TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ NGUYỄN THỊ HUỆ
Theo quan-niệm dân gian Á đông, sống gởi thác về, trần thế là cõi tạm, ra đi sum-họp với Trời Phật, Ông Bà mới là vĩnh-cửu.
Biết thế nhưng sau khi được tin Cô Nguyễn Thị Huệ vừa xa lìa thế-gian vào ngày 2 tháng 7 năm 2011, chúng tôi các môn sinh của Cô ngày nào không khỏi bàng hoàng, xúc-động, luyến-tiếc và thương nhớ Cô. Sự ra đi của Cô đã để lại trong lòng chúng tôi, người ở lại, một nỗi buồn man-mác, một sự trống vắng khó tả. Hẳn-nhiên nỗi buồn và sự trống vắng ấy còn to gấp bội đối với người bạn đời của Cô, ông Guy Trumeau, một người được xem là bất khả phân-ly, lúc nào cả hai cũng cùng nhau như hình với bóng từ tổ ấm cho đến sinh-hoạt công-đồng suốt một khoảng thời-gian rất dài chiều tà bóng xế tại Hoa Kỳ.
Là cựu sinh-viên QGHC chẳng ai xa lạ gì với Cô Nguyễn Thị Huệ. Có không ít các cựu sinh-viên đã từng là học-trò của Cô, ở dưới sự giáo-huấn của Cô. Tốt nghiệp ngành Chính Trị Học tại Hoa Kỳ với cấp bằng Tiến Sĩ, Cô Nguyễn Thị Huệ trở về Việt Nam và trở thành giáo sư chính-thức tại Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh Sài Gòn trước năm 1975. Học Viện có các Ban Cao Học, Đốc-Sự và Tham-Sự Hành-Chánh. Giáo Sư Nguyễn Thị Huệ đã phụ-trách giảng dạy cho nhiều ban và nhiều khóa cho nhiều năm. Cô có những nét đặc-thù. Phương-pháp sư-phạm của Cô không rập-khuôn theo qui-ước thông-thường hoặc tiền-lệ có sẵn. Cô chú-trọng không những lý-thuyết qua các bài giảng mà cả phần ứng-dụng thực-hành nhờ thế sự học-hỏi của sinh-viên trở nên thực-tế. Môn học Cô dạy cho Khóa 17 là Vận Động Nhân-Dân. Là cán-bộ hành-chánh tương-lai, người sinh-viên phải biết kỹ-thuật và phương-pháp hữu-hiệu vận-động quần-chúng, phải nhìn thấy trước thành-phần dân-chúng mà mình sẽ phục-vụ và đồng-thời cái môi-trường mà mình sẽ phải sinh-hoạt trong tương-lai sau khi tốt-nghiệp. Là cái gương hướng-dẫn với quan-niệm hành-động nói lên nhiều hơn lời, Cô Huệ đã đích-thân vận-động với chính-phủ và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cung-cấp phương-tiện chuyển-vận các công-chức tương-lai đến các vùng xa xôi của đất nước để học hỏi và quan-sát tại chỗ sinh-hoạt của nền hành-chánh địa-phương. Đó là nơi mà phần lớn các sinh-viên sau khi ra trường sẽ phải đối-diện để thi thố sở học của mình với tư-cách Phó Quận Hành-Chánh, Trưởng Ty v.v...trong bước đầu của nấc thang công vụ. Nó góp phần với giai-đoạn thực-tập tại các cơ-quan công-quyền trung-ương cũng như địa-phương trong chương-trình học chính-thức của Học-Viện giúp cho các cán-bộ hành-chánh mầm non giảm-thiểu sự bỡ ngỡ lúc ban đầu ra trường và nhanh-chóng hòa-nhập vào dòng chảy hành-chánh tuần-tự từ địa-phương lên tới trung-ương.
