Một Chuyến Đi...Không Xa
Của Nguyễn Văn Huy - ĐS17
Trong vài ngày nay một số bạn bè liên-lạc với tôi, người thì thăm hỏi, người thì quan-tâm, không biết chuyện gì xảy ra cho cá-nhân tôi khiến cho các bạn không nghe ngóng được tăm hơi của tôi trong vài tuần qua. Tôi xin cám ơn tất cả các bạn. Để cho các bạn của tôi được yên tâm, tôi xin có vài hàng giải-thích như sau:
Ngoài gia đình ba người em của tôi hiện đang sinh sống tại tiểu bang California, tôi còn có người nhà cư ngụ bên miền Đông Hoa Kỳ. Cha mẹ tôi, người thì 83, người thì 80, và gia đình của hai người em khác của tôi đang sống tại tiểu bang New Jersey. Thỉnh thoảng, tôi bay về bên ấy để thăm bố mẹ tôi và các em tôi. Năm nay, tôi về chơi bên ấy vào khoảng giữa tháng 9 và đã trở về lại California vào cuối tháng vừa qua.
Trước khi đi xa, tôi nhận được tin từ bạn bè thông báo là vợ chồng đồng môn Phạm Xuân Phong và Quách Nguyệt Minh (Úc Châu) trong chuyến du lịch Hoa Kỳ sẽ ghé thăm miền Nam California vài ngày kể từ 19/9 và dự trù gặp gỡ các bạn tại đây trong thời gian này. Ngoài ra, tôi cũng được biết là nhà văn QGHC Tâm Triều đã vừa ra đi vĩnh viễn và tang lễ của anh sẽ được các bạn đồng môn khóa 13 của anh lo liệu và cử hành vào ngày 25/9. Cả hai, người đến và người đi, tôi đều không có dịp gặp gỡ. Xem ra mọi sự trên đời là do duyên cả.
Cha mẹ và các em tôi bên New Jersey đều khỏe mạnh cả. Trong thời gian hai tuần gần người thân, ngoài việc ăn, ngủ ra tôi cùng bố tôi đi bộ dọc theo bờ biển mỗi sáng. Đi xong, hai cha con ngồi xuống cái ghế dài ngoài cầu gỗ nói chuyện. Đề tài xoay quanh chuyện gia đình, sức khỏe cho tới thời sự quốc nội, quốc tế. Cũng chính vào thời điểm ấy, bố tôi đưa cho tôi đọc bài 'Hiểu Đời' diễn tả tâm sự của cựu Thủ Tướng Trung Hoa Chu Dung Cơ. Nội dung bài viết ấy rất thú vị. Nó phản ảnh kinh nghiệm của một người hiểu đời từng trải. Tác giả chia sẻ cái triết-lý sống của ông với nhiều người. Người nào có thể cảm nhận và áp dụng được những điều mà tác giả chia sẻ sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc vậy.
Thỉnh thoảng có dịp đọc được bài viết của một số các cựu viên chức cao cấp cộng sản nói chung, tôi nhận thấy họ có đầy tình người và nhận thấy nếu dân chúng được lãnh đạo bởi những người hiểu biết và tha thiết quan-tâm đến cuộc sống của người dân như thế thì thật là đại phước cho dân lắm. (* Tại sao vậy ? Những nhà lãnh đạo CỘNG SẢN đầy tình người mà đất nước CỘNG SẢN lại là ĐẠI HỌA ? Có phải những nhà lãnh đạo ấy chỉ viết ra NHỮNG ĐIỀU DỐI TRÁ ,tự đánh bóng cho cá nhân mình ??? Nếu tác giả tin vào sách vở của chúng thì hóa ra tự mình mâu thuẫn khi viết ra 2 câu đối ngịch nầy chăng ???!!!)
Ấy nhưng trên thực tế, tôi lại thấy nước nào mà cộng sản cầm quyền thì thường là đại họa. Có lẽ từ kiếp nào dân chúng các nước này vụng tu cho nên mới được các nhà lãnh đạo kiểu này dẫn dắt ấy thôi. (Nếu tin là tại dân chúng VỤNG TU thì thử hỏi các nước có TỰ DO DÂN CHỦ như ANH, PHÁP, HOA KỲ, ÚC, CANADA ... có tu hành nhiều hơn TRUNG CỘNG, BẮC HÀN, VIỆT NAM , CU BA không ???!!! Tác giả có rãnh làm ơn chứng minh thực tế giùm ....!!!)
Xưa nay, lời nói và việc làm của các nhà lãnh đạo cộng sản thường không đi đôi với nhau. Vì thế cho nên tôi xem cái sự 'Hiểu Đời' của ngài cựu Thủ Tướng Trung Quốc chỉ có giá trị lý thuyết mà thôi. Tiếc là vào lúc có đầy đủ quyền hành họ đã không thi hành cái quan niệm đầy nhân bản của họ. Chờ đến lúc về hưu rồi mới nói điều đạo đức dạy đời chẳng có ích chi. Không những thế nó khiến cho người đọc nhìn ra được bản chất đạo đức giả của họ.
Vào tuần trước, tôi đọc được một tin trên báo tường thuật về nghị hội do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức bàn về lịch sử can dự của Mỹ tại Đông Nam Á. Bài báo ấy có ghi lại lời phát biểu của Tiến sĩ Henry Kissinger và bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton. Thú thật là sau khi xem lời phát biểu của hai nhà ngoại giao này tôi thấy phát chán, chẳng khác gì đọc bài viết của ông cựu Thủ Tướng Chu Dung Cơ vừa kể ở phần trên. Chính vì thế, tôi đã không muốn bàn về vấn đề này. Bất thình lình, có một anh bạn gởi tới cho tôi bài báo ấy và hỏi xem tôi nghĩ thế nào về các lời phát-biểu ấy. Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được hơn 35 năm. Đã có rất nhiều sách vở viết về đề tài này rồi cho nên chúng ta không muốn bàn về vấn đề này nữa. Tôi thấy là con người khi về già thường hay phát biểu lỉnh kỉnh, chẳng có ra làm sao cả, mà nhà trí thức Kissinger là một người trong số đó. Ở địa vị của một người dân thường như tôi, tôi chỉ suy nghĩ giản dị như thế này: Cái chế độ nào mà tôi cảm thấy thoải mái, no ấm, và cái nhân quyền và dân quyền của tôi được bảo đảm một cách tương đối là tôi còn muốn sống trong chế độ ấy, còn nếu không có được những thứ ấy, dù các nhà lãnh đạo có nói hay, tuyên truyền, dụ dỗ và cho tôi ăn cái bánh vẽ, thì khi có cơ hội là tôi chạy xa ngay. Một anh bạn của tôi đã từng nói: "Có những người mà ta chỉ nên đứng xa mà nhìn, còn lại gần là mang họa" xem ra không phải chỉ để mà nghe chơi mà cần phải thực hành áp dụng. Thế thì vào năm 1954, dân Việt Nam đã áp dụng câu này để xuôi Nam. Đến năm 1975, dân Việt Nam lại áp dụng câu này để rời xa đất nước một lần nữa. Nếu có một cường quốc nào xuyên qua kinh nghiệm bản thân giúp tôi sống tại nước tôi và có được hạnh phúc, cơm no áo ấm, nhân quyền và dân quyền được bảo đảm và đất nước tôi vẫn giữ được chủ quyền thì tôi mang ơn họ. Tôi ngán ngẫm ông đồng minh Hoa Kỳ to lớn. Nhảy vào Đông Nam Á để giúp các nước nhỏ bé khác ngăn chặn sự lan tràn của chủ thuyết Cộng sản, ấy thế mà với khả năng có thừa nhưng làm việc nửa vời, không tới nơi tới chốn, để lại hậu quả đau thương cho bao nhiêu người cả Việt lẫn Mỹ. Nếu bảo rằng can dự vào một cuộc chiến mà ngay từ đầu đã biết rằng mình thua như thế thì thà đừng can dự từ đầu thì hơn. Lịch sử cho thấy cứ mỗi lần tình hình gần ngã ngũ thì ông đồng minh lại dừng tay lại chờ cho đối phương phục hồi.
Chiến tranh kéo dài, thiệt hại tăng lên rồi đến ngày tranh cử lòng dân chán ngán thế là rút quân. Muốn sống tự do dân chủ nhưng tự mình không đủ sức để bảo vệ nó cho nên mình mới cần có sự giúp sức của một ông đồng minh vừa trẻ vừa khỏe, mà lại vừa chúa ghét thực dân nhưng họ lại thiếu kiên nhẫn và thiếu dứt khoát khiến cho hậu-quả tai hại xảy ra. Sau bao nhiêu năm dài, các nhà chính trị và trí thức Hoa Kỳ lại phát biểu linh tinh nghe phát chán cả người. Ở đời xem ra đừng quan trọng hóa sự việc chừng nào thì càng đỡ tức chừng ấy. Không biết các nhà lãnh đạo của các nước cộng sản nghĩ thế nào, chứ vào thời buổi này mà các quyền tự do dân chủ của người dân chỉ được ghi nhận làm cảnh trong hiến pháp chứ không được thực thi nghiêm chỉnh, một đất nước mà nếu cho mở rộng cửa người dân sẽ di tản ra nước ngoài hết. Cộng sản gì mà cứ như quân chủ chuyên chế vậy. Bên nước Cuba, ông anh bệnh hoạn nhường ngôi lại cho ông em. Bên Bắc Hàn, ông bố chết, ngai vàng nhường lại cho ông con, nay ông con bị bệnh, ngôi báu đang được chuyển nhượng cho ông con út đại tướng 27 tuổi. Cái này đúng là một trò hề! Dân chúng thì đói rét, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lãnh đạo chẳng quan tâm, chi lo chế tạo võ khí nguyên tử, gây hấn hết nước này đến nước khác.
Lúc còn sống, mà từ lãnh đạo cho đến dân chúng, họ hàng và bạn bè cư xử với nhau bằng đầy tình người thì sau này khi về già mọi người nhìn lại mới không cảm thấy hối tiếc và sau khi chết đi để lại ít nhiều thương cảm nơi người còn sống mới là điều đáng quý. Điều này làm tôi liên tưởng đến một phim Đại Hàn mà tôi vừa xem được có tên là Lá Ngọc Cành Vàng. Nội dung của phim có vài điều suy ngẫm chẳng hạn như sự già dặn của con người ta không nhất thiết phải đi đôi với tuổi tác, tiêu chuẩn hạnh phúc và an-lạc của người này khác người kia và sống làm sao để khi nhìn lại người ta tránh được ân hận và tiếc nuối. Có một đọan phim mô tả vài hình ảnh tuy giản dị nhưng lại giúp người xem rút tỉa được vài kinh nghiệm sâu sắc. Đó là đoạn ông chủ của một công ty lớn khi đối diện với người vợ yêu quý của mình lúc bà ấy phát ra chứng bệnh Alzheimer không còn nhận ra ông nữa thì ông mới nhận ra thời-gian quá khứ mà ông dành cho vợ ông là quá ít ỏi. Ông kể lại cho người nhà câu chuyện mà ông nghe được từ một người bạn. Người bạn của ông sau khi có bà vợ mất đi có tâm sự với ông rằng phải chi vợ ông ta còn sống thì bà ấy có đánh ông, ông cũng sẵn sàng chịu đựng. Ông chủ công ty, tiền bạc thừa thãi kể chuyện của bạn ông mà có khác gì đang nói về chuyện của ông đâu! Chờ cho đến khi chính mình trải nghiệm thì cảm giác đau khổ vô ngần!
"Hạnh phúc của phần đông những người tôi biết bị hủy hoại không phải bởi những thiên tai lớn hay những lỗi lầm chết người mà là bởi những sự lập đi lập lại chậm rãi bởi những chuyện nhỏ tai hại." (The happiness of most people we know is not ruined by great catastrophies or fatal errors but by the repetition of slowly destructive little things. Earnest Dimnet)
Tìm thấy hạnh phúc bên trong không dễ và thật vô phương đi tìm nó ở bên ngoài. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere. - Agnes Repplier) "Đôi khi người ta tạo được một cảm giác mạnh nhờ nói ra điều gì, và đôi khi người ta tạo được một cảm giác đáng kể nhờ giữ im lặng." (Sometimes one creates a dynamic impression by saying something, and sometimes one creates as significant an impression by remaining silent. - Dalai Lama)
Nguyễn văn Huy
No comments:
Post a Comment