bán ở ngòai đường phố rất rẻ -- tiền nào của ấy.
4. Khi mua hàng, phải trả giá, kể cả trong các cửa hàng quốc doanh -- nhất là hàng bán ngoài đường phố, họ nói thách gấp 4 lần giá họ muốn bán.
5. Đừng bao giờ đưa giấy bạc lớn (giấy $100 chẳng hạn, kể cả U.S. dollar) khi mua món hàng giá một, hai chục, vì khi nhận tiền thối, kẻ bán hàng sẽ kèm vào một vài tờ tiền giả!
Trung Quốc là một cựu lục địa rộng lớn, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và lịch sử trải dài từ 6-7 ngàn năm. Muốn thăm viếng hết thắng cảnh và di tích lịch sử của 3 miền Nam, Trung, Bắc nước Trung Quốc, có lẽ du khách phải mất hàng tháng mới xem hết được. Chúng tôi chỉ mới thăm viếng được một số danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của một vài nơi, có thể nói chúng tôi chỉ là người cuỡi ngựa xem một rừng hoa, chưa biết gì nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng mô tả lại một số chi tiết và vẻ đẹp, cùng kèm theo một vài hình ảnh của những nơi chúng tôi đã đến thăm viếng để quí vị thưởng lãm. Hy vọng bài viết này “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Virginia, cuối thu 2007
VBH
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment