Tiển Biệt Bùi Bỉnh Bân
Tôi xin có ít lời để gửi tới qúi bạn những tâm tình của tôi đối với ông Bùi Bỉnh Bân.
Trước hết, tôi rất hãnh diện được là một đồng môn của ông Bân ở Học viện Quốc gia Hành chánh. Ông vào Học viện Quốc gia Hành chánh sau khi tốt nghiệp Kỹ sư Nông Lâm Súc. Có thể ông nghĩ nếu hành nghề nông lâm súc thì ông chỉ chăn nuôi gà lợn heo bò , trồng cây trồng lúa nên ông muốn vào Học viện Quốc gia Hành chánh để lo cho người, chăm nuôi dân Việt, vì Học viện Quốc Gia Hành chánh lấy 4 chữ làm kim chỉ nam là “kinh bang tế thế’, tế thế có nghĩa nôm na là làm sao cho dân ấm no và phát triển.
Nhưng khi tốt nghiệp Học viện quốc gia Hành chánh, ông Bân chắc lại thấy đất hành chánh chưa đủ rộng cho ông dụng võ. Bởi thế, ông đã bước vào lãnh vực chính trị. Cụ thể là năm 1972 ông đã ứng cử tranh chức nghị sĩ Thượng viện Việt Nam cộng hòa trong Liên danh Bông Lúa của đảng Đại Việt. Trong lúc ông đi vận động ở Cần Thơ, ông nói với tôi là ông ứng cử chỉ để học tập làm chính trị vì ông biết trước 99% là thất cử.
Thưa chị Bân,
Thưa qúi bạn,
Tôi là bạn thân của ông Bân nên tôi thấy ông Bân không uống rượu, không hút thuốc, không nhẩy đầm, không cờ bạc, không mặc áo quần hàng hiệu. Không đi xe sang dù ông là một trong những người giàu nhất trong nhóm Quốc gia Hành chánh.
Thế nhưng tôi còn nhớ, năm 1985 khi tôi làm Hội trưởng Hội Quốc gia Hành chánh, ông Bân đã yểm trợ hoàn toàn tiền in ấn tờ tạp chí Hoài Bão của Hội. Khi Hội tổ chức cuộc hội thảo “Tìm phương thức giải phóng quốc gia” rất lớn, chưa từng có ở cộng đồng Việt Nam hải ngoại thời đó, ông Bân đã bỏ hàng chục ngàn đô la đài thọ mọi khoản chi, kể cả tiền máy bay khứ hồi và ăn ở cho một số nhân sĩ ở nước khác tới Nam Cali tham dự hội thảo.
Sáng trưa chiều tối, ông chỉ làm việc.
Tôi hiểu là Ông đã và đang rèn luyện bản thân để sẵn sàng phục vụ tổ quốc.
Nhưng những năm gần đây hình như ông Bân mang tâm trạng rất u uẩn của một người không gặp thời.
Theo tôi nghĩ, cuộc tranh cử vào Thượng viện tuy không thành nhưng đã khiến ông Bân như con tàu đã nhổ neo, máy móc tốt, xăng nhớt đầy đủ mà không được ra khơi. Nên khi định cư tại Nam Cali thì cái câu hỏi “Ta đã làm gì cho đất nước” cứ làm ông ray rứt.
Đó là lý do ông thường hay triệu tập anh em để làm những công tác đấu tranh giải phóng Việt Nam. Đặc biệt là ông luôn luôn đúng đằng sau, không nhận chức vụ gì, không phát biểu trước hội trường, nhưng sẵn sàng chi tiền để chứng tỏ ông tham gia không vì danh mà cũng không vì lợi.
Ông Bân cũng thuộc nhóm khởi xướng thành lập cộng đồng Việt Nam Nam Cali. Vì ông đã có con đường ông chọn, nên ít năm sau, ông trở thành chủ tịch cộng đồng Việt Nam Hải ngoại mà nếu qúi bạn mở đài truyền hình internet FreeVN.net của ông Bân, qúi bạn hẳn còn nhớ, nơi đầu mỗi chương trình, đều có đoạn phim nói về cộng đồng này với tiếng chị Bùi Bỉnh Bân đọc những lời đúc kết trách nhiệm và bổn phận của Chủ tịch Cộng đồng người Việt hải ngoại và ông Bùi Bỉnh Bân nhân danh chủ tịch nói chắc nịch : “Tôi xin thề”.
Ông yêu nước. Nhưng ông không làm được gì cho đất nước trong khi đất nước ngày một suy đồi.
Ông thù ghét cộng sản. Ông đã tới các chợ yêu cầu không bán hàng hóa của Việt Cộng.Ông đã sang các nước Đông Âu vừa thoát khỏi nạn cộng sản để nói về chính nghĩa quốc gia bằng tiền túi của ông.. Vậy mà không ít người chống đối, chỉ trích, chê cười ông, mỉa mai ông là Tổng thống Bolsa.
Tới khi qúa tuổi nghỉ hưu, “trai trẻ bao lăm mà đầu bạc”, không còn sức để tung hoành ngang dọc nữa, ông Bân mở đài truyền hình internet. Ông vừa hành nghề vừa học nghề. Tôi đã nhiều lần thấy ông Bân vác máy vào một hội trường để thu hình buổi sinh hoạt của các hội đoàn. Ông bước lặng lẽ. Mọi người nhìn ông lặng lẽ. Ông lặng lẽ đặt camera. Khi hết chương trình, ông lặng lẽ xếp máy. Ông lặng lẽ kéo máy ra xe rồi về phóng lên internet nguyên con, không bình luận.
Công việc ông làm chỉ có thế thì chẳng cần tới ông Bân mà một người cameraman nào cũng làm được.
Nên tôi biết, rõ ràng ông chỉ làm công việc đó cho hết giờ.
Bởi giấc mộng của ông không chỉ muốn làm chủ một đài truyên hình internet..
Nghĩa là Ông không chỉ muốn trở thành Tổng thống Bolsa.
Giấc mộng nào của ông rốt cuộc cũng không thành.
Khi đã biết lực bất tòng tâm, ông nghĩ tới cái chết. Mới đây thôi, ngày 16 tháng 9, 2018 có dịp ngồi bên nhau tôi hỏi ông, khi chết, ông tiếc nuối điều gì. Ông trả lời không do dự : “Tao thương vợ tao”.
Thưa chị Bân,
Tôi không đến đây để nói câu “chia buồn” hay “phân ưu” với chị và các cháu.
Bởi vì chị mất chồng, các cháu mất cha. Và chúng tôi mất bạn. Nào ai cân đo đong đếm đề biết nỗi buồn của ai đầy hay vơi hơn ai. Bởi vỉ, kết bạn với ai là do chính mình lựa chọn nên có nhiều chuyện của mình chỉ bạn biết mà vợ con không biết. Khi một người bạn mất đi là mình coi như mất đi một phần dĩ vãng, một phần đời.
Nên chị và các cháu với chúng tôi, chúng ta không chia buồn mà chúng ta chung một nỗi buồn.
Bân ơi,
Nay là lần đầu tiên tôi được thấy ông nằm đấy. Và tôi cứ bâng khuâng hoài khi nhìn lên chiếc quan tài mà ông là thằng bạn duy nhất của tôi ở Mỹ, vẫn gọi nhau bằng mày mày tao tao, thế mà nay ông đã an tọa trên bàn thờ để tôi cúi đầu lạy ông.
Ông là Phật tử, có pháp danh vậy là ông về cõi niêt bàn. Còn tôi là dân Công giáo, sẽ vể nước thiên đàng. Đâu có còn như ngày trước, ông bà mình cứ nói chết là về với ông bà tổ tiên và coi cái chết chỉ là tạm biệt và hẹn sẽ gặp nhau nơi cõi âm hay ở cuộc đời sau..
Tôi có mấy câu thơ này tặng ông đây:
Bây giờ mình cho nhau tiếng hát,
Kỷ niệm đi chung một đoạn đường
Tiễn biệt mà không mong tái ngộ
Bởi rằng Chúa Phật có biên cương.
Chào ông.
Đỗ Tiến Đức
4 tháng 11, 2018
No comments:
Post a Comment