Ở vào tuổi đôi mươi thời còn đi học mà được cho đến những miền thân yêu của đất nước nhìn thấy được phong-cảnh thiên-nhiên hữu-tình tuyệt đẹp, những nơi mà trong đời người không dễ gì có cơ hội đến được như Côn Sơn, Phú Quốc, được tiếp-xúc với các hàng lãnh-đạo và chỉ-huy địa-phương tỉnh, quận, xã, được tham-dự các buổi thuyết-trình, được nhìn thấy núi sông hùng-vĩ, biển cả mênh-mông ngút ngàn, được nhìn thấy cỏ cây hoa lá hiếm quý, được vùng-vẫy trong làn nước biển xanh biếc một màu v.v... mới cảm-nhận được sự thú-vị biết chừng nào! Kiến-thức của người tuổi trẻ được vun-bồi. Tinh-thần phục-vụ quê-huơng, đất nước và đồng bào nhờ thế tăng thêm cường-độ. Nó chẳng khác gì cái cảm-giác của nhà khoa-học Archimede khi ông tình-cờ khám-phá ra sức đẩy của nước vậy. Cái học thực-dụng khác với từ chương là ở chỗ đó. Cái ơn của sinh-viên đối với Cô về phương-diện này không thể kể xiết cho được.
Để cân-bằng với thời-gian ngồi học trên ghế nhà trường, Cô Huệ ngoài ra còn tổ-chức sinh-hoạt tập-thể ngoài trời dành cho các sinh-viên tại Rừng Chí Linh nữa.
Cô có tính nhớ dai nhưng lại không chấp-nhất, dễ-dàng bỏ qua, cho đi vào quên lãng. Nhưng điều này cũng tùy thuộc vào hoàn-cảnh, tùy vào cá-nhân người sinh-viên, tùy vào từng vụ việc nữa. Cô là con người tình-cảm nhưng không kém phần cứng-rắn khi cần. Cô đã từng nâng-đỡ sinh-viên và đồng-thời Cô cũng đã từng đánh rớt sinh-viên mà hậu-quả là sự-nghiệp quan văn tương-lai một sớm một chiều bỗng cuốn theo chiều gió. Học với Cô người sinh-viên cần phải biết cái tính của Cô. Nếu học giỏi khiến Cô để ý là tốt. Học đã dở, lại hay phá-phách hoặc lười-biếng khiến Cô chú ý là có triển-vọng được Cô ban cho hỗn-danh và ra trường sớm chẳng có cơ-hội nhìn thấy văn-bằng tốt-nghiệp. Cho-nên môn sinh của Cô rất cẩn-thận, họ cố-gắng duy-trì tình-trạng "low profile" cho bản-thân, âm thầm, nhẹ-nhàng mà nín thở qua sông, đừng chường mặt ra sinh-hoạt náo-nhiệt chẳng liên-quan gì đến bài vở là đắc-sách và hiệu-quả hơn cả.
Từ thời đi học cho đến thời-gian sống tại hải-ngoại Cô Huệ là vị giáo-sư đi sát và sinh-hoạt trực-tiếp với tập-thể sinh-viên nhiều hơn hết. Tại Hoa Kỳ Cô đã từng cùng chồng, ông Guy Trumeau, cả hai mặc-dù đã lớn tuổi và sức-khỏe không được khả-quan cho lắm, đã đến tham-dự Đại Hội Tình Thân ĐS17 tại San Jose, California vào năm 2000 và sau đó là Đại Hội ĐS17 tại Houston, Texas vào năm 2005. Phải nói là nhờ có ông Guy Trumeau Cô Huệ mới gặp-gỡ được các môn sinh của mình. Chính cái sự dìu-dắt, phụ đưa rước Cô trong thời-gian vừa qua và cái tình-cảm nồng-nàn mãnh-liệt của đức phu-quân dành cho Cô mà cái ước-vọng gặp-gỡ các học-trò cũ tha-hương của Cô mới thành-tựu được.
Chính nhờ thế mà Khóa 17 mới có được những kỷ-niệm quí báu còn lại vào ngày hôm nay! Cái tấm chân-tình của một người thầy đối với học trò được Cô duy-trì và kéo dài theo năm tháng suốt từ trong ra đến ngoài nước đã không hề suy-giảm theo tuổi già sức yếu quả thật là hiếm-hoi, đáng quý, đáng khâm-phục và đáng trân-trọng.
Cô Huệ và chồng đã từng sinh sống lần-lượt tại Colorado và Texas cho đến ngày cả hai về hưu. Được biết đời sống của vợ chồng Cô rất giản-dị. Hai người có cuộc sống khiêm-nhường. Sau ngày nghỉ hưu, nguồn lợi-tức duy-nhất của hai vợ chồng Cô là tiền hưu-trí liên-bang (Social Security Administration, SSA benefits). Ông Guy Trumeau ngoài khó-khăn tinh-thần và tâm-lý do kết-quả của sự mất mát người bạn đời từ nay sẽ còn phải đương-đầu với khó-khăn về tài-chánh theo như sự tiết-lộ của các anh chị đồng-môn cư-ngụ tại Colorado và Texas. Bản thân ông cũng không được khoẻ mạnh cho lắm. Ngày Cô mất chính ông cũng đang nằm điều-trị tại bệnh-viên và hung tin ông nhận được là do từ một người cháu của Cô đưa lại. Từ thể-chất cho tới tinh-thần bị suy-xụp trầm-trọng như thế này, cộng thêm trở ngại tài-chánh của ông Trumeau hiện nay quả thật không biết ông sẽ như thế nào trong các ngày sắp tới. Đã không biết thì thôi chứ đã lỡ được nghe qua cái hoàn-cảnh ngặt-nghèo của ông tâm-tư chúng ta cũng áo-não theo.
Tang-lễ của Cô đã được gia-đình hoàn tất xong vào ngày Thứ Sáu 8 tháng 7. Cô nay đã yên nghỉ ngàn thu. Phần của Cô xem như tạm xong. Cô và phu-quân đã từng như hình với bóng. Hình nay đâu còn nữa, chiếc bóng không biết sẽ còn lung-linh được bao lâu. Ngày xưa Cô đã giúp chúng ta rất nhiều. Sự thành-đạt của chúng ta một phần là kết-quả sự hun đúc của Cô. Nhìn lại chúng ta chưa làm được điều gì lợi lạc cho Cô bấy lâu nay. Mà Cô thì không cần đến các điều ấy lúc sinh tiền, huống hồ là sau khi đã ra đi. Thông-cảm với hoàn-cảnh của nửa phần còn lại của Cô trên dương thế, một số anh chị em học-trò cũ của Cô có đưa ra một đề-nghị. Để ghi ơn dạy dỗ của Cô, để giúp an-lòng vị thầy khả-kính vừa khuất núi, và để đáp lại chút ân-tình của Cô đối với chúng ta, các môn đệ của Cô sẽ chung vai đóng góp, với tinh-thần tương-thân tương-trợ theo kiểu của ít lòng nhiều, một số tiền nhằm giúp cho chiếc bóng đơn côi của Cô phần nào vượt qua giai-đoạn hiểm-nghèo này. Sự hợp-tác hoàn-toàn có tính-cách tư-nguyện. Bạn Lê Phước Ba đã hoan-hỉ nhận lời làm thủ-quỹ cho trương-mục đặc-biệt này. Chi-phiếu xin gởi về cho bạn Don Le (tức Lê Phước Ba) tại địa-chỉ sau đây:
DONLE CPA, INC.8051 WESTMINSTER BLVDWESTMINSTER, CA 92683
Sau khi nhận được, bạn Lê Phước Ba sẽ kết-toán sổ-sách, thông-báo cho mọi người và chuyển toàn bộ số tiền thu được đến các đồng-môn Đặng Thi Lang, Diệp Thanh Sang và Nguyễn Ngọc Châu tại Houston để nhờ các bạn ấy trực-tiếp trao tận tay cho ông Guy Trumeau.
Mọi thắc-mắc nếu có xin các anh chị vui-lòng liên-lạc với các bạn có tên dưới đây với các số điện-thoại và địa-chỉ e-mail như sau:
Hùynh Tấn Lêdrlehuynh@sbcglobal.net(714) 878-3739 (Cell)
Phạm Phước Ngữn6pham8@hotmail.com(949) 310-4579 (Cell)Lê Phước Badonlecpa@hotmail.com(714) 891-9996(714) 614-5959 (Cell)
Trần Bạch Thutranbachthu@quocgiahanhchanh.com(562)528-6274
Nguyện cầu cho hương-linh của Giáo Sư Nguyễn Thị Huệ sớm về cõi Vĩnh Hằng.
Cầu mong Ơn Trên gia-hộ cho ông Guy Trumeau mau bình-phục sức khoẻ và giúp ông có sức-mạnh để vượt qua hoàn-cảnh đầy giông bão thử-thách hiện nay.
Cầu xin Trời Phật tiếp tay giúp gia-đình Cô Huệ mau chóng vơi bớt ưu sầu từ sự ra đi của người thân.
Cám ơn tất cả các anh chị và kính chúc tất cả thân tâm thường an-lạc.
Nguyễn Văn Huy
No comments:
Post a Comment