Nhóm 1% QGHC - Thông tin nội bộ QGHC Tỵ Nạn Hải Ngoại. Thiết lập từ 2008- Email Liên Lạc: cnguyqghc@gmail.com

Tuesday, June 21, 2011

ĐS 17 VIẾT:
CÔ LỄ ĐỂ LẠI NHIỀU "DẤU ẤN" và "ẤN TƯỢNG"... CHƯA ĐỌC HẾT NÊN KHÔNG BIẾT CÒN ĐỂ LẠI CÁI GÌ KHÁC HƠN LÀ "DE FACTO" CHĂNG ???


GẶP GỠ GIÁO SƯ CAO THỊ LỄ

Nhà bác-học Albert Einstein nói rằng: "Nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh-phúc, hãy buộc nó vào một mục-tiêu, chứ đừng có buộc vào người hay vật." (If you want to have a happy life, tie it to a goal, not to people or things) Ngoài ra, ông còn nói rằng: "Chỉ có một cuộc đời sống cho tha-nhân mới là cuộc sống hữu-dụng xứng-đáng." (Only a life lived for others is a life worthwhile) Cuộc đời của vị giáo-sư khả-kính và dễ mến của Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh Việt Nam ngày nào; Cao Thị Lễ, đã phản-ảnh đúng những điều nhà bác-học Einstein đã từng nói ở trên. Được tin giáo-sư Cao Thị Lễ ghé thăm miền Tây Hoa Kỳ, các bạn CMChâu, PPNgữ và TBThu có tổ-chức một buổi họp mặt để chào-đón và gặp-gỡ thân-mật giữa Cô và các cựu sinh-viên QGHC vào buổi chiều tối ngày Thứ Bảy, 18/6/2011 tại tư-gia của vợ chồng bạn CMChâu tọa-lạc tại thành-phố Fountain Valley thuộc miền Nam California. Công việc sửa-soạn cho buổi hội-ngộ này khá chu-đáo. Bạn TBThu phổ-biến thư mời đến tất-cả các bạn đồng-khóa 17 qua phương-tiện e-mail và đồng-thời trên Web site 17 QGHC. Bạn CMChâu cùng với hiền-thê và với sự hợp-tác của vài đồng-môn sẽ đảm-trách phần ẩm-thực theo tin sơ-khởi cho khoảng 25 người. Bạn PPNgữ cập-nhật danh-sách tham-dự và sau-khi hội-ý với ban tổ-chức, đã phổ-biến chương-trình sinh-hoạt đến bạn bè. Đọc qua cái chương-trình này đồng-môn nhận thấy ban tổ-chức rất chu-đáo trong việc sửa-soạn. Người xem có cảm-giác như sẽ được tham-dự một cuộc hội-thảo quy-mô có kèm theo phần ẩm-thực và văn-nghệ hấp-dẫn như sau:


1/ Bạn PPNgữ sẽ đi đón giáo sư Lễ.2/ Bạn PPNgữ sẽ trình-bày vắn-tắt lý-do buổi họp mặt.3/ Bạn CMChâu sẽ chào-mừng giáo-sư Lễ và các bạn đồng khóa.4/ Các bạn tham-dự sẽ tự giới-thiệu mình và gia đình.5/ Cô Lễ sẽ đáp lời và tóm-tắt cuộc đời giảng dậy của cô.6/ Tiệc bắt-đầu dưới hình-thức buffet với thành-phần thực-đơn hùng-hậu như sau:Khai vi: nem chả, nem nướng cuốn.Ăn chơi: bánh bèo, bánh bột lọc. Ăn thiệt: Mì xào, cơm gà, xà-lách trộn.Tráng miệng: Trái cây, bánh cam, bánh ngọt cake.7/ Vợ chồng bạn CMChâu ngoài ra sẽ cống-hiến mọi người một món đặc-sản khác, món này được giữ bí-mật!8/ Cuối tiệc sẽ là phần văn-nghệ góp vui của các bạn đồng-môn.
Với chương-trình chi-tiết hấp-dẫn như thế này tôi sẽ phải tham-dự rồi, bỏ qua rất uồng. Một cơ-hội hiếm có, vừa có dịp gặp lại cô giáo thời thanh-xuân của mình, vừa sinh-hoạt tâm-sự với bạn-bè, được ăn uống ngon và cuối cùng được thưởng-thức văn-nghệ cây nhà lá vườn thì còn gì bằng! Vào buổi chiều tối Thứ Bảy tôi lái xe đến nơi họp mặt. Vừa bước qua ngưỡng cửa phòng khách nhà vợ chồng bạn CMChâu vào khoảng 6:35 tôi đã thấy Cô Lễ và gia-đình các bạn đồng-môn đang đứng đầy đủ theo hình bầu dục. Ngoài Cô Lễ là khách danh-dự của ngày hôm ấy, tôi nhận ra các khuôn mặt của vợ chồng CMChâu, vợ chồng PPNgữ và con gái, vợ chồng TBThu, vợ chồng LHNghĩa, vợ chồng NVĐức, vợ chồng HNHậu, vợ chồng ĐCMung, vợ chồng NXVũ, chị LTGấm, LTCần, TVAnh, TĐMưu, VHÂn. Các bạn đã lần-lượt tự giới thiệu bản thân và gia đình của họ. Kế tiếp đến phiên Cô Lễ. Cô Lễ là giảng-viên môn Kế-Toán Thương-Mại tại HVQGHC. Trong niên-khóa 1969-1970, lớp 17A đã có thụ-giáo Cô môn học này. Khóa 17 là một trường-hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử Học-Viện với sĩ số sinh-viên gia-tăng gấp đôi so với các khóa khác.

Trong số các bạn hiện diện vào ngày Thứ Bảy 18/6 tất cả thuộc vào lớp 17B, trừ PPNgữ là người duy nhất thuộc về lớp 17A, tức là môn sinh trực-tiếp của Cô. Cô Lễ đã biểu-lộ một sự xúc-động sâu xa khi được các cựu sinh-viên tiếp-đón long-trong như thế này. Cô nói Cô lấy làm cảm-động về tấm thịnh-tình của các cựu sinh-viên đối với Cô. Cô càng cảm-động hơn khi nhận ra hầu hết các anh chị em có mặt xuất-thân từ lớp 17B, những người không phải là môn-sinh của Cô ngày nào. Điều này nói lên một sự kiện là các cựu sinh-viên dù đã lớn tuổi và với một thời-gian dài đã qua đi vẫn duy-trì nguyên-vẹn quan-niệm cổ-truyền lễ-giáo Á đông: kính trọng các vị Thầy trong ban giảng-huấn của trường mình đã theo học và biểu lộ tình-cảm nồng ấm của môn sinh không hề bị phai nhòa theo năm tháng. Cô đã tiết-lộ cho mọi người nghe về cuộc đời và gia-cảnh của Cô với những chi-tiết mà nhiều người chưa từng có dịp nghe thấy. Cô tâm-sự rằng Cô xuất-thân từ một gia-đình rất nghèo tại Việt Nam, cha Cô mất sớm, mẹ Cô phải tảo-tần buôn bán nuôi con. Với Cô chuyện trở thành một sinh-viên đại học là một giấc mơ nhiều hơn là hiện thực. Với hoàn-cảnh gia-đình như thế, khi được 18 tuổi Cô đã phải đi làm thư-ký cho chính-phủ trong tỉnh nhà nhờ thế Cô mới có tiền để lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Cái việc học lên của Cô cũng gặp trở ngại không kém, ngoài lý do tài-chánh, là do từ cái quan-niệm Á đông không xem trọng vai-trò của người phụ-nữ trong xã-hội, con trai mới cần học càng cao càng tốt để lo-tròn trách-nhiệm gia-đình và xã-hội, chứ con gái lớn lên chỉ cần lo gả chồng, sinh đẻ và nội-trợ là hết cỡ, học nhiều học cao cũng chỉ bằng thừa, không những thế nó còn làm hỏng hạnh-phúc hôn-nhân nữa không chừng! Cô được cái ham học, thích học nhưng không có phương-tiện. Còn người em trai của Cô lại không thích học thì lại nhận được sự khuyến-khích và yểm-trợ của mẹ Cô. Em trai Cô tên là Cao Văn Trí cuối cùng tốt-nghiệp Khoá 9, đã từng làm Trưởng ty kinh-tế Kontum, trong khi Cô lại học sau ông em một khóa khiến người khác lại tưởng ông Trí là anh của Cô. Dịp may đã đến khi Cô được đổi về Sài Gòn. Cô Lễ tiếp-tục đi làm công-chức, vừa đi làm vừa đi học tiếp Tú tài 1 và 2. Ngoài ra Cô Lễ còn học thêm các lớp Năng-Lực Hành-Chánh, Năng-Lực Luật Học, và từ đó thi đậu vào Khóa 10 Đốc-Sự. Từ đây Cô mới có cơ-hội phát-huy cái đam-mê cố-hữu của mình. Kết-quả Cô đã đậu thủ-khoa khóa này.

Từ đó theo truyền-thống Học-Viện Cô được chính-phủ VNCH với sự hợp-tác của cơ-quan USAID cấp học-bổng toàn-phần để sang Hoa Kỳ học-tiếp bậc cao-học lấy cấp-bằng Master's. Sau khi tốt-nghiệp với học vị ấy Cô trở về Việt Nam để trở-thành giảng-viên môn Kế Toán tại Học-Viện. Cô Lễ nói rằng Khoá 17 để lại nhiều kỷ-niệm và ấn-tượng trong đời Cô. Ây là vì lớp 17A là lớp đầu-tiên trong cuộc đời giảng-huấn của Cô. Người nghe đồng-ý ngay vì nó chẳng khác gì cái mối tình đầu hầu như luôn luôn để lại một dấu ấn khó phai nhòa suốt một đời người! Cô như đại-bàng thêm cánh vươn cao khi được chính-phủ cấp học-bổng cho Cô đi học để lấy cấp-bằng Tiến-sĩ tại Hoa Kỳ. Cô đã theo-học chương-trình Tiến-sĩ và cuối cùng tốt nghiệp với cấp bằng Ph.D. tại Trường Quản-Trị Kinh-Doanh (School of Business Administration) thuộc Đại Học Đường University of Southern California tại Los Angeles, với ngành chính là Management và ngành phụ là Accounting.

Vào năm Cô hoàn-tất chương-trình học, một số người quen biết kể cả người có chân trong ban giảng-huấn của trường đều khuyên và muốn giúp Cô ở lại Hoa Kỳ vì vào thời-gian ấy chính-phủ Mỹ đang muốn rút chân ra khỏi miền Nam Việt Nam và cái triển-vọng toàn thể đất nước sẽ nằm dưới sự thống-trị của cộng sản đã rõ dấn, nhưng Cô đã thẳng-thắn từ-chối. Ngày xưa cứ mỗi khi nghe tin sinh-viên tốt-nghiệp ở ngoại quốc xong rồi tìm cách xoay sở ở lại không chịu trở về quê-hương để phục-vụ là Cô mất cảm-tình cho-nên khi đến lượt của Cô, học xong là Cô quyết-định hồi hương. Chỉ vài tháng sau ngày trở về, nước nhà hoàn toàn do công sản cai-trị. Từ đó Cô mới lại tìm đường vượt biên tỵ nạn cộng sản. Cuối cùng Cô đã định-cư tại Virginia, gần thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Chỉ một thời-gian ngắn sau, Cô đã trở thành giảng viên môn Anh ngữ và Kế toán của Đại Học George Mason trong cùng tiểu-bang. Vào giai-đoạn đó Cô là người duy-nhất được nhà trường nhận làm giáo sư thực-thụ (tenure). Để đạt được thành-quả này, người thầy giáo phải thuộc loại giỏi giang, có thực-lực, Nhà trường lâu lâu mới nhận một hay hai giảng-viên làm giáo sư chính-thức, người bản-xứ còn khó chen chân, nói gì đến người ngoại quốc mới nhập-cư. Cô đã từng gởi các bài viết hoặc bài nghiên-cứu cho Đặc san của trường, một loại ấn bản chuyên-ngành, Publication, và tất-cả các bài viết của Cô đều được Đặc san đăng-tải đầy đủ. Các bài viết và luận-án tốt-nghiệp của Cô đều được giới có thẩm-quyền trong ngành nhiệt-liệt tán thưởng. Cô làm nghề giảng-huấn tại trường này liên tục hơn 20 năm cho tới ngày Cô về hưu.

Cô tâm-sự rằng lúc đầu Cô cảm-thấy hồi-hộp khi đứng trước các sinh-viên da trắng nhưng lâu dần Cô cũng quen đi và rồi cảm thấy thoải-mái và tự-nhiên ra. Cô nhận-xét là Cô có dịp làm việc chung với người bản xứ và nhận thấy mặc dù là họ rất giỏi về chuyên-môn hoặc kỹ thuật nhưng phần viết lách của họ xem ra chứa đựng khá nhiều khuyết điểm.

Được hỏi là Cô đã từng theo học và tốt nghiệp từ USC ở Los Angeles nắng ấm, cơ duyên nào Cô lại chọn miền Đông Hoa Kỳ lạnh buốt làm quê-hương, Cô cho biết Cô thích đặc-biệt Virginia là vì nơi này có bốn mùa rõ-rệt, và phong cảnh lại rất đẹp. Ngoài ra, Cô chẳng xa-lạ gì miền Đông là vì trước đây Cô đã từng theo học đề lấy cấp bằng Master's tại Đại Học Syracuse University tại New York.

Ngoài chuyện học-hành và làm việc của Cô ra có bạn tò-mò muốn hỏi Cô Lễ về mặt tình-cảm. Mọi người đều nhận thấy Cô có nét đẹp cố-hữu mặc-dù nhan-sắc có giảm-sút theo năm tháng cho nên đều thắc-mắc vì sao Cô không lập gia-đình. Thường thì nam giới khó để yên cho các người đẹp, họ chỉ thờ ơ lãnh-đạm với các phụ-nữ...trời bắt xấu. Đây là dịp may hiếm có không hỏi Cô để được nghe Cô trả-lời trực-tiếp thì còn chờ đến bao-giờ mới có cơ-hội thứ hai để mà hỏi nữa. Cô giải-thích là Cô thích học, ham học và chú tâm vào việc học, chứ Cô không chú ý đến chuyện tình-cảm vì thế mà Cô vẫn sống vui sống mạnh sống độc thân theo cái sự chọn-lựa của Cô thôi. Có bạn, chả hiểu lấy tin tình-báo từ đâu, đã hỏi Cô rằng vào lúc này thế Cô có biết rằng vẫn có ít nhất là một người đàn ông đang để ý và muốn lọt vào mắt xanh của Cô hay không, Cô trả-lời thẳng-thắn là Cô biết chứ nhưng lập-trường của Cô về mặt này vẫn như trước, chẳng bị ảnh-hưởng gì.

Ngoài ra, Cô có bày-tỏ quan-niệm của Cô về số phận. Cô không đồng-ý với nhiều người về số mạng, như thành-công hay thất bại là có số cả. Cô bảo là vận-mệnh và tương-lai nằm trong bàn tay con người. Nếu làm cái gì mà người ta đã tận dụng hết phương-cách, thi-thố hết khả-năng rồi mà cuối cùng vẫn không xong rồi đổ cho là tại số thì như thế có thể tạm chấp nhận được chứ mà chưa vận-dụng hết sức mình rồi không thành và đổ tại số thì nghe không ổn.

Sau-phần chia-sẻ tâm-sự thầy trò là đến phần ẩm-thực. Thức ăn đồ uống ê hề, đã được các chị sửa-soạn sẵn trông rất hấp-dẫn và đẹp mắt. Nãy giờ được nghe, được nói, được hỏi rồi bây giờ đến phần ăn uống. Thực đơn ăn chơi ăn thật đúng boong danh-sách quảng-cáo. Mọi người lấy thức ăn xong cùng nhau ra ngoài patio ngồi dọc theo một cái bàn dài kê sẵn ăn uống chuyện trò vui-vẻ. Người nào sợ lạnh thì ngồi ở bên trong nhà. No say xong đến phần thưởng thức văn-nghệ.

Phòng khách nhà vợ chồng CMChâu đã được trang-bị sẵn một dàn máy ghi âm, micro, ba cây đàn guitar và hệ-thống loa tối-tân. Tất cả thực-khách ngồi xuống các ghế để sẵn thành nhiều hàng mắt hướng về sân khấu. Các bản tình ca và dân ca đã được các ca sĩ cây nhà lá vườn trình-bày một cách truyền-cảm. Khán giả có cảm giác được tham-dự một buổi ca-nhạc thính-phòng đầy giá-trị nghệ-thuật. Có xem HNHậu vừa đàn vừa hát, cặp vợ chồng Chính Mung Lam Thủy chồng đàn vợ hát, tất cả như thả-hồn vào điệu nhạc trong một không gian ấm-cúng với ánh sáng lúc mờ lúc tỏ khán-giả mới nhận được cái đam-mê nghệ thuật và sự lôi cuốn của các nghệ-sĩ tài hoa này. Đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp thưởng-thức một chương-trình văn nghệ hay đến thế. Bạn bè đã được nghe một số bài nhạc do chính bạn ĐCMung sáng-tác hay phổ-thơ của đồng-môn Nguyễn Trình hiện còn sống tại Việt Nam. Ngoài ba ca sĩ nòng cốt; HNHậu, Chính Mung và Lam Thủy, còn có sự góp mặt của HHàng, cũng vừa đàn vừa hát, chủ nhà CMChâu và chị NXVũ nữa. Quả thật "chưa có hôm nào vui bằng hôm nay!"

Nhờ gặp gỡ các đồng-môn hôm ấy, tôi biết thêm được vài chi-tiết liên-quan đến họ mà xưa nay tôi chưa hề được nghe hay thấy qua. Bạn HHàng bảo là bạn vào hành-chánh là lộn nghề. Bạn tiết-lộ trước đây bạn đã có trong tay đến cả triệu rưỡi Mỹ kim, thế mà tài-sản đã cuốn theo chiều gió và nay bạn trở thành tay trắng vì đầu-tư thua lỗ. Bạn còn có tài vẽ tranh. Hôm ấy bạn cho trình làng nhiều bức tranh do bạn vẽ. Bạn có nhã ý biếu Cô Lễ một bức tranh nhưng Cô bảo Cô không thể đem nó lên máy bay được vì to quá. Buổi tối Thứ Bảy ấy, bạn tự nguyện là emcee không chính-thức (PPNgữ là MC chính-thức) rồi rượu vào lời ra thành-thử bạn diễn-tả hơi lộn-xộn. Kể ra hoạt-động trong lãnh-vực tư đối với bạn có vẻ không hạp nốt!

Còn bạn TĐMưu cho biết là bạn qua Mỹ không theo diện tỵ nạn hay HO mà là....con lai, nhưng bạn đã không giải-thích chi-tiết như thế nào. Bạn hành nghề "tiện" suốt 365 ngày một năm. Bạn nghe có cô giáo xuất-hiện bạn mới bỏ một ngày làm việc để đến thăm cô giáo. Bạn Mưu là người chân-tình. Bạn cư-xử thành-thật. Bạn dám nói ra công khai những ý nghĩ thầm kín của mình. Bạn khéo tay cho nên đã tự mình mua vật liệu và tự tay xây dựng lên một ngôi chùa có mái cong để tự bạn hành-trì giáo pháp. Được hỏi sức khỏe vợ bạn lúc này ra sao vì gần đây nghe nói chị ấy vừa trải qua một cơn mổ lớn, bạn bảo ca mổ tim của vợ bạn rất phức-tạp, đã được các bác-sĩ của một bệnh-viện nổi-tiếng tại San Diego thực-hiện thành-công. Vợ bạn nay đã bình-phục đến hơn 80 phần trăm. Bỗng dưng bạn quay qua chia-sẻ với tôi một tin-tức liên-quan đến người đẹp North Carolina. Bạn bảo người đẹp có pháp-danh là "Từ Hiếu." Ắt hẳn chuyện chùa chiền và pháp danh có liên-quan mật-thiết với nhau và người đẹp chắc là cảm-nhận rõ-ràng nỗi-niềm của bạn.

Bạn HNHậu có giọng hát rất khỏe và đầy truyền-cảm. Có đồng-môn nhận-xét là càng về khuya bạn hát càng lúc càng hay. Hôm ấy, bạn Hậu đã chứng-tỏ cho người xem hai niềm đam-mê của chính bạn: mê hát và mê...vợ. Khác hẳn với bạn Chính Mung, đối với hiền thê cứ thoáng đi như dân Ăng lê, bạn Hậu bộc-lộ tâm tình với vợ nhà công-khai, chân-thành pha lẫn dí-dõm, từ lời nói cho đến lời nhạc. Bạn làm tôi nhớ lại một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ngày nào được ca sĩ Ngọc Lan diễn-tả lại trong đó có câu, "Hỏi rằng vì sao thế-giới đông người mà anh chỉ thấy có riêng em?" Bạn với hiền-thê hầu như luôn luôn như chim liền cánh, như cây liền cành vậy.

Bạn-bè nhờ buổi họp mặt này cũng được biết vợ chồng chủ nhà CMChâu có đông con nhất thế-giới ở vào thời-đại nguyên-tử này. Đó là cái nguyên-nhân khiến chị CMChâu bị đau lưng kinh-niên là vậy!


Nhờ thưởng-thức phần trình-diễn văn-nghệ bạn PPNgữ áng-chừng muốn giải-thích cho cô giáo của mình biết, vì Cô bị thiếu cái khoản này, về lãnh-vực ái-tình, quan-hệ tình-cảm và hôn-nhân của các cặp hành-chánh. Bạn bảo là liên-hệ này được hình-thành và phát-triển như là kết quả của sự quyện-lẫn tổng-hợp của tình-cảm riêng tư và công vụ mà chỉ có giới hành-chánh mới trải-nghiệm được mà thôi. Liên-hệ này được biểu-lộ và bàng-bạc đó đây nơi các cặp phối ngẫu ở những buổi họp-mặt thân-mật như thế này.

Phải nói rằng trường-hợp của giáo sư Cao Thị Lễ là một trường-hợp thành-công hãn-hữu. Từ vị trí một cô thư ký theo thời-gian với một mục-tiêu vạch sẵn, một ý chí kiên-trì, một cố-gắng tối-đa, kèm thêm một sự thông-minh có sẵn và một thể-lực tốt, bao nhiêu trở ngại chông gai đã được khắc-phục dần để rồi cuối cùng Cô đã thành-đạt vẻ-vang, trở thành một đồng-môn đàn chị dễ mến, một giáo-sư đầy khả-năng của không những đại-học Việt Nam mà ngay cả đại-học danh-tiếng Hoa Kỳ. Trong suốt cuộc hành-trình ấy Cô đã không hề bỏ qua cơ-hội giúp đỡ người khác chẳng-hạn như gia-đình môn sinh của mình trong bước đầu định-cư tại Mỹ. Ngoài-ra, trong khả-năng có sẵn, Cô đã từng ngấm-ngầm ra tay trợ-giúp một bạn đồng-nghiệp Hoa Kỳ trở thành giáo-sư chính-thức giống như Cô, lưu lại cho các môn-sinh hậu-bối nhiều thiện-cảm và hãnh-diện. Vì lý-do này, có chị đã nói với Cô rằng Cô được nhiều nữ sinh-viên xem là thần tượng thời bấy giờ.

Có bạn sau khi nhìn thấy Cô đã nhận-xét là Cô có vóc-dáng trẻ đẹp và khỏe mạnh dù đã lớn tuổi, nói năng mạch-lạc từ-tốn, tính-tình bao-dung, với một khuôn-mặt đầy-đặn, sáng lán, thông-minh và tiền vận vất-vả nhưng trung-vận và hậu-vận rất tốt! Có lẽ trên đời chỉ có hai người có tinh-thần an-khang và một thể-chất khỏe-khoắn không u-sầu lo nghĩ là Cô Lễ và....tôi vậy.

Theo bước chân Cô, ngày nay tại hải ngoại các môn-sinh 17 đã thành-công đáng kể về mọi mặt. Có người trở-thành tiến sĩ, giáo sư, bác-sĩ y-khoa, kỹ sư, cao-học, cử-nhân và thành-đạt trong nhiều ngành nghề khác nhau, không bỏ công giáo-huấn của các vị thầy khả-kính. Để kết-thúc, người viết xin chia-sẻ với tất-cả mọi người một ghi-nhận tương-đối đầy-đủ của bạn PPNgữ, phản-ảnh tâm-sự và ý-nguyện của hầu-hết các cựu sinh-viên Đốc-Sự 17: "Cảm ơn quý bạn đã đáp lời mời gọi, bỏ thì giờ quí báu để tiếp đón Cô Lễ và góp phần mình cùng nhau tổ chức một đêm hội ngộ thật vui, đậm đà hương vị ngày cũ với các món ăn ngon, cùng lời ca tiếng nhạc đầy gợi nhớ một thời sinh viên nơi Hoc Viện, đặc biệt là phần văn nghệ của quý bạn HNHậu, anh chị Mung-Thủy, chị NXVũ, anh HHàng, anh CMChâu.

Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến anh chị CMChâu, nhất là chị Châu, dù đau vai đau lưng, vẫn bất chấp để đứng ra mở cửa đón Cô và quý bạn nơi ngôi nhà ấm cúng, thoáng rộng, và đầy đủ tiện nghi ngay trung tâm Little Saigon . Qua tâm tình trò chuyện của Cô tối hôm qua, chúng ta chắc hẳn đã học hỏi thêm ở Cô Lễ gương sáng thành công của một phụ nữ Việt Nam đã vượt lên trên số phận, thoát chạy khỏi chế độ Cộng Sản để quyết chí đeo đuổi trở thành một nhà giáo dục đại học đầy uy tín tại Hoa Kỳ. Cuộc đời của cô đến giờ vẫn mãi mãi xứng đáng với lòng ngưỡng mộ ban đầu của chúng ta dành cho một giảng viên Kế Toán Thương Mãi ngày nào nơi trường cũ.

Nếu tình trạng sức khỏe cho phép, cô cho biết sẽ tham dự Đại Hội ĐS17 Kỷ Niệm 40 Năm Ra Trường (1972-2012) dự trù tổ chức tại Orange County vào dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ sang năm 2012. Mong rằng chúng ta sẽ luôn gắn bó liên lạc thăm hỏi và cùng nhau vui sống lành mạnh trong tinh thần tương thân, tương kính, và tương trợ khi cần để tình bạn đồng khóa luôn mãi tươi đẹp như đóa hoa hồng không gai." "Một người thầy tốt giống như một ngọn nến - nó cháy dần để thắp sáng đường đi cho những kẻ khác." (A good teacher is like a candle - it consumes itself to light the way for others. - Author Unknown) "Tôi thích một người thầy nào cho bạn một cái gì đem về nhà để suy ngẫm ngoài bài vở." (I like a teacher who gives you something to take home to think about besides homework. - Edith Ann) "Một số người lướt qua cuộc đời chúng ta như gió thoảng. Một số giữ được liên-lạc một thời-gian, để lại những dấu-ấn trong tâm-khảm, và từ đó chúng ta chẳng còn như xưa nữa." (Some people come into our lives and quickly go. Some stay for a while, leave footprints on our hearts, and we are never, ever the same. - Flavia Weedn) "Chúng ta cần các bạn cũ để giúp ta sống thọ và các bạn mới để giúp ta giữ được sự trẻ-trung." (We need old friends to help us grow old and new friends to help us stay young. - Letty Cottin Pogrebin) "Hãy cố-gắng trở-thành không phải một người thành-công, nhưng hãy cố-gắng hơn để trở-thành một người có giá-trị." (Try to become not a man of success, but try rather to become a man of value, - Albert Einstein) "Kinh-nghiệm của vài năm sẽ tự chứng-minh là có những sự việc xảy ra trong quá-khứ mà ta xem là sự bất-hạnh to tát nhưng dần-dà theo thời-gian hóa ra lại là những điều đại may-mắn." (A few years' experience will convince it thát those things which at the time they happened we regarded as our greatest misfortunes have proved our greatest blessings. - George Mason)
Nguyễn Văn Huy

20/6/2011

No comments: